“Ngất ngây độc lập”




Sắp được 72 năm kể từ những ngày của một cuộc biểu diễn tinh thần dân tộc cực kỳ ấn tượng. Sau đây xin ôn lại một số lời ghi nhân chứng.

Ngay trước Hội nghị Tân Trào

“Nhân dân đang hướng về Việt Minh, trông chờ một cuộc chuyển biến lớn. Phát-xít Nhật ngày càng thua lụn bại. Không khí khởi nghĩa nóng rực. Trung ương đã quyết định cần tích cực chuẩn bị cho hai cuộc họp Hội nghị toàn quốc của Đảng và Quốc dân đại biểu đại hội (…) Giữa lúc công việc bề bộn (...) Bác bỗng bị mệt (…) yếu nhiều, người hốc hác hẳn (…) Thuốc men (…) chỉ kiếm được vài viên thuốc cảm và ký-ninh, Bác đã uống, mà không thấy đỡ (…) Bấy giờ trong các đồng chí thường gần Bác, chỉ còn lại mình tôi ở Tân Trào (...) Bác mệt lắm, tôi rất lo (…) Đêm ấy, tôi nghỉ lại với Bác trên cái lán ở giữa rừng. Lúc nào tỉnh, Bác chỉ nói chuyện tình hình: - Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập (...) Mỗi lúc nhớ ra điều gì, Bác lại dặn (...) chắc cũng thấy mình yếu quá, có ý muốn dặn lại công việc”.(VNG) May mắn cho dân tộc, những lời dặn này rồi đã không trở thành lời trăn trối.

Thủ đô khởi nghĩa thành công

Cái mức lôi cuốn của ngày 19-8-1945 ở Thủ đô có thể thấy qua phản ứng của một người trí thức “chưa có quan hệ gì với tổ chức cách mạng”: “Ngày Cách Mạng Tháng Tám, Việt Minh chiếm phủ Thống sứ (về sau là Bắc bộ phủ), tôi (...) khăn đóng áo dài “đi xem” (...) Tôi nhận ra có sự thay đổi, sự chuyển biến lớn lao thực sự. Tôi cũng bị thu hút, thế là vào hiệu cắt tóc, cạo râu. Thấy con người mình như sáng sủa lên. Tôi còn cởi bỏ bộ quần áo dài ta, mặc quần soóc, sơ-mi vải cứt ngựa, nhập vào dòng biểu tình chào mừng cách mạng”.(NT) Nguyễn Tuân nổi tiếng “chướng”, thế mà…, thế là đủ biết!

Nhân dân Thủ đô xuống đường chào, rồi về khu phố mình dựng cổng để chào: “Sinh nhớ ngày Cách mạng năm ngoái (...) cái cổng chào của chợ Đồng Xuân đồ sộ như một cổng thành, đứng ở trên nhìn xuống được suốt Hàng Đào, đến tận Bờ Hồ, thấy lớp lớp cổng chào, rợp bóng cờ đỏ”.(NHT)

Quyện trong tình cảm thiêng liêng

Cuối tháng tám, đoàn đại biểu Chính phủ lâm thời từ Hà Nội lên đường vào Huế để tiếp nhận sự thoái vị của Bảo Đại. Ấn tượng về chuyến đi lịch sử mạnh đến nỗi 45 năm sau, khi viết kể Huy Cận vẫn thấy “như mới xảy ra ngày hôm qua”: “Từ Thanh Hóa trở đi thì cứ khoảng mươi cây số lại có một đám đông đồng bào cờ đỏ sao vàng rực chói đón chặn xe để chào mừng (…) Chúng tôi giơ tay ngỏ ý xin đi thì có người nói: “Cho chúng tôi nhìn mặt Chính phủ lâm thời một chút”. Chúng tôi nghe mà ứa nước mắt. Đồng bào hô khẩu hiệu khản cả cổ (…) Cả đoàn chúng tôi lại xuống xe (...) đồng bào và chúng tôi quyện lấy nhau trong một tình cảm thiêng liêng dào dạt (...) Từ Hà Tĩnh trở đi, những đoàn đồng bào ra đón dọc đường lại càng nhiều, càng đông (...) có chặng đường cứ mỗi một cây số xe lại phải dừng (…) Hôm sau vượt đèo Ngang đến bến phà Ròn thì trời mưa tầm tã. Trời đã chiều. Đồng bào tập hợp đông nghịt. Chúng tôi đề nghị đồng bào ra về kẻo trời mưa ướt hết. Đồng bào trả lời: “Chúng tôi chờ đoàn dưới mưa đã từ trưa” (…) Chúng tôi lập tức xuống xe (...) Nhiều người nghe (...) nước mắt cứ chảy ròng ròng, chúng tôi cũng không cầm được nước mắt. Nhưng khi anh Liệu nói đến cuộc Tổng khởi nghĩa của đồng bào ta từ Nam chí Bắc thì mọi người đều dạt dào phấn khởi. Trời vẫn mưa như xối, mà sao lạ! Giữa rừng cờ đỏ sao vàng, với những nét mặt đồng bào rắn chắc, vui mừng mà cương nghị, chúng tôi có cảm giác như trời vẫn nắng khắp vùng (...) Cứ như thế cho đến (…) Huế (...) mãi đến gần trưa ngày 29 mới đến Huế (...) đồng bào đã tập hợp ở sân vận động từ tối 27 (…) Bảo Đại đọc bản tuyên bố thoái vị (...) cột cờ hạ cờ vàng (…) xuống và kéo cờ đỏ sao vàng lên. Đồng bào vỗ tay như sấm dậy (...) hô khẩu hiệu vang cả một góc trời (…) Đồng bào rầm rập kéo ra cửa Thượng Tứ rồi tuần hành qua các phố (...) cờ và biểu ngữ rợp trời (...) Đã 45 năm rồi mà tôi thấy (…) như mới xảy ra ngày hôm qua. Không khí Cách mạng tháng Tám, tinh thần Cách mạng tháng Tám sao mà chói lọi thế, sao mà tươi tắn thế!”.(HC)

