Sau nhiều thất bại đau đớn trước Míc-17 và Míc-19 tương đối lạc hậu, địch rút cuộc tìm ra cách đối phó hữu hiệu khiến ta lúng túng, phải hạn chế sử dụng hai loại tiêm kích này.

Ta tìm ra cách tối ưu để sử dụng Míc-21: tránh đánh vòng dưới thấp, bay nhanh xuyên suốt đội hình địch như một mũi tên, vừa bay vừa tìm mục tiêu mà phóng tên lửa, phóng xong, vọt lên cao thoát ly.

Các trận ngày 18-5-1972, 24-6-1972 và 27-6-1972, ta thắng đẹp quá!

Ngày 24-7, tinh thần hy sinh của phi công tiêm kích Việt Nam lại được nêu cao qua hành động dũng cảm của Lê Thanh Đạo.
(TT)



Lê Hải, Phi công tiêm kích (13)




Sáng 18 tháng 5 năm 1972, vào lúc 10 giờ, ra-đa phát hiện một tốp máy bay địch từ hướng đông bắc bay vào khu vực Kép. Binh chủng lệnh cho Trung đoàn 923 đối phó. Một biên đội 4 chiếc Míc-17 gồm Tưởng số 1, Điền số 2, Quy số 3, Lâm số 4, cất cánh bay xuống Bắc Giang, rồi vòng trở lại sân bay trên độ cao 2.000 mét, phát hiện địch. Bốn chiếc Míc-17 xáp chiến với bốn chiếc F-4 tốp đầu. Địch vào thêm bốn chiếc F-4 nữa. Binh chủng tăng cường trên không bốn chiếc Míc-19.

Tưởng lượn vòng, cắt bán kính, bắn rơi ngay một chiếc F-4 trong lần công kích đầu tiên (…) Trên độ cao 3.000 đến 4.000 mét, bốn chiếc Míc-19 quần nhau với bốn chiếc F-4. Địch chia làm hai tốp, ta cũng chia làm hai tốp. Số 3 bám theo một chiếc F-4 đang ở tư thế vòng lên lấy độ cao, còn cách 300 mét, anh nổ liền một lúc ba khẩu 30mm. Loạt đạn cưa đứt cánh phải máy bay địch và làm nó bùng cháy. Địch vào thêm 4 chiếc F-4 trên tầng cao hơn. Đẹp làm sao, vừa lúc ấy trên tầng ấy cũng xuất hiện hai đôi Míc-21 của Trung đoàn 927! Địch và ta lại diễn màn phân tốp. Míc-21 số 1 giả vờ đuổi theo một tốp, bất ngờ vòng ngược lại bám theo đôi F-4 đang vòng lấy độ cao, bắn rơi ngay một chiếc. Số 2 bay theo yểm hộ, hai lần vào công kích, địch cơ động tránh thoát. Ở độ cao 6.000 mét, đôi Míc-21 thứ hai cũng đang đuổi theo đôi F-4 kia.

Địch cố sống cố chết rút nhanh ra biển. Trên bầu trời sân bay Kép chỉ còn lại các máy bay tiêm kích của ta. Trận này ta thắng giòn giã, hoàn toàn vô sự mà bắn rơi tại chỗ ba F-4, hai chiếc khác bị Míc-21 bắn bị thương, bay ra đến biển thì rơi (…)

Sau nhiều trận bị không quân ta cho nếm đòn đau, không quân Mỹ thay đổi chiến thuật, phát huy mạnh hơn nữa ưu thế về số lượng và trang bị kỹ thuật hiện đại. Trung đoàn 923 (Míc-17), Trung đoàn 925 (Míc-19) liên tiếp bị tổn thất trong một số trận vào cuối tháng 5, đầu tháng 6 năm 1972 (...)

Vào giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất, không quân ta đã bắt đầu rút ra được cách đánh phù hợp tới tính năng của Míc-21. Sau mấy tháng chiến đấu ác liệt trong cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai, cách đánh đó trở nên gần hoàn thiện hơn. Cụ thể: chủ yếu dùng biên đội hai chiếc bay nhanh, đánh thọc sâu, xuyên suốt đội hình địch, hạn chế đánh vòng dưới thấp (...) Khi thoát ly, vọt lên cao, bay nhanh (...)

Trong khi 923, 925 hạn chế xuất kích, Binh chủng tập trung dùng lực lượng của 921, 927 (...)

