Võ Nguyên Giáp, “Vòng vây không rạn nứt”




Ngày 4 tháng 12 năm 1953, tiểu đoàn công binh số 31 (Pháp) được đưa lên Điện Biên Phủ (...) Công việc trước tiên của tiểu đoàn là dùng ghi sắt phủ toàn bộ 6.000 mét vuông đường băng cho máy bay vận tải hạng nặng hạ cánh (...)

Ngày 16 tháng 12 năm 1953, Đờ Cát ra lệnh cho tất cả các đơn vị phải củng cố vị trí để chống được pháo 105 ly (...) Quân Pháp phá nhà của dân thu được 2.200 tấn gỗ tốt (...)

Tập đoàn cứ điểm hình thành với ba phân khu: phân khu trung tâm, phân khu bắc và phân khu nam.

Phân khu trung tâm (chứa) hai phần ba quân địch (gồm) năm trung tâm đề kháng với trên 30 cứ điểm liên kết với nhau thành một khối rắn chắc quanh sân bay và dãy đồi ở phía đông cánh đồng (...)

Mặc dầu biết ta không có máy bay, nhưng cố vấn Mỹ ở tập đoàn cứ điểm vẫn khuyên Đờ Cát yêu cầu Bộ chỉ huy Pháp gửi cho mình loại trọng liên cao xạ 12,7 ly bốn nòng (...) nói mình đã chứng kiến những khẩu súng này biến những đợt tiến công của quân địch thành những mảnh vụn trên chiến trường Triều Tiên (...)

Theo cách đánh giá của phương Tây thì khu trung tâm tập đoàn cứ điểm chỉ rộng khoảng 2,5 ki-lô mét vuông mà có tới 12 khẩu 105, 4 khẩu 155, 24 khẩu cối 120 và 81, và một dự trữ đạn đồ sộ (từ 6 đến 9 cơ số đạn) là quá mạnh (...)

Quân Pháp đã không phòng ngự một cách bị động (...) Mười ngày sau khi nhảy dù xuống Mường Thanh, ngày 30 tháng 11 năm 1953, Cô-nhi chỉ thị (...) phải tiến hành ngay những cuộc hành binh thọc sâu vào phía sau đối phương (...) Chủ trương này chấm dứt vào ngày 26 tháng 12 (sau khi địch nhiều lần rơi vào những trận địa phục kích của ta và nhận thấy hành quân trong rừng là quá sức khó khăn, vất vả) (...) Đờ Cát chuyển sang thực hiện những cuộc hành binh tuần tiễu ở phạm vi hạn chế chung quanh Mường Thanh nhằm phát hiện vị trí quân ta, đặc biệt là các trận địa pháo (...) Có những dấu hiệu cho y thấy đối phương đã đến quá gần. Ngày 28 tháng 12, viên trung tá tham mưu trưởng của tập đoàn cứ điểm chết vì một tràng đạn tiểu liên cách Bản Kéo vài trăm mét. Ngày 29, tiểu đoàn 3 của bán lữ đoàn lê-dương thứ 13 vừa ra khỏi bản Him Lam đã bị hỏa lực của ta chặn lại. Cùng lúc, một tiểu đoàn bộ binh Bắc Phi từ Hồng Cúm đi ra khỏi trung tâm đề kháng mới vài ki-lô-mét cũng vấp phải một trận địa của ta.

Ngày 31 tháng 1 năm 1954, lần đầu tiên đường băng sân bay Mường Thanh bị pháo kích bằng sơn pháo 75 ly. Một máy bay bị trúng đạn. Địch phát hiện có ít nhất hai trận địa pháo nằm trên những điểm cao ở ngay bên trong thung lũng.

Quân Pháp cho hai tiểu đoàn tiến về điểm cao 633, nằm cách đồi Độc Lập không đầy một ki-lô-mét về phía bắc (...) Buổi sáng địch mở liên tiếp năm đợt tiến công nhưng đều thất bại (...) Buổi chiều (...) lại mở tiếp hai đợt tiến công. Tại đây ta chỉ có một trung đội (...) 27 người do trung đội trưởng Trần Độ chỉ huy (...) Địch phải rút lui. Trung đội được Bộ chỉ huy chiến dịch tặng huân chương (...)

