“Nghe công binh trình bày những yêu cầu của con đường mà thấy phát sốt”. Bỗng dưng phải chỉ huy một trận công kiên đánh vào đất và đá và cây rừng, kinh nghiệm chưa có, làm sao đây?

“Tạm gác súng lại cầm xẻng cuốc, người lính chỉ bỡ ngỡ một lúc”. Thao tác thì quen trở lại dễ dàng, nhưng cuốc núi khó hơn cuốc ruộng cuốc vườn.

“Căn bản vẫn là cán bộ đi sát, lặn lội với chiến sĩ”. Có thế mới biết rõ thực tế mà chỉ huy cho đúng, và có thế mới động viên được những người mà mình chỉ huy.

Rút cuộc, cái nghĩa lý của văn công nó là thế nào nhỉ? Thấy đại khái, đời sống ở chiến trường là “khô” lắm, đã thiếu rau tươi cho cơ thể, lại thiếu cái gì đó tươi cho tâm hồn, “các em” đến, tưới tươi vào lòng “các anh”… Mười bốn có còn ít tuổi quá chăng? Thời trước con người ta trưởng thành sớm, và hoàn cảnh khó khăn cũng giúp chóng già dặn. Đào vẫn còn nụ đấy, nhưng mà đào đã làm nên được Xuân rồi, trong những lòng đang khao khát Xuân.
(Thu Tứ)



Vũ Lăng, “Nhật ký Điện Biên Phủ 1&2-2-1954”




Ngày 1-2 tháng 2

Cả hai ngày hôm nay lo lắng về vấn đề làm con đường thắng lợi.

- Một vạn tám nghìn thước khối (đất)

- Ngót năm mươi cây số phải chặt (cây)

- Bốn con đường phải cắt vào núi và hạ thấp dốc

- Mấy quãng đá gay

- Năm chiếc cầu phải đặt tới hàng ngàn cây gỗ to nhỏ

- Ngụy trang để bảo vệ bí mật...

Suốt buổi sáng đi xem đường, nghe công binh trình bày những yêu cầu của con đường mà thấy phát sốt.

Tính trên một vạn rưỡi nhân công. Nhẩm lại quân số của đơn vị lo quá. Mỗi ngày được hơn một ngàn nhân công. Làm trong tám ngày mới được khoảng một nửa yêu cầu.

Công việc phải đi sâu vào kế hoạch cụ thể (...) phân công hợp lý, động viên thi đua (...) kinh nghiệm chưa có thì đột phá một đơn vị để rút kinh nghiệm (...) Căn bản vẫn là cán bộ đi sát, lặn lội với chiến sĩ (...) Tạm gác súng lại cầm xẻng cuốc, người lính chỉ bỡ ngỡ một lúc (...)

Mình cả buổi sáng và chiều leo đèo, vượt qua cả 1206 mới lại quay trở lại, trời nắng gắt mồ hôi ướt sũng áo, rất mệt nhưng thấy anh em tíu tít cuốc đất chặt cây bẩy đá thi đua sôi nổi, phấn khới quên cả mệt. Vả lại anh em mệt hơn mình biết bao nhiêu ấy chứ (...)

Chiều xuống, sắp trở về thì gặp văn công xuống đơn vị phục vụ. Trông thấy Nga, Phi, Ly đeo ba-lô mồ hôi đọng trên trán, mình thương chúng nó quá (…) Mình hỏi: “Chiều nay ba mươi Tết rồi, Nga có nhớ nhà không?”. Mắt Nga chớp mấy cái, nhưng nó trả lời: “Em chỉ nhớ ít thôi, thương các anh nhiều hơn”. Câu nói của một em gái mười bốn tuổi thật là khôn ngoan. Lẽ ra cái tuổi này đang được cắp sách đến trường học tập. Chúng nó vượt hàng ngàn cây số, leo qua bao nhiêu đèo cao, lội qua bao nhiêu suối giá buốt, đi theo các anh lớn ra mặt trận, chịu đựng gian khổ cũng không kém gì các anh, để giữa bom đạn của địch vẫn ca hát nhảy múa để động viên mọi người. Mình nắm chặt lấy bàn tay nhỏ bé của Nga, muốn truyền sang Nga tất cả tình thương yêu của mình (…) Dọc đường về lại gặp văn công. Họ cười nói tíu tít chúc tụng bộ đội. Cái Tết ở trong lòng mọi người, ở tiếng cười câu nói của mọi người…


(Nhật ký của Thượng tướng Vũ Lăng, in trong
Thượng tướng Vũ Lăng – Từ một quyết tử quân, nxb. Quân Đội Nhân Dân, 2005)