“Phạm Quỳnh nghĩ về văn hóa Việt Nam”




Ai nấy đều biết Phạm Quỳnh tuyệt đối phục tùng thực dân Pháp, không bao giờ nhắc đến việc giành lại độc lập cho đất nước. Như Đào Duy Anh nhận định, từ xưa, trí thức Việt Nam ưu tú có truyền thống yêu nước.(1) Như Phạm Quỳnh là rất hiếm. Cớ sao Phạm Quỳnh lạc đường?

Thiết tưởng có hai lý do.

Thứ nhất, nhận thức về văn hóa Tây phương của ông không sáng suốt gần bằng, chẳng hạn, Nguyễn Văn Siêu sinh trước ông hàng trăm năm, Cao Xuân Huy, Đào Duy Anh đại khái đồng thời với ông. Cả ba người này đều thấy được những khuyết điểm chí tử trong văn hóa của người da trắng. Ngay cả Trần Trọng Kim, tuy nhận định về triều Nguyễn và về việc nước sau Pháp thuộc có những chỗ sai lầm nghiêm trọng, nhưng ở đây cũng mạnh mẽ bày tỏ nghi ngờ: “Ta nay thấy người cường thịnh, thì ai ai cũng háo hức theo người, biết đâu rằng cái cường thịnh ấy lại không có cái nguy cơ đã nằm sẵn đó rồi”.(2) Nghĩ về Tây, riêng Phạm Quỳnh chỉ thấy ưu mà không thấy khuyết. Khi tình cờ gặp cái khuyết thật lớn, ông đi bé cái nhầm thành cái ưu thật to!

Bài “Danh dự luận” là một ví dụ tốt. Trong bài viết ấy, Phạm Quỳnh đi nức nở ca ngợi một đặc tính cơ bản hết sức đáng chê của văn hóa Tây phương là thượng tôn vũ lực. Chẳng hạn, vốn bên Tây có tục hễ xảy ra chuyện xúc phạm danh dự giữa hai cá nhân, thì giải quyết bằng một cuộc “duel”, nghĩa là quyết đấu bằng kiếm hay súng, “đánh trúng là (...) rửa được danh dự của mình”. Một cái tục thối (hủ) ngay từ lúc mới ra đời, Phạm Quỳnh lại lấy làm thơm: “ý nghĩa (...) hay lắm”! Chẳng hạn nữa, vì tranh giành đất đai, mâu thuẫn quyền lợi kinh tế, chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa quân phiệt, chạy đua vũ khí v.v., các nước Âu châu làm bùng nổ Thế chiến thứ Nhất gây gần bốn chục triệu thương vong. Một siêu kỷ lục về bạo động trong trường kỳ lịch sử nhân loại, thế mà Phạm Quỳnh đi tán dương là “một cuộc “danh dự quyết đấu” của hai phe lớn trên thế giới cùng nhau tranh hơn tranh được”! Về chuyện này, trong Việt Nam văn hóa sử cương (1938), Đào Duy Anh đưa ra so sánh chính xác: “Nước ta xem việc dụng võ là bất thường (...) không như các nước Âu châu khi nào cũng cường binh độc võ (...) dân ta vốn trọng hòa bình chủ nghĩa”.

Phạm Quỳnh đã quý Tây đến nỗi mất hẳn lương tri!

Lý do thứ hai đằng sau thái độ lạ lùng của Phạm Quỳnh đối với việc nước là khi hướng về xã hội Việt Nam thì ông cũng nhầm cực to, nhưng theo hướng ngược lại!


Cũng trong bài “Danh dự luận”, vừa trầm trồ thứ văn hóa vẻ vang gươm súng của Tây, Phạm Quỳnh vừa mạt sát dân tộc mình: “… mười mấy triệu con người đã từng luồn cúi quị lụy trong mấy nghìn năm”! Chuyện nhục nhã ghê gớm gì đây? Hóa ra, là cái khuyết điểm hiếu danh. Đó cơ bản là một kết quả xấu của tôn ti luận trong Nho giáo, mà Nho giáo thì chỉ mới bắt đầu được ứng dụng ở nước ta từ đời Lê thôi. Cũng như mọi hiện tượng, cái xấu này cần thời gian và điều kiện thuận lợi để lớn. Sau Lê đến Nguyễn, Nguyễn tự Hoa hóa lại kịch liệt hơn, nên trước Pháp thuộc có lẽ nó cũng đã khá lớn. Trong thời Pháp thuộc, xã hội Việt Nam trở nên băng hoại giúp nó lớn tiếp nhanh như thổi mà đạt tới cái mức trầm trọng như Phạm Quỳnh thấy quanh mình. Tuy nhiên, chắc chắn ngay vào lúc tệ nhất, nạn “luồn cúi quị lụy” cũng chỉ liên quan đến một số kẻ nào đó thôi, chứ không phải là tất cả người Việt Nam (nói “mười mấy triệu” là ý nói tất cả). Vì một hiện tượng xấu có qui mô giới hạn và bất quá vài trăm năm tuổi mà mắng toàn thể dân tộc từ thời Hùng Vương, là thiếu hẳn lương tri!

