“Lê Vĩnh Hòa - Nghe được tiếng chân...”




Có nên cho văn nghệ sĩ cầm súng hay không? Năm 1945 Văn Cao được bố trí làm đội trưởng Đội danh dự Việt Minh, chuyên đi ám sát Việt gian. Tưởng tượng ông đã bắn hụt, bị bắn trả và hy sinh! Về chuyện này, lãnh đạo nhanh chóng có chủ trương dứt khoát. Trong hồi ký Nhớ lại một thời, Tố Hữu kể sau ngày Toàn quốc Kháng chiến văn nghệ sĩ theo bộ đội ra trận “có những anh đòi phát súng để tham gia đánh” nhưng “đều không được chấp nhận”.

Thế còn nếu văn nghệ sĩ đề nghị cho đi vào vùng kém an ninh hay đi với đơn vị nhỏ thì sao? Đây trên có khi không cản. Như khi Nam Cao xin về tìm hiểu tình hình vùng địch hậu Hà Nam nơi “cơ sở kháng chiến còn yếu và phản động lại khá nhiều”, Tố Hữu cho biết “chúng tôi” tuy “rất lo” vẫn chấp thuận yêu cầu. Trường hợp Lê Vĩnh Hòa, quân khu đồng ý cho ông đi theo một tiểu đội. Cả hai nhà văn đều không trở về. Cho hay không, quyết định khó! Một mặt, tài năng đâu dễ thay thế. Mặt khác, chiến sĩ làm nhiệm vụ cực kỳ anh dũng, nếu có người cầm bút đi theo cho thật sát để “nghe được (...) tiếng đạn lên nòng và tiếng lê lắp vào đầu súng, tiếng hô xung phong và tiếng chân chạy trên rào bót” mà ghi lại cho thật rõ để động viên mọi người thì còn gì hay bằng...

Những trang văn “còn vương mùi thuốc súng” của Lê Vĩnh Hòa làm chiến sự ác liệt hiện lên rõ mồn một. Ngoài ra, nó còn chứa những đoạn đối thoại đặc biệt linh động, có giá trị giúp người đọc miền khác cảm nhận được màu sắc độc đáo của tiếng Việt miền Nam. Và nó chứa những dòng tả cảnh rất gợi cảm... Đọc bằng chứng của văn tài mà bâng khuâng quá. Giá nhà văn đã được sống lâu hơn thế nhiều, để sau khi đã ghi lại đến tận giờ phút cuối cùng cuộc chiến đấu có một không hai của dân tộc, trong hòa bình ông sẽ tập trung sáng tác về những phương diện khác của đời sống cho chúng ta thưởng thức.

“Bên chiến hào” (1)

“(Ngày 16-12-1965) (...) Tôi (…) đi tham quan (...) chiến hào. Thật ra đi dưới (...) này không thể nào nhìn bao quát được (...) những công trình (...) Không thể nào thấy được những chiếc cầu chướng ngại bắc ngang qua kinh xáng, những ụ đất chặn ngang từng khoảng lộ (...) những bãi lửa, hố chông trùng điệp trên các cánh đồng. Tất cả làm thành một hệ thống chằng chịt hàng mấy chục cây số thuộc ba xã vây quanh chi khu (...) Và ngay ở dưới trục chiến hào cũng không thể xem hết tất cả các mũi “râu tôm”, những ổ cá nhân chiến đấu (…) những điểm tựa tam giác có thể vừa phòng ngự, vừa bắn chận máy bay tiếp tế (...) Đi như thế này chẳng qua chỉ là để “ngửi” một chút mùi của chiến hào mà thôi (...) Tại đây (…) 80 ngày đêm qua (…) du kích Vĩnh Thuận, Vĩnh Phong, Vĩnh Bình đã diệt và làm bị thương gần 400 giặc (…) 600 tên địch còn lại (...) đã biến thành 600 tên tù. Tôi bỗng nghĩ đến mối liên quan mật thiết giữa mặt đất và con người. Chưa bao giờ chúng ta khắng khít với đất (…) hơn lúc này (…) Giặc có phi cơ (…) tên phi công chỉ cần ấn ngón tay (…) là có thể trút xuống hàng loạt bom, mỗi trái bom có thể đào một (…) cái đìa. Còn ta (…) cái vá mỗi giờ chỉ đào được một công sự hay cao lắm là hai thước chiến hào. Nhưng phản lực cơ (...) cũng không thể cứu được chi khu của chúng (...) Vì (...) cái vá của ta được sử dụng bởi hàng vạn tấm lòng ngùn ngụt lửa căm thù”.

