“Mười ngày đầu tháng 2 năm 1954 dồn dập những tin vui”. Đây là sau khi ở Điện Biên Phủ, Bộ chỉ huy chiến dịch đã quyết định chuyển phương châm từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc tiến chắc”, do đó trì hoãn cuộc tiến công.

Ta có thêm thời gian để chuẩn bị cho thật chu đáo, thì địch cũng có thêm thời gian để củng cố phòng ngự và tăng viện. Tin ta thắng lợi ở những mặt trận khác là đáng vui vô cùng, vì như thế nó phải ghìm quân ở những nơi ấy, không có quân thừa để đưa lên “Con Nhím”.

(Thu Tứ)



Võ Nguyên Giáp, “Các chiến trường khác”



Mười ngày đầu tháng 2 năm 1954 dồn dập những tin vui. Bộ đội Liên khu Năm đã chiếm thị xã Kon Tum, giải phóng cả vùng bắc Tây Nguyên. Trung đoàn 148 và bộ đội Pa Thét Lào chiếm thị xã Phông Xa Lỳ, giải phóng toàn bộ tỉnh Phông Xa Lỳ rộng 10.000 ki-lô-mét vuông, đưa vùng giải phóng ở Thượng Lào tới sát biên giới Trung Hoa. Tại Hạ Lào, tiểu đoàn 436 và lực lượng vũ trang của bạn đã giải phóng toàn bộ cao nguyên Bô Lô Ven, trong đó có tỉnh A Tô Pơ, rộng gần 20.000 ki-lô-mét vuông. Na-va lại phải điều lực lượng xuống Hạ Lào tổ chức những cụm cứ điểm bảo vệ các thị xã Sa Ra Van và Pắc Xế.

Tại bắc Tây Nguyên, sau khi giải phóng tỉnh Kon Tum, bộ đội Liên khu Năm truy kích quân địch rút chạy vể Plây Ku trên chặng đường dài 200 ki-lô-mét, tiến đến sát đường 19 (...) Chiến thắng của ta đã giải phóng một địa bàn chiến lược quan trọng rộng 16.000 ki-lô-mét vuông, với 20 vạn dân, phá thế uy hiếp của địch đối với phía sau lưng các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi. Vùng tự do ven biển Quảng Nam, Quảng Ngãi đã nối liền với vùng cao nguyên Bô Lô Ven của nước bạn vừa được giải phóng.

Trước tình hình này, Na-va buộc phải ra lệnh cho Đờ Bô-pho (De Beaufort) tạm ngừng cuộc chiến đấu ở đồng bằng Liên khu Năm, rút một số đơn vị lên tăng cường cho Plây Ku và điều chỉnh lại lực lượng ở miền nam Trung bộ. Quân Pháp được bố trí thành hai khối lớn. Khối thứ nhất ở Tây Nguyên, 24 tiểu đoàn, có nhiệm vụ bảo vệ Plây Ku và đề phòng ta tiến xuống phía nam đánh vào cao nguyên Đắc Lắc. Khối thứ hai ở đồng bằng, 16 tiểu đoàn, bảo vệ thị xã Tuy Hòa, những vị trí mới chiếm đóng ở Phú Yên, và làm lực lượng dự bị ở Nha Trang, Ninh Hòa. Với cách bố trí mới này, có thể thấy Na-va đã chuyển sang dành ưu tiên số một cho việc đối phó với ta trên vùng rừng núi Tây Nguyên. Tuy nhiên, ông ta vẫn chưa từ bỏ kế hoạch Át-lăng.

Ở đồng bằng Bắc bộ, từ hạ tuần tháng 12 năm 1953, Liên khu ủy, Bộ tư lệnh Liên khu 3, và Khu ủy, Bộ tư lệnh khu Tả Ngạn họp bàn xác định phương hướng, chủ trương tiếp tục tiến công địch trên toàn địa bàn. Hội nghị cán bộ đảng Liên khu 3 đề ra 4 mục tiêu: - Tập trung lực lượng của Liên khu cùng Đại đoàn 320 tiến công đập tan phòng tuyến Sông Đáy, mở rộng vùng tự do Liên khu nối liền với các khu du kích sau lưng địch ở đồng bằng. - Triệt để đánh phá giao thông vận tải, uy hiếp hậu phương địch, ngăn chặn tiếp tế cho Điện Biên Phủ và các chiến trường khác. - Tích cực phá kế hoạch bắt lính phát triển ngụy quân, đẩy mạnh công tác binh vận làm tan rã hàng ngũ quân địch. - Động viên mọi lực lượng tập trung sức người, sức của chi viện cho chiến trường chính Tây Bắc - Điện Biên Phủ và các chiến trường khác.

Tháng 1 năm 1954, Đại đoàn 320 tiến công đập tan phòng tuyến Sông Đáy (...) sau đó tiến sâu vào đồng bằng Bắc bộ, cùng với các lực lượng địa phương và dân quân du kích tiến công địch trên khắp những vùng quan trọng, phát triển các khu du kích, mở rộng cơ sở cách mạng. Trên đường số 5, con đường huyết mạch nối liền Hà Nội với cảng Hải Phòng, dân quân du kích Hải Dương, đặc biệt là huyện Kim Thành, đánh nhiều trận địa lôi táo bạo. Địch phải điều hàng chục tiểu đoàn canh giữ mà vẫn liên tiếp bị phục kích, có khi giao thông tê liệt hàng tuần lễ.

Bộ đội liên khu dùng lực lượng nhỏ nhưng tinh nhuệ tập kích những hậu cứ của địch, thu được nhiều thắng lợi, như trận đột nhập thị xã Đồ Sơn và thành phố Nam Định. Các căn cứ và khu du kích của ta đã chiếm ba phần tư đất đai vùng (...) châu thổ sông Hồng.

