Cái di vật quan trọng nhất của văn hóa Ðông Sơn đã được đào lên hàng vài chục năm trước ngày người ta bắt đầu biết đến văn hóa Ðông Sơn. Trống Ngọc Lũ vừa là một bằng chứng về trình độ kỹ thuật, vừa là một quan niệm mỹ thuật hiện hình, lại vừa cung cấp rất nhiều manh mối về nguồn gốc của những người đã đúc ra nó. Trong câu chuyện đắp đê được trống, có phải ứng xử của dân làng Ngọc Lũ chứng tỏ một mức độ quen thuộc với loại cổ vật hiếm này? Nếu không quen chút nào, chắc không rước về cất kỹ trong đình để có dịp quan trọng mang ra đánh... (Thu Tứ)



Nguyễn Văn Huyên, “Ðắp đê được trống”




Trống này vốn để ở đình làng Ngọc Lũ huyện Bình Lục tỉnh Hà Nam (...) Năm 1903 do viên công sứ Phủ Lý làm môi giới, trống được đưa về Nhà Bác cổ Viễn đông Hà Nội.

Trống hiện tàng trữ tại Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (...)

Trong Quản lý văn vật số 12-1965 (nội san của Vụ Bảo tồn Bảo tàng), ông Trần Huy Bá cho biết: theo lời cụ Nguyễn Ðăng Lập 85 tuổi, người xã Ngọc Lũ, thì vào khoảng những năm 1893-1894, nhân dân xã Ngọc Lũ có một số người làm thợ đấu; chuyên tu sửa và hạp long các quãng đê bị vỡ. Hồi này các ông Nguyễn Văn Y, Nguyễn Văn Túc và một số người khác đắp đê Trần Thủy ở xã Như Trác huyện Nam Xang (Lý Nhân) thuộc hữu ngạn sông Hồng, cách xã Ngọc Lũ về phía đông bắc trên 30 cây số. Khi đang đào đất ở bãi cát bồi, thì thấy dưới độ sâu 2 mét lộ ra một trống đồng. Các ông vội lấp lại, không cho chủ thầu biết, đến đêm mới kéo nhau ra đào thì được trống đồng và một vật như cái chiêng úp trong lòng trống (đó là nắp thạp - chú thích của tác giả). Các ông đem về cúng vào đình làng Ngọc Lũ, để khi có đình đám cúng tế thì mang ra đánh, ngày thường cất vào hậu cung khóa giữ cẩn thận. Bảy, tám năm sau, một họa sĩ Pháp đến vẽ đình Ngọc Lũ, thấy trống, liền báo cho công sứ Hà Nam biết. Nhân có cuộc đấu xảo ngày 15-11-1902 ở Hà Nội, công sứ Hà Nam đã sức về cho lý dịch làng Ngọc Lũ mang trống và nắp thạp lên góp vào đấu xảo. Sau đó, Nhà Bác cổ Viễn đông đã mua lại với giá 550 đồng.


(Nguyễn Văn Huyên và Hoàng Vinh,
Những trống đồng Ðông Sơn đã phát hiện ở Việt Nam, Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam xuất bản, 1975)