“Thích Thanh Từ giảng Tâm kinh




Thiền sư Thích Thanh Từ có lần giảng Bát-nhã Tâm kinh.(1)

Sau đây chúng tôi lược trích một số lời và “diễn ca” nội dung.

*

“Sắc (...) là cái thân bằng xác thịt của mình (...) nguyên nó là không (…) do (...) duyên (mà có) (...) hết duyên thì nó rã tan”.

Duyên xui “thể” hiện nên hình
Bao nhiêu cũng tự “thể” thành, ai ơi
Có là trong một lúc thôi
Duyên tàn, Có sẽ rã rời hoàn Không.

*

“Thọ (...) là khi sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) tiếp xúc với sáu trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) sinh ra cái nhận chịu (…) Ví như khi lỗ tai nghe người ta chửi, lỗ tai là nhĩ căn, tiếng chửi là thanh trần (…) Cái thọ nguyên nó là không, có là do duyên hợp (…)

Tưởng (...) tức là (…) Như (...) ngồi đây nghe nói bên Nhựt cảnh rất đẹp, liền khởi tưởng cảnh ấy thế nầy thế nọ (…) thinh trần và nhĩ căn (...) tiếp xúc nhau rồi mới có cái tưởng (…) (Nó) vốn là không, duyên khởi huyễn có”.


Nhân duyên hội ngộ tiếng, tai
Một câu chửi lọt, giận hoài không quên
Lại khi nghe, tưởng liên miên
Bao nhiêu huyễn cảnh dựng lên trong đầu!

*

“Hành (...) tức là cái suy nghĩ (…) Theo Tiểu Thừa (...) hành là “niệm niệm sinh diệt” (...) tức là cái này khởi nghĩ thì cái kia diệt (...) sinh diệt không ngừng (...) dòng suy tư (...) thí dụ như một cây chuối lột ra từng bẹ, từng bẹ, lột mãi tìm lại cây chuối thì không thấy (...) Tiểu Thừa (...) căn cứ (vào sự sanh diệt, tức vô thường) mà nói niệm không thiệt (...) Theo Đại Thừa (...) (bởi có mắt thấy hoặc tai nghe) rồi mới khởi nghĩ (...) cho nên hành nguyên thể là không, duyên hợp huyễn có (...) Đại Thừa nhìn thẳng vào thể tánh (...) không đợi niệm diệt mới nói là không (...) Tiểu Thừa nói vô thường, Đại Thừa nói huyễn (...) Nói vô thường thì dễ hiểu (...) Nói là huyễn là không thì khó hiểu (...) hiểu được (...) mới thấy cái sâu của Đại Thừa”.

Loay hoay lột mãi lột hoài
Có công lột bẹ có ngày nên... không
Không là người nghĩ viển vông
Không là cây chuối, còn mong lột gì!

*

“Thức là (…) cái phân biệt (…) (Chẳng hạn) con mắt (…) thấy hình dạng vuông tròn hay màu sắc đen, vàng, trắng, đỏ v.v., cái phân biệt (đó) gọi là nhãn thức (…) Thọ đã không thật có thì thức cũng không thật có, chỉ vì căn tiếp xúc với trần mà khởi ra phân biệt (...)

Đến đây chúng ta đã (...) soi thấy (...) năm uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức đều là) do nhân duyên hợp nên tạm có như huyễn, mà thể tánh là không (...) Tất cả khổ nạn đến với chúng ta đều do chúng ta thấy (ngũ uẩn) là thiệt (...) Nghe người ta nói nặng một tiếng thì buồn (...) nếu biết thọ uẩn là không thiệt thì ai nói gì cũng không buồn (…) Cũng vậy, đối với thân tứ đại này, nếu chúng ta thấy nó giả thì chuyện đau đớn, mất còn đâu có nghĩa gì (...) Cái gì cũng không hại mình được, vì mình đâu có mình mà hại (…) Một khi mình thấy mình với đất nước gió lửa ngoài không khác, thì lúc đó đất nước gió lửa ngoài không hại được mình (...) Qua hết khổ nạn tức là được tự tại, được giải thoát (...) Khi chúng ta đem hết tâm lực để chiếu soi (cho thấy) năm uẩn là không thì đó gọi là hành Bát Nhã (...) Đức Phật chỉ dạy một câu thôi (là cái câu ta bàn nãy giờ) (...) chúng ta dùng một câu đó để tu cũng đủ rồi”.


Soi cho thấy Có là Không
Soi sao cho thấy rõ Trong là Ngoài
Tu sao cho thoát hình hài
“Tâm vô sở trụ”, mới chẳng hoài công tu!

*

“Như cái nhà này (…) nó không có gì là nhơ, không có gì sạch (…) Sở dĩ có (…) là vì con mắt phàm tục của mình quen nhìn (…) (giả) tướng mà không đạt được lý tánh (…) mê chấp theo tướng đó (…) khởi vọng tưởng phân biệt (khiến) bao nhiêu phiền não nổi lên khuynh loát (...) Vọng tưởng phân biệt (…) sẽ cấu kết với cái giả tướng (…) để tạo thành một dòng tiếp nối trong tâm thức. Cả hai cái đó – vọng tưởng và giả tướng – không cái nào thiệt mà (…) ta cho nó là thiệt, rồi chấp nhận cái vọng tâm (tâm phân biệt) của mình đó là mình. Vì chấp nhận rằng tôi thấy như vầy, tôi nghĩ như kia, tôi thích như nọ v.v., cái gì cũng là tôi, nên đưa đến hậu quả là một trường tranh đấu khủng khiếp mà không có lối thoát. Chỉ vì chấp cái vọng là mình. Ở trong đã chấp vọng tâm là thiệt, bên ngoài chấp cái giả cảnh là thiệt, đó là gốc của sanh tử luân hồi (...) Tu thì phải luôn luôn quán chiếu, tức là luôn luôn dùng trí huệ Bát Nhã để thấy tột thể tánh các pháp nó là không (...) Tại vì vọng tưởng chứa góp mãi (...) nên cứ trào ra (...) Mỗi lần chúng trào ra (...) cứ nhìn thẳng vào thực tánh của chúng (...) Thực hành như vậy lâu ngày mọi tập quán của mình sẽ hết (...) Người tu mà có trí tuệ đạt được lý tánh các pháp, thấy được tánh là không, biết các pháp là duyên khởi như huyễn thì (...) đi đâu làm gì cũng thấy an nhàn, dửng dưng trước mọi cảnh, không gì làm buồn khổ được mà chỉ còn lại nguồn an lạc vô biên”.

Có thì mới có ít nhiều
Có còn, có mất, tiếng điều nọ kia
Không ta, không cái ngoài ta
Soi cho thực thấy, thế là xong tu.



Thu Tứ













__________
(1) Thích Thanh Từ,
Bát-nhã tâm kinh giảng giải, tu viện Chơn Không, 1974.