17 giờ, khai hỏa. 23 giờ 30, 312 báo cáo hoàn thành nhiệm vụ. Chỉ sau năm tiếng rưỡi, đã thành cát bụi cả một trung tâm đề kháng có “công trình phòng ngự được bố trí hoàn hảo” với 750 quân là tinh hoa của lực lượng viễn chinh Pháp! Nó đã tan tành, bất chấp 6.000 viên đạn đại bác bắn chi viện cho nó!

“Những người lính lê-dương gục xuống, bị thương và chết nằm la liệt. Tất cả đều kinh ngạc (…)”. Kinh ngạc là bởi chỉ quen “cho”, chưa biết “nhận”. Ngoài việc giúp thanh toán Him Lam, trận pháo mở màn của ta đã tiêu diệt già nửa không quân tại chỗ của địch (còn 3 chiếc trong hầm) và giết chết “đại tá Gô-sê và bộ tham mưu”. Thế là ra mắt tuyệt đẹp!

Tiền pháo hậu xung. Thực ra, còn phải đợi “mở cửa”. Để mở được cửa, cần phải đóng hết những cái lỗ đang xối xả tuôn đạn ra kia. Đêm 13 tháng 3 năm 1954, có một người chiến sĩ Việt Nam đã bịt lỗ châu mai lô-cốt địch bằng đầu vai của chính mình. Muôn năm Phan Đình Giót!
(Thu Tứ)



Võ Nguyên Giáp, “Trận Him Lam ngày 13-3-54”



Hạ sĩ Ku-bi-ắc (Kubiak) sống sót trong trận Him Lam đã kể lại về trận pháo mở màn chiều ngày 13 tháng 3 năm 1954 như sau: “Vào lúc đó, dập một cái, Ngày Tận Thế đã đến… Béatrice bay đi, tan thành bụi. Quanh tôi đất đá tung lên, những người lính lê-dương gục xuống, bị thương và chết nằm la liệt. Tất cả đều kinh ngạc (…)”.

Một viên đạn pháo rơi trúng sở chỉ huy Him Lam giết chết viên tiểu đoàn trưởng Pê-gô (Pégaux) cùng với ba sĩ quan khác (…)

Không riêng trung tâm đề kháng Him Lam, cả khu trung tâm cũng rung lên dưới đợt pháo kích.

Bảy chiếc máy bay thả bom nằm trên sân bay Mường Thanh vội vàng nổ máy định theo nhau cất cánh. Một chiếc vừa rời mặt đất thì phía đầu đường băng một luồng lửa chợt phụt lên. Cao xạ ra xuất hiện lần đầu. Sáu chiếc khác không dám cất cánh tiếp, lần lượt trúng đạn đại bác. Một kho xăng bốc cháy. Các trận địa pháo ở Mường Thanh tê liệt. 12 khẩu trọng pháo và súng cối bị đánh hỏng. Nhiều đường dây điện thoại từ khu trung tâm tới các cứ điểm bị cắt đứt. Nhiều hầm, hào, công sự sụp đổ.

17 giờ 30, Lăng-gơ-le, chỉ huy các đơn vị phản kích, đang ngồi với tám người khác trong hầm thì một viên đại bác xuyên qua nóc. Căn hầm đổ rụi. Tất cả không hiểu vì sao thoát chết. Giữa lúc đó, lại nghe tiếng đạn rít. Quả pháo thứ hai vẫn theo đường cũ đi sạt qua vai trung úy Roa (Roy) chui vào lòng đất nhưng không nổ. Cả bọn lại hú vía. Không phải ở đâu cũng gặp may như ở đây. Tiếng chuông điện thoại réo. Lăng-gơ-le cầm máy. Đầu dây là tiếng Đờ Cát:

- Đại ta Gô-sê (Gaucher) vừa chết trong hầm cùng với cả bộ tham mưu, trừ Va-đô (Vadot). Cậu thay thế ngay, làm chỉ huy phó phân khu trung tâm. Va-đô sẽ thông báo tình hình. Bàn giao lực lượng phản kích cho Pa-dít (Pazzis).

(…)

Trong khi pháo ta bắn cấp tập, quân địch chưa kịp phản ứng, ở cứ điểm số 3, các chiến sĩ sơn pháo đi cùng bộ binh tiến lên đặt pháo ngay trước cứ điểm, bắn thẳng vào các lô-cốt, ụ súng đã được đánh số, cùng với đơn vị trợ chiến yểm trợ hỏa lực cho bộ binh xông lên đặt những ống thuốc nổ mở cửa đột phá. Chỉ sau 40 phút, trung đội bộc phá đã dọn sạch một con đường xuyên qua trên một trăm mét rào dây kẽm gai và bãi mìn. Chiến sĩ thi đua Trần Can cầm lá cờ Quyết Chiến Quyết Thắng đỏ thắm cùng với tiểu đội mũi nhọn vượt qua cửa mở, dẫn đầu đại đội 366 xông lên đồn địch. Khi quân địch bắt đầu bắn cản thì một trung đội xung kích đã lọt vào cứ điểm, chia thành hai mũi đánh tỏa ra hai bên. Tiểu đội trưởng Trần Can cùng với tiểu đội lao thẳng tới sở chỉ huy đại đội của địch trên đỉnh đồi. Quân địch dựa vào lô-cốt chống trả quyết liệt. Tiểu đội bí mật áp sát, giật một khối bộc phá 10 ki-lô-gam đánh sập lô-cốt, giết chết viên quan ba chỉ huy cùng một số tên địch. Lá cờ Quyết Chiến Quyết Thắng tung bay trên cứ điểm số 3. Chỉ sau một giờ chiến đấu, tiểu đoàn 130 đã hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt gọn đại đội lê-dương số 11.

