Suy nghĩ của Tổng tư lệnh trên đường ra mặt trận: “Điện Biên Phủ không hoàn toàn là rừng núi, mà có cánh đồng lớn nhất Tây Bắc (...) Bộ đội ta sẽ phải tiến hành nhiều trận đánh với kẻ địch có máy bay, xe tăng, đại bác yểm trợ trên địa hình bằng phẳng giống như ở đồng bằng (...) Ta không được phép thua. Phần lớn tinh hoa của bộ đội chủ lực đều tập trung ở đây. Những vốn liếng vô cùng quý giá, nhưng cũng thực ít ỏi! (...) Nhiệm vụ (...) không chỉ là giành chiến thắng, mà còn là giữ được vốn quý cho cuộc chiến lâu dài”.

Suy nghĩ của những cấp chỉ huy đang ở mặt trận:
“Anh Thái báo cáo Điện Biên Phủ có một cánh đồng khá rộng nhưng vẫn nằm giữa địa hình rừng núi, thuận lợi cho ta (...) Một số mặt của tập đoàn cứ điểm còn sơ hở (...) Bộ đội (...) sung sức, tinh thần chiến đấu lập công rất cao (...) Sự xuất hiện của lựu pháo 105 ly và pháo cao xạ sẽ tạo một bất ngờ lớn. Đánh nhanh thắng nhanh (...) - Ý kiến các đồng chí chỉ huy các đại đoàn như thế nào? - Anh em đều thấy là nên đánh ngay khi địch chưa đứng chân vững”.

Tổng tư lệnh tới nơi, nghe báo cáo xong, nhìn bản đồ mặt trận:
“Lần đầu, tôi nhìn thấy những vị trí địch dày đặc đến như vậy. Từ nhiều phía, nhất là phía tây, muốn tiếp cận đều phải vượt qua cánh đồng rộng. Riêng phía đông tập đoàn cứ điểm là rừng núi, nhưng đã bị án ngữ bằng một loạt vị trí nằm tiếp giáp nhau trên những mỏm đồi”. Lo âu đã sẵn, tăng lên: “Tôi thấy cần tìm hiểu thêm tình hình. Ta còn phải mất một thời gian làm đường. Hơn bảy mươi ki-lô-mét đường cho xe kéo pháo! Trong thời gian đó, chắc chắn địch củng cố thêm công sự, và có thể tăng quân. Ngay bây giờ đánh nhanh đã khó. Rồi đây hẳn càng khó”.

Trước khi đánh địch, ta sẽ phải thuyết phục nhau đây!
(Thu Tứ)



Võ Nguyên Giáp, “Tới nơi, nghe báo cáo”




Dọc đường, tôi tiếp tục theo dõi sự chuyển quân của các đơn vị trên các mặt trận, đặc biệt chú trọng những diễn biến mới ở Điện Biên Phủ (...) Mối lo chính vẫn là: liệu địch có thể rút, như đã làm ở Nà Sản? (...)

Ở Bắc bộ (...) mùa khô này ta xuất quân muộn. Đã sắp hết mùa đông. Lựu pháo 105 và cao pháo, và cả Đại đoàn 312, đều còn trên đường hành quân. Con đường từ Tuần Giáo vào Điện Biên Phủ chỉ là đường cho xe ngựa thồ. Suốt thời gian qua ta đã ra sức mở đường, làm cầu, nhưng vẫn chưa xong. Ta còn chưa đưa được sơn pháo 75 ly lên những mỏm núi cao quanh cánh đồng để kiểm soát sân bay (...) Địch có thể rút nhanh chóng bằng đường không. Chúng cũng có thể rút qua Lào (...) chỉ phải vượt qua một trung đoàn của ta chốt chặn ở Pom Lót... Quân Pháp khá giỏi trong những cuộc rút lui. Ta đã chứng kiến điều đó tại Hòa Bình và Nà Sản (...)

Nếu quân địch ở Điện Biên Phủ rút lui, phần lớn các đại đoàn của ta phải nhanh chóng chuyển hướng hoạt động. Một bộ phận sẽ theo kế hoạch cũ tiến sang Lào. Chiến trường Thượng Lào chưa thể tiếp nhận một số quân đông, vì đường tiếp tế quá xa. Quân cơ động địch sẽ lại tập trung về đồng bằng (...) Chẳng còn bao lâu nữa là tới mùa mưa. Đêm đêm, chỉ mong sao đi sớm tới chỗ nghỉ để nắm tình hình (...)

