Theo nguồn Mỹ, vào thời điểm chiến dịch, không quân Mỹ có 207 chiếc B-52 sẵn sàng đánh vào Việt Nam, 54 chiếc đậu ở U-Tapao (Thái-lan), số còn lại trên lãnh thổ Mỹ.

Tưởng tượng hàng trăm B-52 cùng đông hơn nữa máy bay hộ tống hàng đêm rước đèn từ Thái-lan, Biển Đông, vào tận trời Hà Nội, Hải Phòng!

Vẫn theo nguồn Mỹ, phía Mỹ đã xây dựng chiến thuật bảo vệ lực lượng tập kích trên cơ sở sẽ gặp nhiều Míc. Nhưng thực tế là phía ta đã quyết định sẽ đánh B-52 chủ yếu bằng tên lửa. Ta đã rèn luyện cách đánh B-52 bằng SAM từ lâu, nay sẵn sàng cho rồng lửa bay lên phá đám rước đèn!

Đây một đêm “Điện Biên Phủ trên không” điển hình:
“Một cái gì đó kinh khủng, một cái gì đó choáng hồn, như một nhát chém sả, đột ngột xé toạc sự tĩnh lặng ra làm đôi. Chiếc phản lực trinh sát, chỉ một chiếc thôi, bất thần cắt ngọt một đường bay sấm sét, khoan thủng thinh không, là sát sàn sạt mái ngói những ngôi nhà, tuốt dọc sống lưng thành phố. Trong phòng, cả đến ánh đèn dầu cũng như chết lặng đi, nín thở (...) Còi báo động rú lên (...) B52 đang tiến vào (...) Vùng ngoại vi đã khai hỏa. Các trận địa pháo 100 ly đồng loạt cất tiếng gầm. Chớp giật sáng lóe. Và tên lửa, từng cặp, từng cặp rẽ trần mây, ầm ầm lao lên, vạch những luồng đỏ rực (...) sấm sét của quân ta đang cấp tập giành đòn” (Bảo Ninh, “Khắc dấu mạn thuyền”).

“Nếu Mỹ dùng B-52 vào ban ngày (…) lực lượng tiêm kích sẽ trực tiếp đánh nó nhiều hơn. Anh em phi công đã chuẩn bị (…) nếu đánh không rơi sẽ đâm thẳng vào pháo đài bay”. Muôn năm tinh thần quyết tử quân Việt Nam!

Nhưng nó chỉ vào ban đêm. Ta có Míc-21 bay đêm được, nhưng số lượng rất ít, hầu hết sân bay lại bị phá tan hoang và bị trinh sát rất kỹ, hễ máy bay cất cánh là nó biết... Dưới điều kiện cực kỳ khó khăn, hạ được hai chiếc B-52 là một kỳ công của không quân tiêm kích Việt Nam!
(TT)



Lê Hải, Phi công tiêm kích (14)




Cuối năm 1972, cuộc tiến công chiến lược của ta giành được những thắng lợi quan trọng (…) Do phong trào phản chiến ngày càng lên cao ở trong nước, Mỹ phải triệt thoái quân viễn chinh. Nhưng Mỹ tăng cường hoạt động của không quân và hải quân để cố cứu ngụy quyền (…)

Bác Hồ từng căn dặn: “Sớm muộn bọn Mỹ cũng đưa B-52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua mới chịu thua…” (…)

Nhân dân ta, quân đội ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, đã từ lâu chuẩn bị cho cuộc đụng đầu lịch sử này (…)

Ngày 14 tháng 12 năm 1972, Tổng thống Mỹ Ních-xơn thông qua kế hoạch tập kích bằng pháo đài bay B-52 vào Hà Nội, Hải Phòng. Mỹ điều thêm tàu sân bay và các tàu chiến khác đến vịnh Bắc bộ (…) thành lập bộ chỉ huy lâm thời số 57 phụ trách ba liên đội B-52 gồm 103 chiếc và 250 tổ lái, mỗi tổ 6 người (…) Sau khi chiến dịch bắt đầu, Mỹ còn đưa thêm nhiều chiếc B-52 nữa đến đảo Guam và Thái-lan (…) Theo kế hoạch, cuộc tập kích sẽ kéo dài từ 7 đến 10 ngày, chia làm 2 đến 3 đợt (…) Trước khi cho B-52 vào Hà Nội, không quân Mỹ sẽ dùng F-111 và các máy bay cường kích khác đánh hủy diệt các căn cứ Míc và các trận địa phòng không, nhất là trận địa SAM (…) gây nhiễu dày đặc, vô hiệu hóa tất cả ra-đa của ta (…) B-52 sẽ đánh đêm là chủ yếu (Tất nhiên kế hoạch của Mỹ về sau ta mới biết)