Vẫn trong bài “Danh dự luận”, Phạm Quỳnh phê phán thậm tệ “cái cách lễ phép của người mình”, bảo rằng “đáng khinh bỉ”. À, nếu bị lạm dụng, như dễ xảy ra trong hoàn cảnh đất nước bất hạnh thời Phạm Quỳnh, thì cách này sẽ trông không đẹp, nhưng nó chính là một nền nếp tinh thần cơ bản lâu đời của dân tộc đáng đặc biệt trân trọng đấy! Vì sự quá độ của một số cá nhân, Phạm Quỳnh một lần nữa đã xúc phạm toàn thể dân tộc! “Đáng khinh bỉ” ư? Sao cho bằng vô số “cái” khác đã xuất hiện như một kết quả của sự kiện nước ta bỗng nhiên có “Mẹ”!

Vừa quá quá lời về những tiêu cực cục bộ, Phạm Quỳnh lại vừa im lặng quái gở về một đức tính vô cùng cao quý của dân tộc Việt Nam đã tồn tại suốt bao nhiêu thế hệ là tinh thần bất khuất trước ngoại xâm. Ông không có mắt để thấy cứ hễ Tổ quốc lâm nguy là dân ta đứng lên, sẵn sàng hy sinh tất cả để cứu nước mà không mảy may màng chút danh vọng nào, hay sao?! Vì nước, người Việt Nam hy sinh tính mạng mình dễ như không, như E. Luro và P. Cultru quan sát: “Họ có thể lên đoạn đầu đài với vẻ mặt bình thản, miệng ngậm thuốc lá”.(3) Một cái nét nổi trội đến nỗi ngoại nhân còn phải trầm trồ, thế mà một người Việt Nam tự xưng yêu nước yêu đồng bào trước sau không nửa lời nhắc đến!

Phạm Quỳnh đã rẻ ta đến cái mức mất lương tri và tối luôn mắt!

*

Cách nay cũng đã lâu, chúng tôi có viết một số bài trình bày nhận thức của mình về văn hóa Đông, Tây, đối chiếu hai nền văn hóa chính của nhân loại.(4) Năm 2017, viết thêm một bài so sánh cụ thể thành tích của đôi bên.(5) Rồi mới đầu năm nay, nhằm kêu gọi một số người Việt Nam thôi ảo tưởng về văn hóa Tây, lại viết một bài nữa.(6)

Dứt khoát, không có chênh lệch về trình độ giữa văn hóa Đông phương và văn hóa Tây phương.

Sự thực là: do thiên về nghĩ mà Tây hơn ta trong một số lĩnh vực, nhưng nhờ thiên về cảm mà ta lại hơn Tây trong một số lĩnh vực khác. Chẳng qua cái hơn của Tây nó dẫn đến tiến bộ vật chất, mà loài người thì bị vật chất ám ảnh nên cứ hễ bên nào hơn về vật chất là bên ấy lấn lướt được bên kia luôn cả về tinh thần.


Chính Phạm Quỳnh khi thấy một số người Việt Nam đương thời quý tiếng Pháp hơn tiếng Việt cũng biết nghĩ ấy là do nước Pháp mạnh hơn nước Việt Nam (xem phần trích dẫn dưới đây). Đáng tiếc ông chỉ chăm chú vào tiếng nói mà không suy rộng ra được rằng đó chính là cái số phận đáng buồn của văn hóa tinh thần Việt Nam truyền thống nói chung.

