“Những ngày giáp Tết năm nay (...) có một cảnh ghi sâu vào lòng người ta nhất: đó là cảnh những căn nhà đi vội về Hà Nội (...) Từ miền núi đến miền xuôi, mỗi hợp tác xã nông nghiệp đều có nhà gửi về giúp đồng bào bị B-52 (...) Trời lại đang nổi gió mùa – Rét quá. Mọi người, cả các cụ nữa lao cả xuống ao vớt tre. Có người đã mang đống rơm to ra đốt để sưởi ấm cho các cụ. Lửa nổi lên đỏ bờ ao (...) Không có con bò nào thui nhưng lửa rực lên ở bờ ao thật giống cảnh thui bò vào đám ngày xưa. Tiếng tràng, đục chí chát, tiếng chặt tre (...) nhộn khắp mọi nẻo đường làng (...) Các bà đã têm đĩa trầu và bê nồi nước chè xanh ra sân kho. Tổ mộc của hợp tác xã đang tính toán cưa đục. Các cụ thì đã bắt tay vào đánh vấu tre và đan phên. Gió bấc vẫn ào ào thổi nhưng đã có chút nắng (...) làm cho những luống hoa cải vườn bên vàng rực (...) Sáng hôm sau (...) Bí thư xã dặn dò những người đi theo nhà (...) Ông Trực là người thợ cả, đảm nhiệm phần dựng lắp (...) nói to (...) - Bác Điệt cứ tin ở chúng tôi. Anh em sẽ làm chu đáo cái nhà của Mông Phụ ta kỷ niệm cho đồng bào. Bác cứ yên tâm”.

Tết Quý Sửu 1973, ở Hà Nội bỗng chớp mắt mọc lên một xóm nhà tre độc đáo, mỗi căn là một món quà Xuân của một làng quê! Người ở bước vào nhà mới ngoài ấm da thịt còn thấy ấm lòng bởi tình nghĩa đồng bào!
(Thu Tứ)



“Những căn nhà đi”

Quang Dũng




Những ngày giáp Tết năm nay, năm của mùa xuân thắng lợi, có một cảnh ghi sâu vào lòng người ta nhất: đó là cảnh những căn nhà đi vội về Hà Nội, suốt từ 20 đến 25 tháng chạp. Trên những con đường hàng tỉnh, dường như cứ mấy phút lại có một chuyến ô-tô chở đầy đủ một căn nhà tre ba gian, lao với một tốc độ “tranh thủ” về hướng Thủ đô để còn kịp dựng nhà trước 25 Tết. Từ miền núi đến miền xuôi, mỗi hợp tác xã nông nghiệp đều có nhà gửi về giúp đồng bào bị B-52. Cứ riêng một tỉnh Hà Tây thôi, đã có gần 500 căn nhà đi vào Hà Nội. Trên đường cái nhựa suốt từ huyện miền núi là Ba Vì cho tới huyện giáp ngoại thành là Hoài Đức, Từ Liêm, những căn nhà đi bằng đủ cách, lúc nào cũng như chiếm hết mặt đường. Vội vàng inh ỏi là những căn nhà được bó gọn, xếp chặt một xe tải vừa còi vừa lao như bay để cướp thời gian mà tăng chuyến. Mải miết và chậm chắc là những căn nhà của những hợp tác xã gần Thủ đô nhất, được ngự gọn gàng lên những chiếc xe bò. Cứ hai xe là đủ một căn nhà. Tiếng móng sắt chân bò nện trên con đường nhựa rất đẹp của Canh, Diễn, Nhổn những ngày này, vang một nốt nhạc thô sơ nhưng lại hằn sâu một niềm vui khó tả. Những gia đình sơ tán lục tục kéo về, đi như trẩy hội len lỏi bên những căn nhà đang đi ấy. Một “quầy hàng Tết” ba chữ vàng trên nền đỏ đã rực rỡ ở một đầu ô. Quầy hàng Tết của mùa xuân Quý Sửu đáng ghi khắc trong mọi trái tim. Cô mậu dịch viên đang kiểm những gói hàng Tết mới đưa từ nội thành ra, còn ngổn ngang đầy cả cửa hàng. Và những căn nhà từ khắp nẻo thì cứ đang nối nhau kéo vào lòng Hà Nội.

