“Cuối tháng 2 năm 1954 (...) Toàn bộ lực lượng địch, và ta, đều đã triển khai (...) Thế trận của ta đã hình thành! (...) Tất cả đều đã chín muồi”. Giờ G sắp điểm, tổng chỉ huy của hai bên đang nghĩ gì?

Phía địch, không như tất cả cấp trên và cấp dưới của mình rất tin tưởng vào chiến thắng, Na-va tỏ ra đặc biệt dè dặt. Trong lời “gợi ý” khi lên thăm Con Nhím lần cuối cùng, viên đại tướng Pháp này đã nói một câu bộc lộ thâm tâm: “... Chỉ một vài lần trì hoãn như vậy là tới mùa mưa, trận đánh sẽ không xảy ra”. Rõ ràng y có linh cảm không lành!

Phía ta, sự dè dặt của Đại tướng Võ Nguyên Giáp có thể thấy ngay trong cái phương châm mới. Để ý là từ “đánh nhanh thắng nhanh” ta chuyển qua “đánh chắc tiến chắc”, chứ không phải “thắng chắc”! Nghĩa là, trước tiên ta nhất định không để thua, còn thắng thì nếu Con Nhím nhũn sau khi bị siết, ta sẽ chuyển ngược về phương châm lúc đầu mà hỏa tốc hóa kiếp nó luôn!

“Đêm ngày 4 tháng 3 năm 1954 (...) quân ta bí mật đột nhập sân bay Gia Lâm, đốt cháy 12 máy bay (...) Đêm ngày 6 tháng 3, bộ đội địa phương Kiến An đột nhập sân bay Cát Bi, phá hủy 4 máy bay B-26 và 6 máy bay Mo-ran. Chính tài liệu của phương Tây cũng ghi là số máy bay bị tiêu diệt trong hai đêm 4 và 6 tháng 3 năm 1954 là 22 chiếc”. Dễ gì mà bắn rơi chừng ấy chiếc trong hai đêm! Tất cả là nhờ đánh khi “máy” chưa “bay”. Xét hiệu năng, hai trận này và trận tập kích sân bay Bạch Mai năm 1950 hẳn đứng đầu trong toàn bộ cuộc kháng chiến chống Pháp.

(Thu Tứ)



Võ Nguyên Giáp, “Tất cả đều đã chín muồi”



Trong khoảng thời gian một tháng, kể từ ngày ta hoãn cuộc tiến công vào Điện Biên Phủ đến cuối tháng 2 năm 1954, toàn bộ kế hoạch Đông Xuân 1953 - 1954 đã được triển khai trên toàn chiến trường Đông Dương. Với những đơn vị không lớn hoạt động ở những hướng khác nhau, quân và dân Đông Dương đã thực hiện được mục tiêu đầu tiên, rất cơ bản, trong kế hoạch là làm cho lực lượng cơ động địch buộc phải phân tán (…)

Tại đồng bằng Bắc bộ (Pháp) chỉ còn lại 3 binh đoàn cơ động. Phần lớn những đơn vị của các binh đoàn này cũng không còn là cơ động, vì phải chia ra để bảo vệ những khu vực, tuyến đường quan trọng.

Có thể nói chín phần mười trong tổng số 82 tiểu đoàn cơ động chiến lược và chiến thuật của Na-va đã phân tán khi trận đánh chính chưa nổ ra.

Toàn bộ lực lượng địch, và ta, đều đã triển khai.

Tới lúc này, có thể nói: Thế trận của ta đã hình thành!

Những hoạt động Đông Xuân của ta và bạn không chỉ làm đảo lộn thế bố trí của địch trên các chiến trường, mở rộng vùng giải phóng tại Việt Nam và Lào thêm hàng chục ngàn ki-lô-mét vuông, mà còn tạo điều kiện cho ta tiếp tục phát triển đánh địch ở nhiều hướng, đặc biệt là vùng địch hậu Bắc bộ. Quan trọng nhất, là nó đã tạo ra một điểm quyết chiến chiến lược từ lâu ta hằng mong đợi. Hạ tuần tháng 11 năm 1953, Na-va ném xuống Điện Biên Phủ 6 tiểu đoàn với ý định ngăn chặn một đại đoàn chủ lực của ta đang tiến vào Tây Bắc (…) Castor chỉ là một cuộc hành binh thứ yếu (…) có tính địa phương, nhằm giữ nguyên trạng tình hình trên chiến trường chính với chủ trương phòng ngự chiến lược của Na-va. Chỉ ba tháng sau, do những cuộc điều binh của ta trên bàn cờ chiến cuộc Đông Xuân, Điện Biên Phủ đã trở thành nơi quyết định vận mệnh chiến tranh.

