“Số lượng đạn đại bác được phê chuẩn cho trận đánh mở màn: 2000 viên!”. Chỉ có 2000 mà “tặng” cho cả Him Lam lẫn phân khu trung tâm, trong khi địch đã bắn 5000 viên yểm trợ cho cứ điểm Tu Vũ (Hòa Bình) bị ta tiến công đêm 10 tháng 12 năm 1951.

Tại sao 312 đào trận địa xuất phát xung phong sớm một ngày, để bị địch ra san lấp đi? Chắc vì ta đã ước lượng nó không thể san lấp được tất cả. Hôm nay đào, rồi cố giữ được chừng nào hay chừng ấy, rồi mai đào tiếp, mới đủ.

Tại sao chiều ngày 13 tháng 3, 312 bắt đầu tiến ra trận địa xuất phát xung phong sớm mà không đợi đến sau khi pháo ta đã “đồng ca” làm nó tạm thời tê liệt cho đỡ tổn thất? Chắc vì nếu đợi thì sương mù sẽ xuống nhiều quá, bộ đội khó di chuyển.

Cái việc ta đánh Him Lam là hoàn toàn không bất ngờ đối với địch. Ta sắp sửa đánh thì nó cũng biết. Điều nó không ngờ không biết là hỏa lực mới của ta: vừa dữ dội hơn hẳn trong tất cả những lần nổ súng khác, vừa được bảo vệ hết sức chắc chắn, không có cách gì tiêu diệt được!

(Thu Tứ)



Võ Nguyên Giáp, “Tôi hạ lệnh (...) bắt đầu”



Nhiệm vụ của bộ đội ta trong cuộc tiến công thứ nhất là tiêu diệt ba trung tâm đề kháng Him Lam, Đồi Độc Lập, Bản Kéo bảo vệ cho tập đoàn cứ điểm ở hướng bắc và đông bắc, ngăn chặn quân ta từ hai trục đường Lai Châu - Điện Biên Phủ và Tuần Giáo - Điện Biên Phủ tiến vào cánh đồng Mường Thanh.

Các đơn vị đều mong mỏi được đánh trận mở màn. 308 và 306 mới trải qua những trận truy kích đường dài, lực lượng ít nhiều bị tiêu hao. 312 tuy phải tham gia kéo pháo, làm đường và xây dựng trận địa khá mệt nhọc, nhưng lực lượng còn nguyên vẹn, được Bộ chỉ huy Mặt trận chọn làm đơn vị chủ công mở màn chiến dịch (…)

Lúc đầu, ta chủ trương đánh cả Him Lam và Đồi Độc Lập trong một đêm, sau đó sẽ tiêu diệt nốt trung tâm còn lại là Bản Kéo. Đánh hai nơi cùng lúc có lợi là phân tán được hỏa lực chi viện của tập đoàn cứ điểm. Nhưng khi tính toán cụ thể, thấy không đủ sơn pháo 75 ly cho hai cuộc tập kích đồng thời, Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định đánh Him Lam trước, ngay sau đó chuyển pháo sang cho đơn vị sẽ đánh Đồi Độc Lập vào đêm hôm sau.

Trung tâm đề kháng Him Lam nằm ở phía đông bắc, trên con đường 41 từ Tuần Giáo vào, có nhiệm vụ bảo vệ tập đoàn cứ điểm từ xa. Địch coi đây sẽ là hướng tiến công chính của bộ đội ta. Do tính chất quan trọng của vị trí, chúng đã bố trí tại Him Lam một tiểu đoàn 750 người thuộc bán lữ đoàn lê-dương 13. Lá cờ của bán lữ đoàn mang dòng chữ Bir Hakeim quang vinh (hai chữ này là tên một địa điểm ở Bắc Phi nơi đơn vị này đã chiến đấu xuất sắc trong Thế chiến thứ Hai - GN) (…) Tất cả những người tới thăm đều khen công trình phòng ngự ở đây được bố trí hoàn hảo (…)