Ta quyết định sẽ dùng máy bay tiêm kích phối hợp với cao xạ và phòng không tầm thấp của dân quân đánh máy bay cường kích Mỹ để bảo vệ tên lửa, là lực lượng đánh B-52 chủ yếu (…) Nếu Mỹ dùng B-52 vào ban ngày (…) lực lượng tiêm kích sẽ trực tiếp đánh nó nhiều hơn. Anh em phi công đã chuẩn bị (…) nếu đánh không rơi sẽ đâm thẳng vào pháo đài bay (…)

Ngày 18 tháng 12 năm 1972, không quân Mỹ mở đầu cuộc tập kích chiến lược vào Thủ đô Hà Nội (…)

- 18 giờ, ra-đa cảnh giới ở Quảng Bình báo cáo phát hiện nhiễu cường độ lớn.

- 19 giờ 10 phút, đại đội 16 Trung đoàn 921 phát hiện B-52 bay lên hướng bắc.

Bộ Tổng tham mưu báo cáo lên Quân ủy Trung ương và Bộ Chính trị.

- 19 giờ 15 phút, báo động B-52. Toàn Quân chủng sẵn sàng chiến đấu.

- 19 giờ 25 phút, ba chiếc F-111 đánh sân bay Nội Bài (…) Đường băng vẫn còn sử dụng được. Chỉ huy sở cho Phạm Tuân cất cánh lên chặn địch ở hướng tây Hòa Bình. Lên đến độ cao 5.000 - 6.000 mét, nhìn trước, nhìn sau, Tuân đều thấy máy bay địch, mở ra-đa thì ra-đa bị nhiễu, màn hình trắng xóa, không bắt được mục tiêu. Phạm Tuân thấy nhiều máy bay địch bay về hướng Hà Nội. Một số bám theo anh. Tình thế bất lợi, lại sắp tới gần trận địa SAM, chỉ huy sở lệnh cho anh thoát ly về Nội Bài hạ cánh.

Sáu chiếc B-52 rải thảm sân bay Nội Bài. Hệ thống đèn hạ cánh bị hỏng. Đài chỉ huy thông báo cho anh đường băng bị trúng bom, phía đầu đông còn một đoạn có thể đủ hạ cánh. Nhiên liệu gần hết! Phạm Tuân bình tĩnh điều khiển máy bay theo đài dẫn đường. Quanh anh, rực trời ánh chớp của bom nổ và tia chớp đỏ của đạn cao xạ. Vừa vặn, một B-52 bị tên lửa hạ, cháy sáng bừng, soi đường cho anh kéo bằng tiếp đất. Anh bung dù, phanh gấp. Máy bay rung lên, dừng lại ngay trước một hố bom sâu trên đường băng! (…)

Cũng trong đêm 18 tháng 12 năm 1972, một Míc-21 khác cất cánh từ sân bay Hòa Lạc, do bị nhiễu nặng, ra-đa dẫn đường và phi công không phát hiện được địch, máy bay về hạ cánh, chạy lệch đường băng, gãy càng (…)

Tiểu đoàn tên lửa 59 thuộc Trung đoàn 261 đặt trận địa ở Cổ Loa, cửa ngõ của Thủ đô, vừa bị F-111 đánh bom phủ đầu. Xe thông tin bị hất đổ, nhưng tiểu đoàn trưởng Nguyễn Thăng cùng sĩ quan điều khiển Dương Văn Thuận và ba trắc thủ Độ, Tứ, Linh vẫn ngồi vững vàng trong xe điều khiển (…) Lúc 20 giờ 5 phút (…) Thuận ấn nút phóng quả tên lửa đầu tiên. Ba trắc thủ điều khiển nhịp nhàng, tên lửa vút lên độ cao 10 ki-lô-mét, lao thẳng vào chiếc B-52 mang ký hiệu tốp 671. Đài quan sát vui sướng thông báo: “Cháy rồi! Đạn nổ trúng mục tiêu, cháy rất to!”. Một số trắc thủ tên lửa từng diệt B-52 ở chiến trường Quân khu Bốn đã được đưa về Thủ đô. Tuy đêm nay nhiễu dày đặc, các đồng chí đã tìm được địch (…)

