“Công việc kéo pháo vào đã vất vả, nhưng đưa pháo ra còn gian nan hơn (…) Lại thêm một lần dây kéo pháo đứt (...) Khẩu đội trưởng Tô Vĩnh Diện (...) ôm chèn lao vào bánh xe (...) pháo thủ Nguyễn Văn Chức ở lựu pháo đã từng làm như vậy khi ta kéo pháo vào”. Quyết tử đánh xe tăng giặc, rồi quyết tử cứu pháo mình, có một không hai tinh thần bộ đội Việt Nam!

“Địch có lẽ đã phát hiện ta đang chuyển pháo khỏi trận địa (…) khu trục lao xuống trút bom phá, bom na-pan. Đại bác địch bắn phá ngày đêm những nơi chúng nghi ngờ”. Rồi chúng sẽ biết là đã hoàn toàn vô ích.

“Tây Nguyên (...) có vị trí chiến lược quan trọng bậc nhất trên chiến trường Đông Dương (...) Từ lâu (...) được Pháp coi là một hậu phương an toàn”. Tây Bắc cũng y như thế. Giặc Pháp đánh giá đúng rất sớm và giở những trò rất nguy hiểm ở cả hai vùng này. Ở Tây Bắc ngụy quyền Thái gây khó khăn lớn cho cách mạng và kháng chiến. Còn ở Tây Nguyên, đồng bào dân tộc ít người theo đạo Chúa đa số có khuynh hướng không đoàn kết với người Kinh.

“Chỉ sau một đêm những cứ điểm mạnh nhất trong hệ thống phòng ngự bắc Tây Nguyên của địch đã bị san phẳng. Bộ động Liên khu V đã trưởng thành vượt bậc trong tác chiến công kiên”. Mở màn đẹp lắm!

“Từ vùng tự do Thanh Hóa, Nghệ An đến Hạ Lào, bộ đội phải vượt 1.200 ki-lô-mét đường rừng hiểm trở dọc Trường Sơn (…) hành quân (…) khoảng hai tháng”. Đây là chiến dịch Hạ Lào đầu tiên. “Vì khó khăn tiếp tế (…) sẽ phải tùy thuộc vào việc cướp được súng đạn của địch”. Như Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã làm hơn chín năm trước, vinh quang chiến sĩ Việt Nam!

“Đêm ngày 29 tháng 1 năm 1954, tiểu đoàn 436 tiến công vị trí Pui. Chỉ sau 30 phút chiến đấu, bộ đội ta đã tiêu diệt hoàn toàn vị trí. Quân địch ở thị xã A-tô-pơ hoảng hốt (...) tháo chạy về Pắc Xế (...) 436 vận động tới Pắc Xế (...) Quân địch không dám chống cự, bỏ Pắc Xế, chạy về Xaravan”. Chạy như chuột!

(Thu Tứ)



Võ Nguyên Giáp, “Tây Nguyên và Hạ Lào đầu 54”



Ngày 31 tháng 1 năm 1954, sở chỉ huy chiến dịch chuyển từ Nà Tấu vào Mường Phăng, rặng núi cao nằm ở phía đông cánh đồng Mường Thanh. Sở chỉ huy đóng tại Mường Phăng cho tới kết thúc chiến dịch. Những cuộc họp có tính quyết định trong quá trình tiến công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đều diễn ra ở đây.

Mặc dù mọi người còn những băn khoăn, suy nghĩ khác nhau, nhưng mệnh lệnh lui quân đã được triệt để chấp hành (…)

Công việc kéo pháo vào đã vất vả, nhưng đưa pháo ra còn gian nan hơn (…) Địch có lẽ đã phát hiện ta đang chuyển pháo khỏi trận địa (…) Máy bay trinh sát săm soi tìm mục tiêu cho những chiếc khu trục lao xuống trút bom phá, bom na-pan. Đại bác địch bắn phá ngày đêm những nơi chúng nghi ngờ. Những đỉnh đèo, khu rừng nham nhở hố bom, hố đại bác, cây cối đổ gãy, xơ xác như vừa trải qua một cơn lốc xoáy. Các chiến sĩ xông vào giữa đám cháy chiến đấu với lửa không để lan tới nơi đặt pháo. Ở những đoạn đường trống, việc chuyển pháo phải tiến hành ban đêm. Bất thần xuất hiện những ánh chớp giật, tiếp theo là tiếng nổ ầm ầm, mảnh đạn cháy bỏng chém gãy những cành cây, cắm vào vách núi. Chính trị viên hô to: “Các đồng chí! Quyết không rời pháo!”. Các chiến sĩ gan dạ bám chặt dây kéo, chân như đóng xuống đất, nghiến răng ghìm pháo (…)

