Cái người đẹp đàn hay ấy thực là được số phận “ưu đãi” đặt vào những tình huống hết chỗ nói. Trước đã phải đàn cho chồng Thúc nghe trong vị trí một con ở, giờ phải gảy mấy dây cho vui tai cái người vừa mới giết chồng Từ! Lòng tan dạ nát, nhưng mà đẹp không chịu bớt, hay cũng không chịu bớt, khiến “Hồ công (…) nghe càng đắm ngắm càng say (…) mặt sắt cũng ngây vì tình!”, lại thêm đã quá chén, bất ngờ buông lời “dạy rằng”: hay nàng lấy ta? Kiều từ chối. Kẻ quắc cần câu gật gù: mai tính. “Rạng ngày”, quan lớn tỉnh rượu, “nghĩ mình phương diện quốc gia” mà Kiều là vợ một tên làm giặc, hơn nữa từng ở lầu xanh nhiều năm, bèn “quyết tình” thôi. Nếu Hồ Tôn Hiến đã không thôi, mà cứ khăng khăng đòi lấy Kiều thì sao? Tản Đà ngày xưa ngẫm nghĩ: “Tổng đốc có thương người bạc phận / Tiền Ðường chửa chắc mả hồng nhan”(1)… Tại sao thi sĩ lại nghi ngờ “chửa chắc” Kiều sẽ tự tử? Chắc vì cái câu “Nàng càng ủ liễu phai đào” sau khi bị ép gả cho một quan nhỏ địa phương. “Càng” nghĩa là nếu được làm vợ Hồ Tôn Hiến thì ít buồn hơn? Có lẽ nào thế được! Chính lấy Hồ Tôn Hiến mới đáng “ủ”, “phai” hơn không biết bao nhiêu, vì đó là lấy kẻ đã giết cái người vừa là chồng vừa là “đại ân nhân” của mình! Chính lấy Hồ mới dứt khoát phải tự tử. Còn làm vợ “thổ quan” thì có thể tiếp tục “ở trong cõi đời” nếu muốn. Nhưng Kiều sáng suốt thấy không nên nấn ná nữa: “Những là oan khổ lưu ly / Chờ cho hết kiếp còn gì là thân!”. Phải, chờ là mắc mưu. “Trời làm chi đến lâu ngày càng thương!”. Phải lắm, còn kiếp là còn bị “giặc già” (lão tặc thiên) “làm” thêm đấy, nhảy xuống chỗ “đùng đùng” ngay lập tức đi!

(Thu Tứ)



Nguyễn Du, Truyện Kiều (câu 2537-2648)