Mong mỏi của ta là địch sẽ ở lại Điện Biên Phủ (...) Điện Biên Phủ không hoàn toàn là rừng núi, mà có cánh đồng lớn nhất Tây Bắc (...) Bộ đội ta sẽ phải tiến hành nhiều trận đánh với kẻ địch có máy bay, xe tăng, đại bác yểm trợ trên địa hình bằng phẳng giống như ở đồng bằng (...)

Trận đánh này ta không được phép thua. Phần lớn tinh hoa của bộ đội chủ lực đều tập trung ở đây. Những vốn liếng vô cùng quý giá, nhưng cũng thực ít ỏi! Từ năm 1950 bắt đầu mở chiến dịch lớn tới mùa xuân này, vẫn là những đơn vị ấy, những con người ấy. Tôi đã thuộc từng trung đoàn, từng tiểu đoàn, từng đại đội chủ công, biết những cán bộ đại đội, trung đội, chiến sĩ đã lập công xuất sắc. Biết chắc mọi người lên đường lần này đều sẵn sàng hy sinh để giành chiến thắng. Nhưng nhiệm vụ của chiến dịch không chỉ là giành chiến thắng, mà còn là giữ được vốn quý cho cuộc chiến lâu dài (...)

Qua phố huyện Thuận Châu một đêm trăng đẹp. Dưới ánh trăng, những trái đồi gianh trở nên mượt mà hơn, rừng cây bù xù ban ngày đã chuyển thành những mảng màu lục sẫm hiện trên nền trời xanh, trang điểm những mảng sương trắng. Đồng bào chưa ngủ, đứng đông ven đường xem bộ đội hành quân. Đây là Đại đoàn 312 (...)

Hôm sau, nghỉ lại bên này đèo Pha Đin, gần một suối nước nóng. Máy bay đánh phá đèo suốt ngày. Trời tối, tiếp tục hành trình. Tới chân đèo, các đồng chí công binh tới báo cáo: trên đèo còn bom nổ chậm. Pha Đin đứng sừng sững che kín một vùng trời. Đèo này dài hơn ba chục ki-lô-mét, suốt thời gian qua bị địch đánh phá liên tục. Dưới ánh trăng, nhìn rõ sườn núi trụi hết cây cỏ, đất đá bị xới lộn. Rồi đây cuộc chiến đấu sẽ còn ác liệt hơn (...)

Quá nửa đêm, đồng chí chỉ huy công binh báo cáo đường đã mở xong. Quả bom nổ chậm nằm sâu vẫn chưa đào lên được. Đơn vị đã quyết định đánh một con đường tránh cho chúng tôi. Nhưng những xe khác vẫn phải vượt qua vị trí có bom nổ chậm. Ngay trong lúc bộ đội đang đào bom, nhiều xe vận tải không thể chờ lâu, cứ phải chạy qua.

Về sau tôi mới biết, mở con đường mới này không đơn giản. Những ngày trước đó địch rắc bom bươm bướm khắp nơi, biến rừng núi hai bên đường thành những bãi mìn. Cánh bom bươm bướm màu xanh, lẫn vào cỏ cây, ban ngày cũng đã khó phát hiện. Các chiến sĩ công binh đã phải dùng đá ném, dùng sào gạt, làm nổ những trái bom nằm trên mặt đất. Nhưng còn những trái mắc trên cành cây? Để bảo đảm cho đường thật an toàn, anh em đã dũng cảm dùng sào khua cho bom nổ ngay trên đầu!

Chúng tôi phải mất nhiều giờ mới đi hết con đường tránh, trong khi đoàn xe leo đèo vượt qua hố bom nổ chậm đã tới chờ từ lâu. Xe nhiều lần phải dừng lại giữa đèo vì máy bay tới. Xuống đến chân dốc, trời đã bắt đầu sáng. Trên đường vẫn còn những chiến sĩ khiêng pháo đi cùng chạy rầm rập để kịp về tới vị trí trước khi sương mù tan.