Lại thêm một lần dây kéo pháo đứt, một khẩu pháo cao xạ có nguy cơ lao xuống vực sâu. Khẩu đội trưởng Tô Vĩnh Diện không ngần ngại, ôm chèn lao vào bánh xe mong chặn khẩu pháo cao xạ nặng hai tấn rưỡi lại. Đây không phải lần đầu có người làm việc này. Chiến sĩ pháo thủ Nguyễn Văn Chức ở lựu pháo đã từng làm như vậy khi ta kéo pháo vào. Các anh cùng đồng đội cứu được khẩu pháo khỏi lao xuống vực, nhưng đã trở thành liệt sĩ (…) Bài Hò kéo pháo của Hoàng Vân trong Đại đoàn 312 ra đời trong dịp này:

Hò dô ta… nào!
Kéo pháo ta vượt qua đèo
Hò dô ta… nào!
Kéo pháo ta vượt qua núi
Dốc núi cao cao, nhưng lòng quyết tâm còn cao hơn núi
Vực sâu thăm thẳm, vực nào sâu bằng chí căm thù…


Đúng lúc bộ đội ở Điện Biên Phủ bắt đầu kéo pháo ra, tiếng súng chiến dịch bắt đầu nổ ở bắc Tây Nguyên.

Tây Nguyên nằm ở phía nam Trung bộ, tiếp giáp với Hạ Lào và bắc Campuchia, có vị trí chiến lược quan trọng bậc nhất trên chiến trường Đông Dương. Nếu còn tham vọng chiếm Đông Dương, địch không thể để mất địa bàn chiến lược cực kỳ lợi hại này. Từ lâu, Tây Nguyên vẫn được Pháp coi là một hậu phương an toàn.

Chúng ta đã nhận định chừng nào Tây Nguyên còn bị địch khống chế thì cục diện chiến đấu ở nam Đông Dương còn khó được cải thiện. Và nếu Liên khu V không mở rộng vùng tự do về phía tây thì cũng khó giữ vững được các tỉnh ở đồng bằng hiện nay (…)

Nghiêm chỉnh chấp hành kế hoạch Đông Xuân, Liên khu ủy V đã quyết định trao nhiệm vụ bảo vệ vùng tự do cho lực lượng địa phương, tập trung bộ đội chủ lực tiến công lên Tây Nguyên (…) Bộ đội chủ lực của Liên khu gồm hai trung đoàn 108, 803 và hai tiểu đoàn độc lập (…)

Cuộc tiến công địch ở Tây Nguyên dự kiến sẽ tiến hành theo hai bước. Bước một, trên hướng chủ yếu, sử dụng trung đoàn 108 và liên đội đặc công diệt hai cứ điểm Măng Đen, Măng Bút, kéo quân tiếp viện của địch từ Kon Tum ra cho trung đoàn 803 đánh viện trên đường Công Brây - Măng Đen; tiếp đó tiêu diệt Công Brây, đánh quân cứu viện trên đường Công Tum - Công Brây, uy hiếp thị xã Công Tum. Bước hai, tiến công tiêu diệt hoàn toàn hệ thống cứ điểm của địch từ Đắc Tô đến Đắc Lây, hoàn thành nhiệm vụ giải phóng bắc Công Tum. Trên hướng thứ yếu của chiến dịch, đường 19 - An Khê, trung đoàn địa phương 120 cùng một tiểu đoàn chủ lực sẽ tiêu diệt các cứ điểm Kà Tung, Ba Bả - Kà Tu, cắt đường giao thông, tiêu diệt sinh lực địch, thu hút giam chân một bộ phận lực lượng của chúng.

Bộ chỉ huy chiến dịch được thành lập do đồng chí Nguyễn Chánh, Bí thư Liên khu ủy, làm Bí thư đảng ủy, Tư lệnh kiêm Chính ủy chiến dịch. Trước đó, bộ đội Liên khu V đã được tăng cường vũ khí, đặc biệt là SKZ (súng không giật) để làm nhiệm vụ công đồn.

