Không quân nó chuyển mục tiêu: “Năm 1968 (...) ở Miền Bắc, đế quốc Mỹ tập trung đánh phá từ vĩ tuyến 17 đến vĩ tuyến 20 (...) trọng điểm là từ sông Lam (Nghệ An) đến sông Gianh (Quảng Bình)”.

Tiêm kích ta chuyển theo. Ở “nhà mới” gặp thách thức mới:
“Quân khu Bốn (…) Đường băng bằng đất (…) mấp mô, mỗi lần cất cánh, bụi mù mịt, giữ hướng rất khó (…) Hai chiếc máy bay chạy đà trên đường đất mới lu lèn, nhảy chồm chồm như muốn va vào nhau”, và “Ở Khu Bốn, trời mùa hè, gió Tây nóng dễ sợ”.

Ta vẫn lập được chiến công:
“Chỉ trong 2 phút 30 giây, hai anh em chúng tôi đã bắn rơi hai “Con Ma” (…) Từ khi cất cánh đến khi trở về tiếp đất, chưa đầy 35 phút (…) Anh em ùa ra chào mừng”. Tuy nhiên, “Ở chiến trường mới, do một số khó khăn, không quân ta diệt địch không nhiều”. Tuy vậy, “vẫn đóng góp lớn vào thế trận chung, buộc địch phải giãn ra, tăng tiêm kích yểm hộ lên đến một nửa số máy bay bay vào, nhờ đó lượng bom đạn đánh phá các mục tiêu dưới đất giảm đi, các đoàn xe vận tải vào chiến trường đỡ tổn thất và có thêm cơ hội vượt các trọng điểm”. (Thu Tứ)



Lê Hải, Phi công tiêm kích (07)




Năm 1968 (...) ở Miền Bắc, đế quốc Mỹ tập trung đánh phá từ vĩ tuyến 17 đến vĩ tuyến 20 (...) trọng điểm là từ sông Lam (Nghệ An) đến sông Gianh (Quảng Bình) (...)

Để đối phó với tiêm kích của ta, địch tăng cường các đoàn tàu ra-đa cảnh giới, gây nhiễu đủ các loại. Tàu tên lửa vào gần bờ, phối hợp với máy bay (…)

Quân khu Bốn (…) Tiêm kích lấy sân bay Thọ Xuân làm căn cứ chính để vươn vào phía nam. Sân bay Anh Sơn, Đồng Hới, Gát v.v. là những sân bay cơ động trong chiến đấu. Đường băng bằng đất (…) mấp mô, mỗi lần cất cánh, bụi mù mịt, giữ hướng rất khó (…)

Ngày 7 tháng 5, biên đội Đặng Ngọc Ngự số 1, Nguyễn Văn Cốc số 2 của Trung đoàn 921, lần đầu tiên ở chiến trường Quân khu Bốn, bắn rơi một chiếc F-4 (…) (Nhưng địch đổi chiến thuật ngay, khiến) liên tiếp mấy trận sau, Míc-21 đánh không thành công. Ta không bắn được thêm chiếc nào, mà lại bị tổn thất vì tên lửa từ tàu địch. Thủ đoạn của chúng là cố đánh quần, nhiều tốp tăng độ cao, kéo ta ra biển (…) Sau đợt tạm thời ngừng chiến đấu, rút kinh nghiệm, Bộ Tư lệnh quyết định sử dụng Míc-17 vào đánh tiếp.

Sáng ngày 14 tháng 6 năm 1968, biên đội Chao - Hải cất cánh từ Gia Lâm bay ven sông Hồng độ cao 100m, vượt qua dãy Tam Điệp bằng cách bay lách núi, ven các thung lũng, độ cao 50m, vào hạ cánh, không dùng vô tuyến điện trong suốt chuyến bay (…) Ở Khu Bốn, trời mùa hè, gió Tây nóng dễ sợ. Nhà trực chiến làm tạm bằng cây vầu, lợp tranh. Buổi trưa nóng quá, vầu nổ lốp bốp. Quần kháng áp của chúng tôi đẫm mồ hôi (…) Đồng chí thợ máy và chúng tôi phải ra bụi tre ngồi cho đỡ nóng.

Buổi sáng, địch trinh sát và hoạt động mấy đợt, nhưng chỉ huy sở chưa cho biên đội vào cấp. Căn cứ vào quy luật hoạt động của địch, các đồng chí chỉ huy dự tính cho tiêm kích đánh vào buổi chiều, dễ bất ngờ hơn. 14 giờ 48 phút, chỉ huy sở phát lệnh vào cấp 1, rồi lệnh cất cánh (…) Hai chiếc máy bay chạy đà trên đường đất mới lu lèn, nhảy chồm chồm như muốn va vào nhau (…)

