Trong bài “Cô Bưởi” thứ nhất có “vươn cao nòng pháo”, “nhịp cầu vá vội, ầm ầm xe qua”, “tiếng súng trời xa”. Cũng có cả “tiếng máy cày”. Nhưng trong bài “Cô Bưởi” thứ hai thì chỉ có “máy cày lật đất” mà không còn hình tiếng gì của các chiến cụ nữa. Thế là tự nhiên, vì bài trước làm năm 1968, bài sau làm năm 1974. Ngày toàn thắng đã sắp đến. Nó đến chẳng sớm đâu, bởi “Cô đi mấy chục năm rồi”. Đã biết bao nhiêu người “ngã xuống”, “dừng lại giữa đường”, bao nhiêu “giọt máu thấm sâu đất này”... Trên “đất này”, liệt sĩ “đi” mà không bao giờ “khuất”: “Nước chúng ta / Nước những người chưa bao giờ khuất / Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất / Những buổi ngày xưa vọng nói về…” (Nguyễn Đình Thi). Trong vô số tiếng vọng tới “Hôm nay và cả muôn đời mai sau”, có tiếng của một “buổi ngày xưa” khi một người phụ nữ Việt Nam đã vô cùng anh dũng hy sinh. (Thu Tứ)



Trần Đăng Khoa, “Về thăm cô Bưởi”




Về thăm cô Bưởi chiều nay
Lúa reo vàng đất, mây bay trắng trời

Sông Kinh bên lở bên bồi
Mái gianh nghiêng xuống bao đời vẫn xưa
Mẹ già, một nắng hai mưa
Rưng rưng mái tóc bạc phơ tháng ngày
Lá vàng còn ở trên cây
Nghe câu hát cũ dâng đầy hồn ta
Mẹ ơi, xin mẹ đừng già
Những ngày cơ cực đã qua lâu rồi
Sông Kinh bên lở bên bồi
Một người ngã xuống, bao người nảy sinh
Mái gianh ơi hỡi mái gianh
Ngấm bao mưa nắng mà thành quê hương
Bóng cau vẫn ngả ngang vườn
Lá tre gió vẫn thổi vương ngõ ngoài

Cô đi mấy chục năm rồi
Bãi sông độ ấy, cát bồi đã xa
Đồng lầy đầy lác cô qua
Mấy mùa lúa đã trổ hoa thơm lừng
Phi lao mát rượi bờ vùng
Máy cày lật đất vật từng rãnh sâu
Chẳng ai nguôi nỗi xưa đau
Nỡ quên giọt máu thấm sâu đất này...
Bờ ao hoa bụt lắt lay
Hoa ơi có nhớ những ngày gian nan
Cầu ao oan khuất bắc ngang
Nơi đây gửi lại muôn vàn nhớ thương…
Dù cô dừng lại giữa đường
Cuộc đời như lúa thơm hương giữa đồng
Cô như con sóng giữa sông
Phù sa giữa đất, trăng trong giữa trời
Bóng cô đi giữa triệu người
Hôm nay và cả muôn đời mai sau...


1974