Vật lộn với tử thần tốn nhiều sinh lực lắm, cả sức mình mẩy chân tay lẫn sức lòng sức óc. Đã thế, lại còn nghĩ đến anh em rủi ro thương vong và đối diện quang cảnh ngổn ngang, nhếch nhác. Chiến sĩ cần được bồi dưỡng, mà lại không được đi đâu cả, nên “Sân khấu của ta mở tại chiến trường”.

“Đột nhiên / Xuất hiện những nàng tiên / (...)”. Tiên múa xòe các kiểu, nhưng thực ra bồi dưỡng cho chiến sĩ bằng “mắt đong đưa và miệng nửa cười”. Khi “tiên đi khuất” thì “trận địa đã đong đầy tiềm lực”...

Thế còn “các vị thần trang nghiêm”, sao lại “ngẩn ngơ”? Tuy “Hôm qua bom, các thần đều chảy máu”, nhưng tượng dù có vỡ nát thì thần cũng không hề hấn gì. Thần hẳn cũng không “động lòng” trước tiên. Vậy chắc ngẩn ngơ là về cái phép mầu truyền sinh lực?...

Bài thơ này làm cuối năm 1982. Lần xem văn công biểu diễn ở trận địa tên lửa nào đó đã lùi khá xa vào dĩ vãng rồi, nhưng ấn tượng sâu sắc cứ còn mãi trong tâm hồn thi sĩ để rút cuộc hóa thành thơ.
(Thu Tứ)



“Múa bên chùa cổ”

Chế Lan Viên




Đột nhiên
Xuất hiện những nàng tiên
Má hồng môi đỏ
Giữa giàn tên lửa
Của những chàng trai bụi khói nám đen
Bên ngôi chùa cổ
Có các vị thần trang nghiêm.

Những nàng tiên mặc áo quần dã chiến
Cổ trắng xinh, búp lẳn cánh tay trần
Cầm quạt xòe hoa, múa kiếm
Làm ngẩn ngơ đến cả các thần
Những nàng tiên mắt đong đưa và cười nửa miệng
Động lòng suốt cả hàng quân
Hôm qua bom, các thần đều chảy máu
Mảnh đạn còn vương ngay trước Phật đài
Đồng đội thương vong trong chiến đấu
Xác máy bay thù loang máu tươi
Nhưng cái sống phải hào hoa hơn cái chết
Sân khấu của ta mở tại chiến trường
Mặc các thần lần chuỗi, cầm hoa nơi bất diệt
Ta múa sạp, xòe ô mà thắng đau thương
Các chàng trai một bên
Thần một bên
Những nàng tiên ở giữa
Mái chùa vươn lên
Theo hướng giàn tên lửa
Và cánh tay trần búp lẳn các nàng tiên.

Rồi giắt lá ngụy trang
Lên ba-lô con cóc
Các nàng tiên đi khuất
Các chiến sĩ nhìn theo
Mỏi mắt
Thần ngẩn ngơ
Trong ánh nắng chiều
Nhưng trận địa đã đong đầy tiềm lực
Bên xác máy bay thù nằm chỏng gọng cong queo.


Tháng 12-1982