Ngày hôm sau, tiểu đoàn dù lê-dương số 1 tiến về phía đông Mường Thanh (...) tiến lên điểm cao 781 (...) vấp phải trận địa phòng ngự của một đại đội ta (...) cho một đại đội men theo sườn phía nam tiến lên đỉnh (...) Ở đây có một tiểu đội do tiểu đội trưởng Đinh Văn Niết chỉ huy (...) Tuy bị thương vong nhiều, nhưng thấy ta ít quân, chúng tiếp tục từ hai phía xông lên (...) Hoàng Văn Nô, một chiến sĩ người Nùng mới hai mươi tuổi, nhảy khỏi giao thông hào dùng lưỡi lê đâm chết một tên địch và đâm tiếp một tên khác (...) Cả tiểu đội cũng nhảy lên theo, lao vào quân địch với những chiếc lưỡi lê tuốt trần. Hoảng sợ trước lối đánh quyết liệt của ta, địch quay đầu tháo chạy (...) Hoàng Văn Nô lần thứ năm lao tới một tên địch to lớn gấp rưỡi mình, đâm lê trúng ngực tên này nhưng bị dính đạn của một tên chạy phía trước ngoái lại bắn. Trong trận này, một tiểu đội ta đã đánh lui một đại đội địch. Chúng bỏ lại gần hai chục xác chết (...) Chiến sĩ Hoàng Văn Nô được Bộ chỉ huy chiến dịch truy tặng danh hiệu duy nhất trong chiến tranh: “Dũng sĩ đâm lê” (...)

Ngày 6 tháng 2 năm 1954, Lăng-gơ-le chỉ huy một lực lượng lớn tiếp tục tiến công điểm cao 781 (...)

11 giờ 15, tiểu đoàn Ma-rốc đi mở đường lên gần tới đỉnh đồi nằm trước điểm cao 781, báo cáo về vẫn không thấy bóng dáng Việt Minh. Chúng chưa biết đã tới gần trận địa của tiểu đoàn 439 trung đoàn 98 (316). Tiểu đội tiền tiêu (...) bất thần nổ súng. Mười tên địch bỏ xác tại chỗ (...) Địch nhiều lần xung phong nhưng đều bị đánh lui (...) 16 giờ 30, Lăng-gơ-le ra lệnh rút về Him Lam (...) Nhật ký hành quân của Pháp ghi về ngày hôm đó: “93 người chết, trong đó có 3 sĩ quan và 12 hạ sĩ quan (...)”.

Đờ Cát một mặt ra sức củng cố trận địa phòng ngự, một mặt tiếp tục (...) tiến hành liên tiếp những cuộc hành binh ra vùng chung quanh (...)

Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định chỉ sử dụng những đơn vị nhỏ, lợi dụng địa hình, địa vật và công sự, kiên quyết đẩy lùi những cuộc tiến công.

Đại đoàn 316 đã biến khu vực Đồi Xanh gồm nhiều điểm cao như 781, 754, 518, 502 v.v. thành một bức thành ngăn cánh đồng Mường Thanh với dãy núi Tà Lèng ở phía trong, nơi bộ đội ta đang triển khai xây dựng trận địa (...)

Béc-na Phôn viết: “Chiều ngày 15 tháng 2 năm 1954 (...) ở Hà Nội, người ta tiến hành một bản thống kê nặng nề. Theo những báo cáo mới nhất từ Điện Biên Phủ gửi về, tổn thất của quân đồn trú từ 20-11-1953 đến 15-2-1954 là 32 sĩ quan, 96 hạ sĩ quan và 836 binh lính (...)”. Đại khái, đây là khoảng một tiểu đoàn bộ binh, với số cán bộ của hai tiểu đoàn.

Người Pháp đã thất bại trong chủ trương đưa chiến sự vào phía sau của ta và đẩy nó ra xa tập đoàn cứ điểm. Na-va thú nhận trong cuốn hồi ký của mình: “... Ở khắp nơi, quân Pháp đều vấp phải những đơn vị phòng ngự rất giỏi của địch. Chúng ta bị thiệt hại khá nặng nề. Rõ ràng là vòng vây chung quanh tập đoàn cứ điểm không hề bị rạn nứt”.

(Nhưng) từ thắng lợi của những phân đội nhỏ và rất nhỏ của ta trong chiến đấu phòng ngự có công sự chống lại quân địch đông hơn rất nhiều, có thể dự đoán khó khăn trong những trận đánh vào các điểm cao của địch sau này.


(Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hồi ký
Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử in lại trong Tổng tập hồi ký, nxb. Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2006)