Xe đạp thồ có “năng suất cao gấp hơn mười lần dân công gánh (...) (lại) có thể hoạt động trên những tuyến đường mà xe ô-tô không thể đi được. Chính phương tiện vận chuyển này đã gây nên bất ngờ lớn với quân địch, làm đảo lộn những tính toán của chúng”. Xe đạp thồ đã xuất hiện trong chiến dịch Thu Đông 1952, vậy địch bất ngờ là về qui mô sử dụng.

“Bảo vệ đường (…) rất khó khăn”. Ta không cản được nó đánh đường, nhưng nó cũng không cản được ta sửa đường. Đánh, sửa! Đánh, sửa! Dầu có bị bom “đánh đáo” làm văng tung tóe thì sau đó “nước” vẫn chảy như thường, chảy mạnh hơn thường!
(Thu Tứ)



“Dân công, dân công”

Đại tướng Võ Nguyên Giáp




Việc huy động sức người, sức của ở hậu phương phục vụ cho tiền tuyến mang một qui mô mới (...)

Hội đồng Cung cấp thành lập ở trung ương do anh Phạm Văn Đồng làm chủ tịch, anh Nguyễn Văn Trân, Tổng thanh tra Chính phủ, làm phó chủ tịch (...) Các liên khu, các tỉnh cũng thành lập Hội đồng Cung cấp mặt trận (...) Công tác hậu cần chiến dịch lần đầu được phân thành hai tuyến (...) Tuyến hậu phương (...) đảm nhiệm chuyển hàng từ Việt Bắc tới Ba Khe, từ Liên khu 3, Liên khu 4 tới Suối Rút (...) Tuyến chiến dịch (...) chịu trách nhiệm đưa hàng từ Ba Khe, Suối Rút lên Điện Biên Phủ (...) Dân công tuyến chiến dịch có lúc huy động hơn 30.000 người (...)

Nhân dân Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình được phân công phục vụ cho các chiến dịch ở Trung, Hạ Lào. Riêng mặt trận này đã huy động tới 54.000 dân công, với gần hai triệu ngày công, trên hai ngàn xe đạp thồ và một ngàn rưởi thuyền. Thanh Hóa là tỉnh cung cấp chính cho các chiến dịch ở miền Bắc (...)

Phần lớn Tây Bắc đã được giải phóng từ cuối năm 1952. Bốn cánh đồng Mường Thanh, Mường Lò, Mường Than, Mường Tấc là những vựa lúa lớn. Ta dự định huy động tại Tây Bắc 6.000 tấn lương thực. Số lương thực này nếu đưa từ xa tới sẽ phải huy động nhiều gấp ba, bốn lần (...) Việc xay giã thóc thành gạo (...) là một trở ngại lớn, vì người dân địa phương xưa nay chỉ quen dùng cối nhỏ, giã bằng sức nước suối, cả ngày mới được một cối gạo từ 3 đến 5 ki-lô-gam! Cơ quan hậu cần chiến dịch phải tìm đưa những người thợ giỏi ở miền xuôi lên hướng dẫn cách đóng cối và huy động cả một đoàn dân công tỉnh Vĩnh Phúc cùng tham gia xay thóc, giã gạo với đồng bào địa phương (...)

(Mở và mở rộng đường và xây cầu vô cùng vất vả, nhưng) bảo vệ đường cũng rất khó khăn. Các tuyến vận chuyển chủ yếu trong chiến dịch đều quá dài. Tuyến Thanh Hóa - Điện Biên Phủ, gần 600 ki-lô-mét. Tuyến Lạng Sơn - Điện Biên Phủ, 800 ki-lô-mét. Bộ tham mưu Pháp đã tìm được hàng chục điểm nếu đánh phá sẽ gây được hiệu quả lớn. Chúng tính đến cả cách dùng mưa nhân tạo để phá đường! Ở hậu phương, địch đánh rất mạnh vào (...) đèo Giàng, từ Cao Bằng xuống, đèo Cà, từ Lạng Sơn về, đèo Khế, từ Thái Nguyên sang Tuyên Quang (...) Chúng còn oanh tạc cả những đoạn đường nằm trên cánh đồng thấp để biến thành những vũng lầy rất khó sửa chữa. Bác Hồ trực tiếp đi kiểm tra một số nơi địch thường xuyên đánh phá (...) gặp gỡ, nói chuyện, động viên anh chị em thanh niên xung phong và dân công bám trụ ở đèo Khế. Trên tuyến chiến dịch, máy bay địch đánh phá ác liệt các đèo Lũng Lô, Pha Đin và những đầu mối giao thông Cò Nòi, Tuần Giáo (...) Có ngày chúng ném xuống Cò Nòi 300 trái bom, Pha Đin 160 trái, gồm bom phá, bom na-pan, bom nổ chậm.

