“Rõ ràng hoa rụng hương bay / Kiếp sau họa thấy kiếp này hẳn thôi”. Đang “làm ma khóc người”, bỗng đâu “pháp sư” xuất hiện, dẫn đi gặp “ma”. “Tưởng bây giờ là bao giờ / Rõ ràng mở mắt còn ngờ chiêm bao!”! Con ơi! Chị ơi! Nàng ơi! Cha mẹ ơi! Em ơi! Chàng ơi! Trời ơi! “Mừng nào lại quá mừng này nữa chăng?”! Vừa khóc thảm thiết, cả nhà giờ đua nhau mưa lệ hân hoan, ướt cả sân chùa. Kiều về nhà ngay chứ? Ấy, thân đang mặc áo nâu, trước phải có lời cho hợp cảnh: “Dở dang nào có hay gì / Đã tu tu trót quá thì thì thôi!”, rồi sau mới “chiều lòng” “ông” mà “giã sư giã cảnh đều cùng bước ra”. “Một nhà về đến quan nha / Đoàn viên vội mở tiệc hoa vui vầy”. Vui nào lại quá vui này nữa chăng? Nhưng “bèo trôi sóng vỗ chốc mười lăm năm”, cái thân “dãi nguyệt dầu hoa” vừa vui vừa nghĩ. Nói sao cho người sống lại thôi nghĩ thì nói đó, ai ơi!

(Thu Tứ)



Nguyễn Du, Truyện Kiều (câu 2973-3060)



Cơ duyên đâu bỗng lạ sao
Giác Duyên đâu bỗng tìm vào đến nơi
Trông lên linh vị chữ bài (2975)
Thất kinh mới hỏi: “Những người đâu ta?
Với nàng thân thích gần xa
Người còn sao bỗng làm ma khóc người?”
Nghe tin nhơ nhác rụng rời
Xúm quanh kể lể rộn lời hỏi tra: (2980)
“Này chồng này mẹ này cha
Này là em ruột này là em dâu
Thật tin nghe đã bấy lâu
Pháp sư dạy thế, sự đâu lạ dường!”
Sư rằng: “Nhân quả với nàng (2985)
Lâm Truy buổi trước Tiền Đường buổi sau
Khi nàng gieo ngọc trầm châu
Đón nhau tôi đã gặp nhau rước về
Cùng nhau nương cửa bồ đề
Thảo am đó cũng gần kề chẳng xa (2990)
Phật tiền ngày bạc lân la
Đăm đăm nàng cũng nhớ nhà khôn khuây”
Nghe tin nở mặt mở mày
Mừng nào lại quá mừng này nữa chăng?
Từ phen chiếc lá lìa rừng (2995)
Thăm tìm luống những liệu chừng nước mây
Rõ ràng hoa rụng hương bay
Kiếp sau họa thấy kiếp này hẳn thôi
Minh dương đôi ngả chắc rồi
Cõi trần mà lại thấy người cửu nguyên! (3000)
Cùng nhau lạy tạ Giác Duyên
Bộ hành một lũ theo liền một khi
Bẻ lau vạch cỏ tìm đi
Tình thâm luống hãy hồ nghi nửa phần
Quanh co theo dải giang tân (3005)
Khỏi rừng lau đã tới sân Phật đường
Giác duyên lên tiếng gọi nàng
Phòng trong vội dạo sen vàng bước ra.
Trông xem đủ mặt một nhà:
Xuân già còn khỏe huyên già còn tươi (3010)
Hai em phương trưởng hòa hai
Nọ chàng Kim đó là người ngày xưa!
Tưởng bây giờ là bao giờ
Rõ ràng mở mắt còn ngờ chiêm bao!
Giọt châu thánh thót quẹn bào (3015)
Mừng mừng tủi tủi xiết bao là tình
Huyên già dưới gối gieo mình
Khóc than, mình kể sự mình đầu đuôi:
“Từ con lưu lạc quê người
Bèo trôi sóng vỗ chốc mười lăm năm! (3020)
Tính rằng sông nước cát lầm
Kiếp này, ai lại còn cầm gặp đây!”
Ông bà trông mặt cầm tay
Dung quang chẳng khác chi ngày bước ra
Bấy chầy dãi nguyệt dầu hoa (3025)
Mười phần xuân có gầy ba bốn phần
Nỗi mừng biết lấy chi cân?
Lời tan hợp chuyện xa gần thiếu đâu!
Hai em hỏi trước han sau
Đứng trông, chàng cũng trở sầu làm tươi (3030)
Quây nhau lạy trước Phật đài
Tái sinh trần tạ lòng người từ bi
Kiệu hoa giục giã tức thì
Vương ông dạy rước cùng về một nơi
Nàng rằng: “Chút phận hoa rơi (3035)
Nửa đời nếm trải mọi mùi đắng cay
Tính rằng mặt nước chân mây
Lòng nào còn tưởng có rày nữa không?
Được rày tái thế tương phùng
Khát khao đã thỏa tấm lòng lâu nay! (3040)
Đã đem mình bỏ am mây
Tuổi này gởi với cỏ cây cũng vừa
Mùi thiền đã bén muối dưa
Màu thiền ăn mặc đã ưa nâu sòng
Sự đời đã tắt lửa lòng (3045)
Còn chen vào chốn bụi hồng làm chi!
Dở dang nào có hay gì
Đã tu tu trót quá thì thì thôi!
Trùng sinh ân nặng bể trời
Lòng nào nỡ dứt nghĩa người ra đi” (3050)
Ông rằng: “Bỉ thử nhất thì
Tu hành thì cũng phải khi tòng quyền
Phải điều cầu Phật cầu tiên
Tình kia hiếu nọ, ai đền cho đây?
Độ sinh nhờ đức cao dày (3055)
Lập am rồi sẽ rước thầy ở chung”
Nghe lời, nàng phải chiều lòng
Giã sư giã cảnh đều cùng bước ra
Một nhà về đến quan nha
Đoàn viên vội mở tiệc hoa vui vầy (3060)


(
Truyện Kiều, nxb. Ðại Học Và Trung Học Chuyên Nghiệp, Hà Nội, 1973)