“Chiều ngày 26 tháng 1 năm 1954, Đại đoàn 308 (bắt đầu) đi về hướng tây nam Điện Biên Phủ (...) Ngày 29 (...) địch phát hiện (...) bắt đầu rút chạy về hướng Mường Sài, Luông Pha Băng (...) Đại đội 261 phát hiện tiểu đoàn Ta-bo (...) Biết tinh thần bạc nhược của những tên lính rút chạy, không đợi tiểu đoàn tới đủ, đại đội (...) nhất tề xung phong (...) Cùng lúc, đại đội 259 (...) cũng lập tức tiến đánh tiểu đoàn lê-dương số 2 (...) Bộ đội lội suối, luồn khe truy tìm địch suốt đêm (...) Những tên lính lê-dương sau một đêm mò mẫm trong rừng vừa mệt vừa đói (...) hoặc vứt súng đầu hàng, hoặc mạnh ai nấy chạy (...) Bộ đội hành quân hết lên đèo lại xuống dốc không gặp một quãng bằng (...) Chiều ngày 12 tháng 2 năm 1954 (...) chỉ còn cách kinh đô Lào không đầy hai mươi ki-lô-mét”.

Về chiến sự, diễn tiến rất giống chiến dịch Thượng Lào đầu tiên khoảng một năm trước mà mục tiêu chính là Sầm Nưa. Tức là ta tới nó rút, ta đuổi theo, gặp, đánh, nó nói chung chống cự qua loa rồi hàng hoặc bỏ chạy. Cứ hễ vận động chiến với bộ đội, là quân tinh nhuệ nhất của Pháp còn thua gấp, nói chi ngụy nọ ngụy kia. Nó chỉ giỏi nấp trong cứ điểm kiên cố có phi pháo yểm trợ tối đa...

Về chuẩn bị, thì năm ngoái chuẩn bị rất kỹ, năm nay không chuẩn bị tí gì, thế mà vẫn thành công “vượt xa yêu cầu”!
(Thu Tứ)



Võ Nguyên Giáp, “Thượng Lào đầu 1954”




Tại Thượng Lào, sau khi ném quân xuống thung lũng Mường Thanh, Na-va đã lệnh cho Cre-vơ-cơ, tư lệnh lực lượng ở Lào, huy động một binh đoàn, gồm sáu tiểu đoàn bộ binh do Vô-đrây chỉ huy, càn quét lưu vực sông Nậm Hu, mở một đường hành lang nối Luông Pha Băng với Điện Biên Phủ. Bị một số đơn vị của trung đoàn độc lập 148 chặn đánh, địch mới tới Mường Khoa.

Việc điều một đơn vị lớn nằm trong đội hình chiến dịch sang Lào lúc này có những điều phải cân nhắc. Địa hình mới. Chiến trường chưa được chuẩn bị. Đại đoàn 308 chỉ có trung bình mỗi người hai ngày gạo dự trữ! (...) (Nhưng) sự xuất hiện của “Sư đoàn Thép” ở Thượng Lào sẽ thu hút không quân và lực lượng cơ động của đối phương, tạo điều kiện cho ta đưa pháo ra an toàn (...) 308 (cũng) sẽ tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch và đập tan con đường hành lang nối liền Luông Pha Băng với Điện Biên Phủ, thiết thực góp phần chuẩn bị cho trận đánh sắp tới (...) Ta sẽ có kế hoạch đề phòng địch đánh ra. Và cơ quan chỉ huy chiến dịch cũng sẽ tìm cách tạo điều kiện cho đơn vị làm nhiệm vụ (...) Đúng lúc đơn vị xuất phát, pháo địch bắn cấp tập vào khe Hồng Lếch, nơi đóng sở chỉ huy đại đoàn. Ta biết vị trí đóng quân của 308 đã phần nào bị lộ.

Ngay chiều ngày 26, tôi gọi điện cho anh Nguyễn Thanh Bình tới gặp. Anh Bình là Phó chủ nhiệm Cung cấp chiến dịch, đặc trách công tác hậu cần hỏa tuyến. Tôi phổ biến vắn tắt chủ trương thay đổi cách đánh và việc đưa 308 sang Lào, hỏi tình hình tổ chức kho tàng của ta ở phía tây và phía nam, rồi nói:

- Bộ chỉ huy chiến dịch đã nói với 308 tự túc về hậu cần, nhưng ta phải tìm mọi cách để giúp đỡ đơn vị. Đồng chí tổ chức một bộ phận đuổi theo, liên lạc với bạn và bộ đội tình nguyện vận động nhân dân, huy động lương thực tại chỗ, tận dụng những kinh nghiệm trong chiến dịch Sầm Nưa. Quyết không để cho bộ đội thiếu ăn như ở Khâu Vác. Bộ đội đã đi một ngày đường, theo được cũng vất vả đấy.

