Dân tộc Lự




Duy Uyên, trang laichau.tourism.vn

Chị Tao Thị Đi – một phụ nữ dân tộc Lự có nụ cười tươi với hàm răng đen bóng mà tôi đã gặp khi dự chương trình “Sắc màu Tây Bắc” ở Thủ đô tháng 4 vừa rồi (…) Tranh thủ chuyến công tác lên Lai Châu tôi tìm đến Bản Hon (huyện Tam Đường) mong gặp lại người phụ nữ đó, người đã hát cho tôi nghe một khúc dân ca Lự rất đặc sắc.

Bản Hon cách thị xã Lai Châu không xa, quãng hơn chục cây số. Nhà chị Tao Thị Đi ở Bản Hon 1, xã Bản Hon, huyện Tam Đường. Vẫn bộ trang phục truyền thống đẹp tinh tế, vẫn nụ cười với hàm răng đen bóng, chị Đi vui mừng khi gặp lại tôi, chúng tôi vui vẻ trò chuyện trong căn nhà sàn ngăn nắp, sạch sẽ (…)

Tôi được biết ở xã Bản Hon chị là một trong số ít người còn thuộc các bài dân ca dân tộc Lự (…) Chị cho biết “Dân ca Lự phải có sáo mới hát được, người Lự gọi cách hát như vậy là pấu pí khắp. Sáo lại phải có sáo mẹ và sáo con. Ngày xưa, trẻ con 13, 14 tuổi đã biết khắp rồi”. Người Lự hát khi vui, khi uống rượu, đặc biệt là vào những ngày lễ, tết.

Tôi muốn tìm hiểu về kiến trúc nhà sàn của người Lự. Chị Đi kể (…) Nếu ở bản có đôi bạn trẻ mới lập gia đình, cả bản sẽ hỗ trợ giống má, cùng giúp dựng nhà. Nhà sàn của người Lự làm bằng gỗ, có hai mái, mái sau ngắn, mái trước dài che khoảng không ở cầu thang và hàng hiên. Trong nhà, phòng ngủ của cha mẹ, con cái được phân định rõ ràng, phòng ngủ của cha mẹ cũng là nơi thờ cúng tổ tiên. Dẫn tôi đến bếp chị Đi nói tôi có muốn học cách nhuộm răng đen không “Mình nhớ (…) lần đầu xuống Hà Nội, ai thấy mình cũng lạ lẫm, nhất là với hàm răng đen. Có người khen đẹp nhưng hầu hết họ nói là nhìn sợ lắm (…) Mình luôn tự hào về truyền thống dân tộc mình”. Vừa kể chị vừa lấy những dụng cụ để nhuộm răng cho tôi xem. Chỉ gồm có một ống sắt dày, có nắp đậy, mấy đoạn gỗ ngứa (?), đem đốt thành than thả vào ống sắt, lấy khói bám chà vào răng là được. “Đơn giản lắm nhưng phải kiên trì em ạ. Chị nhuộm răng từ năm 12 tuổi, tối nào cũng nhuộm. Đối với người Lự, phụ nữ răng càng đen, càng bóng thì càng đẹp. Nhuộm răng còn là bí quyết giúp răng chắc khỏe đấy em ạ”.

Chị Đi dẫn tôi đi một vòng quanh bản (…) Hầu hết phụ nữ ở đây vẫn mặc trang phục truyền thống (…) Phụ nữ Lự dùng sợi bông để dệt vải, đem nhuộm chàm (…) Khuy cài vắt sang sườn phải, đính cúc bạc hoặc nhôm, hai ống tay áo phần giáp vai và ống cổ tay đều thêu hoa văn hình sóng bằng các loại chỉ màu. Chị Đi nói “Con gái 13 tuổi đã phải biết tự quay bông dệt vải rồi. Đến khi lấy chồng phải biết quấn khăn nữa”. Khăn được dệt thêu khá cầu kỳ quấn thành nhiều lớp nghiêng về bên trái để lộ khuôn mặt (…)


Trang baomoi.com

Dân tộc Lự đã biết trồng bông, nuôi tằm, kéo sợi dệt vải phục vụ nhu cầu may mặc của cộng đồng. Trang phục của người Lự có nhiều nét độc đáo, nhất là trang phục của người phụ nữ.