Ở xã Đường Lâm, huyện Ba Vì, một buổi sáng, đội trưởng đội 6 hợp tác xã nông nghiệp Mông Phụ (làng đạo) đánh một hồi kẻng dõng dạc hơn mọi hôm. Đó là hồi kẻng tập trung xã viên để nghe phân công mọi việc trong ngày: Ai sẽ đi nhổ mạ cấy chiêm, nhóm nào sẽ đi làm thuốc lá, nhóm nào sẽ chuyển phân ra đồng. Nhưng sáng nay đội trưởng hồ hởi tuyên bố:

- Có việc đột xuất! Các xã viên ta ra cả sân kho giúp các cụ tổ trồng cây đi lấy tre về làm nhà gửi về Hà Nội! Chúng ta mang dao ra pha tre chẻ lạt đan phên. Các bà về nấu ngay cho nồi chè tươi mang ra sân kho. Ta khởi công ngay sáng nay mới kịp. Kíp ngày lắm rồi. Còn mang về Thủ đô sớm để dựng nhà cho đồng bào bị bom B-52 có chỗ ở qua Tết chứ!

Các cụ tổ trồng cây tuổi già bỗng sôi nổi hẳn lên. “Ta đi ngả soan hay bạch đàn về dựng cho đồng bào cái nhà gỗ thật tươm tất các gổ ạ”.(1)

Mun, bí thư chi bộ được cử đặc trách việc này vội thưa lại với các cụ:

- Ấy! Huyện chỉ cho cái hạn từ nay đến 25 âm lịch là phải xong cả công dựng và lợp mái. Làm gỗ phải đẽo, bào, công mộc nhiều lắm, sợ không kịp ngày. Xin các gổ bàn lại.

Ông Trực là thợ cả cùng các cụ bàn một lúc rồi quyết định làm một cái nhà bằng tre ngâm – Ở hợp tác mình có sẵn tre ngâm, ta làm cho đồng bào bằng tre ngâm cho bền chắc.

Trời lại đang nổi gió mùa – Rét quá. Mọi người, cả các cụ nữa lao cả xuống ao vớt tre. Có người đã mang đống rơm to ra đốt để sưởi ấm cho các cụ. Lửa nổi lên đỏ bờ ao. Gió bấc mạnh, lửa reo ù ù, các cụ cười nói vui như Tết. Mà cũng Tết đến nơi rồi. Một cái Tết hòa bình thắng lợi. Không có con bò nào thui nhưng lửa rực lên ở bờ ao thật giống cảnh thui bò vào đám ngày xưa.

Tiếng tràng, đục chí chát, tiếng chặt tre của những hợp tác xã thôn bên cũng đang nhộn khắp mọi nẻo đường làng – Mới vui làm sao cái tiếng chặt tre, tiếng dao pha nứa đan phên hôm nay! Chỉ vừa mới cách đây vài ngày thôi, những tiếng hạ cây, chặt tre làm hầm kèo tránh bom phá bom bi còn náo động cả thôn xóm – Những mẩu tre, bã nứa của mấy buổi làm hầm còn vương vãi rải rác khắp đường ngõ. Hôm nay lại nghe thấy tiếng vác tre lê ngọn quèn quẹt trên đất đồi rắn đá ong, cả cái tiếng hắt cây tre từ vai xuống đống nghe cũng vui tai làm sao.