Tất cả đều đã chín muồi cho trận đánh quyết định. Ta đã ghìm chân quân địch trên khắp các chiến trường, Na-va không còn gì nhiều để cứu nguy cho con nhím Điện Biên Phủ.

Ngoại trừ những cuộc phản kích lẻ tẻ của địch, chiến trường Điện Biên Phủ suốt thời gian này hầu như im ắng. Toàn bộ công cuộc chuẩn bị của ta cho phương án “đánh chắc tiến chắc” đều giấu kín dưới màn lá ngụy trang được tạo nên rất công phu. Công binh đã hạn chế tiếng mìn phá đá bằng cách dùng những lượng thuốc nổ nhỏ đặt rất sâu. Một dây xích khổng lồ đã siết chặt chung quanh cánh đồng Mường Thanh. Địch không biết là lúc này, ngay đến chuyện rút lui khỏi đây, chúng cũng đã hết cơ hội (…)

Hạ tuần tháng 2 năm 1954, Bộ chỉ huy chiến dịch ra lệnh cho 308 ngừng tiến công ở Thượng Lào, bí mật và nhanh chóng quay về Điện Biên Phủ.

Tại Mường Phăng, bên cạnh cái lán của tôi đã xuất hiện một hệ thống đường hầm nhỏ. Nó chia thành 3 nhánh đồng tâm, hình rẻ quạt, chạy xuyên vào trái đồi, dài khoảng 300 mét. Một nhánh có đường giao thông hào nối liền với cơ quan tham mưu của anh Thái. Một nhánh chạy tới nơi tôi ở. Một nhánh tới chỗ các đồng chí cố vấn (…) Trong hầm có nơi hội họp, phòng chỉ huy tác chiến, nơi liên lạc thẳng với các đơn vị đang chiến đấu (…) có điện, bảo đảm làm việc bình thường ngay cả khi máy bay địch oanh tạc. Chúng ta đã áp dụng một phần những kinh nghiệm chiến đấu đường hầm trong chiến tranh Triều Tiên.

Ngày 28 tháng 2, Bộ chỉ huy chiến dịch triệu tập hội nghị quân chính từ cấp trung đoàn trở lên để kiểm điểm công tác chuẩn bị. Theo báo cáo của các đơn vị, hệ thống đường cơ động pháo và các trận địa pháo đã làm xong, sẵn sàng đón pháo vào vị trí. Trận địa chiến hào tiến công và bao vây cũng đã hoàn thành, kể cả trận địa của 308 đi chiến đấu ở Thượng Lào không có điều kiện trực tiếp tham gia xây dựng. Các sở chỉ huy cũng như các trận địa pháo đều được xây dựng đủ sức chịu đựng đạn pháo 105, 155 ly, kể cả đạn xuyên (…)

Tôi kết luận hội nghị (…) Bước vào giai đoạn tiến công thứ nhất, phải khống chế sân bay, tiến tới triệt tiếp tế đường không của địch. Phải tiêu diệt một số trung tâm đề kháng ngoại vi, trước hết là phân khu Bắc (…)

Đầu tháng 3 năm 1954, trong một buổi giao ban, đồng chí Hoàng Xuân Tùy, phụ trách cơ quan thông tin báo chí mặt trận báo cáo: Na-va vừa mới công bố trong một cuộc họp báo: “Ngọn trào tiến công của Việt Minh đã lắng xuống”. Điều không may cho Na-va là trận đánh chính của ta trong Đông Xuân này chỉ mới sắp bắt đầu!

