“Không chiến với máy bay Mỹ, thường khởi đầu địch đã đông hơn ta nhiều lần, rồi có khi sau đó lại được tăng cường. Trong khu vực chiến đấu, trên ta, ngang ta, dưới ta, đâu đâu cũng thấy địch (...) Địch đông (...) Không bắn vào thằng này thì bắn vào thằng khác. Nhưng phải nhớ là bất cứ lúc nào ta cũng rất có thể đang bị một thằng nào đó nhắm bắn”.

Nó đông, ta dễ mất tinh thần. Nếu sợ, bao nhiêu cơ hội cũng vô ích. Chính vì không sợ, ta mới có bắn trúng nó, tuy nhiều khi sau đó bị nó bắn trúng.
(TT)




Lê Hải, Phi công tiêm kích (12)




Ngày 10 tháng 5 năm 1972 là một trong những ngày cả bốn trung đoàn tiêm kích đều xuất kích chiến đấu. Cả ngày, địch tổ chức nhiều đợt đánh lớn vào Hà Nội, Hải Phòng (...)

12 giờ 25 phút, địch huy động rất đông F-4B, A-6, A-7 đánh phá Hải Phòng, mục tiêu chính là hai cầu Lai Vu và Phú Lương. A-6 và A-7 là hai loại máy bay cường kích của hải quân Mỹ chuyên hoạt động ở độ cao thấp và trung bình.

Chỉ huy sở Trung đoàn cho biên đội Míc-17 gồm Thọ, Trung, Hạng, Kiếm xuất kích. Biên đội cất cánh từ sân bay Kép, lên độ cao 3.000m bay về phía Hải Dương. Đội hình địch kéo dài, từng tốp bốn chiếc A-6, A-7 liên tiếp bổ nhào, đánh phá các mục tiêu. Bọn tiêm kích F-4B bay trước, sau và hai bên yểm hộ bọn cường kích. Cách Hải Dương 15km, số 1 Nguyễn Văn Thọ lệnh cho biên đội vứt thùng dầu phụ, tăng lực, và cùng số 2 lao vào công kích tốp A-6 đang bổ nhào ném bom xuống cầu Lai Vu. Số 3 và số 4 vòng lại phía sau, ghìm chân bọn F-4B. Số 2 bám theo một A-6, nổ súng, nhưng không trúng. Số 1 nổ súng cũng không trúng, liền sau đó phát hiện có 8 chiếc F-4B đang lao tới, bèn cơ động gấp vòng lại phản kích. Trên khu vực cầu Phú Lương, cách anh độ 3km, số 3 và số 4 cũng đang không chiến với F-4B. Tiêm kích địch vẫn tiếp tục kéo vào. Bọn cường kích ném bom vội vàng ngoài mục tiêu, đua nhau chuồn ra biển.

Bọn F-4B quây lấy Thọ liên tục phóng tên lửa . Số 3 và số 4 cũng bị công kích rất ác liệt. Máy bay Kiếm trúng một quả tên lửa, cháy bùng, anh không kịp nhảy dù. Mấy phút sau, máy bay Hạng cũng bị trúng tên lửa địch. Anh nhảy dù kịp, nhưng hai chiếc F-4B lao theo bắn đạn 20mm vào anh. Hạng tiếp đất trong tư thế rơi không điều khiển được dù vì đã bị thương rất nặng do đạn 20mm. Bác sĩ tận tình cứu chữa nhưng anh không qua khỏi.

Còn một mình Thọ (số 2 Trung đâu?), địch bu quanh, nhưng anh vẫn bình tĩnh chiến đấu. Rút cuộc, máy bay anh bị một quả tên lửa nổ gần đuôi, không điều khiển được nữa, anh nhảy dù, tiếp đất an toàn. Thọ là con một chiến sĩ Vệ quốc đoàn đã hy sinh khi ôm bom ba càng đánh cảm tử ở Bình Định năm 1945.

Biên đội đồng chí Thọ đã chiến đấu kiên cường, bảo vệ được mục tiêu, nhưng do địch quá đông, ta mất hai phi công và ba máy bay (vậy số 2 đã về đáp trước vì lý do gì đó) (...)

Không chiến với máy bay Mỹ, thường khởi đầu địch đã đông hơn ta nhiều lần, rồi có khi sau đó lại được tăng cường. Trong khu vực chiến đấu, trên ta, ngang ta, dưới ta, đâu đâu cũng thấy địch (...) Địch đông (...) Không bắn vào thằng này thì bắn vào thằng khác. Nhưng phải nhớ là bất cứ lúc nào ta cũng rất có thể đang bị một thằng nào đó nhắm bắn (...)