Ngày 10 tháng 6 năm 1972, biên đội hai chiếc Míc-21 của Trung đoàn 921 bắn rơi một chiếc F-4 tại vùng trời Hòa Bình.

Ngày 13 tháng 6, Trung đoàn xuất kích 2 Míc-21 cản phá đội hình 12 chiếc F-4 vào định đánh Hà Nội, trên vùng trời Phú Thọ (...) Phạm Phú Thái dẫn đầu dũng cảm xuyên suốt đội hình địch (...) hạ tại chỗ một F-4 (...) Biên đội thoát ly ở độ cao 8.000 mét, bay nhanh, về hạ cánh an toàn (...) Trong khi địch còn chưa hoàn hồn, một biên đội 2 chiếc Míc-21 khác của 921 lại vào công kích (...) Số 2 Đỗ Văn Lanh (...) ngay quả tên lửa đầu đã bắn cháy một chiếc F-4 (...)

Đỗ Văn Lanh sinh năm 1948 ở tỉnh Ninh Bình, là học viên khóa thứ 2 của Trường Không quân Việt Nam, về nước tham chiến đấu năm 1968. Năm 1970 anh được chuyển qua bay Míc-21. Đỗ Văn Lanh đã tham gia chiến đấu 68 trận, 10 lần gặp địch, phóng 7 quả tên lửa, hạ 4 máy bay địch. Ngày 24 tháng 5 năm 1972, sau khi không chiến ác liệt trở về, chiếc Míc-21 của anh hết dầu, tắt máy còn cách sân bay khoảng 50km, anh bình tĩnh đưa máy bay về hạ cánh an toàn trên đường băng (…) Hạ cánh như thế suốt cuộc chiến tranh là duy nhất, thành công quá tốt đẹp.

Cùng với Trung đoàn 921, Trung đoàn 927 cũng liên tiếp xuất kích, bắn rơi nhiều máy bay địch, đặc biệt từ khi được trang bị Míc-21 cải tiến (Míc-21-F96) bay được lâu hơn loại cũ. Các loại tiêm kích mà Liên Xô viện trợ cho ta đều có nhược điểm lớn là thời gian bay ngắn, tức tầm hoạt động ngắn, hạn chế khả năng tạo bất ngờ (…) Trong tháng 6 năm 1972, Trung đoàn 927 tổ chức đánh 7 trận, trận nào cũng bắn rơi máy bay địch, phía ta an toàn tuyệt đối.

Chiều ngày 24 tháng 6 năm 1972, địch tổ chức đánh Thái Nguyên (…) Tiêm kích F-4 vào chặn ta trước (…) Trung đoàn 927 cho biên đội Nguyễn Đức Nhu, Hạ Vĩnh Thành xuất kích, làm nhiệm vụ nghi binh, thu hút địch (…) Sau đó cho đôi Nguyễn Đức Soát, Ngô Duy Thư cất cánh gấp (đuổi theo bọn F-4 đang bám đôi Míc-21 lên trước) (…) Soát phóng một quả tên lửa, máy bay địch bùng cháy (…) Thư cũng hạ được một chiếc F-4 (…) Trung đoàn 927 lại cho xuất kích biên đội Nguyễn Văn Nghĩa, Nguyễn Văn Toàn (…) Toàn phóng tên lửa trúng một chiếc F-4 làm nó rơi tại chỗ (…) Trong vòng 30 phút, 3 chiếc “Con Ma” bị bắn hạ! Bọn cường kích hốt hoảng, vứt bom, tháo lui (…)

Ngày 27 tháng 6 năm 1972, địch tổ chức một đợt đánh lớn vào Hà Nội. Lực lượng chúng gồm 24 máy bay mang bom, 20 chiếc F-4 làm nhiệm vụ yểm hộ và một số F-105D trang bị tên lửa Sơ-rai nhằm đánh phá các trạm ra-đa dẫn đường của ta. F-4 bay trước 12 phút, chực khống chế sân bay Nội Bài, Gia Lâm (…) Sở chỉ huy Binh chủng nhanh chóng đoán đúng âm mưu của địch, ra lệnh cho hai Trung đoàn Míc-21 chủ động xuất kích (…)

10 giờ 15 phút, biên đội Nguyễn Đức Nhu, Hạ Vĩnh Thành cất cánh từ sân bay Nội Bài trước khi bọn F-4 vào tới. Biên đội lên độ cao 5.000 mét, vừa đến vùng trời Nghĩa Lộ đã phát hiện ngay 4 chiếc F-4, số 1 bí mật đến gần, bắn rơi tại chỗ một chiếc. Lũ giặc còn lại hốt hoảng lủi xuống thấp. Chỉ huy sở cho biên đội rút khỏi chiến đấu (...)