(...) Ngay đêm đó, anh Bình và mười cán bộ hậu cần lên đường; cùng đi có cả một đội dân công gánh gạo.

Trước đó, cơ quan tham mưu chiến dịch đã đưa một đại đội trinh sát của Bộ đi nắm tình hình địch ở Mường Khoa, hỗ trợ cho Đại đoàn.

Chiều ngày 26 tháng 1 năm 1954, Đại đoàn 308 rời trận địa với mỗi người một túi gạo rang trên vai, đi về hướng tây nam Điện Biên Phủ, nhắm vào phòng tuyến sông Nậm Hu (...)

Ngày 29 tháng 1, 308 hành quân tới Sốp Nạo. Tại đây, Đại đoàn được Bộ chỉ huy chiến dịch thông báo, theo tin kỹ thuật, địch đã phát hiện 308 tiến về hướng này, số quân đóng ở Mường Khoa và vùng lân cận bắt đầu rút chạy về hướng Mường Sài, Luông Pha Băng. Bộ chỉ huy chiến dịch ra lệnh lập tức truy kích.

308 quyết định chia làm hai cánh đuổi theo quân địch. Đại đoàn trưởng Vương Thừa Vũ và anh Lê Quang Đạo (được Bộ chỉ huy chiến dịch cử xuống thay anh Song Hào bị mệt không đi hành quân lần này) cùng các trung đoàn 36, 88 đi theo hướng Luông Pha Băng. Đại đoàn phó Cao Văn Khánh và một sở chỉ huy nhẹ của Đại đoàn đi với trung đoàn 102 về hướng Mường Sài (...) Lúc này ta chưa biết Vô-drây đã quyết định rút thật nhanh toàn bộ binh đoàn đóng dọc phòng tuyến sông Nậm Hu về Mường Sài.

Ngày 30 tháng 1, trung đoàn 102 tới sông Nậm Hu. Thuyền, mảng huy động được ít, chỉ đủ để chở vũ khí trợ chiến. Bộ đội chặt bương, dùng vải nhựa gói ba-lô làm phao, dìu nhau bơi qua sông theo đội hình từng tổ chiến đấu. Nửa đêm, mọi người vừa ngồi nghỉ nhai mấy nhúm gạo rang lót dạ thì quân báo từ phía trước quay lại cho biết chỉ còn cách địch 10km. Tất cả đều bật dậy. Trung đoàn trưởng Hùng Sinh dẫn đầu trung đoàn đuổi theo. Rạng sáng ngày 31, bắt kịp một bộ phận địch. Phân đội quân báo do tham mưu phó đại đoàn Mai Hữu Thao chỉ huy, nhanh chóng tìm đường vượt lên phía trước làm một cái “nút” kiên quyết nổ súng chặn địch lại. Một đại đội Pathét Lào đang trên đường hành quân, nghe tiếng súng nổ cũng tới phối hợp.

(Trên đường rút về Mường Sài) Vô-drây đi trước với một cụm quân gồm tiểu đoàn Ta-bo số 5 và ba đại đội ngụy. Thiếu tá Ca-ba-ri-be và đại úy Lăm-be nắm cụm quân thứ hai với ba đại đội thuộc tiểu đoàn lê-dương số 2 và một đại đội ngụy (phần lớn binh đoàn đang ở Mường Sài). Chúng chiếm giữ một số điểm cao, tổ chức chống cự, hy vọng sẽ có máy bay tới yểm hộ.