Hồi năm Phạm Quỳnh 13 tuổi (năm 1905), ở bên Pháp có in hồi ký của nguyên Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer, trong đó sau khi so sánh người Việt Nam với hai mươi tộc người khác ở Á châu, đã nhận xét: “… phải sang đến tận Nhật Bản người ta mới thấy được một giống dân tương xứng (…) vượt xa các dân khác”.(7) Ta không thua Nhật, chẳng qua rủi ro bị một triều đình quá u mê làm cho nước mất độc lập. Phạm Quỳnh đọc nhiều sách Pháp, có bao giờ đọc đến sách này chăng?

Doumer không phải là người Tây phương duy nhất “tri kỷ” dân tộc ta đâu. Chủ tịch Hồ Chí Minh có lần kể ông Đờ Pu-vuốc-vin nhận định: “Chúng ta thấy ở đây cả một nền văn minh, mọi thứ đều xây dựng từ lâu. Nghệ thuật (và) (tổ chức) quản lý nhà nước đều đã phát triển mạnh mẽ. Luật pháp, cổ phong, tôn giáo, văn học, tất cả đều đã hoàn chỉnh và hòa hợp với nhau, trải qua bao thế kỷ, đã được điều hòa và ngày càng hoàn hảo thêm. Những vết tích man rợ đã mất đi từ lâu, dân tộc này đã sống trong một xã hội thuần thục có tổ chức trong khi những người phương Tây còn ở tình trạng bán khai. Yêu mến quê hương, quyến luyến gia đình, tôn kính tổ tiên, yêu chuộng công lý, tôn trọng chính nghĩa (…) không sợ gian khổ, hy sinh (...) là những đặc điểm (...) hình thành từ bao thế hệ”.(8) Tây phương mà bán khai? Chẳng những trong thời Trung cổ (từ thế kỷ V đến thế kỷ XV), mà cả trong hàng mấy trăm năm sau khi sáng kiến ra phương pháp khoa học, ở Âu châu đã tồn tại những hiện tượng xã hội cực kỳ lạc hậu. Chẳng hạn, trong ba thế kỷ 16, 17, 18, ít nhất 200.000 người dân đã bị tra tấn, rồi đốt sống hoặc treo cổ, vì bị tình nghi là phù thủy! (xem trang Mạng bách khoa tiếng Anh en.wikipedia.org). Phạm Quỳnh đọc nhiều sách Pháp, nhưng rõ ràng toàn những sách không nhắc đến cái mặt trái rất chấn động của xã hội Tây phương xưa kia.

*

Tuy nhiên, Phạm Quỳnh cũng không phải toàn hiểu sai văn hóa Việt Nam truyền thống. Đằng sau bao nhiêu lần ông kêu “quốc” (Tổ quốc, ái quốc, cứu quốc, quốc dân, quốc ngữ, quốc âm…) không phải luôn là tuyệt đối hư không. Những khi hướng về cái tiếng “hay vô cùng” mà người Việt Nam nói, “cái thi vị thâm trầm (…) trong những bài dã ca, khúc cổ điệu của nước nhà (...) cái hồn thơ phảng phất của một dòng giống”, về nhân cách đặc biệt của “các cụ”, Phạm Quỳnh bỗng trở nên sáng suốt hơn hẳn điển hình. Và nhất là ông bày tỏ tình cảm đặc biệt trân trọng đối với những cái ấy. Trong một lần diễn thuyết, sau khi hết lời ca ngợi tiếng Việt, Phạm Quỳnh đã đọc bài ca dao “Ta về ta tắm ao ta” với câu chót được sửa mấy chữ:

“… Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Tiếng của Tổ quốc thời thương lấy cùng”.

Ông yêu “tiếng của” cảm động quá. Giá ông không có những ngộ nhận chí tử về văn hóa Việt Nam và văn hóa Tây phương, giá ông chịu khó “học” để biết ta biết người cho tới nơi tới chốn, mà cũng yêu Tổ quốc được bằng như thế, thì nó dễ cho những ai muốn thương ông biết là bao nhiêu!

Sau đây chúng tôi xin trích dẫn những phát biểu của Phạm Quỳnh hoặc biểu lộ tình cảm đối với hoặc gợi nhắc điều gì đó đáng chú ý về văn hóa Việt Nam.