Sở chỉ huy 927 lại cho biên đội Nguyễn Đức Soát, Ngô Duy Thư cất cánh bay vào khu vực Hòa Bình (...) Biên đội lên độ cao 5.000 mét (...) phát hiện hai chiếc F-4 ở độ cao 3.000 mét (...) Soát phóng liên tiếp hai quả tên lửa, bắn hạ được một chiếc (...) Thư phát hiện một tốp F-4 khác bên trái (...) bí mật tiếp cận, bọn địch vẫn bay bình thường, chưa biết có thần chết đuổi sau lưng. Thư cũng phóng liền hai quả tên lửa, hạ chiếc F-4 bay sau cùng (...)

Gần như cùng lúc, sở chỉ huy 921 cũng cho biên đội Phạm Phú Thái, Bùi Thanh Liêm xuất kích, bay vào Yên Bái (...) đến Nghĩa Lộ gặp 4 chiếc F-4 ở thế đối đầu. Trời nhiều mây, vòng trở lại đuổi theo chúng chưa chắc còn thấy, Thái quyết định biên đội tiếp tục bay tới, vì đoán rằng có địch nữa phía sau bọn này. Quả nhiên (...) gặp bốn chiếc F-4 đang phân tốp, đan chéo, lượn vòng (...) Thái lệnh cho số 2 tăng lực, lên hàng ngang, cùng tiến công (...) Còn cách địch khoảng 1.500 mét (...) Thái hô một, hai, ba, phóng (...) Hai quả tên lửa như hai nhát gươm đâm thẳng vào hai chiếc máy bay địch đang bay cắt chéo. Chúng bốc cháy gần như đồng thời (...)

Trong vòng một giờ đồng hồ, Míc-21 của hai Trung đoàn 921 và 927 đã bắn rơi tại chỗ năm chiếc F-4! (...)

Trong cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai (...) Míc-17 và Míc-19 (...) gặp nhiều khó khăn (...) Míc-21 liên tục lập nhiều chiến công oanh liệt, trở thành lực lượng chủ lực của Binh chủng (...)

Ngày 5 tháng 7 năm 1972, lúc 10 giờ 30 phút, địch vào đánh bắc đường 1. Chỉ huy Trung đoàn 927 (Míc-21) cho biên đội Nguyễn Tiến Sâm, Hạ Vĩnh Thành cất cánh. Đến Bắc Giang, ở cao độ 4.000 mét, số 1 phát hiện địch (…) Sâm đến còn cách chiếc F-4 khoảng 2.000 mét. Nó vẫn bay bình thường, chưa biết thần chết đã ở sau lưng. Sâm ấn nút, phóng quả tên lửa đầu. Điểm nổ cách máy bay địch khoảng 50 mét. Nó xì khói, chưa cháy. Sẵn đà, anh lao vào gần hơn. Chỉ còn cách 1.000 mét và bay nhanh thế này mà phóng tên lửa là nguy hiểm, nhưng Sâm vẫn ấn nút. Máy bay địch nổ bùng ngay trước mặt. Sâm không kịp chuyển hướng, bay xuyên thẳng qua vùng nổ. Hạ Vĩnh Thành bám theo yểm hộ, nhìn rõ máy bay số 1 lao vào quả cầu lửa. Anh xót xa nghĩ: Thôi rồi! Khi thấy chiếc Míc-21 của Sâm thoát ra, đen như cột nhà cháy, vẫn bay phía trước, Thành phấn khởi reo to. Anh đuổi theo chiếc F-4 kia, phóng một quả tên lửa, máy bay địch lộn nhào rơi tại chỗ. Đôi bạn trở về Nội Bài hạ cánh (…) Việc bay xuyên qua vùng nổ mà phi công vô sự và máy bay không hỏng chỉ xảy ra đúng một lần trong chiến tranh Việt Nam (…)