Lại nói tiếp về cuộc chiến đấu ở vùng trời tỉnh Hải Hưng vào quá trưa ngày 10 tháng 5 năm 1972. Ngay sau khi lệnh cho biên đội Míc-17 Thọ, Trung, Hạng, Kiếm cất cánh, sở chỉ huy Binh chủng cho một biên đội Míc-21 của Trung đoàn 927 xuất kích. Trung đoàn 927 mới thành lập, tách ra từ Trung đoàn 921 đang có nhiều anh em vừa đào tạo ở nước ngoài về, thêm một số phi công của Trung đoàn 923 chuyển loại sang Míc-21 (...) Đồng chí Nguyễn Hồng Nhị, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân, làm Trung đoàn trưởng. Các phi công đang náo nức lập chiến công đầu của đơn vị. Biên đội hai chiếc - Lê Thanh Đạo số 1, Vũ Đức Hợp số 2 - cũng bay về phía Hải Dương (...) số 1 báo cáo đã phát hiện địch (...) Địch ở tư thế đối đầu và cũng đã phát hiện đôi Míc-21. Hai chiếc F-4, một chiếc vòng trái, chúi xuống dưới bụng máy bay số 1, chiếc kia vòng phải kéo lên cao. Lại trò phân tốp của bọn phi công Mỹ. Đạo lệnh cho Hợp đánh chiếc đang kéo lên, còn anh bám theo chiếc chúi xuống. Hợp đã tăng lực, đuổi theo chiếc F-4 mỗi lúc mỗi gần, còn cách khoảng 1.500 mét, anh phóng một quả tên lửa. Thấy hơi chênh mục tiêu, anh đang định phóng tiếp quả nữa, nhưng tên lửa tầm nhiệt, vòng bám theo, máy bay địch cháy bùng. Hợp vui sướng kêu to qua vô tuyến điện: Nó cháy rồi! Nhìn xuống thấp, thấy một tốp F-4, anh định đuổi theo, nhưng cao xạ đang bắn lên, nổ dày đặc, chỉ huy sở nhắc Hợp không được vào hỏa lực. Anh về Kép hạ cánh.

Trong khi Hợp đánh chiếc vòng lên, Đạo đuổi riết chiếc lủi xuống thấp. Chờ cho nó cải bằng và cố vào đến cự ly xạ kích tốt, Đạo ngắm cẩn thận và phóng một tên lửa. Máy bay địch bùng cháy. Sẵn đang bay thấp, bay nhanh, anh thoát ly, về Kép hạ cánh, chỉ sau số 2 vài phút. Đây là trận thắng mở đầu của Trung đoàn tiêm kích 927.

Hôm sau, ngày 11 tháng 5 năm 1972, lúc 14 giờ 30 phút, Trung đoàn tổ chức trận đánh kế tiếp, lệnh cho một biên đội hai chiếc Míc-21 xuất kích tiến công vào đội hình lớn của địch đang đánh phá khu vực Bạch Mai ở phía nam Hà Nội. Địch vào từ phía tây, gồm 46 chiếc trong đó hơn một nửa làm nhiệm vụ tiêm kích, gây nhiễu.

Biên đội Ngô Văn Phú số 1, Ngô Duy Thư số 2 cất cánh (...) Chỉ huy sở ra lệnh vứt thùng dầu phụ, kéo cao 7.000 mét. Vừa đạt cao độ, số 2 phát hiện một tốp máy bay địch ở cách 5.000 mét bên trái, đằng trước 15 độ. Biên đội trưởng cũng đã phát hiện địch, lệnh cho số 2 vào công kích. Thư (...) đến gần, nhận ra đó là một bọn F-105. Anh ngắm chiếc số 4 , sau cùng, bên phải. Địch vẫn chưa hay biết có Míc. Còn cách khoảng 1.200 mét, Thư phóng một quả tên lửa, chiếc F-105 bùng cháy. Anh lao xuống tốp F-4 bên dưới, nhưng góc bổ nhào quá lớn, hơn 60 độ, lại bay nhanh, gần máy bay địch quá, không thể xạ kích được, anh kéo máy bay lên, thoát ly. Phú đuổi theo (...) một tốp F-4 đang bay sau yểm hộ cho F-105. Anh (...) phóng quả tên lửa thứ hai, bắn rơi một F-4. Anh cho máy bay vòng phải, đột nhiên thấy máy bay rung mạnh, không điều khiển được nữa. Chiếc Míc-21 của anh đã trúng tên lửa của tốp F-4 đằng sau. Anh nhảy dù, tiếp đất an toàn (...)

Trích nhật ký chiến đấu của Binh chủng (...)

Ngày 12 tháng 5, biên đội 4 chiếc Míc-19 không chiến ác liệt với 12 chiếc F-4 (ở đâu?) (...) Đôi bên đều an toàn.

Ngày 18 tháng 5, biên đội 4 chiếc Míc-19 bắn rơi một F-4 trên đỉnh sân bay Nội Bài (...) Ngay chiều hôm đó, 12 chiếc F-4 giả vờ đội hình cường kích vào đánh sân bay. Chỉ huy sở cho một đôi Míc-19 xuất kích. Địch lập tức bu lại phóng tên lửa vào biên đội. Cả hai Míc-19 đều rơi ở đầu sân bay (...)

Ngày 23 tháng 5 (...) Biên đội 4 chiếc Míc-19 đánh với 16 chiếc F-4 trên vùng trời Đại Từ (Thái Nguyên) (...) Số 2 trúng tên lửa, nhưng phi công nhảy dù an toàn.

Ngày 2 tháng 6, biên đội 4 chiếc Míc-19 xuất kích lên hướng đông bắc chặn địch (...) Đến Bắc Giang, mây trên bảy phần, biên đội vừa từ dưới mây bay lên, chưa thấy địch đâu, đã bị tên lửa phóng vào đội hình. Máy bay số 1 bốc cháy, phi công hy sinh. Ba Míc-19 còn lại hỗn chiến với F-4 một lúc rồi về hạ cánh ở Gia Lâm. Trận này (...) ra-đa chỉ huy sở trục trặc, không bắt được địch, lại mây nhiều, khó quan sát, đội trưởng chọn độ cao chưa hợp lý (...)


(Lê Hải,
Phi công tiêm kích, nxb. Quân Đội Nhân Dân, 2004)