Tiểu đoàn 18 đi đầu trung đoàn nghe tiếng súng nổ phía trước, biết quân địch đã bị chặn lại, lập tức lao lên như một cơn lốc. Trung đoàn trưởng Hùng Sinh chia tiểu đoàn thành hai cánh đi theo hai con đường mòn cùng tiến công quân địch. Đại đội 261 phát hiện tiểu đoàn Ta-bo đang cụm lại trên mấy quả đồi. Biết tinh thần bạc nhược của những tên lính rút chạy, không đợi tiểu đoàn tới đủ, đại đội chia làm hai mũi dùng tiểu liên, lựu đạn và lưỡi lê nhất tề xung phong. Binh lính Ta-bo bỏ những công sự đang đào dở chạy vào rừng. Cùng lúc, đại đội 259 nghe tiếng súng nổ cũng lập tức tiến đánh tiểu đoàn lê-dương số 2. Chúng thấy lực lượng ta không đông, ra sức chống cự. Trận đánh kéo dài. Đại bộ phận trung đoàn 102 tới khu vực tác chiến. Trung đoàn trưởng quyết định đưa tiểu đoàn 79, tiểu đoàn 54 phối hợp cùng tiểu đoàn 18 tiến công quân địch. Nhưng lợi dụng trời tối, bốn đại đội do Ca-ba-ri-be và Lăm-be chỉ huy luồn qua một khe núi rậm tẩu thoát (...)

Tiểu đoàn 18 vượt lên bám riết toán quân của Vô-drây (...) Chiều ngày 31 (...) đuổi kịp (...) Chờ lúc quân địch xuống núi, tiểu đoàn lợi dụng thế cao vừa tiêu diệt địch bằng hỏa lực, vừa nhanh chóng xung phong, diệt hàng trăm tên, bắt sống 54 tên.

Phía sau tiểu đoàn 18, toán quân của Ca-ba-ri-be và Lăm-be cũng đang bị hai tiểu đoàn 79, 54 đuổi gấp. Quân địch nghe phía trước có tiếng súng nổ vội tạt vào rừng. Bộ đội lội suối, luồn khe truy tìm địch suốt đêm (...) Mờ sáng ngày 1 tháng 2 (...) phát hiện chúng đang tụ tập trong một khu rừng. Tiểu đoàn lập tức chia làm hai cánh, một cánh chốt chặn ở ngã ba suối chặn đường rút lui, một cánh đánh thẳng vào quân địch. Những tên lính lê-dương sau một đêm mò mẫm trong rừng vừa mệt vừa đói không còn nghĩ đến chuyện chống cự, hoặc vứt súng đầu hàng, hoặc mạnh ai nấy chạy.

(...) sau một ngày chiến đấu, tiểu đoàn lê-dương số 2 bị xóa sổ, tiểu đoàn Ta-bo bị thiệt hại nặng. Trong số tù binh ta và bạn bắt được có viên thiếu ta Ca-ba-ri-be và viên đại úy Lăm-be. Trung đoàn 102 tiếp tục truy kích địch về tới Mường Sài. Tại đây địch đã nhanh chóng lập nên một con nhím với năm tiểu đoàn.

Trên hướng Nậm Bạc, Luông Pha Băng, trung đoàn 36 dẫn đầu mũi tiến quân. Trung đoàn 88 đang làm nhiệm vụ kéo pháo (...) đi sau. Bộ đội hành quân hết lên đèo lại xuống dốc không gặp một quãng bằng. Những rừng tre, vầu khô xác tiếp nối những rừng đại ngàn.

Trưa ngày 29 tháng 1 năm 1954, tiểu đoàn 89 đi đầu, vừa dừng chân bên một nương thuốc phiện nở đầy những bông hoa trắng, hoa tím chợt nghe tiếng súng. Đại đội đi phía sau dẫn lên hai tên phỉ. Chúng khai thuộc toán biệt kích được quân Pháp trao nhiệm vụ quấy rối bộ đội trên đường tiến quân. Chúng bị bắt khi đang nổ súng nhắm vào những người cưỡi ngựa. Đó chính là trung đoàn phó Ngọc Dương và phó chính ủy Hồng Cư được phân công đi với tiểu đoàn. Ta biết địch đã phát hiện cuộc tiến quân, chúng sẽ tăng cường phòng ngự hoặc rút khỏi Mường Ngòi, cần phải hành quân nhanh hơn (…) Nhưng khi tới Mường Ngòi thì đồn đã bị địch đốt cháy rụi (…)

Sáng ngày 31 (…) tới bờ sông Nậm Hu vắng lặng. Quân địch sau khi qua sông đã hủy hết thuyền bè (…) Tổ quân báo tìm gặp được một ít dân. Biết bộ đội Việt Nam đuổi đánh “xấc Tây” (giặc Pháp), họ mang tới bốn chiếc thuyền độc mộc. Vũ khí nặng, các chiến sĩ quân báo, một số người cần đi trước được ưu tiên qua sông bằng thuyền. Những người khác dùng ni-lông, ống bương bơi qua sông nước giá buốt.

