Trần Văn Khê chẩn bệnh chính xác. Bệnh ấy, chúng tôi có lần tóm tắt: “Thua vật chất, mất tinh thần (khiếp sợ), bỏ tinh thần (của mình đi)”. Ông đưa ra một cách chữa. Chúng tôi thì cho rằng bệnh nan y. Nghệ thuật phải hợp với nếp sống, người Việt bây giờ không sống như cha ông trước kia nữa, làm sao ta phục hồi nghệ thuật cũ được? Các bà mẹ trẻ Việt Nam thế kỷ 21 không chịu hát ru con đâu! Cái “căn” của bệnh tự ti là tình trạng thua người về vật chất. Hễ hết thua sẽ hết bệnh, không cần chữa. Rắc rối là để bắt kịp Tây về vật chất, ta đang Tây hóa nếp sống của mình. Sống như Tây lâu ngày, ta sẽ cảm nghĩ giống Tây. Tức ngoài bệnh tự ti phát sớm, sinh mạng văn hóa ta đến lúc nào đó còn bị thêm một đe dọa nữa, - đe dọa tối hậu -, là diễn biến Tây hóa tự nhiên. Nó đã bắt đầu rồi! Mới đây, tình cờ nghe thanh niên nọ tỉnh bơ phát biểu: “Quan họ làm sao hay bằng nhạc giao hưởng”! Một mặt, dĩ nhiên bạn trẻ ngây thơ về nghệ thuật. Quan họ và nhạc giao hưởng thuộc hai mô hình thẩm mỹ hoàn toàn khác nhau, so sánh sao được! Nếu xét quan họ theo tiêu chuẩn của nhạc giao hưởng, quan họ chắc chắn dở. Ngược lại, nếu xét nhạc giao hưởng theo tiêu chuẩn của quan họ, nhạc giao hưởng cũng chắc chắn dở. Không có tiêu chuẩn nghệ thuật có giá trị xuyên mô hình, xuyên văn hóa.(1) Mặt khác, ý kiến trên có chỗ đáng chú ý: bạn trẻ là người Việt mà lại đi đánh giá nhạc truyền thống Việt theo tiêu chuẩn của nhạc truyền thống Tây! Hiện nay bao nhiêu phần trăm thanh niên Việt giống bạn? Con cháu “bệnh biến”, truyền thống giữ làm sao đây, tổ tiên ơi!(Thu Tứ)

(1) Trong tất cả những cuộc “thi đẹp” quốc tế, từ giải Nobel văn chương đến giải Hoa hậu Hoàn vũ, ai thắng ai thua tùy thuộc vào cân bằng thế lực giữa các nền văn hóa, phản ánh qua thành phần ban giám khảo. Cho tới bây giờ, điển hình, ban giám khảo hầu hết thuộc về văn hóa Tây phương. Tây chấm, dĩ nhiên Tây được. Thỉnh thoảng có người khác được, là do Tây cố ý “ưu ái”, vì lý do chính trị. Dĩ nhiên cân bằng thế lực không bất biến. Văn Tây gái Tây chắc chắn sẽ không chiếm ngai vàng mãi đâu. Khổ là đến lúc ta mạnh hơn Tây thì e rằng ta cơ bản đã hóa thành Tây rồi!



Trần Văn Khê, “Chữa bệnh tự ti”




Gốc của bệnh là “tự ti mặc cảm” (TP, tr. 45)

Những hoàn cảnh lịch sử, xã hội, những điều kiện vật chất, kinh tế đã làm cho thanh niên (...) không còn hiểu rõ được truyền thống dân tộc, không hiểu mới sinh ra “tự ti”, vì tự ti, mới sinh ra vọng ngoại (TP, tr. 51)

Những nguyên nhân làm mất đi bản sắc dân tộc (...) Lý do chánh trị, lịch sử: người dân các nước thuộc địa bị các đế quốc thống trị làm cho quên đi bản sắc dân tộc mà chấp nhận bản sắc của “mẫu quốc” (...) Lý do tâm lý (...) dân bị trị tự ti mặc cảm, thấy cái gì của mình cũng thua người ta (...) Lý do kinh tế: những gì dính dáng đến bản sắc dân tộc thường bị (...) trả tiền thù lao rất thấp (...) Lý do xã hội: nếp sống thay đổi (HK, q. 3, tr. 297-298)

Bệnh tự ti mặc cảm (...) phải trị căn chớ không thể trị chứng. Phải đi từ đầu, khuyến khích các bà mẹ hát ru con; dạy những bài đồng dao cho trẻ thơ; khuyến khích người nông dân hát hò trong lúc làm việc ngoài đồng; đưa âm nhạc cổ truyền vào các trường; đài phát thanh, truyền hình, báo chí nên có những chương trình, bài báo về âm nhạc dân tộc (HK, q. 3, tr. 299)


(Trần Văn Khê,
Tiểu phẩm, nxb. Trẻ, 1997, Hồi ký, 5 quyển, nxb. Trẻ, 2001. Nhan đề phần trích tạm đặt.)