“Chung quanh Điện Biên Phủ bắt đầu xuất hiện một công trường khổng lồ”.

Tại sao phải xây
“cả một hệ thống hầm, hào lớn, nhỏ phức tạp, vừa mang tính tiến công, vừa mang tính phòng ngự, đặc biệt là có chiều dài cả trăm ki-lô-mét”?

Vì ta cần bảo vệ thật kỹ những khẩu súng lớn rất quý đối với mình. Vì ta không thể để bộ đội di chuyển trên mặt đất giữa địa hình trống trải làm mồi ngon cho hỏa lực cực mạnh của địch. Dĩ nhiên, rút cuộc bộ đội cũng phải nhảy lên khỏi hào mà xung phong vào cứ điểm, nhưng rút ngắn cái quãng thời gian làm bia cho địch bắn được bao nhiêu thì sẽ đỡ tổn thất bấy nhiêu.

Chế Lan Viên có câu thơ về Điện Biên Phủ:
“Làm nên chiến thắng có tiếng hát vang trời của các giàn đại bác / Lại có im lìm của tiếng cuốc chim”. Không có vô số cuốc ngày đêm thầm thì moi ruột đất, thì các giàn đại bác sẽ không “hát vang trời” được lâu đâu, thì bộ đội sẽ chết như rạ trên cánh đồng Mường Thanh, chết nhanh đến nỗi không thể nào thay thế kịp...

Khi chiến dịch Điện Biên Phủ mở màn, quân Pháp bị choáng bởi hỏa lực khá mạnh lần đầu có của quân ta. Nhưng sở dĩ chúng rút cuộc phải đầu hàng, ấy là do cái nghị lực mạnh đến vô song mà dân tộc ta suốt cuộc Trường kỳ Kháng chiến lúc nào cũng có!
(Thu Tứ)



Võ Nguyên Giáp, “Một công trường khổng lồ”




Mỗi lần đi chiến dịch, tôi lại trở về “ngôi nhà” quen thuộc. Nó cũng giống như phần lớn những ngôi nhà của các cơ quan ở Việt Bắc trong kháng chiến, chỉ khác là ở mặt trận nó thu nhỏ lại tới mức tối thiểu, trở thành gọi đúng hơn là một cái lán. Vật liệu (…) kiếm tại chỗ. Giữa nhà có một chiếc bàn, mặt bàn đủ rộng để trải bản đồ. Hai bên là hai ghế dài, mặt ghế thường ghép bằng những cây vầu bổ đôi. Hai đầu nhà có hai chiếc giường giát nứa, một của tôi, một của đồng chí vệ sĩ (…)

Ngôi nhà lần này nằm bên sườn núi Mường Phăng, bên những cây dẻ cao vút. Mường Phăng là tiếng Thái có nghĩa là “bản lạnh” (…) Ở đây chỉ cần trèo lên đỉnh núi phía sau là nhìn thấy cánh đồng Mường Thanh và tập đoàn cứ điểm của địch (…) Được thấy tận mắt chiến trường (…) gợi cho mình nhiều suy nghĩ. Hễ có thời gian, tôi lại lên đỉnh núi, dùng ống nhòm quan sát trận địa (…)

Cơ quan tham mưu, chính trị cũng tụ tập quanh đây. Những dãy lán, mái lợp cỏ tranh, nằm rải dọc theo con suối. Bảo vệ cho sở chỉ huy vẫn chỉ có một lực lượng cảnh vệ nhỏ. Anh em trèo lên những cây cao quan sát từ xa người ra vào. Các chuyên gia bạn lần đầu sang Việt Nam đều nhận xét là trước kẻ địch có phương tiện và vũ khí hiện đại, việc bảo vệ các cơ quan đầu não của ta quá sơ sài. Nhưng ta duy trì chủ trương ở mặt trận cũng như ở hậu phương, lấy náu kín dưới tán cây rừng và dựa vào dân làm then chốt an toàn (…)

Đảng ủy Mặt trận cùng các cán bộ lãnh đạo khác chia nhau đi khắp nơi xúc tiến công tác chuẩn bị (…)