Ngày 1 tháng 2, đại đội 395 đi đầu tiểu đoàn phát hiện khá đông quân địch đóng trên hai quả đồi trước mặt. Đại đội lập tức nổ súng. Súng cối 60 ly và súng máy của ta bắn mạnh vào giữa đội hình quân địch. Chúng bỏ lại sáu chục tên chết và bị thương, tháo chạy vào rừng. Ta biết đây là một tiểu đoàn ngụy lên đón bọn ở Mường Ngòi rút về. 395 tiếp tục truy kích. Dọc đường, đại đội đánh liên tiếp mười trận lớn nhỏ tiêu diệt và bắt sống thêm khoảng trên một trăm quân địch.

Chiều hôm sau, ngày 2 tháng 2 năm 1954, phía trước tiểu đoàn hiện ra một thung lũng phì nhiêu. Những thửa ruộng bậc thang. Một con sông nhỏ uốn lượn trên cánh đồng trải dài, lúa đã gặt. Những ngôi nhà sàn san sát có hàng dừa xanh ngắt bao quanh. Nổi lên giữa thung lũng là một khu đồn lớn và sân bay. Họ đã tới Nậm Bạc.

Bộ đội ta đã truy kích địch liên tục sáu ngày đêm. Dọc đường hầu như chỉ ăn toàn gạo rang. Và hôm đó đúng vào 29 Tết Giáp Ngọ. Thấy binh lính trong đồn chạy đi chạy lại nhốn nháo, tiểu đoàn trưởng Nguyễn Liệu phán đoán địch chuẩn bị rút, quyết định tiến công luôn. Hàng chục khẩu trung liên của ta nã vào đồn. Quân địch hoảng hốt tháo chạy. Bộ đội ta tiến vào đồn, thấy cả kho vũ khí, quân trang, lương thực còn nguyên vẹn, và một bữa cơm vừa mới dọn chưa kịp ăn!

Bộ phận anh Nguyễn Thanh Bình đi sau (…) gặp các đồng chí lãnh đạo địa phương của bạn (…) họ đều sốt sắng hứa sẽ có lương thực cho bộ đội, và chia nhau đi các nơi huy động gạo. Phần lớn dân chúng đã mang thóc gạo lợn gà lánh vào rừng sâu. Khi nghe có bộ đội Việt Nam tới đánh Pháp, nhiều người mang lương thực quay trở về. Anh Bình đuổi kịp anh Vũ ở Nậm Bạc, thông báo tình hình. Anh Vũ đề nghị nói với nhân dân mang gạo ra dọc đường, gặp đơn vị nào đang truy kích là trao, cán bộ để lại giấy biên nhận, rồi ta sẽ thanh toán sau (…) Dân công ta đã cùng nhân dân Lào xay lúa giã gạo (…) Gạo bây giờ có thể không thiếu nhưng do bộ đội vận động không ngừng, nhiều bữa chỉ ăn gạo rang thay cơm.

Tối ngày 29 Tết, trung đoàn 36 tiếp tục truy kích. Nửa đêm, trên đường đi Nậm Ngà, gặp một con suối, Ngọc Dương và Hồng Cư quyết định cho tiểu đoàn nghỉ lại đón giao thừa. Không ai ngờ chính ở nơi đây sẽ xảy ra trận đánh lớn nhất trên đường truy kích.

Sáng hôm sau, ngày 3 tháng 2, mồng một Tết Giáp Ngọ, các chiến sĩ đại đội 395 vừa thức giấc thì một toán rất đông quân địch xộc vào nơi trú quân. Mọi người vội xốc ba-lô, cầm súng chiến đấu. Một trận tao ngộ chiến. Tiếng súng nổ khắp nơi. Đại đội xông lên một quả đồi chiếm địa thế cao đánh địch. Nhưng càng tiến lên càng thấy đông quân địch. Sau giây phút bàng hoàng, địch chống cự khá kịch liệt. Lực lượng ra rất mỏng. Trung đoàn phó Ngọc Dương trực tiếp chỉ huy súng cối yểm trợ cho bộ đội. Giữa lúc đó, tiếng súng cối 82, rồi tiếng súng máy của ta nổ ran. Những đại đội đi sau nghe tiếng súng đã kịp thời chạy lên tiếp viện đánh bọc sườn quân địch. Địch bị thương, chết và ra hàng mỗi lúc một đông. Lá cờ rách nát rơi trên trận địa có dòng chữ “1er BAT”, tiểu đoàn ngụy Thái số 1. Chúng từ phía Mường Sài kéo về Nậm Ngà đến đây thì chạm phải quân ta và bị tiêu diệt.