Theo đề nghị của tham mưu, tôi đồng ý (...) tăng cường lực lượng phòng không (...) bảo vệ những đoạn xung yếu trên đường 41 (Tuần Giáo - Điện Biên Phủ, sau này gọi là đường 42) (...) Nhưng phòng không chỉ hạn chế được một phần những cuộc oanh kích. Để duy trì sự thông suốt cho các tuyến đường vẫn là công binh, thanh niên xung phong, dân công thường xuyên bám sát các trọng điểm, chờ máy bay địch ngừng hoạt động lại lao ra mặt đường phá bom nổ chậm, bom bươm bướm, san lấp nhanh những hố bom cho ô-tô và dân công vượt qua.

Toàn bộ lực lượng vận chuyển cơ giới của quân đội, gồm 16 đại đội, với 534 xe ô-tô vận tải, đều tập trung phục vụ chiến dịch.

Ta chủ trương vận chuyển bằng phương tiện cơ giới là chính, nhưng vẫn tiếp tục khai thác sử dụng những phương tiện nửa thô sơ và thô sơ: xe đạp thồ, xe ngựa, xe trâu, xe cút kít, xe quệt, bè mảng v.v. Xe đạp thồ được huy động tới mức tối đa, số lượng lên tới khoảng 20.000 xe. Mỗi xe lúc đầu chở 100 ki-lô-gam, sau đó nâng lên 200, 300. Một dân công Phú Thọ, anh Ma Văn Thắng, chở được tới 352 ki-lô-gam. Năng suất xe đạp thồ cao gấp hơn mười lần dân công gánh; gạo ăn dọc đường cho người chuyên chở cũng giảm đi bằng ấy lần. Tính ưu việt của xe thồ còn ở chỗ có thể hoạt động trên những tuyến đường mà xe ô-tô không thể đi được. Chính phương tiện vận chuyển này đã gây nên bất ngờ lớn với quân địch, làm đảo lộn những tính toán của chúng.

Ta cũng chú trọng khai thác những tuyến đường sông. Một đơn vị công binh được đưa về phía Lai Châu khai thông dòng sông Nậm Na. Đây là một tuyến tiếp tế khá quan trọng, nhưng cho tới lúc này chưa khai thác được bao nhiêu, vì trên sông có quá nhiều ghềnh thác hung dữ. Chúng ta đã có kinh nghiệm khắc phục ghềnh thác trên sông Mã trong chiến dịch Thượng Lào và khi chuyển lựu pháo từ Vân Nam về trên sông Hồng. Tại đây, đã xuất hiện người anh hùng phá thác Phan Tư. Sau một thời gian phá thác bằng thuốc nổ, trọng tải các mảng tăng lên gấp ba, số người điều khiến mảng từ ba, bốn người, rút xuống còn một người. Những cô gái dân công Thanh Thủy, Phú Thọ, thời gian đầu còn rất sợ thác, nay đã mỗi người điều khiển một mảng xuôi dòng Nậm Na. Mảng từ Ba Nậm Cúm cập bến Lai Châu mỗi ngày một nhiều. Riêng tuyến đường này trong chiến dịch đã vận chuyển được 1.700 tấn gạo do Trung Quốc viện trợ (…)

Những con đường ra mặt trận nằm giữa những hố bom lở loét, cây cỏ xác xơ, ban ngày vắng lặng, im lìm, nhưng sống lại khi mặt trời vừa xuống núi. Những đoàn người nối nhau đi như nước chảy hướng về tiền tuyến, đâu đâu cũng vang lên tiếng hò, câu hát nói lên quyết tâm vượt mọi khó khăn và tình cảm dành cho chiến sĩ. Ngày 9 tháng 2 năm 1954, một đại đội dân công chẳng may trúng bom ở Tuần Giáo. Sau khi chôn cất những anh chị hy sinh, mọi người lại hăng hái tiếp tục quang gánh lên đường quyết hoàn thành nhiệm vụ để trả thù cho những người vừa nằm xuống.


(Hồi ký
Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử in lại trong Tổng tập hồi ký, nxb. Quân Đội Nhân Dân, 2006)