Nhớ Điện Biên Phủ. Năm 1954 hệ thống chiến hào đại qui mô trên cánh đồng Mường Thanh đã góp phần quan trọng giúp bộ đội chủ lực ta toàn thắng giặc Pháp: “Làm nên chiến thắng có tiếng hát vang trời của các giàn đại bác / Lại có im lìm của tiếng cuốc chim” (Chế Lan Viên). Nhớ các khu địa đạo Vĩnh Linh, Củ Chi v.v. Rõ ràng những “kỳ quan kiến trúc quân sự” đã là một yếu tố then chốt giúp quân ta công thủ đều thành công bất kể hỏa lực cực kỳ áp đảo của đối phương. Quân kháng chiến Việt Nam đã mọc rễ trong lòng đất! Được như thế, là nhờ trước tiên đã mọc rễ trong lòng dân mà có sức lớn của dân... Các cô dân công chê “tôi” “giờ này lỏng nhỏng ngoài đường” thật là oan quá. Không có “tôi” đi “ngửi” thì bây giờ ai biết “mùi của chiến hào” ở một địa phương miền tây ngày ấy nó ra sao.

“Bên chiến hào” (2)

“(Ngày 17-12-1965) Những giờ tiền duyên im tiếng súng, bốn bên bỗng trở nên vắng vẻ một cách lạ thường. Nghe cả tiếng con chim kêu thỏ thẻ trên bệ cửa sổ một nhà hoang và tiếng gió thổi qua tấm lá rách tòn teng bên hông nhà (...) Con đường hào tự nãy giờ len lỏi giữa những đám chuối (...) tới đây bỗng xỉa một mũi “râu tôm” ra ngay mé lộ (…) Thật là lạ, giữa cảnh tàn phá làm sao vẫn còn một cây bông trang trụi lá nhưng hoa đỏ lấp cành, đứng bên đường như một niềm vui bỡ ngỡ (...) Tôi (…) đi giữa (…) vùng ấp chiến lược cũ. Tất cả đã tan hoang, đồng bào đã trở về với vườn ruộng (...) Trong buổi trưa vắng lặng, chi khu cô độc đang nằm hấp hối giữa cảnh hoang tàn đổ nát do chính nó gây nên (...) (Ngày 18-12) (...) Tôi bỗng thấy thực ra cán cân lực lượng nghiêng hẳn về bên ta (...) Rõ ràng là không phải chỉ có những người du kích (…) mà chi khu hiện đang bị bao vây và tấn công bởi gần năm vạn đồng bào (...) đa số không cầm súng mà cầm cuốc xẻng đào nên những công trình chiến đấu cực kỳ lợi hại! Một chiến sĩ du kích (...) có thể bình tĩnh chống trả và chịu được sức tấn công của hàng bao nhiêu tên địch trang bị tốt hơn nhiều, diệt một số và khiến chúng cuối cùng phải tháo chạy rút lui, đó là nhờ những đường hào ngóc ngách (...) và nhờ hai bên đồng trống có hàng ngàn hố chông, bãi lửa (...) ngăn không cho giặc thọc vô sườn trận tuyến. “Đánh giặc dưới đường hào này ấm lưng lắm”. Một du kích vừa lau súng vội vã, vừa nói với tôi như vậy”.