Quan quân kẻ lại người qua,
Xót nàng sẽ lại vực ra dần dần.
Đem vào đến trước trung quân,
Hồ công thấy mặt ân cần hỏi han. (2540)
Rằng: “Nàng chút phận hồng nhan,
Gặp cơn binh cách nhiều nàn cũng thương!
Đã hay thành toán miếu đường,
Giúp công cũng có lời nàng mới nên.
Bây giờ sự đã vẹn tuyền, (2545)
Mặc lòng nghĩ lấy muốn xin bề nào?”.
Nàng càng giọt ngọc tuôn dào,
Ngập ngừng mới gởi thấp cao sự lòng.
Rằng: “Từ là đấng anh hùng,
Dọc ngang trời rộng vẫy vùng bể khơi! (2550)
Tin tôi nên quá nghe lời,
Đem thân bách chiến làm tôi triều đình.
Ngỡ là phu quý phụ vinh,
Ai ngờ một phút tan tành thịt xương!
Năm năm trời bể ngang tàng, (2555)
Dấn mình đi bỏ chiến trường như không.
Khéo khuyên kể lấy làm công,
Kể bao nhiêu lại đau lòng bấy nhiêu!
Xét mình công ít tội nhiều,
Sống thừa, tôi đã nên liều mình tôi! (2560)
Xin cho tiện thổ một doi,
Gọi là đắp điếm lấy người tử sinh!”.
Hồ công nghe nói thương tình,
Truyền cho cảo táng di hình bên sông.
Trong quân mở tiệc hạ công, (2565)
Xôn xao tơ trúc hội đồng quân quan.
Bắt nàng thị yến dưới màn,
Dở say lại ép cung đàn nhặt tâu.
Một cung gió thảm mưa sầu,
Bốn dây nhỏ máu năm đầu ngón tay! (2570)
Ve ngâm vượn hót nào tày,
Lọt tai, Hồ cũng nhăn mày rơi châu.
Hỏi rằng: “Này khúc ở đâu?
Nghe ra muôn oán nghìn sầu lắm thay!”
Thưa rằng: “Bạc mệnh khúc này, (2575)
Phổ vào đàn ấy những ngày còn thơ.
Cung cầm lựa những ngày xưa,
Mà gương bạc mệnh bây giờ là đây!”.
Nghe càng đắm ngắm càng say,
Lạ cho mặt sắt cũng ngây vì tình! (2580)
Dạy rằng: “Hương lửa ba sinh,
Dây loan xin nối cầm lành cho ai”.
Thưa rằng: “Chút phận lạc loài,
Trong mình nghĩ đã có người thác oan.
Còn chi nữa cánh hoa tàn, (2585)
Tơ đàn đã dứt dây đàn Tiểu Lân.
Rộng thương còn mảnh hồng quần,
Hơi tàn được thấy gốc phần là may!”.
Hạ công chén đã quá say,
Hồ công đến lúc rạng ngày nhớ ra. (2590)
Nghĩ mình phương diện quốc gia,
Quan trên nhắm xuống người ta trông vào.
Phải tuồng trăng gió hay sao?
Sự này biết tính thế nào được đây?
Công nha vừa buổi sáng ngày, (2595)
Quyết tình, Hồ mới đoán ngay một bài.
Lệnh quan, ai dám cãi lời,
Ép tình mới gán cho người thổ quan.
Ông tơ thực nhé đa đoan!
Xe tơ sao khéo vơ quàng vơ xiên? (2600)
Kiệu hoa áp thẳng xuống thuyền,
Lá màn rủ thấp ngọn đèn khêu cao.
Nàng càng ủ liễu phai đào,
Trăm phần nào có phần nào phần tươi?
Đành thân cát lấp sóng vùi, (2605)
Cướp công cha mẹ thiệt đời thông minh!
Chân trời mặt bể lênh đênh,
Nắm xương biết gởi tử sinh chốn nào?
Duyên đâu, ai dứt tơ đào,
Nợ đâu, ai đã dắt vào tận tay! (2610)
Thân sao thân đến thế này?
Còn ngày nào cũng dư ngày ấy thôi!
Đã không biết sống là vui,
Tấm thân nào biết thiệt thòi là thương!
Một mình cay đắng trăm đường, (2615)
Thôi thì nát ngọc tan vàng thì thôi!
Mảnh trăng đã gác non đoài,
Một mình luống những đứng ngồi chưa xong.
Triều đâu nổi tiếng đùng đùng,
Hỏi ra mới biết rằng sông Tiền Đường. (2620)
Nhớ lời thần mộng rõ ràng,
Này thôi hết kiếp đoạn trường là đây!
“Đạm Tiên nàng nhé có hay!
Hẹn ta thì đợi dưới này rước ta”.
Dưới đèn sẵn bức tiên hoa, (2625)
Một thiên tuyệt bút gọi là để sau.
Cửa bồng vội mở rèm châu,
Trời cao sông rộng một màu bao la.
Rằng: “Từ công hậu đãi ta,
Chút vì việc nước mà ra phụ lòng. (2630)
Giết chồng mà lại lấy chồng,
Mặt nào còn đứng ở trong cõi đời?
Thôi thì một thác cho rồi,
Tấm lòng phó mặc trên trời dưới sông”.
Trông vời con nước mênh mông, (2635)
Đem mình gieo xuống giữa dòng trường giang.
Thổ quan theo vớt vội vàng,
Thì đà đắm ngọc chìm hương mất rồi!
Thương thay cũng một kiếp người,
Hại thay, mang lấy sắc tài làm chi! (2640)
Những là oan khổ lưu ly,
Chờ cho hết kiếp còn gì là thân!
Mười lăm năm bấy nhiêu lần,
Làm gương cho khách hồng quần thử soi!
Đời người đến thế thì thôi! (2645)
Trong cơ âm cực dương hồi khôn hay.
Mấy người hiếu nghĩa xưa nay,
Trời làm chi đến lâu ngày càng thương!


(
Truyện Kiều, nxb. Ðại Học Và Trung Học Chuyên Nghiệp, Hà Nội, 1973)