Môi trường đổi, sinh hoạt đổi, văn hóa cũng phải đổi. Trước ta chủ yếu ở quê, trồng lúa, nay ta ở phố ngày càng đông, làm những việc chưa từng làm. Quê vẫn còn đấy, nhưng ngày càng khác trước, khác từ nhà cửa làng xóm đến cách trồng lúa. Làm sao văn hóa quê tiếp tục ở đời được!

“Trải qua (…) cuộc bể dâu”, nên làm gì đây?

Trước khi làm, phải biết. Ta cần biết cho đúng rằng cái văn hóa của một thời đã qua ấy về đường tinh thần có đầy thành tích đáng cho mình tự hào. Đạo lý tốt đẹp, nghệ thuật tinh tế, tổ tiên ta nhất định không thua bất cứ ai. Biết như thế rồi, thiết tưởng:

- Ta nên cố xây văn hóa mới độc đáo chứ không nên đi sao chép văn hóa của giống người khác. Trong khi xây cái mới, nên tham khảo cái cũ xem có nét gì ứng dụng được chăng.

- Ta nên hết sức trân trọng văn hóa của tổ tiên ta chứ không đi trân trọng văn hóa của tổ tiên giống người khác.

Hiện nay không ít người Việt Nam đang vừa sao chép văn hóa Tây hiện đại, vừa đưa văn hóa Tây xưa lên bàn thờ.

(Thu Tứ)



Phạm Duy, “Gia tài nghệ thuật dân tộc”




Tiểu luận này, viết trong lúc nước Việt Nam bị chia đôi, chắc chắn sẽ có nhiều khuyết điểm. Hơn nữa, nó phải được biên soạn bởi một nhóm nhạc học gia thì mới có thể nói kỹ lưỡng hơn về nhạc ngữ của các loại nhạc địa phương.

Nhưng thực tế cho ta thấy hiện nay sự hiểu biết của thế hệ mới về gia tài nghệ thuật dân tộc rất là mỏng manh. Tuổi trẻ được học hỏi rất ít về gốc tíchsinh hoạt của các loại âm nhạc trong nước (...) trong những sách viết về nhạc Việt, sự phân loạiđịnh nghĩa chưa được rõ ràng, khiến cho lớp người trẻ hiếu nhạc chưa thấy tầm quan trọng và sự phong phú của nghệ thuật ca diễn dân tộc.

Do đó, chúng tôi đánh bạo hoàn tất tập tiểu luận mà chúng tôi định để dành hai mươi năm sau mới viết.

Ước mong trong giới sinh viên, có những bạn trẻ sẽ phát triển nghiên cứu từng môn, từng loại của những dân nhạc ở Việt Nam ghi trong tiểu luận này. Tích cực hơn nữa, mong rằng nội dung, hình thức của các ngành dân ca, ca nhạc phòng, ca kịch nghệ mà người xưa đã đưa ra để phản ảnh xã hội thời qua, có thể gợi hứng cho người hôm nay sáng tạo cho thời này (...)


(Phạm Duy, “Tựa nhỏ”,
Ðặc khảo về dân nhạc ở Việt Nam, Sài Gòn, 1966)