Lực lượng đóng giữ chỉ trên một vạn, chứ không phải hàng trăm ngàn, mấy trăm ngàn. Nhưng trong lịch sử quân sự Tây phương, chắc chắn rất hiếm những cứ điểm được “trên” quan tâm tới mức đó. Tại sao?

Đối với Pháp, bởi vì nếu thua ở Điện Biên Phủ thì đế quốc Pháp sẽ mất cái thuộc địa quan trọng nhất. Thất bại ở đây lại có thể khích lệ kháng chiến ở nơi khác, làm sụp luôn đế quốc!

Đối với Mỹ, bởi vì xem Việt Nam là đất không thể để lọt cả vào thế giới cộng sản, nếu Pháp thua thì Mỹ sẽ phải can thiệp, tự đảm đương thêm một “đồn” nữa trong cuộc đối đầu với bên kia.

Đối với Anh, bởi vì cần tỏ ra chia sẻ mối lo của đồng minh khắng khít là Mỹ.

Quan tâm lớn được thể hiện thành đầu tư vũ lực lớn. Vũ lực sẵn sàng bảo vệ Điện Biên Phủ ấn tượng đến nỗi tổng chỉ huy quân Pháp ở Đông Dương ghi trong hồi ký: “Chưa có một quan chức nào đến thăm mà không kinh ngạc trước sự hùng mạnh của nó”!

Đã thế, bảo vệ Điện Biên Phủ không phải chỉ có vũ lực. Mà còn có kinh nghiệm chiến tranh hiện đại được quân đội Tây phương liên tục tích lũy qua không biết bao nhiêu trận đánh. Thế chiến thứ Hai kết thúc cách nay có chín năm chứ mấy. Còn Triều Tiên thì chỉ mới năm ngoái!

Nó chắc ăn ghê lắm. Nó không biết rằng nó chưa từng gặp một đối thủ nào như ở Việt Nam.
(Thu Tứ)



Võ Nguyên Giáp, “Niềm tin vào Con Nhím”




Từ cuối tháng Hai năm 1954, con nhím Điện Biên Phủ đã sẵn sàng đi vào trận đánh quyết định.

Điện Biên Phủ đã thực sự trở thành một tập đoàn cứ điểm khổng lồ. Màu xanh của cây cỏ, đồng lúa đã hoàn toàn biến mất, nhường chỗ cho màu đỏ sậm nhức nhối của đất và màu xám dữ dội của dây thép gai. Nhung nhúc những hầm hào, ụ súng chuẩn bị khạc lửa. Những con đường mới xuất hiện, trên đó đông đảo người và xe đủ loại luôn luôn di chuyển làm vẩn lên những đám bụi màu hồng. Các trung tâm đề kháng đều có bãi mìn bao quanh. Công binh còn chôn bên sườn núi dựng đứng những thùng đựng bốn mươi lít nagel, khi chảy ra sẽ thành sóng lửa biến lực lượng tiến công thành những bó đuốc sống. Những vị trí chủ yếu đều được trang bị súng có loại kính ngắm có thể phát hiện đối phương dù trời tối đen. Địch tin rằng sức mạnh của con nhím Điện Biên Phủ cùng với sức mạnh của không quân (sẽ dễ dàng tiêu diệt) những người lính Việt Minh bé nhỏ khi họ rời rừng xanh bắt đầu tiến công…

Na-va và Cô-nhi không ngừng có mặt ở Điện Biên Phủ. Từ sau khi mở cuộc hành binh Castor, Na-va đã lên Điện Biên Phủ chín lần, Cô-nhi mười một lần (…)

Từ tháng 1 năm 1954, những cuộc thăm viếng bắt đầu. Khi thì Na-va, khi thì Cô-nhi, có lúc cả hai tháp tùng khách. Đó là Bộ trưởng Quốc phòng Plê-ven, Bộ trưởng Chiến tranh Đờ Sơ-vi-nhê, Tổng tham mưu trưởng Ê-ly, các tham mưu trưởng Lục quân, Không quân, Hải quân v.v.

Không chỉ có người Pháp. Trong số khách nước ngoài, thì người Mỹ có mặt sớm nhất. Đó là trung tướng Tơ-ráp-nơn (Trafnell). Ông ta đến ngày 14 tháng 1 năm 1954 (…) Ngày 2 tháng 3 có cuộc viếng thăm của đại tướng Ô Đa-ni-en, tổng chỉ huy bộ binh Mỹ ở Thái Bình dương, cũng là người cầm đầu phái đoàn viện trợ quân sự Mỹ ở Đông Dương. Tổng thống Mỹ Ai-xen-hao-ơ đã nhận được từ Ô Đa-ni-en những lời báo cáo ấm lòng.

Có cả những quan chức người Anh: Sác Lô-oen (Charles Loewen), tư lệnh quân đội Anh - Ấn ở Viễn Đông, Mắc Đô-nan (McDonald), tổng cao ủy Đông Nam Á (…)

Đờ Cát tự mình lái xe đưa khách đi thăm những trung tâm đề kháng ngoại vi, thường là Bê-a-tơ-ri-xơ, nơi có những người lính của bán lữ đoàn lê-dương thứ 13 lừng danh. Khách được mời chứng kiến một vài hình ảnh của Điện Biên Phủ trong chiến đấu: khi là sự thao tác thành thạo của những pháo thủ An-giê-ri tại một trận địa pháo, khi là một cuộc tuần tra của một đơn vị lê-dương dù, khi là sự khởi động của những chiếc xe tăng M-24 của Mỹ. Niềm tin vào chiến thắng ở phương Tây được nhân lên qua những chuyến viếng thăm, thực sự là những lần kiểm tra (…) Mối bận tâm của người Pháp lúc này chỉ là lúc nào thì con nhím Điện Biên Phủ được nghiền nát quân chủ lực của Việt Minh! (…)

Từ đầu tháng 3 năm 1954, sau những cuộc viếng thăm của các nhân vật cao cấp, một số chuyên gia quân sự Mỹ tới Điện Biên Phủ giúp hoàn tất việc chuẩn bị đối phó với trận đánh sắp bắt đầu.

Sau này, trong sách báo phương Tây xuất hiện những lời chê bai công trình phòng ngự Điện Biên Phủ, nhưng trước khi trận đánh nổ ra thì chỉ có những lời khen (...) Chính Na-va đã viết: “Chưa có một quan chức nào đến thăm mà không kinh ngạc trước sự hùng mạnh của nó…”.


(Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hồi ký
Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử in lại trong Tổng tập hồi ký, nxb. Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2006)