Để bảo đảm trận đầu phải thắng, tham mưu đã bố trí một lực lượng đông hơn quân địch gấp 3 lần (…) Ở Him Lam (có khó khăn) là ta không thể đẩy chiến hào vào gần tất cả các cứ điểm vì hướng chủ yếu bị dòng sông Nậm Rốm cắt ngang (…)

*

Đêm 11 tháng 3, bộ đội 312 tiến hành đào trận địa xuất phát xung phong. Các chiến hào trước đó vẫn nằm ẩn mình dưới tán cây rừng (…) nay bắt đầu đổ xuống cánh đồng đâm thẳng vào cứ điểm địch. Lúc này địch mới biết ta sắp đánh Him Lam. Suốt ngày 12, địch cho máy bay, đại bác bắn phá các cửa rừng, nơi chúng nghi ngờ có quân ta, và đưa bộ binh, xe ủi đất ra san lấp trận địa chiến hào ta vừa đào (…)

Đêm 12, Đại đoàn 312 tiếp tục đào trận địa xuất phát xung phong.

Sáng 13 tháng 3 năm 1954, tôi đến cơ quan tác chiến sớm hơn thường lệ. Các phòng trong đường hầm đều sáng ánh đèn. Trong những ô nhỏ khoét vào vách hầm, cán bộ trợ lý tác chiến đã ngồi bên máy điện thoại bắt thẳng tới từng đại đoàn và pháo binh. Mọi người đều có vẻ mặt trang nghiêm (…)

Các đồng chí trong Đảng ủy, Bộ chỉ huy chiến dịch, cục trưởng Tác chiến cũng đã có mặt ở phòng họp nơi ba nhánh đường hầm gặp nhau (…)

Mọi công việc chuẩn bị cho trận đánh chiều nay đã hoàn tất. Tôi trở về hầm chỉ huy.

Ngày 13 tháng 3 năm 1954 đối với tôi là một ngày rất dài.

Trước mặt tôi là tấm bản đồ Điện Biên Phủ trải rộng. Bên cạnh, có bản yếu đồ hỏa lực pháo ghi số lượng đạn đại bác được phê chuẩn cho trận đánh mở màn: 2000 viên! (...)

Tôi gọi điện thoại cho trung đoàn trưởng trung đoàn lựu pháo 45, hỏi:

- Pháo binh đã đo đạc, tính toán kỹ, có thể (...) bắn chính xác ngay từ những loạt đạn đầu không?

- (...) Chúng tôi đã chuẩn bị rất cẩn thận. Mỗi đại đội chỉ cần bắn một viên, quan sát kết quả, hiệu chỉnh, rồi chuyển qua bắn hiệu lực ngay!

- (...) cho mỗi đại đội bắn thử hai viên trước giờ G (...)

Máy bay địch lại lồng lộn trút bom xuống các cửa rừng. Những đường hào nhắm vào các cứ điểm xuất hiện lần thứ hai khẳng định trận đánh Him Lam sắp bắt đầu.

8 giờ sáng, hai máy bay Đa-kô-ta vừa hạ cánh xuống sân bay bị trúng đạn sơn pháo của ta, bốc cháy.

10g30, súng cối 120 ly bắt đầu bắn thử. Một chiếc Đa-kô-ta thứ ba nằm trên sân bay bị gãy đôi.

Ngay sau đó, các đài quan sát dồn dập báo cáo: bộ binh và hai xe tăng từ Mường Thanh tiến ra, đánh vào trận địa xuất phát xung phong của ta. Địch đang lặp lại công việc đã làm hôm qua (...) Tư lệnh 312 đề nghị Bộ chỉ huy Mặt trận cho một bộ phận lựu pháo 105 ly bắn chặn quân địch, bảo vệ đường hào xuất phát xung phong.

Nếu để địch (...) dùng xe ủi đất lấp hết những đường hào, chiều nay bộ đội đánh vào Him Lam sẽ gặp khó khăn (...) Ta định giữ bí mật hỏa lực 105 đến gần giờ nổ súng vào buổi chiều, nhưng trong tình hình này (...) Tôi ra lệnh kết hợp với mục đích hiệu chỉnh, bắn 20 phát 105 vào Him Lam.