Thực hiện chỉ đạo của Binh chủng kết hợp bay huấn luyện và trực chiến, ngày 11 tháng 7 năm 1972, Trung đoàn 923 cho biên đội Hán Vĩnh Tưởng, Hoàng Thế Thắng cất cánh lúc 5 giờ 30 phút, bay tập sử dụng tên lửa A-72. Đây là loại tên lửa vác vai của bộ binh, được đồng chí kỹ sư Hồ Thanh Minh sáng kiến sửa đổi để lắp trên Míc-17 và Míc-19 (…) Biên đội đến khu vực Nhã Nam, vừa vòng tập được vài động tác, đã nghe chỉ huy sở thông báo: “Địch vào đến Nam Hải Dương, đang bay về phía tây, chú ý quan sát (…) “Địch đã vào tới Bắc Giang”, tức là nam sân bay Kép, rất gần Tưởng - Thắng (…) Số 1 phán đoán, địch bay từ Bắc Giang lên, nếu biên đội bay về hướng bắc, sẽ có góc tiếp địch lợi hơn (…) Số 2 báo cáo đã phát hiện địch (…) Tưởng ra lệnh: “Xuống độ cao 3000 mét, vòng cắt bán kính, tiếp cận chiếc đi đầu”. Còn cách địch 500 mét, Tưởng quyết định không dùng A-72, mà dùng pháo 37mm và hai khẩu 23mm cho chắc ăn. Hạ đối phương bằng súng là nghề của phi công Míc-17. Tưởng bắn loạt đầu, máy bay địch tránh được (…) Anh tiến vào gần hơn, chỉnh đường ngắm, bắn một loạt dài. Đạn trùm lên chiếc F-4 (…) Số 2 bám riết (…) bắn một loạt (hình như vào cùng mục tiêu, chỗ này kể không rõ). Chiếc F-4 cháy bùng, rơi ngay tại chỗ. Nhưng Thắng bị một F-4 khác đuổi theo sau lưng mà anh không hay (nên) bị trúng tên lửa địch. Anh nhảy dù, nhưng vì bị thương quá nặng, anh đã hy sinh (…)

Ngày 24 tháng 7 năm 1972, vào lúc gần 11 giờ, tại chỉ huy sở 927, Trung đoàn trưởng Nguyễn Hồng Nhị (...) cho biên đội Nguyễn Tiến Sâm - Hạ Vĩnh Thành cất cánh (...) Biên đội bay về hướng bắc Phủ Lý, lên độ cao 5.000 mét, số 2 phát hiện F-4 đang vòng đánh ga xe lửa. Sâm (...) dẫn biên đội vào công kích. Trong chớp mắt, anh tiếp cận mục tiêu, bắn hạ ngay tại chỗ một chiếc F-4. Biên đội thoát ly chiến đấu.

Hạ Vĩnh Thành vào hạ cánh trước. Anh giảm tốc độ, vừa thả càng, thì hai chiếc F-4 từ Tam Đảo, bay thấp, lủi ra lao tới. Đài chỉ huy thông báo ngay cho Thành biết tình thế khẩn trương: địch ở phía sau. Số 2 thu càng lên, tăng lực, phản kích quyết liệt. Hai chiếc F-4 thấy mất yếu tố bất ngờ, cũng tăng lực, rời khu vực.

Máy bay số 1 dầu còn ít, về trực tiếp hạ cánh từ đông qua tây. Hạ Vĩnh Thành sau khi đuổi địch, hạ cánh từ tây sang đông. Hai máy bay hạ cánh đối đầu, thật là nguy hiểm. Thành chủ động báo: số 1 cứ đáp xuống đường bê-tông. Còn Thành lạng máy bay rất gần đất, đáp trên đường bảo hiểm bằng đất.

Địch vẫn tiếp tục vào phía đông nam Hà Nội (...) Chỉ huy sở lệnh cho Lê Thanh Đạo - Trương Tôn xuất kích. Biên đội địch gần đến bờ biển, Lê Thanh Đạo tiếp cận được một chiếc F-4. Anh phóng một quả tên lửa, máy bay địch bốc cháy (...) Số 2 vào công kích tiếp, cũng bắn trúng, máy bay địch chúi xuống bờ biển, tên phi công không kịp nhảy dù (đây là cùng một chiếc F-4 hay là chiếc khác?). Biên đội được lệnh về sân bay Kép. Một bọn F-4 đã chờ sẵn, phục kích trên hàng tuyến sân bay. Số 2 báo cáo dầu còn rất ít. Lê Thanh Đạo bảo số 2 cứ hạ cánh. Anh cho máy bay mình vòng lại, phản kích quyết liệt. Bọn F-4 bỏ chạy. Sau khi số 2 đáp an toàn, Đạo bay về Nội Bài hạ cánh (...)


(Lê Hải,
Phi công tiêm kích, nxb. Quân Đội Nhân Dân, 2004)