Ở Bình Trị Thiên và cực nam Trung bộ, quân ta đánh mạnh trên các đường giao thông, lật đổ nhiều đoàn tàu địch, đập tan những cuộc càn quét, mở rộng các căn cứ du kích và khu du kích, tăng cường công tác ngụy vận thu nhiều kết quả. Từ ngày 20 tháng 1 đến ngày 20 tháng 2 năm 1954, quân ta đã phá hủy 17 cầu, 18 cống từ Đông Hà lên Rào Quán trên đường số 9, tiêu diệt và bức rút 6 vị trí, giải phóng hoàn toàn huyện Hướng Hóa. Tại Thừa Thiên, bộ đội địa phương và dân quân du kích chống càn thắng lợi, giữ vững và mở rộng vùng căn cứ, tiêu diệt nhiều địch. Quân ta còn đánh địa lôi liên tiếp trên nhiều đoạn đường (...) lật đổ hàng chục đoàn tàu quân sự (...) Trận Lăng Cô (Thừa Thiên) quân ta lật đổ 2 đầu máy, 19 toa, diệt 400 địch. Trận Phố Trạch (Quảng Trị) diệt 200 địch, thu 2 đại bác.

Để phối hợp với cuộc tiến công ở Tây Nguyên, bộ đội địa phương Quảng Nam đánh địch, giải phóng Điện Bàn với trên bốn vạn dân. Bộ đội và du kích nam Trung bộ tập kích thành phố Nha Trang, đốt cháy hàng triệu lít xăng, đột nhập thị trấn Ninh Hòa (Khánh Hòa) gây thiệt hại nặng cho quân địch, đột nhập Suối Dầu đốt cháy một kho xăng lớn, tập kích táo bạo vào La Lung (Phú Yên) diệt trên 1 tiểu đoàn. Ở cực nam Trung bộ, trung đoàn 812 kết hợp với đấu tranh quần chúng giải phóng 2 huyện Tánh Linh và Lương Sơn ở Bình Thuận.

Tại Nam bộ, từ giữa năm 1953, địch buộc phải rút quân ồ ạt từ Nam bộ ra chi viện cho chiến trường Trung bộ và Hạ Lào. Lực lượng Âu Phi chỉ còn 3 tiểu đoàn không đủ biên chế, trang bị, 12 tiểu đoàn ngụy quân mới thành lập khả năng chiến đấu yếu, tinh thần kém. Trung ương Cục chỉ thị “chuẩn bị đón lấy thời cơ”.

Từ cuối năm 1953 chuyển sang những tháng đầu năm 1954, phong trào chiến tranh du kích không ngừng được giữ vững và phát triển (...)

Tại Phân liên khu miền tây (...) Ngày 24 tháng 2 năm 1954, tiểu đoàn 309 phối hợp với bộ đội địa phương huyện Vàm Cỏ tổ chức phục kích ở Tầm Vu, tiêu diệt và bắt sống toàn bộ tiểu đoàn ngụy 502 và một đại đội Pháp, thu nhiều vũ khí và đồ dùng quân sự. Trận Tầm Vu táo bạo (...) ban ngày trên địa hình đồng bằng (...) có tiếng vang lớn (...) Cuối tháng 3 năm 1954, ta (...) giải phóng hoàn toàn quận An Biên. Nhân dân tổ chức một ngày hội lớn chưa từng có ăn mừng chiến thắng. Ở Mỹ Tho, chỉ một đại đội đã đánh tan một tiểu đoàn địch trong trận vận động ở Kênh Bùi, thu nhiều vũ khí (...)

Tại Phân liên khu miền đông (...) Hệ thống đồn bốt bị thu hẹp dần, vùng căn cứ và vùng du kích của ta ngày càng mở rộng. Chiến khu Đ phát triển (...) Chiến khu Dương Minh Châu (...) Chiến khu Đồng Tháp Mười (cũng vậy) (...)

Nam bộ tiếp tục phát huy cách đánh đặc công nhiều sáng tạo, gây cho địch những tổn thất to lớn. Bộ đội Vĩnh Long đột nhập bến tàu, đánh chìm và hỏng nặng 7 tàu chiến. Bộ đội biệt động Sài Gòn đột nhập kho bom Tân Sơn Nhất, một trong những kho bom lớn nhất của địch ở Đông Dương, phá hủy trên 300 tấn bom, tiêu diệt cả đại đội lính Âu Phi bảo vệ. Bộ đội Bà Rịa đột nhập khách sạn Ô Cấp, diệt nhiều sĩ quan Pháp và Mỹ...

Thực hiện chủ trương phối hợp các chiến trường toàn Đông Dương, toàn bộ tiểu đoàn chủ lực 302 của Phân liên khu miền đông được điều động sang Cam Pu Chia (...) đã sát cánh cùng bộ độ Ít Xa Rắc và nhân dân bạn phát triển chiến tranh du kích (...) diệt và bắt sống nhiều địch, thu nhiều vũ khí.

Tại Hạ Lào, sau khi giải phóng cao nguyên Bô Lô Ven, một bộ phận liên quân Việt - Lào đã phát triển xuống phía nam, phối hợp với bộ đội Ít Xa Rắc giải phóng Viên Sai, Xiêm Pang, uy hiếp Stung Treng. Ở miền đông Cam Pu Chia, quân tình nguyện Việt Nam cùng bộ đội Ít Xa Rắc giải phóng phần lớn Công Pông Chàm. Căn cứ miền đông và đông bắc Cam Pu Chia đã nối liền với vùng giải phóng Trung, Hạ Lào và Tây Nguyên của ta.


(Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hồi ký
Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử in lại trong Tổng tập hồi ký, nxb. Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2006, tr. 976-980)