Tiếng trống chèo là một trong vài thứ âm thanh căn bản nhất của sinh hoạt cộng đồng truyền thống. Nó đi vào thơ từ lâu, hình như vang lên nhiều lần hơn cả trong thơ Nguyễn Bính. Hễ “mưa xuân phơi phới bay” hay “chiều xuân mưa bụi nghiêng nghiêng” hay “giữa mùa thu / trời cao gió cả trăng như ban ngày”, làng mở hội cho dân vui chơi, là có “Bính” nhập bọn. “Bính” khác mọi người bởi chơi về rồi gieo vần đưa hội làng vào thơ, đưa luôn cả tiếng trống… Cách mạng và kháng chiến không hề làm mất chèo. Ngoài diễn cho dân làng thưởng thức như không biết từ thời nào, trong 30 năm khói lửa chèo còn vô số lần diễn để tiễn thanh niên làng lên đường làm nghĩa vụ. Chế Lan Viên có lần nhập vai chiến sĩ: “Đánh giặc mười năm vẫn nhớ ngày / Điệu chèo đưa tiễn dưới hàng cây / Nhớ sao màu áo màu hoa ấy…”… Năm 1973, Cách mạng lâu rồi, dân làng “mít-tinh” đã thành nếp rồi, thế mà “xóm làng (vẫn) như xóm làng xưa”. Cái “như xưa” này không hời hợt đâu, mà “sâu vợi” y như tiếng trống chèo. Nó thể hiện thành bao nhiêu phụ nữ trẻ đảm đang, “tần tảo nuôi (...) ròng rã chờ”. Một nét tinh hoa của văn hóa Việt Nam mấy nghìn năm chọn trú trong thơ của một trẻ vị thành niên! (Thu Tứ)



Trần Đăng Khoa, “Cô Thị Mầu”




Lúa rơm tạm thu gọn lại
Màn phông căng đỏ sân đình
Điện xanh vòm đa cổ thụ
Người xem đông như mít-tinh

Xóm làng như xóm làng xưa
Trong tiếng trống chèo sâu vợi
Tiếng mõ đưa hương hoa đại
Len dần vào mọi tâm tư

Kìa, cô Thị Mầu lên chùa
Đỏng đảnh dáng đi, mắt liếc
Ngắm cái tay cô phẩy quạt
Tưởng mình sống đã trăm năm

Người xem thoáng như quên chị
Chiều nay gánh lúa trên đồng
Tần tảo nuôi em, nuôi mẹ
Mười năm ròng rã chờ chồng...


1973