“Kim Vân Kiều truyện”. Vân tuy em nhưng làm vợ Kim trước. Vân phải chịu, việc mới mong xong. Vân còn hơn cả chịu. Nhưng chuyện khó nói, phải “tàng tàng chén cúc” mới dám “một hai”. Rằng: “Những là rày ước mai ao / Mười lăm năm ấy biết bao nhiêu tình! / (...) / Còn duyên may lại còn người / Còn vầng trăng cũ còn lời nguyền xưa...”. Lòng Kim Trọng một mực hướng về Kiều trong bao nhiêu năm thì mọi người đều biết mà lòng Kiều đối với Kim Trọng thì hẳn sau khi gặp lại chị, Vân đã hết sức chú ý và thấy cũng thiết tha y như thế. Hỏa tốc chung chồng với em, chị ơi! Kiều đáp, trước tiên giảm tầm quan trọng của “ước xưa”: “Sự muôn năm cũ, kể chi bây giờ?”, rồi tỏ ra hết sức ngại ngùng về chuyện mình đã “dãi gió dầu mưa”. Kim Trọng lập tức gạt phắt (ở đây mà tỏ ra nghĩ ngợi, chần chừ, thì quên đi!). Nhưng Kiều tiếp tục nói, nhấn mạnh vấn để không còn trinh tiết, và cũng bày tỏ quan tâm về nhan sắc hiện tại của mình. Kim Trọng lại “hùng hổ” giành ngay “lẽ phải”: Với ta, nàng vẫn còn trinh đấy, và nhan sắc thì “hoa tàn mà lại thêm tươi / trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa”! Em nhiệt liệt ủng hộ, người xưa khăng khăng “có điều chi nữa mà ngờ”, “hai thân thì cũng quyết theo một bài”, Kiều “khôn lẽ chối lời”, đành “thở than”: buộc chị, buộc em, buộc con chi thế, Vân ơi, chàng ơi, cha mẹ ơi! Mười lăm năm “gió táp mưa sa”, ai ngờ: “Trời còn để có hôm nay / Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời”!

(Thu Tứ)



Nguyễn Du, Truyện Kiều (câu 3061-3130)



Tàng tàng chén cúc dở say,
Đứng lên Vân mới giãi bày một hai
Rằng: “Trong tác hợp cơ trời
Hai bên gặp gỡ một lời kết giao
Gặp cơn bình địa ba đào (3065)
Vậy đem duyên chị buộc vào cho em
Cũng là phận cải duyên kim
Cũng là máu chảy ruột mềm chớ sao?
Những là rày ước mai ao
Mười lăm năm ấy biết bao nhiêu tình! (3070)
Bây giờ gương vỡ lại lành
Khuôn thiêng lừa lọc đã dành có nơi
Còn duyên may lại còn người
Còn vầng trăng cũ còn lời nguyền xưa
Quả mai ba bảy đương vừa (3075)
Đào non sớm liệu xe tơ kịp thì!”
Dứt lời, nàng vội gạt đi:
“Sự muôn năm cũ, kể chi bây giờ?
Một lời tuy có ước xưa
Xét mình dãi gió dầu mưa đã nhiều (3080)
Nói càng hổ thẹn trăm chiều
Thà cho ngọn nước thủy triều chảy xuôi!”
Chàng rằng: “Nói cũng lạ đời!
Dẫu lòng kia vậy còn lời ấy sao?
Một lời đã trót thâm giao (3085)
Dưới dày có đất trên cao có trời!
Dẫu rằng vật đổi sao dời
Tử sinh cũng giữ lấy lời tử sinh!
Duyên kia có phụ chi tình
Mà toan sẻ gánh chung tình làm hai?” (3090)
Nàng rằng: “Gia thất duyên hai
Chút lòng ân ái, ai ai cũng lòng
Nghĩ rằng trong đạo vợ chồng
Hoa thơm phong nhị trăng vòng tròn gương
Chữ trinh đáng giá nghìn vàng (3095)
Đuốc hoa chẳng thẹn với chàng mai xưa
Thiếp từ ngộ biến đến giờ
Ong qua bướm lại đã thừa xấu xa
Bấy chầy gió táp mưa sa
Mấy trăng cũng khuyết mấy hoa cũng tàn (3100)
Còn chi là cái hồng nhan
Đã xong thân thế còn toan nỗi nào?
Nghĩ mình chẳng hổ mình sao
Dám đem trần cấu dự vào bố kinh!
Đã hay chàng nặng vì tình (3105)
Trông hoa đèn chẳng thẹn mình lắm ru!
Từ rày khép cửa phòng thu
Chẳng tu thì cũng như tu mới là!
Chàng dù nghĩ đến tình xa
Đem tình cầm sắt đổi ra cầm cờ (3110)
Nói chi kết tóc xe tơ
Đã buồn cả ruột mà dơ cả đời!”
Chàng rằng: “Khéo nói nên lời
Mà trong lẽ phải có người có ta!
Xưa nay trong đạo đàn bà (3115)
Chữ trinh kia cũng có ba bảy đường:
Có khi biến có khi thường
Có quyền nào phải một đường chấp kinh
Như nàng lấy hiếu làm trinh
Bụi nào cho đục được mình ấy vay? (3120)
Trời còn để có hôm nay
Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời
Hoa tàn mà lại thêm tươi
Trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa
Có điều chi nữa mà ngờ (3125)
Khách qua đường để hững hờ chàng Tiêu!”
Nghe chàng nói đã hết điều
Hai thân thì cũng quyết theo một bài
Hết lời khôn lẽ chối lời
Cúi đầu nàng những ngắn dài thở than. (3130)


(
Truyện Kiều, nxb. Ðại Học Và Trung Học Chuyên Nghiệp, Hà Nội, 1973)