“Huế tháng Tám”

Thì trước vẫn là đồng bào, nhưng sau cái ngày “tóc bao người bay rợi cả không gian” ấy (NKĐ), bỗng nhiên người Việt Nam như nhờ nay được ngửng mặt lên mà lòng mới vui, mới gọi nhau thế: “Trên đường phố cũng như ở chợ búa, bến sông, người ta nhìn nhau có vẻ thân quen, ai cũng gọi nhau là đồng bào (…) ở Huế có tục mới rất vui: cứ 12 giờ trưa thì kéo còi lên inh ỏi. Mọi người đang đi liền dừng lại, đứng nghiêm, giơ tay lên chào. Coi tiếng còi như tiếng gọi của hồn nước, rất đỗi thiêng liêng”. Trong số những người “rất vui” ở “Huế tháng Tám”, có một người cười khóc thành thơ: “Sông núi của ta rồi! / Nước mắt ta trào, húp mí, tràn môi / Cổ ta réo trăm trận cười, trận khóc! / Ta ôm nhau, hôn nhau từng mái tóc / Hả hê chưa, ai dám bịt mồm ta? / (...) / Gió gió ơi! hãy làm giông làm tố / Cuốn tung lên cờ đỏ máu thơm tươi! / Vàng vàng bay, đẹp quá, sao sao ơi! / Ta ngã vật trong dòng người cuộn thác / Ôi thiên đường! Tai miên man lắng nhạc / Từ muôn phương theo gót nện rầm rầm / Việt Nam! Việt Nam! Việt Nam muôn năm!”.(TH) Thơ lên được lòng dân vào một thời điểm lịch sử trọng đại, thành công nghệ thuật ấy tưởng cũng đáng cho nhà thơ lấy làm một nỗi “hả hê” riêng.

Tuyên ngôn Độc lập

Đây cái ngày mãi mãi không quên ấy dưới mắt một người đứng trên lễ đài ở vườn hoa Ba Đình: “Hà Nội tưng bừng màu đỏ (…) bát ngát cờ, đèn và hoa. Cờ bay đỏ những mái nhà, đỏ những rặng cây, đỏ những mặt hồ (...) Biểu ngữ (...) giăng khắp các đường phố: “Nước Việt Nam của người Việt Nam”, “Đả đảo chủ nghĩa thực dân Pháp”, “Độc lập hay là chết” (...) Những dòng người (…) từ khắp các ngả tuôn về (...) Nắng mùa thu rất đẹp (...) Chủ tịch Hồ Chí Minh (...) ra mắt đồng bào (...) Lời (…) Bác điềm đạm (…) khúc chiết (…) Không phải là cái giọng hùng hồn (...) Nhưng người ta tìm thấy ngay ở đó những tình cảm sâu sắc, ý chí kiên quyết”.(VNG)

