Giữa sở chỉ huy, “tôi” bơ vơ: “Trong cuộc hội ý Đảng ủy Mặt trận (...) Ai nấy đều tỏ ra hân hoan với chủ trương đánh nhanh thắng nhanh”.

Sang nhà cố vấn, lo âu của “tôi” cũng không được chia sẻ: “Đồng chí Vi (Quốc Thanh) (…) nói: - Nếu không đánh sớm (...) sẽ không còn điều kiện công kích quân địch”.

Làm sao đây?
(Thu Tứ)



Võ Nguyên Giáp, “Làm sao đây?”




Buổi chiều, đi tiếp vào sở chỉ huy. Xe chạy trên con đường mới sửa, cây cối, lau lách hai bên đã phát quang, các “cua” đều mở rộng, không còn những ổ trâu, ổ gà. Những suối lớn nhỏ đều được xếp đá ngầm hoặc bắc cầu gỗ khá chắc chắn. Mặt cầu là những cây gỗ to, buộc néo với nhau bằng dây rừng.

Đến cây số 15 đường Tuần Giáo - Điện Biên Phủ, xe rẽ vào Thẩm Púa, nơi đặt sở chỉ huy. Vùng này có suối, thác, và nhiều núi đá, thoạt nhìn giống như Quảng Uyên, Cao Bằng.

Không khí sở chỉ huy rất nhộn nhịp. Cán bộ tham mưu tấp nập chuẩn bị bản đồ, sa bàn. Tôi gặp lại các anh Lê Liêm, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, anh Đặng Kim Giang, Phó chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp, những người đã đi trước một tháng.

Trong cuộc hội ý Đảng ủy Mặt trận, đúng như lời anh Thái, ý kiến chung là: cần đánh ngay trong lúc địch chưa tăng thêm quân và củng cố công sự, có khả năng giành chiến thắng trong vài ngày đêm. Dự kiến với tinh thần “mở đường thắng lợi” của bộ đội và dân công như hiện nay, khoảng năm ngày nữa, có thể làm xong đường đưa pháo vào trận địa. Tôi gặp một số cán bộ tìm hiểu thêm tình hình. Ai nấy đều tỏ ra hân hoan với chủ trương đánh nhanh thắng nhanh. Mọi người cho rằng nếu không đánh sớm, tập đoàn cứ điểm sẽ trở nên quá mạnh, và cũng lo nếu chiến dịch kéo dài, sẽ khó giải quyết vấn đề tiếp tế trên tuyến đường từ hậu phương ra mặt trận quá xa, lại bị địch đánh phá quyết liệt hơn.

Tôi thấy cần gặp Trưởng đoàn Cố vấn quân sự của bạn, hy vọng sẽ có sự đồng tình: lựa chọn phương án “đánh nhanh thắng nhanh” là quá mạo hiểm. Tôi hỏi đồng chí nghĩ gì về ý kiến của bộ phận chuẩn bị chiến trường. Đồng chí Vi Quốc Thanh nói đã gặp đồng chí Mai Gia Sinh (Phó trưởng đoàn) và những chuyên gia cùng đi trước với cán bộ ta. Các chuyên gia đều nhất trí là cần đánh sớm, có nhiều khả năng giành chiến thắng.

Tôi trình bày những suy nghĩ của mình, với so sánh lực lượng giữa ta và địch trên chiến trường, không thể tiêu diệt tập đoàn cứ điểm trong vài ngày. Đồng chí Vi cân nhắc rồi nói: “Nếu không đánh sớm, nay mai địch tăng thêm quân và củng cố công sự thì cuối cùng, sẽ không còn điều kiện công kích quân địch”.

Tôi vẫn cho rằng đánh nhanh không thể giành thắng lợi, nhưng chưa có đủ cơ sở thực tế để bác bỏ phương án các đồng chí đi trước đã lựa chọn. Cũng không còn thời gian báo cáo xin ý kiến Bộ Chính trị, tôi đồng ý triệu tập hội nghị triển khai kế hoạch chiến đấu.

Tôi nói với đồng chí Nguyễn Văn Hiếu, Chánh văn phòng của Bộ, sự cân nhắc của mình, dặn theo dõi tình hình, nghiên cứu, suy nghĩ thêm, và chỉ được trao đổi riêng với tôi về vấn đề này. Tôi chỉ thị cho đồng chí Cao Pha, Cục phó Cục 2, điều tra thật cẩn thận những vị trí trên cánh đồng hướng tây, nơi được coi là sơ hở ta sẽ dùng mũi thọc sâu đánh vào, và yêu cầu phải báo cáo hàng ngày những hiện tượng như tăng quân, củng cố công sự của địch.