Khăn đội đầu

Khăn đội đầu được làm bằng vải bông, nhuộm chàm đen dài khoảng trên 4m, rộng 0,3m, hai đầu khăn có tua dài khoảng 0,2m. Trên nền đen của hai đầu khăn dệt xen kẽ 18 đường chỉ trắng to nhỏ khác nhau và hai đường chỉ vàng chạy ngang tô điểm cho khăn. Khi sử dụng, khăn được gấp bốn theo chiều dọc và được quấn quanh đầu nhiều vòng búi nghiêng về phía bên trái đầu.

Áo

Phụ nữ Lự mặc áo tứ thân, may bằng vải chàm đen, ghép liên kết với nhau từ 6 miếng vải cắt theo hình rẻ quạt, tạo cho áo có vạt xòe rộng so với eo. Hoa văn dệt kết hợp với hoa văn ghép vải. Cổ áo liền với nẹp ngực gồm năm miếng vải màu sắc khác nhau. Miếng vải ở giữa được đáp những quả hình trám màu xanh đỏ nối tiếp nhau. Tay áo dài, được may thon dần về phía cổ tay viền một vòng vải hoa nhỏ, sát nách có thêu hoa văn chạy vòng quanh ống tay. Trên thân áo bên trái thêu một đường chỉ nhỏ hình gióng trúc chạy từ cổ thẳng xuống vạt áo bằng chỉ các màu. Vòng quanh eo từ phía trước ra phía sau là hoa văn ghép vải, đồng bào Lự gọi đó là “con suối uốn lượn”. Dưới hoa văn ghép vải là những hình tam giác thêu bằng chỉ các màu. Hai bên vạt áo được đính hai dây vải hoa, dải dây bên sườn phải có năm tua bằng sợi len các mầu có xâu những hạt cườm. Khi mặc người ta vắt chéo thân bên trái sang phía sườn phải và buộc hai dây vải với nhau, dây được buộc buông thõng tới gần đầu gối, khi bước đi hai dải dây nhún nhảy đung đưa tạo sự uyển chuyển mềm mại cho người phụ nữ.

Váy

Hàng ngày người phụ nữ Lự thường mặc từ hai đến ba chiếc váy cùng một lúc. Chúng được lồng vào nhau thành nhiều tầng, mỗi chiếc cách nhau 3 đến 4cm theo chiều cao dần. Đồng bào quan niệm mặc như vậy vừa kín đáo vừa đẹp, vừa có thể thay đổi cho nhau, khi chiếc váy ngoài đã cũ. Váy được tạo bởi ba miếng vải khác nhau, hình ống và chia làm ba phần gồm cạp, thân và chân váy. Cạp váy bằng vải bông nhuộm nâu, không trang trí hoa văn. Thân váy bằng vải tơ tằm được dệt trên một khung cửi riêng, kỹ thuật dệt phức tạp. Thân cài hoa văn thành hai phần rõ rệt. Nửa thân tiếp giáp với cạp váy bằng vải tơ tằm màu nâu sậm, trên có dệt thêm nhiều sọc màu vàng và đỏ chạy song song theo chiều ngang của váy. Nửa thân sau tiếp giáp với chân váy bằng vải tơ tằm có dệt hoa văn, thêm vào đó là những phần thêu bằng len. Hoa văn nổi bật ở thân váy quả trám cao 10cm, xen kẽ giữa hai quả trám là hình hai người quay ngược đầu vào nhau, tay dang ra hai bên. Chân váy bằng vải bông nhuộm đen, gấu váy viền bằng vải hoa rộng 1cm. Ở khoảng giữa có khâu nối 9 ô vải hoa các màu theo chiều dọc từ thân váy xuống gấu váy, kết thúc là hoa văn các hình tam giác xanh và đỏ xen kẽ nhau nhằm giúp váy thêm nổi bật.

Thắt lưng

Thắt lưng được may bằng vải mộc trắng, hai đầu thêu hoa văn 6 đường chạy ngang, đường thứ 4 được thêu cầu kỳ hơn và ở đuôi thắt lưng để nhiều tua sợi, khi thắt họ gấp đôi khổ vải, buộc sang bên cạnh sườn bên trái, để thõng hai đầu dây cho mềm mại.

Vòng cổ

Vòng cổ được làm bằng bạc (ngày nay bạc hiếm họ chuyển sang dùng nhôm) vòng hình tròn, hai đầu vòng uốn gập ngược lại tạo ra hai lá hình tam giác, trên mặt lá có chạm khắc hoa dây mềm mại.