Và đây ngày ấy dưới mắt một người trong biển người dưới đài: “Văn nao nao nhớ cái buổi chiều mùa thu năm ngoái, khi anh cùng bao nhiêu người Hà Nội dự cuộc mít-tinh ở vườn hoa Ba Đình (…) Tai anh còn văng vẳng những lời (…) Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc trước một bể người cuồn cuộn, một rừng cờ rực đỏ. Anh đã bàng hoàng như mê như say, mặt bừng bừng nóng. Anh cơ hồ nhảy nhót trên những con đường đầy ánh sáng của một mùa thu tuyệt đẹp. Anh ngẩng đầu ngắm lá cờ đỏ sao vàng trên đỉnh cột cờ, nhìn vòm trời xanh lồng lộng (…) Chung quanh toàn là đồng bào của anh. Không còn bóng một thằng Pháp ngạo nghễ, hống hách. Anh yêu tất cả mọi người, và anh nói rất nhiều (…) Anh ngẩng đầu đến mỏi cổ (…) bước đến long gối. Nhưng (…) mãi không muốn về nhà. Hình như tất cả người Hà Nội đổ ra đường. Người không quen nhau cũng gật đầu chào hỏi. Tiệc mở linh đình ở vô số nhà mà cánh cửa mở toang. Người ta như bừng tỉnh một giấc ngủ triền miên”.(NHT)

Đêm Trung thu của thế kỷ

Cách mạng mùa Thu rất gần Trung thu, nên “những người tiểu chủ nhân của một nước độc lập” (lời Hồ Chủ tịch) đã có dịp để “chào” theo cách thật là đặc biệt. Đặc biệt đến nỗi một nhân chứng mấy chục năm sau kể lại giọng hãy còn say sưa: “Toàn quốc bừng lên trong ánh sáng huy hoàng (...) trận cuồng phong quét sạch hết những đám mây u ám (…) gom tất cả những ngọn lửa phấn khởi trong lòng hết thảy mọi người thiêu hủy hết những tàn tích cay đắng cũ, thắp sáng tới những xó xỉnh tối tăm nhất trong cuộc đời, đổi một đời mới (…) Đêm Trung thu tuyệt vời nhất thế kỷ (…) trời mưa, thiếu nhi (…) được lệnh dời lại ngày vui tới một ngày sau, thật không còn cái lệnh nào đáng yêu hơn (…) Đó là cái tết Trung thu tưng bừng nhất trong đời bà Nam được nhìn thấy (…) Thiếu nhi toàn thành, thiếu nhi (…) từ ngoài năm cửa ô đổ vào Hà Nội, đổ về phía vườn hoa Ba Đình, hàng vạn thiếu nhi, hàng vạn cây đèn, hàng vạn nụ cười thắp sáng Hà Nội (…) Mà chẳng phải chỉ có thiếu nhi (…) bà Nam khi ấy đã (…) trưởng thành cũng bị cuốn theo lớp sóng trẻ thơ vào đêm hội. Các em (…) chơi ném hột bưởi, hột nhãn đánh đắm tàu Tây thả trên mặt hồ, tiếng reo hò vang dậy một góc trời làm chảy nước mắt”.(NĐT)

*

Tại sao sau khi Nhật đầu hàng và trước khi Đồng Minh vào là khung thời gian lý tưởng cho ta giành độc lập?

Bởi Nhật sẽ không phản ứng đáng kể. Và bởi nếu để chậm, Đồng Minh vào sẽ trao ta lại cho Pháp.

Thì lúc ấy tổ chức kháng chiến cũng được chứ sao?

Được, nhưng mà khí thế sẽ rất kém so với tình hình ta đã trở lại độc lập rồi Pháp tái xâm lược.

Đằng nào cũng phải đánh Pháp mới xong, vậy hãy nhân thời cơ lịch sử mà “tuyên ngôn” cho nức lòng dân, cho tinh thần đấu tranh lên cao nhất!

Như những lời ghi trên cho thấy, cả một dân tộc đã trở nên ngất ngây lý tưởng, sẵn sàng hy sinh tất cả cho Tổ quốc.

Được vậy là nhờ có một người không ngất ngây chút nào mà luôn hoàn toàn tỉnh táo khi hướng về tương lai!



Thu Tứ
Viết tTháng 5-2017
Sửa tháng 3-2024

















__________
ĐDA: Đào Duy Anh,
Nhớ nghĩ chiều hôm, 1973.
HC: Huy Cận,
Hồi ký song đôi, tập 2, nxb. Hội Nhà Văn, 2003.
NĐT: Nguyễn Đình Toàn,
Áo mơ phai, Sài Gòn.
NHT: Nguyễn Huy Tưởng,
Sống mãi với Thủ đô, 1958.
NKĐ: Nguyễn Khoa Điềm, “Chiều Hương giang”.
NT:
Nguyễn Tuân - người đi tìm cái đẹp, nxb. Văn Học, 1997.
TH: Tố Hữu,
Nhớ lại một thời, nxb. Hội Nhà Văn, 2000.
VNG: Võ Nguyên Giáp,
Từ nhân dân mà ra, 1964.