Nhớ “Các anh về mái ấm nhà vui / Câu hát tiếng cười / Rộn ràng xóm nhỏ / Các anh về tưng bừng trước ngõ / Lớp đàn em hớn hở theo sau...” (Hoàng Trung Thông, “Bao giờ trở lại”). Nhớ nỗi vui của các ông cụ bà cụ trong ký “Quê trung du”, “Nhà đồi” của Quang Dũng... “Bộ đội về làng” mà, trẻ già đều thấy vui như Tết. Trẻ là “lớp đàn em”, khoảng mười bốn mười lăm tuổi, chỉ vài năm nữa thôi sẽ ra đi nối gót “các anh” nếu kháng chiến chưa thắng lợi. Trẻ cũng là lớp cháu, mới lên bảy lên mười, còn là trẻ con. Trong “bầy con nít” có một số đứa khi lớn lên sẽ làm thơ về ấn tượng bộ đội trong tuổi thơ mình. Đặc biệt, có một đứa đã không đợi lớn mới làm, vừa đánh bi vừa gieo những vần ngây thơ nhưng chính là thơ...

(Thu Tứ)



Trần Đăng Khoa, “Gửi theo các chú bộ đội”




Cháu nghe chú đánh những đâu
Những tàu chiến cháy, những tàu bay rơi
Đến đây chỉ thấy chú cười
Chú đi gánh nước, chú ngồi đánh bi

Rồi từ nhà cháu, chú đi
Lúa chiêm vào mẩy, chim ri bay về
Nghiêng nghiêng buồng chuối bên hè
Rặng tre, bãi mía bốn bề vẫy theo...

Chú qua bao suối bao đèo
Đến nay chắc đã thêm nhiều chiến công
Ngoài này cháu đứng cháu trông
Những đêm súng nổ, lửa hồng chân mây

Cháu về lớp cũ, tường xây
Thông hào luồn dưới bóng cây xanh rờn
Chú đi phá nốt bốt đồn
Cuối trời còn giặc, chú còn ra đi

Vẫn mong ngày chú trở về
Lại ngồi với cháu bên hè đánh bi...


1968