Ngày 14 tháng 1 năm 1954, mệnh lệnh chiến đấu được phổ biến trên một sa bàn lớn tại hang Thẩm Púa. Cán bộ cao cấp, trung cấp các đại đoàn tham gia chiến đấu đều có mặt (...) Vương Thừa Vũ, Lê Trọng Tấn, Lê Quảng Ba, Đào Văn Trường, Nam Long, Cao Văn Khánh, Chu Huy Mân, Phạm Ngọc Mậu (...)

Nhiệm vụ thọc sâu giao cho Đại đoàn 308, đại đoàn chủ lực đầu tiên của Bộ. 308 sẽ đánh vào tập đoàn cứ điểm từ hướng tây, xuyên qua những vị trí nằm trên cánh đồng, thọc thẳng tới sở chỉ huy của Đờ Cát. Các đại đoàn 312, 316 nhận nhiệm vụ đột kích vào hướng đông, nơi có những điểm cao trọng yếu. Dự kiến trận đánh sẽ diễn ra trong hai ngày, ba đêm. Trước mắt, tập trung toàn bộ lực lượng bộ đội hoàn thành đường kéo pháo và đưa pháo vào trận địa dã chiến. Nghe thông báo số lượng pháo 105 sử dụng trong trận này, nhiều người trầm trồ.

Khi phổ biến quyết tâm chiến đấu, để chuẩn bị phần nào tư tưởng cho cán bộ, tôi nói: “Hiện nay, địch chưa có triệu chứng thay đổi lớn. Chúng ta cần ra sức nắm vững địch tình, để một khi địch có thay đổi thì kịp thời xử trí”.

Trước mỗi trận đánh, tôi thường khuyến khích cán bộ nói hết khó khăn, để cùng bàn cách khắc phục. Nhưng lần này, các đơn vị đều hăng hái nhận nhiệm vụ. Chỉ có những người hỏi cho rõ hơn, không một ai thắc mắc gì. Sau này, tôi mới biết có những đồng chí chỉ huy cảm thấy nhiệm vụ quá nặng, lo phải đột phá liên tiếp, trận đánh kéo dài, không giải quyết được thương binh và tiếp tế đạn dược. Nhưng trước không khí hào hùng trao nhiệm vụ, không ai dám nói những băn khoăn của mình.

Một số nhà văn, nhà báo những nước anh em cũng theo bộ đội đi chiến dịch. Vì thời gian chuẩn bị kéo dài, đã tới lúc họ phải trở về nước. Một buổi tối, anh Lê Liêm đề nghị tôi gặp bạn trước khi họ ra về.

Cơ quan chính trị căng một chiếc dù hoa chiến lợi phẩm bên dòng suối lấp lánh ánh trăng làm nơi tiếp khách.

Một nhà văn Ba-lan nói:

- Thiên nhiên của các đồng chí đẹp quá! Khung cảnh thật là thanh bình.

Tôi nói:

- Tôi cũng thấy phong cảnh ở đây rất đẹp. Tôi không phải nhà thơ nhưng cảm thấy cảnh này thật nên thơ. Chúng tôi lại sắp chiến đấu chính là để cho khắp đất nước đêm nào cũng đẹp như đêm nay.

Đồng chí nhà báo Tiệp-khắc nhận xét:

- Quân đội của các đồng chí thật lạ! Tôi không thấy có sự cách biệt nào giữa vị tướng với người lính.

Rồi anh kể lại, sáng hôm nay khi lội dọc suối vào sở chỉ huy, đã nhìn thấy đồng chí Tổng tham mưu phó nhường ngựa cho một chiến sĩ đau chân, xách giày trong tay, cùng lội suối với mọi người.

- Quân đội chúng tôi như vậy. Quan hệ giữa chúng tôi trước hết là quan hệ giữa những người đồng chí, những người bạn chiến đấu.

Cuối buổi gặp, đồng chí nhà văn Ba-lan hỏi bằng một giọng vừa lưu luyến vừa băn khoăn:

- Các đồng chí sắp đi chiến đấu, còn chúng tôi thì sắp lên đường trở về nước. Tôi muốn đề nghị đồng chí Tổng tư lệnh cho biết, sau đây chúng tôi sẽ nhận được tin gì về Điện Biên Phủ?

Tôi trả lời:

- Hoặc là các đồng chí sẽ không nhận được tin tức gì về Điện Biên Phủ, nhưng sẽ được tin chiến thắng của chúng tôi trên nhiều chiến trường khác. Hoặc là các đồng chí sẽ được tin chiến thắng ở Điện Biên Phủ, khi đó sẽ là một chiến thắng rất to.


(Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hồi ký
Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử in lại trong Tổng tập hồi ký, nxb. Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2006, tr. 917-920)