“Xích Bích hoài cổ”

của Đỗ Mục




Trận Xích Bích năm 208, Đỗ Mục sinh năm 803. Sắt ngâm nước hơn sáu thế kỷ mà vẫn chưa nát, thậm chí chữ khắc còn đọc được, cũng lạ. Mân mê kích gãy lâu, có thể chợt thấy như xung quanh đang có lửa cháy bừng bừng!

Nguyên văn

Chiết kích trầm sa thiết vị tiêu
Tự tương ma tẩy nhận tiền triều
Ðông phong bất dữ Chu lang tiện
Ðồng Tước xuân thâm tỏa nhị Kiều.


Dịch nghĩa

Kích gãy vùi dưới cát, sắt chưa tiêu
Tự tay mài rửa, nhận ra triều đại trước
(Nếu) gió đông không tiện cho mưu của chàng Chu
Hai Kiều đã bị “khóa xuân” trong đài Ðồng Tước.(1)

Dịch thơ

Bản 1:

Cát vùi kích gẫy sắt chưa tiêu
Nhặt lên cọ rửa, quả tiền triều!
Gió đông không giúp chàng Chu nhỉ
Khóa xuân Đồng Tước đã hai Kiều.


Bản 2:

Cát vùi kích gẫy chưa tiêu
Tiện tay cọ thử xem triều nào đây
Ðốt thuyền thiếu trận gió may
Cọc chèo mất vợ vào tay giặc Tào!
(2)

Bản dịch thơ khác

Mũi giáo gãy còn vùi dưới cát
Mài rửa đi, nhận vết tiền triều
Gió đông chẳng giúp thuận chiều
Trong đền Ðồng Tước, hai Kiều khóa xuân.
(Trần Trọng Kim)

Dưới cát gươm chìm, sắt chửa tiêu
Giũa mài nhận biết việc tiền triều
Gió đông nếu chẳng vì Công Cẩn
Đồng Tước đêm xuân khoá nhị Kiều!
(Phan Kế Bính)

Chìm sông, kích sắt chửa tiêu
Rửa mài, nhận dấu tiền triều ở trong
Chàng Chu mà thiếu gió đông
Hai Kiều đã khóa đền Đồng vui xuân.
(Ngô Tất Tố)

Cát vùi lưỡi kích còn trơ
Rũa mài nhận dấu triều xưa rõ ràng
Gió đông ví phụ Chu Lang
Một nền Đồng Tước khóa xuân hai Kiều.
(Tương Như)



Thu Tứ
















_________
Tên bài nghĩa là “Chơi sông Xích Bích nhớ chuyện xưa”, tức chuyện Chu Du dùng hỏa công đốt cháy chiến thuyền của Tào Tháo.
(1) Chị lấy Tôn Sách, em lấy Chu Du. Tào Tháo định khi thắng Ngô sẽ bắt cả hai chị em về làm thiếp, cho ở trong đài Ðồng Tước.
(2) Chúng tôi dùng chữ “giặc” đây là từ quan điểm Đông Ngô, cho hợp với giọng hài của câu chót bản dịch, chứ hoàn toàn không ngụ ý đánh giá nhân vật lịch sử Tào Tháo.