Những con đường 19, 21, 7, 11 từ đồng bằng Liên khu V lên Tây Nguyên đều bị địch kiểm soát chặt chẽ. Bộ tư lệnh Liên khu quyết định tổ chức một tuyến đường hành lang bí mật từ đồng bằng lên Tây Nguyên để bảo đám tình huống bất ngờ. Các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên đều lập kho dự trữ gạo, muối cho chiến dịch. Riêng trong đợt 1, Liên khu đã huy động 100.000 dân công làm công tác hậu cần.

Đêm 26 tháng 1 năm 1954, trên hướng thứ yếu của chiến dịch, bộ đội ta tiêu diệt các vị trí Kà Tung, Ba Bả - Kà Tu, Búp Bê.

Đêm hôm sau, trên hướng chủ yếu của chiến dịch, Trung đoàn 108 và tiểu đoàn đặc công tiến công ba vị trí: Măng Đen, Măng Bút, Công Brây trong hệ thống phòng ngự bắc Tây Nguyên. Măng Bút bị diệt gọn trong 30 phút. Tại Công Brây, tiểu đoàn 59 hành quân theo đường vòng tới chậm khi ở những nơi khác đã nổ súng, bị mất thế bất ngờ. Quân địch kéo ra ngoài đồn bố trí phục kích bộ đội tới tiến công. Tiểu đoàn 59 kiên nhẫn chờ tới khi quân địch kéo về đồn, bất ngờ nổ súng tiêu diệt, kết thúc trận đánh lúc 6 giờ 35 phút ngày 28. Riêng trận Măng Đen diễn ra rất quyết liệt. Măng Đen là cứ điểm then chốt trong hệ thống phòng thủ bắc Tây Nguyên, nằm trên một quả đồi hình yên ngựa, được bố trí thành hai khu A và B, ở giữa có một sân bay nhỏ. Mỗi khu có những lô-cốt bê-tông nối liền với nhau bằng một hệ thống giao thông hào ngầm, xung quanh có hàng rào dây thép gai rộng từ 30 đến 90 mét. 23 giờ 30 phút, bộ đội ta nổ súng. Tiểu đoàn 19 đánh khu A, bị quân địch dựa vào hầm ngầm đối phó. Cuộc chiến đấu diễn ra giằng co suốt đêm. Ở khu B, sau 6 giờ chiến đấu, tiểu đoàn 79 hoàn toàn làm chủ trận địa. Tiểu đoàn trưởng 79 đề nghị Trung đoàn cho đơn vị bí mật vượt qua sân bay đánh vào phía sau lưng địch. Bị kẹp giữa gọng kìm tiến công của hai tiểu đoàn 19 và 79, các ổ đề kháng của địch ở khu A lần lượt bị tiêu diệt. 7 giờ ngày 28 tháng 1, trận đánh kết thúc.

Chỉ sau một đêm những cứ điểm mạnh nhất trong hệ thống phòng ngự bắc Tây Nguyên của địch đã bị san phẳng. Bộ động Liên khu V đã trưởng thành vượt bậc trong tác chiến công kiên.

Đường vào Kon Tum để ngỏ. Bắc Tây Nguyên đứng trước nguy cơ tan vỡ. Quân địch ở miền Trung rúng động. Chiến dịch Tây Nguyên đã nổ ra cực kỳ đúng lúc.

Rạng sáng ngày 30 tháng 1, tiếng súng phối hợp trên chiến trường Hạ Lào xa xôi cũng bắt đầu.

Trong kế hoạch Đông - Xuân 1953-1954, ta chủ trương đưa một trung đoàn của Đại đoàn 325 thọc sâu xuống Hạ Lào, tạo thêm cho địch một bất ngờ nữa, đồng thời mở ra một địa bàn cho chủ lực phát triển xuống phía nam. Một khó khăn rất lớn ở hướng này là đường tiếp tế quá xa và hầu như không có dân. Từ vùng tự do Thanh Hóa, Nghệ An đến Hạ Lào, bộ đội phải vượt 1.200 ki-lô-mét đường rừng hiểm trở dọc Trường Sơn, cuộc hành quân phải kéo dài khoảng hai tháng. Vì khó khăn tiếp tế, bộ đội sẽ phải tùy thuộc vào việc cướp được súng đạn của địch.