*

“Thời thương lấy cùng”

“Tôi bình sinh chỉ có một chút nhiệt thành, là nhiệt thành với chữ quốc ngữ (...) Người Tàu cai trị ta trong hơn ngàn năm (...) tiếng ta ta nói, ta không nói tiếng Tàu (...) Tiếng nước ta hay lắm, các ngài ạ. Người ngoại quốc cũng phải khen là một thứ tiếng êm như ru, vui như hát, mỗi vần đánh ra năm dấu, đọc thành sáu giọng khác nhau, như trong cung đàn vậy, tưởng không có mấy thứ tiếng hòa bình êm ái bằng (...) Vậy thời bọn ta phải nên trân trọng lấy cái quốc âm quý báu ấy (…) Dù ta học chữ Tây hay học chữ Tàu, ta cũng chớ nên quên bỏ tiếng Tổ quốc, là cái tiếng từ khi lọt lòng ra đã học nói, và đến khi hấp hối cũng còn nói. Ta nên nhớ lấy câu ca dao (...) “Ta về ta tắm ao ta / Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn! / Nhiễu điều phủ lấy giá gương / Tiếng của Tổ quốc thời thương lấy cùng”!” (PQ-1). Ngôn ngữ không phải chỉ là âm thanh. Tiếng Việt “hay lắm” nhờ âm thanh gợi cảm của từng từ nhờ cả cái cách người Việt đặt các từ lại với nhau thành câu nữa chứ. Không thấy Phạm Quỳnh chú ý đến ngữ pháp tiếng Việt. Chúng tôi có lần nhận định rằng ngữ pháp tiếng ta có cái tính toàn thể làm cho câu nói của ta nó hữu cơ, sống động như một sinh vật. Gì chứ để diễn cảm thì “ao ta” chắc chắn “trong” hơn hẳn “ao người”, bất cứ người nào. “Tiếng nước tôi” ơi, thương mấy cho vừa.

“Hay vô cùng”

“Tiếng ta (...) tỉ như tiếng ráp đôi thuộc về thể trạng từ, nghĩa là những tiếng để tả trạng thái của sự vật, thì hay vô cùng, tưởng không có tiếng nước nào bằng. Thử đọc mấy câu Kiều sau này thì đủ biết: “Nao nao dòng nước uốn quanh / Nhịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc sang / Sè sè nấm đất bên đàng / Rầu rầu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh”. Những tiếng đôi như: nao nao, nho nhỏ, sè sè, rầu rầu, tinh thần lắm, đố ai dịch ra tiếng Tây cho thật đúng” (PQ-8). Từ tiếng Việt, vô số từ đâu chỉ có nghĩa mà còn chứa đủ thứ cảm giác cảm xúc vô cùng tinh tế, dịch làm sao được! Dịch “tiếng ta” là như giết một sinh vật, dịch xong chỉ còn cái xác vô hồn!

Tiếng Việt giàu, nghèo

“Ðại khái tiếng ta giàu về phần “hình nhi hạ”, nghĩa là những sự vật có hình thể, có thể tả mạc ra được; mà nghèo về phần “hình nhi thượng” nghĩa là những nghĩa lý thuộc về tâm trí phải suy xét. Muốn dùng chữ triết học mà nói thì nói là tiếng An Nam ta có tính cách cụ tượng hơn là trừu tượng. Thuộc về phần “cụ tượng”, nghĩa là gồm cả thế giới hữu hình do giác quan có thể cảm được, như chữ Phật gọi là cõi hình sắc, thì tiếng ta thật là giàu có” (PQ-9). Đây cái nghĩ của Phạm Quỳnh có chỗ sai. Vấn đề ở chỗ, ông chỉ thấy một nhóm từ trừu tượng, tức những từ mà nội dung là “nghĩa lý (...) phải suy xét”, chẳng hạn, lịch sử, địa lý, chuyên chế, đế quốc (toàn vay tiếng Tàu!). Nhóm từ này xuất phát từ hoạt động của trí óc. Nhưng con người ta ngoài trí óc còn có tâm hồn. Không phải chỉ sản phẩm của trí óc mới trừu tượng. Sản phẩm của tâm hồn cũng đâu có “hình”, giác quan nào mà cảm được nó, nó trừu tượng chẳng kém mảy may! Những từ trừu tượng xuất phát từ hoạt động của tâm hồn chẳng hạn: áy náy, bâng khuâng, bẽ bàng, bịn rịn, canh cánh, chống chếnh, dằn vặt, đau đáu, e ấp, hằn học, hụt hẫng, hững hờ, khao khát, lâng lâng, mê mẩn, ngại ngùng, ngẩn ngơ, ngỡ ngàng, phơi phới, rạo rực, se sắt, thẫn thờ, thổn thức, xao xuyến, xốn xang. Ðây người Việt gần như không vay mượn của ai cả, vì tâm hồn đặc biệt đa cảm của ta nó làm tiếng Việt đã sẵn giàu có những từ ấy lắm rồi. Vậy có hai nhóm từ trừu tượng. Nhóm “Phạm Quỳnh” gồm những từ chỉ khái niệm. Nhóm nữa gồm những từ chỉ cảm xúc hay tâm trạng. Tiếng Việt quả rất nghèo từ trừu tượng thuộc nhóm thứ nhất. Nhưng nó chắc giàu từ trừu tượng thuộc nhóm thứ hai hơn tất cả các ngôn ngữ khác.