Đánh đồn khó, là bởi ta phải phơi mình ra còn địch thì được núp kỹ. Ta đào chiến hào là tạo cho mình chỗ núp. Dĩ nhiên rút cuộc cũng phải nhảy lên xung phong, nhưng rút ngắn cái quãng thời gian làm bia cho địch bắn được bao nhiêu thì đỡ thiệt hại bấy nhiêu.

“Bên chiến hào” (3)

“(Ngày 18-12-1965) (...) Khi tôi đứng lên (...) toàn đội (...) đã chạy xa rồi (...) Cối 81 và đại bác 105 ly của địch theo lệ thường nện dồn dập (...) Trông theo (...) tôi bỗng thấy bứt rứt khó chịu vô cùng. Giấy hút thuốc thực ra còn trong ba-lô. Bận viết nên tôi làm biếng lấy. Cậu thanh niên kia có lẽ chưa kiếm được điếu thuốc, bây giờ đang đem sinh mạng ra bảo vệ cho đồng bào, trong đó có tôi. Tôi không có quyền tiếc một cái gì cho những người như vậy, huống hồ là một chút công đi mở ba-lô (...) Nếu lát nữa mà cậu ta không trở về? (...) Nửa giờ sau, đội trở về đủ y quân số (...) Tôi vội kiếm cậu thanh niên đưa thuốc, giấy”.

Đối với chiến sĩ, một phản ứng tiêu cực bình thường đã khiến “tôi thấy sợ hãi sẽ phải chịu đựng nỗi ân hận về một khuyết điểm không còn phương gì sửa chữa được nữa”.

Còn đối với dân công: “(Ngày 19-12-1965) (...) Lại gặp những anh chị em dân công đang ngồi nghỉ bên đường (...) Các anh các chị (…) vui vẻ ra đây đào hào đắp lũy (…) tôi biết lấy lời nào ca tụng cho xứng”.

Người có tấm lòng quý chiến sĩ, trân trọng dân công như thế, hẳn người ấy đã vui biết bao nhiêu khi được công tác ngay bên cạnh quân dân đang làm nhiệm vụ.

“Trông ra tiền tuyến”

Đây lời một người dân về việc con mình tham gia kháng chiến: “Vì nước tôi vui lòng cho nó đi (…) Đêm hôm tôi còn kêu riêng nó ra nói dứt khoát là nếu nó về nhà mà không có giấy phép của đơn vị là tôi không nhìn tới nó nữa, làm như vậy là nó làm nhục cha nó, làm mất mặt mẹ nó”.

Vẫn người ấy, trong tư cách một người mẹ: “Con đứt ruột đẻ ra. Bây giờ (…) thế nào cũng phải buồn ít ngày”. Vài ngày sau: “Tôi qua được rồi cậu Hai à! (…) Cậu đi đây đi đó khi nào có gặp đơn vị nhớ kiếm nó cho được, nhắn cho nó hay: tôi với mấy đứa em nó mạnh giỏi, sống no đủ, nó đừng lo nghĩ gì hết. Ráng đánh giặc cho giỏi là bà con dòng họ vui rồi. Nhớ nghe!”.

Đây “thư cậu Hai”: “Tôi không gặp thằng Nam của chị Bảy, nhưng tôi đã gặp rất nhiều thằng Nam khác (…) Những Giải phóng quân trẻ tuổi (…) đã chiến đấu anh dũng lạ thường. Cả nước ta, cả thế giới đều biết rõ điều đó. Khi nhìn (…) các đồng chí, tôi thấy lòng tự hào vô hạn. Vinh quang biết bao, những bà mẹ có được những người con như vậy. - Chị Bảy (...) tôi không gặp Nam. Nam đang ở miền đông. Chắc là trên con đường 13, con đường (…) mà sư đoàn bộ binh số 1 của Mỹ đang uy hiếp. Tôi đi cùng những đồng chí Nam của tôi ở miền tây, nghe được từng hơi thở tiếng ngáy, tiếng nói và giọng cười, tiếng chèo hành quân và tiếng vá đào công sự, tiếng đạn lên nòng và tiếng lê lắp vào đầu súng, tiếng hô xung phong và tiếng chân chạy trên rào bót (…) Tôi muốn gởi cho chị chút ít về những điều đó...”