Chúng ta nhận thấy trong một trận đánh dài ngày không thể tiếp tục kéo những khẩu pháo nặng hai tấn lên núi bằng tay, cũng như bố trí trận địa pháo nơi địa hình trống trải. Cần phải có đường cho xe kéo pháo vào trận địa; trận địa phải được cấu trúc vững chắc, đủ sức chịu đựng những trận oanh tạc và phản pháo của địch nếu chẳng may bị lộ. Làm được điều này không dễ dàng. Tập đoàn cứ điểm địch nằm trong một lòng chảo, chung quanh là núi cao trên dưới 1.000 mét. Những ngọn núi lớn thuận tiện nhất cho việc dùng pháo khống chế sân bay Mường Thanh đều ở cách xa từ 10 đến 12km. Nếu đặt pháo trên sườn núi phía ngoài lòng chảo thì bắn không tới mục tiêu. Chúng ta buộc phải bố trí trên sườn núi phía trong là nơi dễ bị phản pháo. Địch chắc chắn đã nghĩ ra điều này. Viên chỉ huy pháo binh ở Mường Thanh cam kết với Na-va rằng chỉ sau ba phát đại bác của Việt Minh, hỏa điểm sẽ bị dập tắt. Ta biết khả năng của pháo binh Pháp quả thực đáng e dè.

Lúc này chúng ta rất cần một tấm bản đồ Điện Biên Phủ chính xác (…) Ngày 28 tháng 12 năm 1953, một số chiến sĩ quân báo của 308 (…) phục kích tại một bản gần đồi Độc Lập (…) nằm tại đây từ nửa đêm. Trời sáng một lúc (…) một toán quân địch tới gần. Chiến sĩ Trần Mạnh Phấn để ý có một sĩ quan to béo đeo lon trung tá, cầm trong tay một chiếc cặp. Phấn nhả một băng tiểu liên hạ gục viên sĩ quan, xông tới thu chiếc cặp, rồi cả toán rút lui. Họ đã gặp may. Đó chính là trung tá Guýt (Guyth), tham mưu trưởng của Đờ Cát. Trong cặp có nhiều tài liệu quan trọng và một bản đồ tập đoàn cứ điểm. Nhưng đây chỉ là một sơ đồ, chưa phải tấm bản đồ chính xác mà pháo binh đang cần.

Đầu tháng 1 năm 1954, tôi nhận được một tấm bản đồ 1/25.000 mới nhất. Một tổ trinh sát (…) của Bộ (…) trong khi tiềm nhập sân bay Mường Thanh đã thu được một chiếc hòm trong đó có nhiều tấm ảnh hàng không cỡ lớn và một số bản đồ Điện Biên Phủ (…)

Ngoài trung đoàn công binh 151 làm nòng cốt, phần lớn bộ đội của các đại đoàn 312, 316 và trung đoàn 675 đều được huy động vào nhiệm vụ làm đường cơ động pháo. Đại đoàn trưởng 312 Lê Trọng Tấn dẫn đầu đơn vị mở lối tiến vào rừng sâu nhận cọc dấu, và bổ những nhát cuốc đầu tiên. Công binh phải làm những cây cầu vượt suối có sức chịu đựng 10 tấn, bảo đảm cho xe qua lại trong mùa mưa lũ (…)

Sau chỉ hơn hai chục ngày lao động khẩn trương, cả sáu tuyến đường cơ động pháo dài tổng cộng 70km đã hoàn thành. Khi trận Điện Biên Phủ kết thúc, đoàn tù binh di chuyển về trại tập trung, trông thấy, đã nhận xét: “Riêng với việc làm được những con đường này, các ông cũng đủ thắng chúng tôi rồi!”.