Đằng nào cũng dở

“Mượn lời nói của giống khác, thì tức là mượn tư tưởng của giống khác, vì là đem cái óc của mình khuôn vào từ điệu cú pháp của người, đem cái hồn của mình nhiễm lấy tính tình phong vị của người, đem cốt cách tinh thần của mình mà hy sinh đi để chuốc lấy cái cốt cách tinh thần của người (...) thành công (...) thì (...) thành một bản phóng của người (...) không thành công (...) ấy mới dở dang thay!” (PQ-2). Nếu người Việt bỏ hẳn tiếng Việt, dùng toàn tiếng Tây, thì chắc chắn sớm muộn sẽ “thành công”, thành Tây da vàng. Nếu không bỏ hẳn tiếng Việt, nhưng mượn tiếng Tây nhiều quá, thì sẽ trở nên “dở dang” như bánh chưng nhân thịt bò hay rau muống trộn phô-mai! Thời Pháp thuộc qua lâu rồi, bây giờ kiểm điểm thì thấy rút cuộc ta đã nhập thật là ít tiếng Pháp: về từ vựng, vẻn vẹn một đôi trăm từ chủ yếu gọi tên những vật nọ vật kia mà người Pháp mang qua; về ngữ pháp, chỉ vài nét thôi, chẳng hạn cái lối danh hóa động từ bằng cách dùng chữ “sự”. Rút cuộc, tiếng Việt vẫn còn “toàn thể” y như trong ca dao, trong Truyện Kiều... Tại sao kết quả giao lưu là như thế? Cơ bản, bởi vì khi tiếng Pháp qua thì tiếng Việt đã trưởng thành từ lâu rồi. Thử nghĩ: tiếng Tàu giống tiếng Việt hơn, vào đất Việt rất sớm, ở hơn một nghìn năm, rồi sau Bắc thuộc lại được tầng lớp trên đặc biệt quý trọng trong suốt gần một nghìn năm nữa, thế mà rút cuộc vẫn bị Việt hóa chứ không hóa được Việt, nữa là tiếng Pháp lạ hoắc, qua trễ, ở ngắn! Chuyện xảy ra cho tiếng nói có ý nghĩa tiêu biểu cho văn hóa tinh thần nói chung đó: ngay cả khi còn tương đối trẻ, văn hóa Việt đã đầy tự tin, không chịu bị “hóa” bởi một văn hóa cổ rất rực rỡ, huống chi khi gặp văn hóa Pháp thì chính văn hóa Việt mới là bên già dặn hơn! Ta nhập một số nét hay của Pháp rồi hóa đi, làm cho mình thêm giàu. Chứ ta đâu có chịu hóa thành Pháp!

“Nghĩ mà buồn thay”

“Người ta hay có tính về bè với bên mạnh mà ruồng rẫy kẻ yếu (…) A dua với người mạnh chẳng lợi hơn là đeo đẳng với kẻ yếu ru? Ở đời nên vì lợi hơn vì tình; cái thuật sinh tồn là ở đó. Người mình đã sành cái thuật đó lắm, nên đối với quốc âm thường chểnh mảng, đối với chữ Pháp hay đậm đà (...) Nghĩ đến mà buồn thay!” (PQ-3). Thấy Tàu mạnh, quý chữ Tàu. Thấy Pháp mạnh, quý chữ Pháp. Thấy Mỹ mạnh, đua nhau học tiếng Anh. Có phải chỉ quý chữ thôi đâu. Hễ thấy ai mạnh, là quý lấy quý để tất cả mọi thứ của người ta! Không phải riêng dân tộc Việt Nam “sành cái thuật đó lắm”. Giống người nào cũng thế cả. Chẳng qua ta bị lâm vào hoàn cảnh yếu hơn Tàu, hơn Pháp, hơn Mỹ. Sống còn, sống còn... Còn xác mà hồn đã thành một “bản phóng của người” hay thành cái gì đó “dở dang thay!”, có đáng còn không?