Đất nước độc lập và thống nhất là nhờ đã có vô số những mẹ và con như thế này. Đọc lời và lời, “thấy lòng tự hào vô hạn”. “Vinh quang biết bao”, Tổ quốc ta ơi.

“Vượt dốc”

“Tiếng kêu hú (của đạn pháo) rượt nhau chạy qua (...) trên vòm trời đen. Ánh lửa màu đỏ sẫm bắt đầu chớp liên tiếp trên mặt đất, soi rõ những thân cau trắng toát mỏng manh đứng sau mí vườn. Rồi bóng tối trở lại và tiếng nổ chát chúa nổi dồn dập. Miểng và đất văng lên bay ào ào. Sau cùng, chỉ còn dội những tiếng lịch bịch muộn màng. Lá trên cây run nhè nhẹ (...) Dưới hàng trâm bầu những mảnh trăng lờ mờ lay động (...) Rồi đêm yên lặng trở lại trong bầu không khí nặc nồng mùi diêm sinh bị đốt cháy. Nhưng, không phải chỉ có thế (...) thoang thoảng đâu đây có mùi hoa cau mới nở. Mùi hương mong manh thoắt đến như một niềm vui không hẹn trước rồi lại thoắt đi ngay (...) Ở đây, ngày đêm lúc nào cũng có thể bị pháo địch bất chợt câu ngay vào giữa đội hình (...) Phi cơ trinh sát thường xuyên bay ngang bay dọc, lượn vòng, nghiêng cánh dòm ngó. Đêm “Mô-hốc” từng cặp đảo ì ầm rà sát ngọn cây. Pháo sáng lơ lửng bốn phía trời (...)

Lần thứ nhứt dự trận chống càn, tôi ở chung công sự với Ba Lưu. Nổ loạt đầu, địch cách hai mươi thước. Tôi làm được đâu ba viên thì nghe hô xung phong rần trời, bên cạnh tôi. Ba Lưu vừa nổ súng vừa hét dặn tôi: “Út! Nắm lấy thắt lưng địch mà…”. Ngó ngoái lại thì chả đã nhảy lên, chạy ào ào tới trước rồi! Tôi cũng bò lên, chạy theo, nhưng mà tía má ơi! Ở dưới công sự thì thiệt ấm, mà chừng chạy lên trên ruộng rồi thấy bốn bề trống lổng, nghe đạn bay chíu chíu phát dún mình! Trên đầu thì trực thăng, phía trái, phía phải nó bắn lụp cụp như bằm thịt cúng đình, tôi chạy mươi thước, da gà nổi lên, giò cẳng quíu lại không bước nổi nữa. Dòm đằng trước chỉ thấy lính địch nằm ngửa nằm nghiêng tứ tung. Anh em đang rượt tụi còn sống chạy xa tít mù. Máy bay nó đảo theo rền rền mà không bắn được (“Tôi” lầng quầng rồi bị thương, nằm ngất trong đám lửa, được Ba Lưu khi quay lại liều chết vào cứu) (...)

