“Xao xác ngàn lau, ngàn kỷ niệm bạc đầu, bạt ngàn xao trong gió / Miền hoa lau ấy là miền xưa, miền quá vãng, đến làm chi?” (Chế Lan Viên), “Ngồi ôm tóc dài / Chập chờn lau trắng trong tay” (Trịnh Công Sơn)... Hình như hoa lau hay nhắc niềm riêng hay nỗi buồn triết lý.

Trong bài thơ sau đây, ký ức “hoa lau nở trắng rừng trắng bãi”, “rừng lau sáng trắng (...) thắp (đèn)” lại gợi niềm nỗi “chung vui”. Chung vì nối “vòng tay quay nặng chuyến hàng” với “bàn tay em gái dẫn xe qua” là tình yêu Tổ quốc. Vui vì “Mùa lau trắng nở đầy chiến thắng / Xưa tổ tiên, nay của chúng ta”.

Hoa lau phấp phới ở Hoa Lư báo trước sự ra đời của Đại Cồ Việt. “Cờ trắng” chắc cũng đang tung bay ở Chi Lăng khi Liễu Thăng bị chém. Rồi một trong hai trận thắng giòn giã đầu tiên của cuộc phản công chiến lược ở Việt Bắc năm 1947 đã xảy ra ở đèo Bông Lau. Vạn tuế lau!
(Thu Tứ)



Hoàng Vũ Thuật (1945-cs)




“Mùa lau trắng”




Anh đi qua mùa mưa
Nước trắng đồng bằng
Mảnh trời ngả nghiêng mảnh trời bão gió
Hàng cọc tiêu bên đường lung lay

Đột ngột lùa sang ngọn gió heo may
Hoa lau nở trắng rừng trắng bãi
Mùa mưa lũ đã qua rồi đấy
Vòng tay quay nặng những chuyến hàng

Đường vòng vèo xe vượt đèo Ngang
Bom nổ dưới thung rùng rùng mặt đất
Tiếng cười nơi bãi khách
Cái nhìn nơi ngã ba…

Đêm Trường Sơn bao la
Qua cửa kính là rừng lau sáng trắng
Những ngọn đèn thiên nhiên lấp lánh
Thắp lên từ bao đời

Xe anh đi trong trắng bãi, trắng đồi
Bỗng nghĩ về ngọn cờ lau tập trận
Mùa lau trắng nở đầy chiến thắng
Xưa tổ tiên, nay của chúng ta

Nhớ bàn tay em gái dẫn xe qua
Giữa mịt mù đạn bom cào xé
Bàn tay nghiêng nghiêng chùm hoa dẻ
Như mầm cây nẩy vỏ đâm lên

Xe đi qua đèo - lửa - không - tên
Áo trắng và cọc tiêu cũng trắng
Anh đùa em: thắp đèn lên cho sáng
Xe thấy đường và anh thấy em

Ôi mùa lau trắng dẫn xe lên!