“Một sự khả quái”

“Tôi diễn thuyết cả thảy năm lần (...) lần thứ ba ở Hội “Ðông Phương ái hữu hội” là một hội những nhân sĩ ở Paris có lòng yêu mến cái cổ văn hóa của các nước Ðông phương, lần này nói về thi ca Việt Nam, dịch những câu ca dao hay của ta và giảng về Truyện Kiều, kết luận rằng tiếng An Nam cũng là một thứ tiếng hay, chớ không phải là một cái thổ âm man mọi gì, và (cái sự) các trường của Quý Chính phủ đặt ra để dạy học cho người An Nam không hề lấy tiếng An Nam mà dạy cũng là một sự khả quái (đáng lấy làm lạ)” (PQ-5). Chính sự ngây thơ của Phạm Quỳnh mới là khả quái! Pháp cần gì tiếng Việt hay hay dở! Pháp muốn ta học tiếng Pháp là để trước tiên tiện cho việc cai trị nước ta và sau đó, là để đồng hóa dân tộc ta!

“Không thể tưởng tượng”

“Tôi không thể sao tưởng tượng được rằng có ngày bao nhiêu cái nguồn sâu sinh hoạt của dân tộc này sẽ tiêu tan đi hết cả (...) rằng (...) cái thi vị thâm trầm nó chan chứa trong những bài dã ca, khúc cổ điệu của nước nhà (...) cái hồn thơ phảng phất của một dòng giống (...) đời đời cày sâu cuốc bẫm nhọc nhằn trên thửa ruộng của ông cha, nhưng nghe con chim oanh học nói, thoảng chút gió đồng thổi qua, cũng biết rùng mình mà cảm động. Tôi không thể tưởng tượng những cái đó có ngày biến mất hẳn đi được (...) trân trọng giữ những cốt cách tinh thần cũ đã tạo thành ra chúng ta bây giờ” (PQ-4). Tinh thần Việt Nam truyền thống có nét đặc biệt cao quý mà “tôi” không biết trân trọng. Nhưng thôi, chuyện đã nói rõ rồi. Nhân đọc lại lời cũ hàng trăm năm này, chợt nhớ băn khoăn của chính mình trước “Cuộc bể dâu chưa từng”(9) đang diễn ra trên đất nước quê hương. Điều kiện vật chất của dân ta đã cải thiện ngoạn mục. Tuy nhiên, trong “những cốt cách” cũ từng giúp tiền nhân đạt đỉnh cao về văn hóa tinh thần không nhường bất cứ ai, một số đã “biến mất hẳn”, một số nữa đang… Bao giờ mới thấy được cốt cách mới cho đáng ra mới đây?

“Gọi hồn phong nhã”

“Nhã là đối với tục (...) có vẻ êm ái thanh tao, gọi là nhã (...) Người nhã (...) có cái duyên đậm đà khiến cho người ta phải yêu phải mến (...) Xét người nhã là xét ở thái độ, hình dung, cử chỉ, ngôn ngữ, và thứ nhất là ở cái thị hiếu (...) Người nhã (...) đối với ai cũng có ý ân cần, tựa hồ như mình được tiếp người lấy làm vui vẻ; lại có ý lễ nhượng, tựa hồ như mình được tiếp người lấy làm trân trọng (...) đến đâu như cái hoa thơm đến đấy, ai là chẳng mến, ai là chẳng yêu (...) Người nhã nói có duyên có nhị, dễ toại lòng người (...) giọng nói cũng ung dung như vẻ người, khi vui vẻ không lả lơi, lúc giận dữ không to tiếng, một cái mỉm cười đủ biểu được lòng vui thú, một câu nói mát đủ rõ được bụng căm hờn (...) Thị hiếu là sự thích muốn của người ta, nhất là thích muốn trong cách ăn chơi (...) Người phong nhã thời ưa những cách chơi êm đềm thanh tú” (PQ-6). Nhã là nhẹ mà lại đậm. Nói chung, muốn nhã phải tu. Tu tiên thành công hóa tiên, “tu nhã” thành công hóa “cái hoa thơm” “ai là chẳng”, “ai là chẳng”… Thế kỷ 21, mến với yêu “đổi mới” rồi. Đa số bây giờ thưởng thức thứ mùi khác, với cái mũi cũ như dường không phải thơm.

