Thăng Long - Hà Nội có lạ gì khói lửa. Nhưng thành một “trận địa” với sự tham gia của cả cư dân chứ không phải chỉ quân đội thì mới xảy ra có hai lần, đều trong cuộc Trường kỳ Kháng chiến chống giặc từ phương Tây. Lần thứ nhất mở màn cuộc kháng chiến, kéo dài hai tháng. Lần thứ hai kéo dài hơn sáu năm, cao điểm là trận “Điện Biên Phủ trên không” mà kết quả giúp ta chẳng bao lâu đạt toàn thắng, thống nhất xứ sở. Đọc thơ Chính Hữu, không khỏi nhớ văn Nguyễn Huy Tưởng: “Khắp bốn bề, những tiếng đục tường thông nhà nọ sang nhà kia nổi lên (...) râm ran, vội vã (...) chốc chốc trộn vào tiếng kê lại bàn ghế, tủ giường (...) Âm thanh của khẩn trương chuẩn bị (...) Hà Nội đang tự hủy mình để chặn giặc (...) Hồ Gươm (…) Các phố phía trước như sát lại, những phố đằng sau như bôn tới, âm ỉ, quyết liệt, sẵn sàng”. Trông “trận địa Hà Nội” 1966, nhớ những ngày cuối 46 đầu 47 quá phải không, người chiến sĩ trung đoàn Thủ Đô năm xưa ơi. (Thu Tứ)



Chính Hữu, “Trận địa Hà Nội”




Hà Nội
      một góc vườn hoa
Đơn vị chúng ta
Đến xây trận địa
Tạm xếp sang bên những hàng ghế đá

Hôm nay
Hà Nội lại đi vào khói lửa

Trận địa ta xây
Trên những công trình dang dở
Ta đi - gian khổ mười năm
Thương quê hương cỗi cằn tàn phá
Về Hà Nội
      vất vả mười năm
Ta mới trồng xong chút màu hoa lá
Trận địa của ta
Là một ngôi trường mới mở
Những ánh mắt ngời ngời hai hàng cửa sổ
Trận địa của ta là sân
Một vườn trẻ bây giờ bỏ vắng
Súng ta kê
      bên nôi nhỏ
            các em nằm
Từ trận địa
      ta bắn chúng
Súng của ta tính tầm tính hướng
Tính theo góc độ của lòng căm
Đạn ta tính
      theo từng giọt mồ hôi
                      ta đổ xuống
Tưới đất này vất vả mười năm
Những ngôi nhà này không hề biết sợ
Mái này tường này
Quen nhìn gạch đổ
Những con người này quen súng cầm tay
Quen mở chiến hào ngay trên đường phố
Dù phải mười năm, hai mươi năm
Đất nước này quen một mất một còn.


1966