Lê Ðạt nổi tiếng kỵ đi vào những lối cũ trong thơ. Tránh lối cũ, phải mở lối mới. Ðọc kỹ tập Bóng chữ, Hoàng Cầm nhận xét về nỗ lực đổi mới thơ của Lê Ðạt: “Có cảm giác anh đã vất vả quá mức. Giống như một người thợ đập đá, phá, đục, đẽo gọt từng cục để tìm ra một loại ngọc bích. Anh mồ hôi mồ kê đầm đìa giữa ngổn ngang những chữ và chữ.”(1) Trong số những kết quả của lao động sáng tạo cật lực ấy, Hoàng Cầm bảo bài “Gốc khế” sau đây là “toàn bích”, nhưng lại thêm ngay rằng giá “ba năm” được thay bằng “năm năm” thì thơ sẽ hay hơn... (Thu Tứ)

(1) Trong
Tác phẩm chọn lọc 2-1995, nxb. Văn Học, 1995.



Lê Đạt, “Gốc khế”




Khi gió mùa anh đi
Sang sông tìm nắng khác

Để mẹ già tóc bạc
Lưng còng trên gậy tre
Để người yêu ngơ ngác
Gốc khế xanh đầu hè

Ba năm anh không về
Mẹ già anh ngơ ngác
Lưng còng đau gậy tre
Người yêu anh đốm bạc
Tóc khế xanh đầu hè

Ba năm anh không về
Ba năm rồi ba năm
Mẹ anh thành nấm đất
Người yêu anh cũng đi
Gốc nửa ngày khế chát
Sót bóng hoa mơ chờ.