Chỉ trong vòng không tới một thế kỷ, các nho sĩ Việt Nam chép thần thoại dân tộc đã bỏ sự kiện Cao Lỗ là thần ra khỏi sách: Việt điện u linh tập (1329) có nhắc, nhưng Lĩnh Nam chích quái (cuối thế kỷ XIV) thì không...



Tạ Chí Đại Trường, “Cao Lỗ là ai?”



An Dương Vương (...) Hai quyển sách xưa của ta nhắc đến ông là VÐULTLNCQ (i) có những khác nhau tận căn bản, trừ việc nhận ông là vua. Ở LNCQ (...) An Dương Vương có một bề tôi là Cao Lỗ, người chế ra chiếc nỏ thần (...)

Truyện của VÐULT, “Quả Nghị Cương Chính Uy Huệ Vương”, coi Cao Lỗ là bầy tôi của An Dương Vương nhưng lại là một vị thần được thờ cúng, trong khi An Dương Vương vắng mặt trên đền đài của các triều vua buổi đầu độc lập. Ít ra thì điều đó cũng chứng tỏ rằng tính cách thiêng liêng của Cao Lỗ đã nổi bật hơn, nói không nói là đã khuynh loát An Dương Vương. Sự thờ cúng Cao Lỗ là của truyền thống ăn sâu vào trong thời gian khiến con người quan tâm đến thần linh địa phương như Cao Biền, vì thấm nhuần tư tưởng Ðạo Giáo của thời đại, đã phải lưu ý mà lập đền thờ.

Cao Lỗ là ai? Sử ký của Ðỗ Thiện đời Lý (2) dẫn Giao Chỉ ký cho biết Cao Lỗ có “tục hiệu” là Ðô Lỗ hoặc rõ hơn, là thần Ðá (Thạch thần). Tục hiệu là chứng cớ xác định nguồn gốc và tính chất của Thần. Thần Ðá nấp sau danh hiệu Hán hóa Cao Lỗ, lù lù cao lớn, rõ ràng vẫn là đá lù lù đẹp đẽ (đô lỗ), không mất tính chất chỉ nội dung bản địa của Thần. Rồi đến khi người ta bớt lưu ý đến hình dạng, tính chất nguyên thủy của Thần thì tước phong các năm 1285, 1288 để chỉ nội dung đức tính gán cho Thần cũng vẫn vướng víu ý nghĩa đá: cứng cỏi (quả nghị), cứng thẳng (cương chính).

Truyện tích và hội lễ “rước vua sống” diễn ra trong hội đền An Dương Vương ngày nay cho ta thoáng thấy mối liên quan thực của ông vua và thần. Truyện tích kể rằng lũ yêu quái tập trung ở làng Nhồi (trong khu thành Giữa ngày nay) đã cản trở An Dương Vương xây thành Cổ Loa. Nhờ có Huyền Thiên Trấn Vũ khu trừ, thành mới xây xong, An Dương Vương bèn lập đền thờ và hàng năm thường đến đó bái tạ. Ngày nay, trong lễ hội, có người đóng giả Vương ngồi trên kiệu, đến tận đền Nhồi bước xuống bái lạy.(3)

Một ông vua của chính quyền theo quan niệm Nho Giáo không lạy thần mà chỉ lạy Trời, vị thần tối cao của mình. Ông An Dương Vương của thời sơ sử lạy thần đền Nhồi là ông thủ lĩnh lạy vị thần bảo trợ vùng đất của mình. Rõ ràng trong vết tích nguyên thủy, thần bảo trợ An Dương Vương là một thần đá, và Vương mất nước nhưng thần đá vẫn được thờ. Thế rồi vì quan niệm vương thấm nhuần trong đầu óc các nho sĩ Trung Quốc, các quan lại ở Giao Chỉ, ở phủ Ðô Hộ An Nam, người ta lật ngược tương quan cũ để cho thần Cao Lỗ làm bầy tôi An Dương Vương.(4) Cho đến thời đại độc lập thì An Dương Vương càng nổi bật lên, nhất là khi ý niệm Thiên tử được củng cố. Ông thần mà vua đến cầu - dù là vua giả - cũng không thể là thần đá, do đó có thần Huyền Thiên Trấn Vũ, một ông vua trên trời của Ðạo Giáo, đến thay thế khiến cho hành động đó trở thành hợp lý và tục lệ thích ứng thêm với đổi thay để được duy trì đến tận ngày nay.


(Tạ Chí Ðại Trường,
Thần, người và đất Việt, nxb. Văn Học, Mỹ, 2000, tr. 41-43)





__________________________
Nhan đề do người chọn tạm đặt.
(i) Tức
Việt điện u linh tậpLĩnh Nam chích quái. Theo Tạ Chí Ðại Trường (sđd., tr. 27): “... về đại thể, người ta có thể phân biệt được các phần căn bản của VÐULT là vào năm 1329 và của LNCQ là vào cuối thế kỷ XIV.” (TT)
(2) (...) Ðỗ Thiện (...) người ta vẫn không biết có phải ông này là tác giả quyển
Sử ký mà Lý Tế Xuyên dẫn lại không (...) (TCÐT)
(3) Trịnh Cao Tưởng, Trịnh Sinh,
Hà Nội, thời đại đồng và sắt sớm (Hà Nội 1982), tr. 64-65, 234. (TCÐT)
(4) Các bản chữ Hán của VÐULT (...) viết “cao” với nghĩa họ Cao. Các tác giả đó (hay người sao chép lại) không thể viết khác một khi thần được chỉ rõ là người có họ Cao, tên Lỗ (hay Thông), khác với điều ta thấy trong toàn bộ tục hiệu, tước phong, ý nghĩa đá đã rõ rệt. (TCÐT)