Năm ấy “tháng mười hai Hà Nội (...) / phố với nhà gió chạy rộng rênh”, bởi vì cư dân không có nhiệm vụ đã sơ tán rồi, dẫn theo tất cả thiếu nhi.

Ở lại là những
“tuổi hai mươi”. Họ “bè bạn gái trai chia đều bận rộn”. Họ nếu có người yêu thì “không nói lời tình tự”; nén lời, nhưng gặp nhau họ trao “chiếc hôn dài mừng tủi nửa ngày xa...”. Ai quá bận rộn có thể để lại cho ai đó “dòng chữ nhắn chờ nhau / nét nguệch ngoạc ấm từng khung cửa gỗ”... Tất nhiên “trong tiếng gầm B-52”, không tiện ăn mặc kiểu dáng, nên “áo khăn hoa em xếp lại rồi”. Khăn áo khác, “và cả cách chăm thương nhau cũng khác”, được đặc biệt chú ý là “gói lương khô, túi thuốc”...

Hà Nội tháng mười hai 72
“điềm tĩnh và cảnh giác”, có nhờ đã quá quen thuộc với lũ giặc trời: “Tiếng còi hú và những tiếng nổ rung tường nhà (...) tiếng máy bay ù ù (...) Tiếng pháo bắn lại dội liên hồi (...) từng cụm những điểm khói đạn mọc ra mỗi lúc một nhiều (...) một tốp Con Ma xám đen đang nghiêng ngả bên trên những mái nhà, những lùm cây nhấp nhô phía xa”. Ma cứ hiện rồi biến nhé, những đôi người yêu vẫn “đi bên nhau (…) dưới những hàng cây cao, qua hết đường này đến đường khác, khẽ nói chuyện với nhau rồi lại im lặng từng lúc lâu”.(1)

“Dù đạn bom man rợ thét gào, tình yêu vẫn đẹp sao...”.

Thực ra, thời ấy tình yêu không phải là “vẫn đẹp”, mà là đẹp hơn bao giờ hết. Bởi những lứa đôi không đắm đuối nhìn nhau, mà cùng kiêu hãnh nhìn về phía kẻ thù:

“Còi báo động suốt mười hai đêm thức
Cháy trong lòng bao cảm xúc lớn lao
Những mắt người mắt súng ngẩng cao
Thành phố đứng tựa lưng vào lịch sử”
.

(1) Nguyễn Đình Thi, “Mặt trận trên cao”.



“Mười hai ngày không quên”

Phan Thị Thanh Nhàn




Tháng mười hai Hà Nội vào đông
Nghe sương lạnh bắp cải tròn cuộn lá
Măng vừa mọc có tre xanh cản gió
Đất ngoại thành dồn sắc đỏ cho cam
Phố với nhà gió chạy rộng rênh
Ngôi trường vắng tiếng cười trẻ nhỏ
Hàng cây đứng ngẩn ngơ nỗi nhớ
Cứ xanh màu ngụy trang

Thành phố chín trăm năm - thành phố trẻ trung
Tuổi hai mươi ở lại
Những nòng súng cao hơn mái ngói
Những căn hầm đầy muỗi ăn đêm

Tháng mười hai anh đi cùng em
Bè bạn gái trai chia đều bận rộn
Chiếc mũ sắt nghiêng che vầng trán
Ánh mắt nhìn sáng trong
Tháng mười hai Hà Nội vào đông
Điềm tĩnh và cảnh giác

Còi báo động suốt mười hai đêm thức
Cháy trong lòng bao cảm xúc lớn lao
Những mắt người mắt súng ngẩng cao
Thành phố đứng tựa lưng vào lịch sử
Dáng kiêu hãnh khiến quân thù khiếp sợ
Hà Nội thành “tọa độ lửa” kiên trung

Vườn ta yêu vắng suốt tuần trăng
Hươu sao nhỏ theo đàn sơ tán
Những mảnh xác pháo đài bay cháy xám
Thay cho bầy thú lạ, đón người xem
Tháng mười hai anh đến cùng em
Tạm gác lại những niềm vui bình dị
Ta không thể cùng nhau nghe nhạc nhẹ
Trong tiếng gầm B-52
Áo khăn hoa em xếp lại rồi
Và cả cách chăm thương nhau cũng khác:
Căn hầm vững, gói lương khô, túi thuốc
Chiếc hôn dài mừng tủi nửa ngày xa...

Thành phố ta yêu rất mực hào hoa
Vào chiến đấu lại gọn gàng, đơn giản
Cửa hàng lớn bây giờ phân tán
Những quầy con vào bán tận ngõ sâu
Người bận nhiều, dòng chữ nhắn chờ nhau
Nét nguệch ngoạc ấm từng khung cửa gỗ
Tổ phục vụ nấu cơm cho cả phố
Thư viện mở theo giờ phòng không
(Anh dành ghế cho em, buổi sớm người đông)

Mười hai ngày trong tiếng bom rung
Tim ta đập với trái tim thành phố
Bom ném An Dương – bờ sông tuổi nhỏ
Mắt anh nhìn xa xót nỗi đau em
Bãi phù sa sóng cát trôi êm
Nơi em hái chùm dâu ngày thơ bé
Nơi bỡ ngỡ ngói hồng khu tập thể
Mái trường xinh nát giữa vệt bom dài!

Đi cùng nhau qua tháng mười hai
Những người yêu không nói lời tình tự
Soi trong nhau nỗi vui buồn thành phố
Hiểu bao điều sâu nặng giấu sau môi

Con đường nào cây cũng bước song đôi
Anh đã đến chia cùng em tuổi trẻ
Bàn tay gầy thương bàn tay gầy thế
Thức canh trời – thành phố đáng yêu thêm (...)


(Trích
Thành phố tôi yêu)