Ngày 4 tháng 3 năm 1954, Na-va lên thăm Điện Biên Phủ lần cuối cùng (…) tỏ ra thận trọng. Ông ta gợi ý cho Cô-nhi (chỉ huy trưởng ở Bắc bộ), nên tăng viện thêm 3 tiểu đoàn, lập một trung tâm đề kháng trên khoảng trống 5 ki-lô-mét giữa Mường Thanh và Hồng Cúm và tạo thêm chướng ngại hỗ trợ cho những cứ điểm ở phía đông bắc. Cô-nhi không mặn nồng, nêu lý do tăng thêm quân sẽ làm đảo lộn kế hoạch hậu cần (…) Còn một lý do quan trọng nữa, là Cô-nhi không muốn rút thêm lực lượng ở đồng bằng.

Na-va nhấn mạnh:

- Có thêm một trung tâm đề kháng sẽ làm cho đối phương phải điều chỉnh kế hoạch, trì hoãn cuộc tiến công. Chỉ một vài lần trì hoãn như vậy là tới mùa mưa, trận đánh sẽ không xảy ra.

Đờ-cát phản đối:

- Chỉ sợ chúng không đánh! Cần phải đẩy chúng tiến công để kết thúc cho sớm.

Cô-nhi thì nói:

- Không nên làm cho Việt Minh đổi ý. Cả tập đoàn cứ điểm đang trông đợi lập một chiến công lớn bằng phòng ngự. Sẽ là một thảm họa về tinh thần nếu Việt Minh không đánh!

(…) Trong khi viên tổng chỉ huy linh cảm điều không lành có thể xảy ra, thì tất cả các tướng tá Pháp ở Đông Dương, đặc biệt là những sĩ quan ở bộ tham mưu của Na-va và Cô-nhi đều coi đây chính là cơ hội bằng vàng để đánh quỵ “quân đoàn tác chiến Việt Minh”.

Plê-ven (Bộ trưởng Quốc phòng) đã báo cáo với Chính phủ Pháp sau chuyến đi thị sát tình hình Đông Dương: “Tôi không tìm được bất cứ ai tỏ ra nghi ngờ tính vững chắc của tập đoàn cứ điểm ở Điện Biên Phủ. Nhiều người còn mong ước Việt Minh sẽ tiến công” (…)

Đêm ngày 4 tháng 3 năm 1954, tại đồng bằng Bắc bộ, quân ta bí mật đột nhập sân bay Gia Lâm, đốt cháy 12 máy bay và 1 kho xăng.

Hai ngày sau, đêm ngày 6 tháng 3, bộ đội địa phương Kiến An đột nhập sân bay Cát Bi, phá hủy 4 máy bay B-26 và 6 máy bay Mo-ran. Chính tài liệu của phương Tây cũng ghi là số máy bay bị tiêu diệt trong hai đêm 4 và 6 tháng 3 năm 1954 là 22 chiếc. Tôi gửi ngay một bức điện tuyên dương công trạng toàn thể cán bộ, chiến sĩ đã tham gia tập kích sân bay Gia Lâm và Cát Bi (…)

Đêm ngày 8 tháng 3 năm 1954, lựu pháo 105 và pháo cao xạ của ta bắt đầu vào chiếm lĩnh trận địa chỉ cách Him Lam từ 3 đến 4 ki-lô-mét. Ở một số đoạn đường gấp khúc, vẫn phải kéo pháo bằng tay.

Kẻ địch không hề hay biết, và vẫn còn chưa thật tin việc lựu pháo ta có mặt ở chiến trường Tây Bắc!

(…)

Ngày 11 tháng 3 năm 1954, chúng tôi nhận được thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bác viết:

Các chú sắp ra trận. Nhiệm vụ các chú lần này rất to lớn (…) nhưng rất vinh quang (…)

Bác tin chắc rằng các chú sẽ (…) quyết tâm vượt mọi khó khăn gian khổ để làm tròn nhiệm vụ (…)

Chúc các chú thắng to”.


(…)

Ngày 10 tháng 3 năm 1954, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã chính thức nhận lời mời tham dự Hội nghị Giơ-ne-vơ bàn về chiến tranh Triều Tiên và Đông Dương sắp khai mạc (ngày 26 tháng 4). Na-va đã từng khuyên Chính phủ Pháp chỉ ngồi vào bàn đàm phán sau khi đã giành được một chiến thắng lớn trên chiến trường. Nước Pháp không thể tới hội nghị Tứ Cường với hai bàn tay trắng.

Thời gian đang dồn Na-va đến chân tường.


(Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hồi ký
Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử in lại trong Tổng tập hồi ký, nxb. Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2006, tr. 980-986)