Chồng vua vợ tể tướng

“Người chồng trị vì, người vợ cai quản” (PQ-7). Nguyễn Văn Huyên nói: “Vợ là người chỉ huy việc nhà (...) Hầu như bao giờ vợ cũng giữ tiền bạc, quản lý của cải, giải quyết các khoản chi tiêu, thu lợi tức (...) sẽ là phạm sai lầm nghiêm trọng nếu tin rằng người vợ (là) nô lệ (…) so sánh địa vị của người vợ với thân phận của một người đầy tớ gái (...) Người vợ Việt Nam được chồng trân trọng, được con cái kính nể, chiếm một chỗ đứng cao trong gia đình (...) nhiều khi có vai trò gây dựng cơ nghiệp cho gia đình”. Quan hệ vợ chồng điển hình trong văn hóa Việt Nam truyền thống là như vậy đó. “Chồng chúa vợ tôi” chỉ là trường hợp thiểu số.

“Các cụ thật đáng thờ”

““Ðạo học là cái học (...) tự mình tìm lấy được, chứ không phải đợi ở ngoài (...) đạo học thời những lời nói cũ tự trăm nghìn năm về trước, kẻ hiền triết đời nay vị tất đã nói được hay hơn (...) đạo học thời một lời nói một nửa câu, có thể (...) thụ dụng suốt cả đời không hết” (đây PQ dẫn lời Lương Khải Siêu) (...) Nay ta làm án cổ nhân mà buộc cho cái tội không gây nổi một nền quốc học cho nước nhà, ta cũng phải nghĩ lại mà lượng xét cái quan niệm về sự học của các cụ là thuộc về đạo học như vừa giải nghĩa (...) Các cụ (...) học là chủ để (...) trau dồi cái nhân cách (...) Nếu xét ở cách học để làm người của các cụ, thì ta thật đáng thờ các cụ làm ông cha, chứ không phải vì các cụ mà xấu hổ vậy” (PQ-11). Xưa kia các cụ học để làm người, còn bây giờ ta học để biết cách chế ra máy nọ móc kia. Học sao, nên vậy. Các cụ nên người mà không có máy móc gì để xài hết, trong khi ta máy móc um sùm mà mãi vẫn không “nên”!

Dấu xưa nào thấy

“Quan niệm về lịch sử nước nhà, trông quanh mình không có cái cảnh tượng gì đủ nhắc lại những sự nghiệp nhớn nhao của đời trước, tình ái quốc vẫn thường ngang ngang trong dạ” (PQ-10). Yêu nước mà lại chấp nhận nước thuộc vào nước khác! Nhưng đây ta hãy tập trung vào cái chuyện mà lời này gợi lên. “Cảnh tượng” hẳn là kiến trúc. “Không có” đây thực ra là “không còn”. Tại sao trên đất nước ta không còn kiến trúc qui mô? Có hai lý do chính. Thứ nhất là hành động của con người: giặc Tàu giặc Chăm giặc Pháp tàn phá, rồi chính ta cũng phá, như vua Lê cho đốt phủ chúa Trịnh, Gia Long cho phá hoàng thành Thăng Long. Thứ hai là tác động của môi trường: khí hậu nhiệt đới làm cho vật liệu xây dựng phổ biến là gỗ không tồn tại được lâu. Nào đâu hoàng thành Thăng Long xưa: “Di tích kiến trúc như A1 rất hiếm hoi. Ngay cả các di tích vĩ đại như Rô-ma ở Ý, Trường An ở Trung Quốc hay Heian - Kyo ở Kyoto cũng không thể vĩ đại như di tích ở đây” (G.s. Yamanaka Akira, Đại học Mie, Nhật), “Qui mô kiến trúc rất lớn, gạch ngói và đồ gốm được khai quật tại đây rất cao cấp (...) đối với các nước châu Á di tích này rất quan trọng và quý hiếm” (G.s. Imaizumi Takao, Đại học Tohoku, Nhật)”.(TTT) Nào đâu những kiến trúc Phật giáo vĩ đại xây vào đời Lý.(TNT) Nào đâu cái Trịnh phủ nguy nga tả trong Thượng kinh ký sự của Hải Thượng Lãn Ông: “Qua mấy lần cửa (...) đâu đâu cũng là cây cối um tùm, chim kêu ríu rít, danh hoa đua thắm, gió đưa thoang thoảng mùi hương. Những dãy hành lang quanh co nối nhau liên tiếp (...) (Nơi một kiến trúc) có những cái cây lạ lùng và những hòn đá kỳ lạ (…) cột và bao lơn lượn vòng, kiểu cách thật là xinh đẹp (...) Đến một cái nhà thật là cao và rộng (...) Qua một cửa nữa, đến một cái lầu cao và rộng (...) cột đều sơn son thếp vàng”. Đọc Hoàng Lê nhất thống chí chép về cái phủ ấy sau khi chúa Trịnh thất thế: “Khói lửa bốc lên ngất trời, hơn mười ngày chưa tắt (...) lâu đài cung khuyết hai trăm năm trời (...) thành ra bãi đất cháy sém”, mà tiếc ngẩn ngơ! Tiếc cả những cơ ngơi bề thế tả trong văn học tiền chiến. Giá những cơ ngơi ấy còn, để người Việt Nam bây giờ biết nhà ở của ông bà xưa kia có thể rất to đẹp chứ không phải chỉ toàn mái tranh vách đất lụp xụp...