Đêm tập kích đầu tiên, địch đã sử dụng 90 chiếc B-52 và 130 chiếc máy bay chiến thuật (…) Ta hạ 3 chiếc B-52 (hai chiếc rơi tại chỗ) và 8 máy bay chiến thuật, trong đó lực lượng dân quân với súng trường, súng máy, đã bắn rơi một chiếc F-111 (…)

Từ ngày 19 tháng 12 đến ngày 24 tháng 12, hàng đêm địch sử dụng trung bình 100 chiếc B-52 và từ 130 đến 150 chiếc cường kích đánh phá hủy diệt các mục tiêu ở Hà Nội, Hải Phòng và các vùng phụ cận (…) Ta đã hạ được 46 máy bay địch, trong đó có 17 chiếc B-52 và 5 máy bay cánh cụp cánh xòe F-111, bắt được nhiều phi công Mỹ, chủ yếu là bọn lái B-52.

Các phi công của cả 4 trung đoàn không quân tiêm kích ra trận liên tục (…) Hầu hết đánh ban ngày, chỉ có Míc-21 đánh đêm (…)

Ngày 25 tháng 12, Bộ Tư lệnh Quân chủng triệu tập hội nghị cán bộ để rút kinh nghiệm chiến đấu trong đợt đầu và chuẩn bị cho những trận đánh tiếp theo (…) (Hội nghị kết luận) để có thể đến gần B-52, máy bay ta phải cất cánh bí mật, xuất hiện bất ngờ (…) một vấn đề cần phải giải quyết là làm sao chỉ huy sở có thể thấy được ta, địch, để dẫn phi công ta bay tiếp cận mục tiêu (…) một vấn đề nữa là nếu ra-đa trên máy bay ta bị vô hiệu hóa thì làm sao phi công nhận ra B-52 giữa bao nhiêu máy bay địch khác mà nhắm bắn?

Bộ Tư lệnh quyết định đưa tiêm kích đánh đêm ra vòng ngoài, phục kích ở những sân bay đã bị đánh phá nhưng đã được sửa sơ bộ, như sân bay Yên Bái, sân bay Thọ Xuân, sân bay Cẩm Thủy ở Thanh Hóa (…) chỉ thị cho các sở chỉ huy phải liên hoàn hết sức chặt chẽ, hỗ trợ nhau tối đa để dẫn đường cho tiêm kích (…) Còn vấn đề thứ ba, thì sau một số lần tiếp địch, các anh em phi công đều nhận thấy khi bay đêm, hẳn do số lượng nhiều, vì sợ va nhau, tất cả máy bay địch đều bật đèn. B-52 có 4 đèn vàng. Máy bay chiến thuật có 3 đèn vàng hoặc 2 đèn xanh, đỏ (…) Đây chính là “gót chân A-sin” của lực lượng tập kích (…)

Chiều 27 tháng 12, lúc gần tối, Bộ Tư lệnh bí mật cho Phạm Tuân đáp xuống sân bay Yên Bái. Trời đầy mây, độ cao đáy mây khoảng 200 đến 300 mét. Mây phủ hết các đỉnh núi quanh sân bay (…) 22 giờ 20 phút, Phạm Tuân cất cánh. Bay lên trên mây, anh thấy nhiều ánh đèn máy bay tiêm kích địch. Bình tĩnh, giữ độ cao 2.500 mét, anh vượt qua bọn này. Sở chỉ huy Quân chủng thông báo địch gần Mộc Châu. Các sở chỉ huy vòng ngoài ở Mộc Châu, Sơn La liên tục thông báo vị trí của B-52 cho Tuân. Anh xin phép chỉ huy sở bỏ thùng dầu phụ, bật tăng lực, lên độ cao 7.000 mét. Ở độ cao này, các trạm ra-đa nhìn rõ máy bay ta và B-52. Phạm Tuân tăng tốc độ, vượt qua bọn tiêm kích hộ tống. Anh lên độ cao 10.000 mét, ngang tầm với B-52. Anh phát hiện 2 chiếc đang bay hàng dọc, cách nhau 2 đến 3 ki-lô-mét. Căn cứ vào số đèn vàng, Tuân chắc chắn đó là B-52 và lập tức báo cáo chỉ huy sở: Đã phát hiện mục tiêu, xin phép công kích. Chỉ huy ra lệnh: “Bắn hai quả một lần. Thoát ly nhanh, phía sau có địch”.

