Mặt trời lặn đỏ, khói lên xanh, lá bay vàng, sương lam rung rinh như bởi tiếng chày giã cốm... Vừa vặn lúc ấy, “bạn nhỏ cưỡi trâu” xuất hiện, thế là vất cọ, xong tranh! Hết tranh này, đến tranh khác. Tranh kế tiếp cực thoáng và gần như không màu, với nền là “một khoảng trời trong leo lẻo” và “làm nên” bởi một “ngôi sao thình lình hiện lên”. “Tiếng ai cười gọi”, hay là tiếng sao mời trông ra xem mình đấy! Năm 1973, hàng trăm năm sau Nguyễn Khuyến, “thu sang” ở quê vẫn còn được thi nhân ta cảm nhận thật kỹ. Gần nửa thế kỷ rồi, thu lại đang sang, chẳng biết nơi thôn ổ có hồn thơ nào đang tận cảm thu chăng? Tranh thu nay hiếm khói xanh (bởi xóm làng đã chuyển qua dùng điện), hiếm bóng “bạn nhỏ...”, nếu hiếm luôn những người xem rồi “muốn kêu to một tiếng”, cũng là tự nhiên thôi. (Thu Tứ)



Trần Đăng Khoa, “Khi mùa thu sang”




Mặt trời lặn cuối làng xa
Ngọn khói xanh lên lúng liếng
Vườn sau gió chẳng đuổi nhau
Lá vẫn bay vàng sân giếng

Xóm ngoài, nhà ai giã cốm
Làn sương lam mỏng rung rinh
Bạn nhỏ cưỡi trâu về ngõ
Tự mình làm nên bức tranh

Rào thưa, tiếng ai cười gọi
Trông ra nào thấy đâu nào
Một khoảng trời trong leo lẻo
Thình lình hiện lên ngôi sao

Những muốn kêu to một tiếng
Thu sang rồi đấy. Thu sang!
Lòng bỗng nhớ ông Nguyễn Khuyến
Cõng cháu chạy rông khắp làng...


1973