Thu Tứ
Viết tháng 1-2014
Sửa mới nhất tháng 11-2022




















______________
(1) Đào Duy Anh,
Nhớ nghĩ chiều hôm, viết năm 1973, nxb. Trẻ, 1989.
(2) Trần Trọng Kim,
Nho giáo, in lần đầu năm 1930, nxb. Văn Học tái bản năm 2003.
(3) E. Luro,
Pays d’Annam, nxb. Ernest Leroux, Paris, 1897. P. Cultru, Histoire de la Cochinchine francaise des origines à 1883, nxb. Challamet, Paris, 1910. Dẫn theo Phạm Cao Dương, Lịch sử dân tộc Việt Nam, quyển I, nxb. Truyền Thống Việt, California, Mỹ, 1987.
(4) In vào sách
Cảm nghĩ miên man (2015). (5) In vào sách Cảm nghĩ miên man (II) (2017). (6) Bài “Ảo tưởng và thách thức”, Tuần báo Văn nghệ TPHCM, tháng 2-2020.
(7) P. Doumer,
L”Indochine francaise, nxb. Vuibert et Nouy, Paris, 1905. Dẫn theo PCD, chú thích 3.
(8) Hồ Chí Minh toàn tập, nxb. Chính Trị Quốc Gia, 1995, tập 1 (1919-1924), tr. 425-426.
(9) Tên một bài viết của TT đã in vào sách
CNMM (2015).
(10) Nguyễn Văn Huyên,
Văn minh Việt Nam, nguyên tác tiếng Pháp, 1944, bản dịch Ðỗ Trọng Quang, nxb. Hội Nhà Văn, 2005.
PQ-1: “Tục ngữ ca dao” (1921), đăng trên
Nam Phong, in lại trong Mười thế kỷ bàn luận về văn chương, nxb. Giáo Dục, 2007; PQ-2: “Quốc học với quốc văn” (1931), đăng trên NP, in lại trong Luận về quốc học, nxb. Đà Nẵng, 1999; PQ-3: Bài không biết tên (1919), đăng trên NP, in lại trong Tìm hiểu tạp chí Nam Phong 1917-1934, Phạm Thị Ngoạn, nxb. Ý Việt, Pháp, 1993; PQ-4: “Nước Nam năm mươi năm nữa thế nào?” (1930), đăng trên NP, in lại trong sách PTN; PQ-5: “Thuật chuyện du lịch ở Paris” (1925), đăng trên NP, in lại trong Du ký Việt Nam, nxb. Trẻ, 2007, tập II; PQ-6: Phạm Quỳnh, “Gọi hồn phong nhã”, đăng trên NP, in lại trong Kim văn tân tuyển, Phạm Thế Ngũ, SG, không biết năm nào; PQ-7: Theo Trần Quốc Vượng, trong Văn hóa Việt Nam - Tìm tòi và suy ngẫm, nxb. Văn Hóa Dân Tộc, Hà Nội, 2000; PQ-8, PQ-9: “Quốc học với quốc văn” (1931), đăng trên NP, in lại trong LVQH; PQ-10: Phạm Quỳnh, “Mười ngày ở Huế”, in lại trong Du ký Việt Nam, tập I; PQ-11:“Bàn về quốc học” (1931), đăng trên NP, in lại trong LVQH; TNT: Trần Ngọc Thêm, Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, 2001; TTT: Tống Trung Tín, “Hoàng thành Thăng Long từ góc độ khảo cổ học”, in trong Tổng tập Nghìn năm Văn hiến Thăng Long, 2010.