Các bà đã têm đĩa trầu và bê nồi nước chè xanh ra sân kho. Tổ mộc của hợp tác xã đang tính toán cưa đục. Các cụ thì đã bắt tay vào đánh vấu tre và đan phên. Cụ Khoa, cụ Trung, cụ Yên râu tóc bạc phơ, đẹp như những ông tiên trong truyện cổ tích (ở xã Đường Lâm này, nhiều cụ thọ ngoài 90 tuổi), tuy làm nhưng vẫn có ý muốn “hay ta thêm cái này, hay ta mở cái cửa sổ phía kia v.v.”. Bí thư Mun lại phải nhắc khéo để khỏi phật ý các cụ: “Xin là cứ theo kiểu đã thống nhất của huyện đưa về, các gổ ạ. Cứ khoát 4 thước, tường 6 thước 6, hiên 80 phân, tre đống đố buộc phên nong đôi”.

Gió bấc vẫn ào ào thổi nhưng đã có chút nắng – Nắng làm cho những luống hoa cải vườn bên vàng rực. Phiên chợ Mía lại đông hơn mọi phiên, càng như giục giã ngày Tết mau đến. Tiếng dao pha nứa đánh vấu, tiếng đục tiếng cưa như mỗi lúc càng gấp. Ngày tháng chạp đi mau sầm sập. Thoắt cái đã qua 3 ngày công và đã có tin sớm mai xe của tỉnh về từng huyện mang nhà đi. Các đội đang rối tinh lên về việc ai sẽ ở nhà bảo đảm phần việc sản xuất rất bề bộn những ngày đông xuân này và những ai sẽ theo “nhà” về làm nốt phần quan trọng là phần dựng và lợp đây? Bí thư đảng ủy xã lo lắng chạy tới sân kho theo dõi việc chuẩn bị cho ngày mai. Bác Trực thợ cả, giới thiệu từng bó đã được các cụ sắp xếp buộc bó gọn gàng: “Bó này là 16 cột đứng đất này, bó thứ hai đây là 4 cột trốn này, bó lớn kia là 4 bộ kèo tre ngâm; làm cái tre ngâm này, khoét mới không vỡ và mới thật là bền. Còn cái bó này là bó ốp đòn tay. Cạnh đây là 7 cây tre đòn tay mái sau, các cụ đánh vấu nhẵn như đánh giấy giáp ấy chứ. Mái kia thì có 9 cây, là cái mái có vẩy ra 80 phân hàng hiên, đúng kiểu của huyện đã giao đấy”.

Sáng hôm sau, người ra sân kho sớm nhất là đội trưởng đội 6. Bác xem lại từng bó một và giở sổ tay ghi chép. Khác với mọi ngày, bác vận bộ quần áo đi họp huyện, thắng đôi giầy bạc cao cổ của anh con ở bộ đội gửi cho. Các đội trưởng của 5 đội kia cũng đã kéo đến đông đủ. Ông nào cũng ba-lô chăn màn cá nhân và gọn gàng như sắp đi hành quân. Số người ở Mông Phụ cử đi theo nhà thật là đầy đủ và ý nghĩa. Sáu đội có 6 đội trưởng thay mặt, có một phó chủ nhiệm và bí thư chi bộ đi theo, thêm 3 thợ mộc và 6 xã viên, tổng cộng là 17 người. Thế là hợp tác xã Mông Phụ có thể yên tâm thấy được cái nhà của mình sẽ dựng lên, gọn gàng chắc chắn, đứng vững vàng trên cái nền tro cháy xám và ngổn ngang những vỡ vụn nó vốn là cái tổ ấm trước kia của một gia đình đã bị bom Mỹ tàn phá. Bí thư xã dặn dò những người đi theo nhà:

- Giáp Tết rồi! Ai cũng lại đang vui vì tin thắng lợi hòa bình. Các đồng chí phải hết sức bình tĩnh nhắc nhau cùng anh em xã viên mình làm cho chu đáo hết mức mới có thể yên tâm mà về. Đồng ý thế không nào, các đồng chí?