Biên đội bay theo đường 15 về phía nam, độ cao khoảng 300m, bên vách núi cao sừng sững. Qua Nghĩa Đàn, theo lệnh chỉ huy sở, biên đội tăng dần độ cao lên 1.500m, hướng về Thanh Chương. Đến tây Thanh Chương, chỉ huy sở thông báo địch đang vào theo đường 7, độ cao 3.000m. Biên đội tiếp tục lấy độ cao, tăng tốc lên 750km/giờ. Tôi bay phía phải biên đội trưởng (…) quan sát phía trái (…) Kia rồi, hai dải khói đen ở xa xa, bọn F-4 đang tăng lực. Tôi báo cáo với số 1: địch bên trái 10km, 45 độ. Số 1 đáp: chưa thấy máy bay địch. Tôi phán đoán, cứ bay như cũ, sẽ lọt phía trước địch. Tôi đề xuất anh Chao vòng trái 45 độ, tăng lực lấy thêm độ cao. Anh Chao làm theo, nhưng vẫn chưa thấy địch. Khi nghe tôi báo cáo: địch bên trái 5km, anh Chao ra lệnh: số 2 vào công kích, tôi yểm hộ. Tôi hô: vứt thùng dầu phụ, tôi đánh thằng đang vòng xuống, anh chú ý thằng rẽ lên cao. Vì tăng lực kịp thời nên tôi vòng cắt bán kính, nhanh chóng tiếp cận chiếc đang cố vòng gấp xuống thấp (…) nổ liền hai loạt đạn dài. Chiếc F-4 nổ tung, rơi ngay xuống trận địa ra-đa, nơi mà ngày hôm qua bọn chúng đã ném bom. Máy bay tôi lao vào vùng vừa chứa máy bay địch, rung nhẹ (…) Tôi vòng trở lại, bay sau anh Chao. Hai chiếc F-4 nữa đã vào trận, chúng phóng lên hai quả tên lửa. Chúng tôi đều tránh được (…) Tôi bay cao hơn anh Chao và cả hai chiếc F-4 bị anh bám. Nhìn xuống, trông rõ máy bay số 1 đít phụt lửa tăng lực, miệng phun lửa đạn (…) Anh Chao bắn liền mấy loạt, hạ được một thằng F-4 bay phía sau (…) rồi hạ lệnh cùng rút về Thọ Xuân. Chỉ trong 2 phút 30 giây, hai anh em chúng tôi đã bắn rơi hai “Con Ma” (…) Từ khi cất cánh đến khi trở về tiếp đất, chưa đầy 35 phút (…) Anh em ùa ra chào mừng (…) Bõ công cả Trung đoàn nghiên cứu cách đánh, chuẩn bị, và chúng tôi cố công luyện tập (…) Đồng chí tổ trưởng đi kiểm tra máy bay đi chiến đấu về, hốt hoảng báo với tôi: “Cánh trái bị thương, có cục gì to, dắt vào cánh, anh ạ!”. Các đồng chí thợ máy lấy búa đập mãi mới lấy được một đoạn kim loại chắc chắn của chiếc F-4 bị tôi bắn hạ. Cánh Míc-17 có một thanh thép trắng tròn bằng cổ chân làm thanh chịu lực chính. Đoạn kim loại kia lao vào, tí nữa thì gãy cánh! (…)

Hai ngày sau trận thắng giòn giã, một biên đội của Trung đoàn 923 lại chuyển trường vào sân bay Thọ Xuân và lúc 16 giờ xuất kích chiến đấu (…) Biên đội Đinh Tôn - Nguyễn Tiến Sâm tiếp địch ở thế gần đối đầu trong điều kiện thời tiết khó khăn, trời đầy mây. Đồng chí Đinh Tôn đã xử trí nhanh, cương quyết và hợp lý, đánh dũng mãnh, bắn chuẩn xác, hạ một chiếc F-4. Nguyễn Tiến Sâm lần đầu tiên ra trận, đã tỏ ra có bản lĩnh, bám đội hiệu quả, yểm hộ số 1 đắc lực trong điều kiện mây nhiều, số 1 cơ động rất mau lẹ và địch đối phó quyết liệt. Hai anh Tôn, Sâm sau này đều trở thành những phi công anh hùng của Không quân Nhân dân Việt Nam (…)

Ở chiến trường mới, do một số khó khăn, không quân ta diệt địch không nhiều, nhưng vẫn đóng góp lớn vào thế trận chung, buộc địch phải giãn ra, tăng tiêm kích yểm hộ lên đến một nửa số máy bay bay vào, nhờ đó lượng bom đạn đánh phá các mục tiêu dưới đất giảm đi, các đoàn xe vận tải vào chiến trường đỡ tổn thất và có thêm cơ hội vượt các trọng điểm (…) Đặc biệt, không quân nhiều lần hoạt động ban đêm. Chắc chắn mỗi khi biết có Míc-21 bay chờ ở các trọng điểm, bọn C-130, B-52 đã không dám tới gần.