Đại đội chủ công của tiểu đoàn 428 tiến đánh cứ điểm số 2, vừa mở xong hàng rào cuối cùng thì vấp phải một luồng đạn từ lô-cốt tiền duyên không ngừng tuôn ra cửa mở. Đại đội dùng hỏa lực bắn thẳng của bản thân đơn vị kiềm chế hỏa lực địch, mở đường cho xung kích. Nhưng mãi vẫn không dập tắt được hỏa điểm. Tiểu đội trưởng Phan Đình Giót mau lẹ trườn lên dưới làn đạn của địch, bắn tiểu liên và ném lựu đạn về phía lô-cốt. Khi anh tới gần lô-cốt thì đạn và lựu đạn đã hết. Anh lao mình vào lỗ châu mai làm ngừng tiếng súng trong giây lát, tạo thời cơ cho bộ đội xung phong. Hành động anh hùng của Phan Đình Giót đã cổ vũ toàn thể đồng đội. Các chiến sĩ xông lên đánh giáp lá cà nhanh chóng tiêu diệt quân địch trong cứ điểm. Một số tên ngoan cố bám giữ một mỏm đột xuất ở phía tây bắc, dai dẳng chống cự. Quân ta liên tiếp đột phá, xung phong tiêu diệt nốt những tên cuối cùng. 22 giờ 30, tiểu đoàn 428 đánh chiếm xong toàn bộ cứ điểm số 2.

Tại cứ điểm số 1, tiểu đoàn 11 phải vượt qua nhiều hàng rào đại bác của địch, lực lượng bị tiêu hao, vào chiếm lĩnh trận địa xuất phát xung phong chậm. Lúc này pháo địch ở Mường Thanh đã hoàn hồn, bắt đầu đổ đạn bắn chặn. Hỏa lực trong đồn tuôn về phía bộ đội đang mở cửa đột phá. Trung đội bộc phá của đại đội 243 mở được bảy hàng rào thì gặp hai hỏa điểm bắn chéo cánh sẻ, các chiến sĩ lên người nào thương vong người đó. Tiểu đoàn trưởng quyết định sử dụng trung đội bộc phá dự bị và điều một súng ĐKZ lên yểm hộ bắn sập lô-cốt tiền duyên. Nhưng hỏa lực trong cứ điểm không biết từ chỗ nào vẫn tiếp tục tuôn ra chặn đứng các chiến sĩ xung kích trước hàng rào cuối cùng. Địch trong đồn hết sức cầm cự hy vọng sẽ có lực lượng phản kích từ Mường Thanh tới cứu nguy. Tư lệnh Đại đoàn 312 ra lệnh cho các đơn vị đã chiếm được hai cứ điểm số 2 và 3 sang phối hợp với tiểu đoàn 11 tiêu diệt cứ điểm số 1. Nhưng cả hai đơn vị đều không tìm ra đường giữa các bãi mìn và dây thép gai dày đặc.

Trong đêm, Pi-rốt (Piroth) đã dội 6000 viên đại bác xuống chung quanh Him Lam.

Thấy trận đánh có chiều hướng kéo dài, tôi gọi điện cho anh Lê Trọng Tấn nhắc gắng kết thúc trước khi trời sáng. Anh Tấn cho biết tiểu đoàn 11 vẫn báo cáo quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ, nhưng trung đoàn 141 đã ra lệnh cho tiểu đoàn dự bị vào trận. Giữa lúc đó, tại nơi tiểu đoàn 11 đang cố mở cửa, đại đội phó Hiệu bò lên quan sát, phát hiện được hai hỏa điểm ngầm. Anh quay xuống dẫn lên bốn tổ đại liên, cho đồng loạt tuôn đạn về phía hỏa điểm địch tạo điều kiện cho các chiến sĩ bộc phá mở nốt hàng rào cuối cùng. Tiểu đội trưởng Trần Oanh dẫn đầu mũi nhọn lao lên như một cơn lốc (…) Toàn đơn vị đánh vào tung thâm (…)

23 giờ 30 ngày 13 tháng 3, đồng chí Lê Trọng Tấn báo cáo Bộ chỉ huy chiến dịch: Đại đoàn 312 đã hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt trung tâm đề kháng Him Lam, diệt 300 tên, bắt 200 tên, thu nhiều vũ khí, trang bị. Một số quân địch sống sót bỏ chạy vào rừng.


(Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hồi ký
Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử in lại trong Tổng tập hồi ký, nxb. Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2006, tr. 995-999. Nhan đề phần trích tạm đặt.)