Đại đoàn 351 báo cáo: trừ hai phát đầu không trúng mục tiêu, 18 phát sau đều rơi vào Him Lam, phá vỡ nhiều công sự, khói pháo đang trùm lên đồn địch. Bọn địch từ Mường Thanh ra tháo chạy còn nhanh hơn cả xe tăng.

Lát sau, anh Lê Trọng Tấn báo cáo, ở Him Lam đang có những tên lính từ trong công sự bò ra quan sát những điểm nổ của pháo ta, chắc chúng đã biết đó là pháo 105 ly.

Tôi nói:

- Địch sớm mất tinh thần, bộ đội tiến công chiều nay càng thuận lợi!

Trận địa Him Lam trở lại im ắng.

Riêng máy bay địch tiếp tục lượn vòng trên bầu trời, thỉnh thoảng lao xuống bắn vào rừng cây. Tiếng rú rít của máy bay như nói lên sự hốt hoảng của địch trước một tai họa đang tiến đến gần mà chúng không có cách nào ngăn lại (...)

Tôi cảm thấy thời gian đi quá chậm.

15 giờ, các đơn vị của 312 bắt đầu tiến ra trận địa xuất phát xung phong.

Mũi tiến quân của trung đoàn 209 ở hướng phụ do trung đoàn trưởng Hoàng Cầm và chính ủy Trần Quân Lập chỉ huy có đường hào ngụy trang kín đáo, không gặp trở ngại. 16 giờ 30, tiểu đoàn 130 đã áp sát cứ điểm số 3.

Ở hướng chủ yếu, hai tiểu đoàn 428 và 11 của trung đoàn 141 do trung đoàn trưởng Quang Tuyến và chính ủy Mạc Ninh chỉ huy phải vượt qua sông Nậm Rốm và đoạn đường trống trải từ bờ sông đến đồn địch, bị pháo bắn chặn, một số chiến sĩ thương vong. Hai chiếc cầu ngầm công binh bắc qua sông đã bị đại bác bắn hỏng. Ở những bến vượt, mặc pháo địch, cán bộ đại đội vẫn đứng bên bờ sông động viên bộ đội nhanh chóng lội qua. Đại đội trợ chiến của tiểu đoàn 428 bị pháo địch bắn trùm lên đội hình. Đại đội trưởng, đại đội phó hy sinh, một khẩu ĐKZ bị hỏng. Nhưng toàn đại đội vẫn kiên quyết tiến vào chiếm lĩnh trận địa. Tiểu đoàn 428 tới vị trí xuất phát xung phong vào cứ điểm số 2 đúng giờ quy định.

Trời đã hoàng hôn. Chiếc máy bay xuất kích cuối cùng trong ngày từ Hà Nội đã quay về. Các đài quan sát báo cáo sương mù xuống mỗi lúc một nhiều. Đơn vị tiến công đề nghị cho nổ súng sớm.

Tôi gọi điện thoại cho bộ chỉ huy pháo binh:

- Pháo binh đã sẵn sàng chưa?

Quyền tư lệnh Đào Văn Trường trả lời:

- Báo cáo, tất cả đều sẵn sàng, chỉ còn chờ lệnh Bộ chỉ huy.

- Bộ chỉ huy Mặt trận đồng ý với đề nghị của bộ binh cho nổ súng sớm. Tôi hạ lệnh trận mở màn chiến dịch lịch sử bắt đầu. Pháo binh bắn trúng, bắn thật mạnh, cấp tập!

Cùng lúc toàn bộ lực lượng pháo binh của ta, 40 khẩu pháo cỡ từ 75 ly đến 120 ly, đồng loạt nhả đạn.

Lúc đó là 17 giờ 05 phút.


(Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hồi ký
Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử in lại trong Tổng tập hồi ký, nxb. Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2006, tr. 987-995. Nhan đề phần trích tạm đặt.)