“Trong chiến tranh phá hoại lần thứ 2, địch dùng toàn những vũ khí chính xác như bom và tên lửa điều khiển bằng tia la-de, vô tuyến truyền hình (...) Con “át chủ bài” của Ních-xơn là B-52 (...) Chúng cố tình đánh vào dân hòng làm cho dân ta sợ hãi, gây áp lực với Chính phủ”. Ta sẽ đối phó làm hão huyền hết tất cả!

Tàu chiến Mỹ bị một mẻ sợ. Nhưng đánh tàu thì thực tế cần dùng máy bay cường kích trang bị vũ khí chống hạm. Máy bay chiến đấu của ta gồm toàn tiêm kích, chỉ có thể đánh máy bay nó thôi.
(Thu Tứ)



Lê Hải, Phi công tiêm kích (10)




Ngày 30 tháng 3 năm 1972, ta mở cuộc tiến công chiến lược trên toàn chiến trường Miền Nam. Chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” có nguy cơ phá sản hoàn toàn (...) Ních-xơn quyết định sử dụng (...) không quân và hải quân (...) cùng quân ngụy đối phó ngăn chặn các đòn tiến công của ta ở Miền Nam và đánh phá trở lại Miền Bắc.

Ních-xơn không (...) leo thang như Giôn-xơn mà ngay lập tức dùng lực lượng lớn, đặc biệt dùng B-52 (...)

Ngày 6 tháng 4 năm 1972, Mỹ dùng 106 lần máy bay cường kích và pháo hạm đánh Quảng Bình.

Đêm 10 tháng 4, địch cho B-52 ném bom thành phố Vinh.

Đêm 13 tháng 4, B-52 đánh Thanh Hóa, ném bom sân bay Thọ Xuân.

Ngày 19 tháng 4, đánh Hải Phòng bằng cả máy bay và pháo hạm (...)

Trong chiến tranh phá hoại lần thứ 2, địch dùng toàn những vũ khí chính xác như bom và tên lửa điều khiển bằng tia la-de, vô tuyến truyền hình (...) Chúng dùng máy bay cường kích được yểm hộ chặt chẽ đề phòng Míc tập kích liên tục, ác liệt các sân bay của ta (...) đánh suốt ngày đêm, không cho ta có điều kiện sửa chữa. Máy bay Mỹ còn tập trung đánh các đơn vị tên lửa, mối đe dọa to lớn cho B-52. Ban đêm, trước khi B-52 đến ném bom, chúng thả nhiễu thật (những sợi bằng kim loại) đầy trời, rồi máy bay gây nhiễu điện tử hoạt động trên hướng B-52 sẽ xuất hiện (...) màn hình ra-đa ta có lúc trắng xóa! (...)

Con “át chủ bài” của Ních-xơn là B-52; trận chiến quyết định sẽ xảy ra trên bầu trời Hà Nội. Việc này, khi còn sống, Bác Hồ đã lường trước (...)

Địch đã huy động (...)

1077 máy bay chiến thuật trong tổng số 3400 chiếc mà không quân Mỹ hiện có (...)

150 máy bay B-52 trong tổng số 400 chiếc (...)

5 tàu sân bay trong tổng số 14 tàu sân bay (...)

58 trong tổng số 98 tàu chiến các loại của hạm đội 7, hạm đội lớn nhất của Mỹ (...)

Lối hoạt động của chúng là tập trung đánh thành từng đợt, trong 5 đến 7 ngày, đánh có trọng điểm (...) đánh cả các khu dân cư đông đúc như Khâm Thiên ở Hà Nội, An Dương ở Hải Phòng (...) Chúng cố tình đánh vào dân hòng làm cho dân ta sợ hãi, gây áp lực với Chính phủ (...)

Chính phủ ra lệnh sơ tán triệt để dân chúng ở Hà Nội, Hải Phòng và các thành phố lớn khác (...)

Các đơn vị phòng không - không quân tuy có chuẩn bị, nhưng trong giai đoạn đầu cũng bị thiệt hại nhiều về người và khí tài. Lực lượng ta đang dàn trải khắp Quân khu Bốn (...) chưa kịp ra tăng cường bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng (...)

(Ta cho) trực thăng MI-6 cẩu Míc vào sơ tán trong rừng, cách sân bay từ 5km đến 30km. Sân bay sửa chữa xong, MI-6 lại cẩu Míc về (...) Bao phen Mỹ bị bất ngờ (...)

(Về việc chữa sân bay) Ban ngày, bộ đội, công binh làm. Bộ phận rà phá bom nổ chậm tranh thủ xử lý ban ngày để có mặt bằng cho đêm quân cùng hàng nghìn dân vào chữa gấp đường băng (...)

(Khi đánh sân bay) địch chủ yếu dùng F-4D vừa mang bom vừa mang tên lửa không chiến, ít sử dụng F-105 (...)