Phố huyện Tuần Giáo nằm ngay dưới chân đèo. Đây đã thuộc đất Lai Châu mới giải phóng được một tháng nay. Liên lạc chờ sẵn, đưa chúng tôi vào nghỉ ở một bản nhỏ cách xa đường cái. Ngôi nhà sàn của đồng bào Thái hai mái cao vút. Sàn tre đầu hồi có ang nước và những chậu gỗ trồng cây hẹ. Chủ nhà niềm nở đun nước pha trà mời khách.

Chúng tôi đã vượt qua cửa ải cuối cùng trên đường tới Điện Biên Phủ.

*

Chợp mắt được một lúc, thức giấc, thấy anh Hoàng Văn Thái đang ngồi hút thuốc lá, tôi hỏi:

- Anh tới lâu chưa?

- Cũng chưa lâu. Thấy anh ngủ ngon, không muốn đánh thức.

- Liệu địch có rút Điện Biên Phủ không?

- Chắc là không. Chúng vẫn tăng quân và tiếp tục củng cố công sự.

Tôi cảm thấy mừng.

Anh Thái báo cáo Điện Biên Phủ có một cánh đồng khá rộng nhưng vẫn nằm giữa địa hình rừng núi, thuận lợi cho ta. Bộ đội đã tập kết chung quanh Mường Thanh. Lúc này, địch không thể rút lui mà không bị thiệt hại. Chúng hoàn toàn cô lập về đường bộ, mọi thứ tiếp tế đều trông vào máy bay. Lực lượng địch ở đây có 9 tiểu đoàn (về sau ta mới biết vào tháng 1 năm 1954, địch đã có 11 tiểu đoàn). Chúng đã ra sức xây dựng công sự, nhưng chỉ mới làm được những công sự dã chiến. Một số mặt của tập đoàn cứ điểm còn sơ hở. Về phía bộ đội ta, các đơn vị đều sung sức, tinh thần chiến đấu lập công rất cao. Ta đã trao đổi với các đồng chí cố vấn, thấy nên dùng cách đánh nhanh để tiêu diệt địch. Sự xuất hiện của pháo 105 ly và pháo cao xạ sẽ tạo một bất ngờ lớn. Đánh nhanh thắng nhanh, bộ đội còn sung sức, sẽ đỡ tổn thất, và không phải đối phó với khó khăn về tiếp tế...

Bản sơ đồ tập đoàn cứ điểm được trải rộng. Lần đầu, tôi nhìn thấy những vị trí địch dày đặc đến như vậy. Từ nhiều phía, nhất là phía tây, muốn tiếp cận đều phải vượt qua cánh đồng rộng. Riêng phía đông tập đoàn cứ điểm là rừng núi, nhưng đã bị án ngữ bằng một loạt vị trí nằm tiếp giáp nhau trên những mỏm đồi.

Tôi hỏi:

- Hiện còn phải giải quyết những vấn đề gì?

- Đang sửa gấp đường Tuần Giáo - Điện Biên Phủ. Đường này trước đây chỉ là đường dùng cho ngựa thồ, và đã bỏ lâu ngày. Sửa xong đường, đưa pháo vào vị trí là có thể nổ súng.

- Ý kiến các đồng chí chỉ huy các đại đoàn như thế nào?

- Anh em đều thấy là nên đánh ngay khi địch chưa đứng chân vững. Mọi người rất phấn khởi vì lần này có cả đại bác 105 ly và pháo cao xạ.

Tôi thấy cần tìm hiểu thêm tình hình. Ta còn phải mất một thời gian làm đường. Hơn bảy mươi ki-lô-mét đường cho xe kéo pháo! Trong thời gian đó, chắc chắn địch củng cố thêm công sự, và có thể tăng quân. Ngay bây giờ đánh nhanh đã khó. Rồi đây hẳn càng khó.

Tôi nói với anh Thái: “Có thể tập kết pháo và cao xạ ở Tuần Giáo, nhưng phải đưa thật nhanh toàn bộ 312 vào đội hình bao vây quân địch. Cần giữ quân địch ở Điện Biên, không để tái diễn trường hợp Nà Sản”.


(Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hồi ký
Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử in lại trong Tổng tập hồi ký, nxb. Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2006, tr. 912-917)