Sau khi bàn bạc với bạn Lào và Đại đoàn, Bộ Tổng tư lệnh quyết định chỉ đưa tiểu đoàn 436 thuộc trung đoàn 101 của 325, do trung đoàn phó Lê Kích chỉ huy, xuống Hạ Lào cùng phối hợp với một đại đội quân tình nguyện Liên khu V và bộ đội, du kích Pathét Lào tiêu diệt quân địch. Đơn vị được Bộ tăng cường quân số, hỏa lực, biên chế lên tới 760 người, gồm 5 đại đội bộ binh và 2 đại đội hỏa lực. Các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên và Liên khu V sẽ lo việc tiếp tế, huy động dân công chuyển đạn, gạo tới khu vực tập kết, là một căn cứ du kích của bạn ở tỉnh A-tô-pơ (…)

Cuối tháng 11 (năm 1953), đồng chí Đồng Sĩ Nguyên được cử làm đặc phái viên của Bộ Tổng tư lệnh vào Liên khu IV trao nhiệm vụ cho đơn vị, mang theo ba lá thư của tôi gửi đảng ủy tiểu đoàn, gửi toàn bộ cán bộ và chiến sĩ, gửi Ban cán sự Đảng ở Hạ Lào. Phương châm hoạt động của đơn vị được xác định là:

“Quân sự và chính trị song song,
Tác chiến và dân vận song song,
Phát triển và củng cố song song,
Chiến trường không hạn định,
Thời gian không hạn chế,
Tự lực, tự cường, tự túc,
Chịu đựng gian khổ,
Khắc phục khó khăn,
Nêu cao tinh thần yêu nước và tinh thần quốc tế để hoàn thành nhiệm vụ”.


Tiểu đoàn 436 bắt đầu rời Nam Đàn, Nghệ An. Sau gần hai tháng hành quân dọc Trường Sơn, 436 có mặt tại căn cứ của bạn ở tỉnh A-tô-pơ, cực nam Lào.

Lực lượng địch ở đây có một tiểu đoàn tăng cường, khoảng một ngàn tên. Chúng bố trí thành hai cụm phòng ngự. Cụm thứ nhất là khu vực thị xã A-tô-pơ và sân bay, có bốn đại đội. Cụm thứ hai là cứ điểm Pui, phía tây nam thị xã A-tô-pơ 19km, có một đại đội xung kích và một trung đội pháo. Đại đội xung kích này là đơn vị thiện chiến nhất trong khu vực, được đặt ở Pui nhằm án ngữ cửa ngõ khu du kích của bạn.

Kế hoạch của ta và bạn gồm hai bước. Bước một, tập trung toàn tiểu đoàn 436 đánh cứ điểm Pui, đại đội quân tình nguyện Liên khu V và bộ đội, du kích Lào bao vây khu vực thị xã. Bước hai, tiểu đoàn 436 cùng các đơn vị bạn tiến công giải phóng toàn vùng A-tô-pơ.

Đêm ngày 29 tháng 1 năm 1954, tiểu đoàn 436 tiến công vị trí Pui. Chỉ sau 30 phút chiến đấu, bộ đội ta đã tiêu diệt hoàn toàn vị trí. Quân địch ở thị xã A-tô-pơ hoảng hốt, tưởng có một cánh quân lớn của ta đang tràn xuống Hạ Lào, vội vã tháo chạy về Pắc Xế. Tình hình Pắc Xế cũng trở nên hoảng loạn. Quân địch đốt cháy kho tàng, phá hủy vũ khí nặng, chuẩn bị rút lui. Khi tiểu đoàn 436 vận động tới Pắc Xế, thấy trong thị xã có nhiều đám cháy, lập tức cùng bộ đội bạn tiến công thẳng vào thị xã. Quân địch không dám chống cự, bỏ Pắc Xế, chạy về Xaravan.

Cuộc tiến công của ta đã khiến báo chí ở Pa-ri la ó: “Đông Dương đã bị cắt làm đôi!”.


(Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hồi ký
Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử in lại trong Tổng tập hồi ký, nxb. Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2006, tr. 930-935)