Do vũ khí được cải tiến, để đánh một mục tiêu quan trọng, địch không cần dùng đội hình lớn vài chục chiếc như trong chiến tranh phá hoại lần thứ nhất. Nhờ vậy địch có khả năng đánh rất nhiều đợt trong một ngày khiến ta không kịp hồi sức. Nhiều trận địa thiếu đạn, vì không kịp bổ sung (...)

Điển hình, ban ngày địch dùng máy bay chiến thuật đánh dọn đường, để tối đến dùng B-52 đánh hủy diệt. Địch biết lực lượng bay đêm của ta còn ít (...)

Trung đoàn tiêm kích 927 mới thành lập ngày 3 tháng 2 năm 1972 (...) Trung đoàn tiêm kích 925 cũng mới thành lập (...)

Tàu hạm đội 7 ngày đêm pháo kích vào các mục tiêu ven biển (...)

Trung đoàn 923 đã chuẩn bị một phi đội cường kích đánh các tàu chiến Mỹ (...) Phi đội này được huấn luyện tại vùng ven biển Hải Phòng với sự giúp đỡ của phi công Cu-ba có kinh nghiệm ném bom thia lia ở độ cao cực thấp (...) Đến tháng 3 năm 1972, đã có 6 phi công sẵn sàng tác chiến (...)

Ngày 10 tháng 4 năm 1972, ba phi công Dị, Bảy, Lục đi đường bộ vào sân bay Gát (vốn là đường làng được bí mật cải tạo thành đường băng dã chiến) tuy rất gần bờ biển mà máy bay Mỹ bay qua bay lại hàng ngày vẫn chưa phát hiện được (...) Hai chiếc Míc-17 mỗi chiếc mang hai trái bom loại 250kg được bí mật chuyển trường, bay ở độ cao rất thấp, hạ cánh xuống Gát lúc hoàng hôn (...)

Sáng ngày 19 tháng 4 (...) tàu khu trục địch vẫn ung dung bắn phá như mọi ngày từ cửa Sót đến cửa Nhật Lệ. Ra-đa đối hải 403 ở Nhật Lệ bắt được các tàu địch tốt. Nhưng trời mù, tầm nhìn hạn chế, chỉ huy sở chưa cho xuất kích (...) Vào lúc 15 giờ (...) ra-đa 403 phát hiện một tốp 4 tàu địch đậu cách cửa Nhật Lệ 16km. Thời tiết tốt hơn, tầm nhìn trên 10km. Thời cơ đã đến (...)

Vượt qua cửa Lý Hòa, nhìn vào bờ thấy những điểm khói, số 1 Lê Xuân Dị biết địch đang pháo kích (...) báo cáo đã phát hiện tàu địch, cách 10km đến 12km, xin phép công kích (...) Số 1 vòng ra biển, chọn hướng công kích tàu địch từ ngoài khơi vào bờ, bay khoảng giữa hai tàu địch (...) Từ cách mặt biển 200m, anh hạ xuống, ổn định ở độ cao 50m, tốc độ 800km/giờ (...) Tiếng nổ trên biển vang trời. Số 1 trông thấy cột nước vọt lên, phủ tàu giặc (...)

Số 2 Nguyễn Văn Bảy (...) Khi số 1 vòng trái ra biển chuẩn bị công kích, số 2 quan sát, cảnh giới đề phòng tiêm kích địch (sau đó cũng) bay ra biển tìm mục tiêu (...) phát hiện hai tàu khu trục Mỹ đang pháo kích vào bờ (...) báo cáo chỉ huy sở, xin phép công kích. Nhưng mục tiêu đã quá gần, không công kích được. Số 2 lướt qua tàu khu trục, ép độ nghiêng vòng trở lại, từ ngoài khơi bay vào thẳng góc với mục tiêu, giảm độ cao xuống 50m, tăng lực đạt tốc độ 800km/giờ (...) Còn cách tàu địch khoảng 750m, anh cắt bom, kéo máy bay lướt qua ngay trên ăng-ten của nó. Hai trái bom thia lia đâm vào tàu, phía gần đuôi. Một cột nước lẫn khói màu da cam cao đến 30m vọt lên. Chiếc khu trục hạm bốc cháy (...)

Sau trận này, tàu Mỹ tạm thời lui ra xa (...) Để trả đũa, ngay chiều hôm đó, không quân Mỹ đánh phá dữ dội sân bay Đồng Hới và sân bay Vinh. Mãi ba ngày sau, chúng mới phát hiện ra Gát (...) tập trung đánh phá ác liệt. Hai chiếc Míc-17 được giấu trong hai hẻm núi, ngụy trang kỹ, vẫn bị phát hiện. Một chiếc bị bom đánh hỏng, chiếc còn tốt được bay về Gia Lâm an toàn.


(Lê Hải,
Phi công tiêm kích, nxb. Quân Đội Nhân Dân, 2004)
<





>