Tuân không mở ra-đa, ngắm bắn chiếc B-52 đi đầu bằng mắt thường (…) ấn nút. Hai quả tên lửa cùng lao vào máy bay địch, một quầng lửa bao phủ nó. Anh hân hoan báo cáo với chỉ huy sở: “Nó cháy rồi!” và cho máy bay vòng xuống thấp, tránh bọn hộ tống, về hạ cánh an toàn xuống sân bay Yên Bái (…)

Phạm Tuân sinh năm 1947 tại Thái Bình (…) năm 1965 học bay ở Liên-xô (…) được tuyên dương Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân ngày 3 tháng 9 năm 1973 (…) Năm 1980, sau khi hoàn thành xuất sắc chuyến bay (lên quỹ đạo) cùng phi hành gia Liên-xô Gơ-rơ-bát-cô, Phạm Tuân được nhà nước phong danh hiệu Anh hùng Lao động và thưởng Huân chương Hồ Chí Minh. Ngày 31 tháng 7 năm 1980, anh được Nhà nước Liên Xô phong tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô (…) Trong số các phi công tiêm kích Việt Nam, Phạm Tuân là người được tặng nhiều danh hiệu vẻ vang nhất (…)

Trở lại những trận chiến đấu của Không quân ta trong những ngày đêm cuối tháng 12 năm 1972 (…)

Đêm 22 tháng 12, địch đã cho 12 chiếc B-52 thả hơn 200 quả bom xuống sân bay Cẩm Thủy (Thanh Hóa) nhỏ bé (…) cho máy bay trinh sát lướt qua hàng ngày (…) công binh ta san lấp một dải nhỏ, vừa đủ cho Míc-21 cất cánh (…) ngụy trang (…) (Hẳn) Mỹ hoàn toàn bất ngờ khi biết ta vẫn sử dụng sân bay này (…) 21 giờ 41 phút ngày 28 tháng 12, phi công Vũ Xuân Thiều cất cánh từ Cẩm Thủy. Đội hình địch gồm 60 chiếc B-52 và 135 máy bay tiêm kích, cường kích (…) Sở chỉ huy ở Thọ Xuân phối hợp cùng sở chỉ huy Binh chủng và sở chỉ huy Trung đoàn 927 liên tục thông báo tình hình địch cho Thiều (…) dẫn anh bay vòng qua biên giới Việt - Lào để tiếp cận địch từ phía sau. Lên độ cao 10.000 mét, anh nhìn rõ đèn vàng của B-52 và đèn vàng, xanh, đỏ của các loại khác. Chung quanh anh nhấp nháy đèn máy bay địch! Chỉ huy sở dẫn anh vượt qua tiêm kích, đến gần B-52 (…) cho anh biết chiếc B-52 gần nhất ở ngay phía trước, cách 10 ki-lô-mét (…) Anh báo cáo đã thấy mục tiêu, xin phép công kích. Bọn B-52 cũng đã phát hiện có Míc, liền bắn tên lửa nhử mồi (…) Thiều phóng một lúc hai quả tên lửa (…) B-52 bốc cháy, nổ tung. Do khi bắn đã tới quá gần, máy bay anh lao thẳng luôn vào mục tiêu (…) Vũ Xuân Thiều - người Hà Nội - (…) hy sinh năm 27 tuổi (…) Ngày 20 tháng 12 năm 1994 (…) được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân (…)

Gần nửa đêm 29 tháng 12, tiểu đoàn tên lửa 79 bắn rơi chiếc B-52 thứ 34 - chiếc cuối cùng trong (…) trận “Điện Biên Phủ trên không” (…)


(Lê Hải,
Phi công tiêm kích, nxb. Quân Đội Nhân Dân, 2004)