Việc xây dựng các hầm pháo tốn khá nhiều công sức. Hầm được đào sâu vào lòng núi, có công sự bắn đủ rộng để pháo thủ thao tác dễ dàng khi chiến đấu, với công sự ẩn nấp riêng. Nắp các hầm đều dày trên 3 mét, gồm nhiều lớp gỗ, đất, xen với những lớp bó trúc (…) Cạnh hầm pháo là hầm chỉ huy và hầm chứa đạn. Cứ bốn khẩu lại có chung một hầm làm nơi hội họp (...) Nối liền các hầm pháo là hào giao thông khá rộng và sâu, có rãnh thoát nước và hố tránh bom na-pan. Lại có đường hào nối trận địa pháo với tuyến cung cấp, nơi có đủ hầm ăn, hầm ở, hầm thương binh, hầm nấu ăn, hầm giấu xe… Bên mỗi trận địa thật đều có một trận địa giả để thu hút bom đạn địch. Đào một hầm pháo trung bình phải moi từ lòng núi khoảng 200 đến 300 mét khối đất đá, toàn bộ được đổ lên nắp hầm. Cây gỗ lát nóc hầm có đường kính từ 30 phân trở lên, toàn bộ phải lấy từ xa, khoảng 9-10 km, đưa về để không làm lộ trận địa. Một khối lượng công trình khổng lồ! Có những chiến sĩ một ngày phải bổ tới hai, ba ngàn nhát cuốc. Tất cả những lưỡi xẻng, lưỡi cuốc đem ra dùng đều mòn vẹt. Các trận địa lựu pháo được bố trí cách khu trung tâm Mường Thanh khoảng 7km và cách các vị trí ngoại vi 4-5km. Vì thế, không những cần phải ngụy trang toàn bộ công trình trước con mắt xoi mói của máy bay trinh sát, mà còn phải không để cho quân địch nghe được các thứ tiếng động do thi công.

Trong lúc pháo thủ đánh vật với hầm hào, các chiến sĩ quan trắc, thông tin cũng lăn lộn với đèo dốc, sương mù, đêm tối và bom đạn để hoàn thành việc đo đạc, lập tọa độ các mục tiêu, và nối mạng dây thông tin dài hơn 60km của riêng trung đoàn lựu pháo.

Để bảo đảm thực hiện phương châm “đánh chắc tiến chắc” thành công, việc xây dựng trận địa bao vây và tiến công có tính quyết định.

Công việc này rất mới mẻ. Trận địa chiến hào của ta không có dây thép gai, bãi mìn bảo vệ, nhưng nó phải bảo đảm điều kiện cho các hoạt động chiến đấu, cũng như mọi sinh hoạt bình thường của bộ đội trong một thời gian khá dài. Nó không chỉ giúp cho bộ đội tiếp cận các vị trí địch dưới bom đạn, cả ban đêm và ban ngày, mà còn là nơi cơ động pháo, vận chuyển thương binh. Nó là cả một hệ thống hầm, hào lớn, nhỏ phức tạp, vừa mang tính tiến công, vừa mang tính phòng ngự, đặc biệt là có chiều dài cả trăm ki-lô-mét. Trong đợt đầu, chúng ta xây dựng một đường hào trục chung quanh cánh đồng Mường Thanh, và đường hào tiếp cận những trung tâm đề kháng bảo vệ tập đoàn cứ điểm ở phía bắc (...)

Chung quanh Điện Biên Phủ bắt đầu xuất hiện một công trường khổng lồ. Những con đường cơ động pháo nhanh chóng hiện ra dưới rừng cây (…) Rất nhiều chiến hào từ núi cao đổ xuống cánh đồng, không ngừng mọc thêm những nhánh mới, không ngừng lan rộng.

Công tác chính trị lúc này triển khai một cách sâu rộng. Trước tập đoàn cứ điểm mạnh chưa từng có, chúng ta đã xây dựng cho bộ đội một quyết tâm chiến đấu rất cao (…) Đợt học tập mới đã giúp mọi người nhận thấy sự đúng đắn của phương châm tác chiến “đánh chắc tiến chắc” trên cơ sở so sánh mọi khó khăn, thuận lợi của ta và địch (…)


(Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hồi ký
Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử in lại trong Tổng tập hồi ký, nxb. Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2006)