Ông Trực là người thợ cả, đảm nhiệm phần dựng lắp, cái bút chì vẫn gài mái tai, cái áo va-rơi bông thắt đai chặt để phòng “ngộ gió máy, nó cảm cúm một cái ở dọc đường thì nhỡ bét cả công việc” nói to để yên lòng người bí thư nhiều tuổi, kỹ tính và hay lo xa:

- Bác Điệt cứ tin ở chúng tôi. Anh em sẽ làm chu đáo cái nhà của Mông Phụ ta kỷ niệm cho đồng bào. Bác cứ yên tâm.

Ô-tô đã đến. Tiếng còi điện vui như tiếng kèn làm mọi người đổ xô ra, reo hò quây lấy xe. Những xe tải qua làng này thì có ai còn lạ, nhưng chuyến ô-tô về đón nhà được mọi người hân hoan chờ đón. Những người không phải trong đội làm nhà cũng ào vào ghé vai khiêng giúp những bó dui, cột, đòn tay để xếp lên xe. Ai cũng muốn góp bàn tay mình vào đấy hoặc là tìm chỗ tốt nhất để đặt bó ốp cho khỏi bị xây xát, hoặc là giúp cách néo buộc cho lúc xe lắc khỏi bị xô lệch – Cô Lan đội trưởng đội 3 chạy vội từ phía chợ Mía, tay xách lồng gà và một cái nồi. Phúc xã viên chạy theo, ngoài cái bọc chăn màn và bao gạo, còn vác theo cả một bó củi. Cô Lan sẽ lo việc “nuôi quân” trong những ngày dựng nhà giúp đồng bào. Đồng bào ta bị bom tan nát cả nhà cửa, còn phiền đồng bào làm gì.

Xe đã nổ máy. Bỗng nhiên mà thành một cuộc tiễn đưa long trọng – Người ta bịn rịn nhìn cái nhà đã xếp gọn trong lòng xe như đã thấy trước được cháu nhỏ nào sẽ dựa vào cái cột này mà học bài, người mẹ nào trong gia đình sẽ lại ngồi nhặt mớ rau ở cái ngưỡng cửa đã được tính toán đục đẽo mấy ngày nay ở cái sân kho này. Những người đi theo nhà, đứng cả lên trên những bó tre và phên để vẫy chào những người ở lại sân kho.

Các cụ tay còn cầm những cưa và đục, đứng nhìn theo xe cho tới lúc cái đuôi bó tre làm đòn tay đã khuất hẳn sau bức bình phong phi lao ở con đường Mũi Giáo. Ở ngã ba Mũi Giáo ấy, xe sẽ từ biệt cây thánh giá và mái nhà thờ êm đềm, xe sẽ từ biệt dòng sông Tích quanh co và những con đồi bát úp đẹp nhất của miền quê trung du này, rẽ tay phải và chạy thẳng về Hà Nội, nhập vào cái dòng xe nối đuôi nhau vội vã đưa những căn nhà về với đồng bào. Cùng giờ này, ở những sân kho khác nhau của bao nhiêu thôn xóm cũng đang có những buổi đưa tiễn “nhà” về Hà Nội như ở đây – Giá có một cái trực thăng mà quay phim cái cảnh xuất phát của hàng trăm xe vận chuyển, từ biệt cùng một lúc những xóm ngõ đường làng, mang những căn nhà ra đi, từ biệt những bàn tay xã viên ấm áp tình nghĩa để về với người Hà Nội.

Cùng một lúc, những chuyến xe ấy ra khỏi những con đường thông xã, bắt vào một con đường quốc lộ, nổi còi inh ỏi mà đem những căn nhà vùn vụt đi, hướng thẳng về những cửa ô của Hà Nội thân yêu.

























________
(1) Gổ: tiếng địa phương, gọi tôn các bậc tuổi tác.