Ngày 9 tháng 7, vào buổi sáng, những đám mây Cu-công bắt đầu bám vào các đỉnh núi, trên mây, tầm nhìn khá tốt. Một biên đội Míc-17 vừa xuất kích, bay độ cao 50m vào Đức Thọ thì gặp 4 chiếc F-8 đang ném bom phà qua sông Lam. Biên đội trưởng Hùng đuổi hai chiếc chạy vào đến thị xã Hà Tĩnh. Anh bắn rơi một chiếc F-8 ngay loạt đầu tiên. Số 2 vẫn bám sát theo yểm hộ số 1, về sau bị địch bám đuôi, số 2 phản kích, khiến tạm thời mất đội. Trên đường về, hai anh bị một tốp F-8 khác chặn ở Nghĩa Đàn. Hùng lệnh cho số 2 cứ về, vì dầu còn quá ít. Riêng anh quay lại phản kích, cản địch để bạn về an toàn. Một mình, dầu cạn, đạn hết, nhưng anh vẫn tiến công 4 chiếc F-8 còn đang hoàn toàn sung sức. Anh tránh được hai quả tên lửa, nhưng bị quả thứ ba bắn trúng. Nguyễn Phi Hùng hy sinh khi mới bước vào tuổi 25 (…) Anh đã bắn rơi 5 máy bay Mỹ (…)

Ngày 1 tháng 8 năm 1968, Trung đoàn 921 cho một biên đội ba chiếc Míc-21 gồm Nguyễn Đăng Kính số 1, Nguyễn Mạo số 2, Nguyễn Hồng Nhị số 3, xuất kích. Trời đầy mây, biên đội bay thấp, độ cao 200m, dọc đường 15 vào khu vực Đô Lương - Thanh Chương - Nam Đàn (Nghệ An). Chỉ huy sở bắt được địch tốt. Sĩ quan dẫn đường vừa mới cho biên đội cải hướng lần thứ 2, đã gặp địch. Số 3 phát hiện trước, báo cho số 1: địch bên trái, 30 độ, 15km. Biên đội trưởng hai lần bám sát tốp F-8, nhưng mây nhiều quá, mục tiêu bị mất. Nhìn thấy bờ biển, anh vòng trở lại. Trong lúc đó, số 3 bám theo một chiếc F-8, đang vòng ra biển, độ nghiêng khoảng 60 độ. Với mức cơ động này, Míc-21 của Nguyễn Hồng Nhị bám theo quá nhẹ nhàng. Sợ tên địch lủi vào mây, ở cự ly vừa phải anh ngắm sơ bộ, bắn một tên lửa, với ý định buộc địch cải hướng. Anh đang định bắn phát thứ hai, thì máy bay địch đã bùng cháy. Chiếc F-8 thứ hai vòng phải, bám được đuôi máy bay Nguyễn Hồng Nhị. Anh tăng lực, kéo cao, vòng độ nghiêng nhỏ, định lấy độ cao lớn hơn, thoát ly khỏi thế bất lợi. Nhưng hệ thống tăng lực hỏng, máy bay bay chậm lại và thằng F-8 kia vẫn bám riết sau đuôi, chỉ còn cách anh khoảng 300m. Anh cố gắng cơ động, tránh được ba lần F-8 công kích bằng súng. Số 1 quay lại yểm hộ cho số 3. Nguyễn Đăng Kính đến cách địch độ 2.000m, ấn nút phóng tên lửa, nhưng tên lửa không ra, do hệ thống điện điều khiển bị trục trặc. Đúng lúc ấy, hai F-8 bay từ cửa Sót vào, phóng hai quả tên lửa. Máy bay anh Nhị lấy độ cao, cơ động quá nhẹ, bị dính một quả, bốc cháy. Số 1 và số 2 thoát ly khỏi khu vực chiến đấu, kéo cao, bay dọc một dãy núi cao, về Thọ Xuân hạ cánh. Anh Nhị nhảy dù xuống cũng nhằm vùng núi, dù bị treo lơ lửng trên cây. Anh nhìn xuống gốc cây, thấy một chú gấu ngựa to đùng, chắc vừa ăn mật ong xong, nằm ngủ ngon lành. Anh lập tức tháo khỏi dù, bám được vào cành cây ngay trên mình gấu ngựa. Lúc đầu anh rút súng, định bắn nhưng nghĩ thương tình chú gấu đang ngủ say sưa, anh nhẹ nhàng theo dây rừng leo xuống, êm ái rời gốc cây. Lạc mãi trong rừng sâu, hai ngày sau anh mới tìm được đường về lâm trường Thanh Sơn. Hôm sau, lâm trường cho xe chở anh về Thọ Xuân (…)

Anh Nguyễn Hồng Nhị quê ở Bình Định, nhập ngũ năm 1952 (…) học lái máy bay chiến đấu tại Liên Xô (…) là người bay Míc-21 đầu tiên trên bầu trời Tổ quốc (…) Trong chiến đấu, anh rất gan dạ, bình tĩnh, ít nói, nhưng lời nói như đinh đóng cột (…) Anh bắn rơi 8 chiếc máy bay Mỹ (…) Hiện nay anh đã nghỉ hưu (…) vẫn khỏe mạnh (…)


(Lê Hải,
Phi công tiêm kích, nxb. Quân Đội Nhân Dân, 2004)