Các tiểu đoàn 80 và 84 cũng vừa tới nơi. Qua tám ngày truy kích, thực sự chỉ có một tiểu đoàn 89 gặp địch, và chiến đấu nhiều nhất là đại đội đi đầu. Những cuộc đọ súng điển hình diễn ra quá nhanh nên đại bộ phận đi sau không kịp tham dự. Trung đoàn trưởng Hồng Sơn quyết định cho 89 lui về phía sau, đưa 80 và 84 còn đầy sinh lực tiến lên trước.

Đại đoàn trưởng Vương Thừa Vũ đến giữa lúc bộ đội thu dọn chiến trường. Trung đoàn 88 nhập vào đội hình. Đại đoàn trưởng ra lệnh cho hai trung đoàn tiếp tục tiến về phía Luông Pha Băng.

Đường từ Nậm Ngà vào Luông Pha Băng rất nhiều mìn. Một số cán bộ chiến sĩ hy sinh hoặc bị thương. Để tránh thương vong và giữ tốc độ hành quân, trung đoàn 36 tìm một con đường khác đi men theo sông Nậm Hu. Chiều ngày 7 tháng 2, tiểu đoàn 80 của 36 tới Pắc Sương, bắt được liên lạc với tiểu đoàn quân tình nguyện 970 và bộ đội Pathét Lào. Ở Pắc Sương, địch có năm đại đội, nhưng đánh hơi thấy quân ta, chúng đã bỏ đồn tháo chạy.

36 đi tiếp tới một ngã ba sông. Đây là nơi sông Nậm Hu gặp sông Mê Công (...) Ngày 11 tháng 2, toàn bộ trung đoàn vượt sông Mê Công với một số thuyền lớn của nhân dân Lào và những bè do đơn vị tự làm.

Chiều ngày 12, họ gặp một đồn tiền tiêu của Luông Pha Băng (...) là đồn Bản Na nằm sâu trong hậu phương địch, nên công sự phòng thủ sơ sài (...) Cuộc chiến đấu diễn ra rất nhanh (...) tiểu đoàn 80 tiêu diệt gọn một trung đội lê-dương và một trung đội ngụy Lào (...)

36 chỉ còn cách kinh đô Lào không đầy hai mươi ki-lô-mét.

Bộ chỉ huy chiến dịch ra lệnh cho 308 dừng lại.

Trước đòn tiến công bất ngờ của ta (...) Na-va phải lập một cầu hàng không tăng viện cho Thượng Lào (...) lập thêm hai tập đoàn cứ điểm mới ở Luông Pha Băng và Mường Sài.

Qua hơn mười ngày truy kích (...) bộ đội tiêu diệt và làm tan rã 17 đại đội địch, trong đó có một tiểu đoàn lính lê-dương (...) thu hàng chục tấn vũ khí, đạn dược (...) giải phóng toàn bộ lưu vực sông Nậm Hu, ước tính 10.000 ki-lô-mét vuông, cô lập hoàn toàn Điện Biên Phủ. Mặc dù hoàn toàn không được chuẩn bị về tham mưu cũng như hậu cần, 308 đã (...) đạt được những hiệu suất chiến đấu rất cao, vượt xa yêu cầu (...)

Đồng thời với việc đưa 308 sang Thượng Lào, Bộ chỉ huy chiến dịch cũng ra lệnh cho trung đoàn 148 nhanh chóng tiến về Phông Xa Lỳ, một tỉnh ở cực bắc Lào tiếp giáp với Trung Quốc, cùng với lực lượng vũ trang Pathét Lào tiêu diệt sinh lực địch và giải phóng đất đai (...) Nhân lúc địch hoang mang, 148 và bạn đã nhanh chóng giải phóng Bun Tầy, Bun Nừa, trực tiếp đe dọa tỉnh lỵ Phông Xa Lỳ.


(Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hồi ký
Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử in lại trong Tổng tập hồi ký, nxb. Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2006)