Hình dung Bắc bộ cộng bắc Trung bộ (Thanh - Nghệ - Tĩnh) với phía tây lõm vào và phía bắc gồm cả miền nam tỉnh Quảng Tây của Trung Quốc…



Đào Duy Anh, “Biên giới nước Âu Lạc”




Âu Lạc (kéo dài) từ Hoành Sơn cho đến miền nam tỉnh Quảng Tây (...)

Triệu Ðà chiếm (...) chia (...) ra làm hai quận để đặt quan cai trị. Nhưng (...) ở dưới (...) quận (...) thì các tù trưởng (...) vẫn cứ giữ bộ lạc như cũ (...) Nhà Hán diệt nhà Triệu (...) chiếm đất Âu Lạc (...) vẫn giữ hai quận Giao Chỉ và Cửu Chân, chia mỗi quận ra làm nhiều huyện, đại khái mỗi huyện là tương đương với một bộ lạc trước kia.

Nói chung thì chúng ta có thể theo những tên huyện ở thời Hán mà gọi các bộ lạc của nước Âu Lạc như sau:

Bộ lạc Mê Linh
Bộ lạc Tây Vu
Bộ lạc Liên Lâu
Bộ lạc Long Biên
Bộ lạc Chu Diên
Bộ lạc Bắc Ðái
Bộ lạc Kê Từ
Bộ lạc An Ðịnh
Bộ lạc Câu Lậu
Bộ lạc Khúc Dương
Bộ lạc Vô Công
Bộ lạc Dư Phát
Bộ lạc Tư Phố
Bộ lạc Cư Phong
Bộ lạc Vô Biên
Bộ lạc Bô Lung
Bộ lạc Hàm Hoan.

Bộ lạc Tây Vu là bộ lạc căn bản của Thục Phán, có lẽ nguyên trước chỉ là ở miền thượng lưu sông Lô, bao gồm cả miền thượng lưu sông Gầm và sông Chảy, tức miền Hà Giang, Tuyên Quang và Cao Bằng ngày nay. Sau khi Thục Phán thắng được Hùng (Lạc) Vương mà dựng nước Âu Lạc thì (...) có lẽ đã mở rộng bộ lạc căn bản của mình xuống đến giáp sông Thao và sông Ðuống (...) Như thế thì Thục Phán đã lấn đất của bộ lạc nào? Hẳn là của bộ lạc Mê Linh là bộ lạc căn bản của Hùng (Lạc) Vương. Có lẽ ở thịnh thời thì bộ lạc căn bản của Hùng Vương rộng hơn huyện Mê Linh đời Hán nhiều (...) trùm đến cả miền bắc Yên Bái. Có lẽ bộ lạc ấy bao gồm một phần tỉnh Yên Bái, miền nam tỉnh Tuyên Quang, tỉnh Phú Thọ, tỉnh Sơn Tây và tỉnh Vĩnh Phúc ngày sau. Ðồng bào Mường hiện ở các tỉnh Yên Bái (huyện Trấn Yên), Phú Thọ (các huyện Thanh Thủy, Yên Lập, Thanh Sơn, Lâm Thao), Hà Tây (các huyện Bất Bạt, Tùng Thiện, Thạch Thất, Quốc Oai) là di duệ của những người Lạc Việt chiếm ở những miền ấy từ thời Hùng Vương. Truyền thuyết của họ còn ghi nhớ Hùng Vương là tổ tiên của họ. Trung tâm của bộ lạc Mê Linh bấy giờ có lẽ là miền Phú Thọ là nơi hiện nay còn có đền thờ Hùng Vương ở làng Hi Cương huyện Sơn Vi. Ðến khi Thục Phán (...) thắng (...) Hùng Vương thì (...) con cháu Hùng Vương bị giáng xuống hàng Lạc Tướng (...) (bộ lạc căn bản) bị thu nhỏ vào phạm vi của huyện Mê Linh đời Hán mà trung tâm điểm là thành Mê Linh ở làng Hạ Lôi huyện Yên Lãng tỉnh Vĩnh Phúc ngày nay.

Ngoài ra, bộ lạc Long Biên cũng là một bộ lạc lớn ở miền đông bắc (...) huyện Long Biên đời Hán bao gồm cả một phần tỉnh Bắc Ninh, một phần tỉnh Bắc Giang, một phần tỉnh Lạng Sơn cùng các tỉnh Thái Nguyên và Cao Bằng ngày sau - có lẽ cả một phần các phủ Tứ Thành, Tư Minh và Ðiền Châu tỉnh Quảng Tây nữa. Cư dân chủ yếu của miền ấy hiện nay là người Tày (ở Trung Quốc là người Choang) và người Kinh, tổ tiên của họ xưa là người Tây Âu và người Lạc Việt. Hai thành phần ấy không có thể cùng là thành viên của một bộ lạc. Chúng tôi tưởng rằng những miền mà cư dân hiện nay là người Tày và người Choang vốn là địa bàn của một bộ lạc người Tây Âu, còn phần đất tương đương với miền Bắc Ninh và miền dưới của tỉnh Bắc Giang mà cư dân ngày nay chủ yếu là người Kinh thì là địa bàn của một bộ lạc khác của người Lạc Việt. Ở thời Hùng Vương cái phần đất cư dân Lạc Việt ấy có lẽ là thuộc bộ lạc căn bản của Hùng Vương, đến đời An Dương Vương thì nó bị tách ra rồi đến đời Hán nó đã được hợp với bộ lạc Tây Âu ở miền đông bắc mà thành huyện Long Biên.

Chúng tôi suy đoán sự phân hợp của mấy bộ lạc lớn trong nước Âu Lạc là như thế. Còn các bộ lạc khác thì hiện chưa có căn cứ gì để suy đoán (...) Chúng tôi tưởng rằng theo nét đại thể thì những bộ lạc (ấy) không (...) thay đổi gì quan trọng (...) khi (...) chuyển thành những huyện ở thời Hán (...)

Biên giới phía nam đến Hoành Sơn. Biên giới phía Tây thì không được rõ rệt như thế. Có lẽ miền thượng lưu sông Ðà, sông Mã, sông Chu, sông Lam, một dải ở dọc biên giới Việt - Lào ngày nay, bấy giờ là do các bộ lạc thuộc chủng tộc Anh-đô-nê-di còn dùng đồ đá mới chiếm ở. Hiện nay miền ấy là do những dân tộc thiểu số thuộc giống Thái ở. Biên giới phía tây của nước Âu Lạc, tức giới tuyến phía tây của các bộ lạc Mê Linh, Chu Diên, Vô Công, Ðô Lung, Vô Biên, Cư Phong, Hàm Hoan, có thể là tương đương với con đường giới tuyến hiện nay giữa địa bàn của đồng bào Mường trong các tỉnh Yên Bái, Phú Thọ, Hà Tây, Hòa Bình, Thanh Hóa và Nghệ An với địa bàn của những nhóm đồng bào thuộc giống Thái (...)


(Đào Duy Anh,
Ðất nước Việt Nam qua các đời, viết xong năm 1964, không biết in lần đầu năm nào, nxb. Thuận Hóa (Huế) tái bản năm 1994. Nhan đề phần trích tạm đặt.)