Nhưng tôi lần lần khá hơn (...) luôn luôn theo sát Ba Lưu trong tổ thọc sâu cho đến khi anh ấy đánh trận công kiên cuối cùng. Đêm đó mở đột phá khẩu, Ba Lưu dẫn chúng tôi vượt lên tiền duyên. Cửa mở không được tốt, ba lần rào kẽm gai phía trong còn nguyên. Chúng tôi càn lên lùng nhùng mất khá nhiều thì giờ. Tới sát đồn, Ba Lưu nhảy lên chiếm tường, khẩu tiểu liên chỉa thằng xuống phía trong, chưa kịp bóp cò thì bị giữa ngực một loạt tôm-xông. Anh ngã vật ra ngoài. Toàn thân tôi rực nóng. Lỗ tai nổ răng rắc! Tôi kêu lên: Trả thù cho Ba Lưu! Giỏ lựu đạn trên vai tôi bỗng dưng nhẹ lửng. Vượt tường đồn, tôi chạy ngay vào bên trong mà đập tơi bời. Tôi đánh ụ đề kháng, đánh nhà công sở, đánh qua lô-cốt ba, đang chạy ào ào thì được gọi về. Trong bóng tối của lô-cốt một, giữa tiếng súng và lựu đạn, thủ pháo ầm vang, đồng chí bí thư chi bộ tuyên bố kết nạp tôi vào Đảng (…) Tôi bật khóc, biết rằng tôi được vinh dự như đêm nay là nhờ Ba Lưu (...) Tôi chạy ra ngoài tiếp tục đánh. Có tiếng kêu theo: “Đồng chí Chinh! Dũng cảm nhưng không được chủ quan!” (...) Toàn đồn địch đã giải quyết xong, tôi (…) bỗng dưng bơ phờ ngơ ngẩn. Ba Lưu đã hy sinh rồi! (...) Ngoài tường, Ba Lưu đã được đặt nằm ngay ngắn chờ khiêng về xuồng (...)”
(Tháng 10-1966).

Cả một quá trình chuyển biến tâm lý vừa kết thúc hết sức tốt đẹp! Khi “tôi” ngỏ ý muốn tòng quân, “tía tôi” có lời “chí tình”: “Tình tía con, mặc dầu, nói ra tao cũng sợ mích lòng (…) tao muốn cho mày đi bộ đội lâu rồi mà thấy chưa chắc ăn, trong bụng còn nan phân lắm, chưa dám mở miệng. Mày sung sướng quen thân (…) Đi bộ đội, tao sợ nửa chừng mày bỏ cuộc trở về thì xấu tới tao”. Nghĩa là tía thấy “dốc” cao, sợ con mình trèo tuột. Nhưng “con” “dứt khoát một tiếng với tía, tui nói được là đi được!”. “Tui” bắt đầu trèo, trời ơi, té ra cái dốc nó cao quá xá thiệt: “Chưa nói tới chuyện đánh giặc, chỉ nội cái cực là tôi đủ ngán rồi! Ăn (…) khi thì chỉ có tương với muối ớt, dừa kho, rau luộc. Vậy mà hành quân, công tác, học tập, đào công sự thì cứ đều đều (…) Chèo xuồng mệt quá! Chèo gì một phiên tới chín, mười cây số (…) Nhưng rầu nhứt là cái nạn đào công sự. Không biết cha nào đề ra cái khẩu hiệu thiệt ngặt: Công sự chưa xong, quyết không đi ngủ”.

“Tôi” đã lo le tuột dốc, may nhờ gặp cán bộ tiểu đội Ba Lưu hết lòng động viên, luôn làm gương và rồi lại ra ơn cứu mạng, nên “lần lần khá hơn”. Tới cái đêm ấy, khi chứng kiến ân nhân tử trận, thì tôi bay vù một hơi lên tận đỉnh dốc, chiến đấu anh dũng tới nỗi được kết nạp Đảng ngay trong đồn giặc, “giữa tiếng súng và lựu đạn”! Câu chuyện cho thấy trong hoàn cảnh kháng chiến đầy gian khổ, người cán bộ giữ vai trò đặc biệt quan trọng. Để mong hiệu quả, công tác chính trị không thể làm chỉ bằng lời nói suông, mà phải cả bằng hành động gương mẫu cụ thể. Biết bao nhiêu gương sáng ngời, mới có Đại Thắng Mùa Xuân!



Thu Tứ
Viết tháng 5-2017