“Trong các loại máy bay của giặc Mỹ, F-8 là loại khó đánh nhất. F-8 cơ động tốt hơn Míc-21 nhiều. Khi chiến đấu, ở thế vòng bằng, Míc-21 lấy độ cao, thì nó thua, nhưng cứ vòng bằng, cơ động, thường bị nó bắn trúng. Còn so với Míc-17, tính năng cơ động mặt bằng của hai loại tương đương. F-8 bay nhanh hơn, nhưng lợi hại nhất là vừa có súng 20mm đánh cự ly gần vừa có tên lửa (...) Hầu như trận nào đánh với F-8 cũng rất quyết liệt. Điển hình bắn được nó, thì ta cũng có tổn thất”. Đại khái, F-8 kết hợp những ưu điểm của máy bay phản lực tiêm kích thuộc hai thế hệ. “Thập Tự Quân” không nổi tiếng bằng “Con Ma” nhưng thực ra đáng gờm hơn nhiều.

“Ngày 17 tháng 12 (...) 36 chiếc F-4D vừa tiêm kích vừa cường kích (...) bị Míc-21 dùng chiến thuật thọc sâu, xuyên suốt, đánh từ phía sau, bắn rơi một chiếc. Chúng vứt bom để không chiến. Míc-17 chặn ngang, bắn rơi ngay hai chiếc (...) Ngày 19 (...) gặp một đội hình hơn 20 chiếc F-4 và F-105 (...) trong vòng chưa đầy 4 phút bắn rơi hai chiếc F-105 và một chiếc F-4”. Điển hình, địch đông hơn ta nhiều nhưng ta có ưu thế là xuất hiện bất ngờ. Ta tiến công ngay lập tức, hạ được một vài chiếc là rút, không cho nó cơ hội đánh trả.

“Bộ đội phòng không tưởng tôi là địch (...) cánh chiếc Míc đã bị thủng một lỗ to. May máy bay vẫn còn điều khiển được”. Đúng là “hú hồn!”.

“Chỉ huy sở vẫn tiếp tục gọi số 4, nhưng mãi vẫn không thấy Phúc trả lời. Cảnh trời chiều, sương đã xuống, đất trời mờ mờ, tiếng chỉ huy gọi nghe như cuốc kêu, sao mà buồn”. Trong “Mặt trận trên cao” của Nguyễn Đình Thi có đoạn văn này có thể ráp vào đây để kể tiếp: “Sương đã xuống, phảng phất xanh nhẹ trên sân bay mênh mông… “Gió mùa thu… mẹ ru con ngủ…” tiếng cô danh ca hát bài ru con Nam bộ, xa xôi, gần gũi, ngọt ngào… Mấy anh ngồi nghe vẫn không nói gì (…) đấy là những đồng chí thợ máy của chiếc Mích còn chưa về. “Nín đi con… ngủ, ngủ đi con… (…) Con hỡi con hời, con hỡi con hời… hỡi con…” tiếng ru tắt rồi mà vẫn văng vẳng trong gió chiều đang lao xao trên mặt cỏ (...) Chính ủy trung đoàn đến, ôn tồn: - Anh em về ăn cơm thôi, tối rồi. (Thu Tứ)



Lê Hải, Phi công tiêm kích (06)




Ngày 14 tháng 12 năm 1967, biên đội Míc-17 gồm phi đội phó Lưu Huy Chao số 1, Lê Hải số 2, Bùi Văn Lưu số 3, Nguyễn Đình Phúc số 4, được lệnh cất cánh từ sân bay Gia Lâm, đánh địch trên vùng trời tỉnh Thái Bình. Biên đội quần nhau kịch liệt với một bọn F-8 - máy bay tiêm kích của không quân hải quân Mỹ. F-8 có tính năng cơ động mặt bằng khá tốt, tương đương với Míc-17, vừa có tên lửa vừa có súng 20mm đánh cự ly gần. Lũ F-8 hay dùng chiến thuật con thoi một số vòng, vận dụng các động tác kỹ thuật cơ động, một số lảng ra xa, tăng tốc độ, hễ thấy ta sơ hở là lướt qua khu vực đang đánh quần, phóng tên lửa. Tôi đang bị một chiếc F-8 bám đuôi. Tôi đã bay ba vòng, vẫn không dứt ra được. Anh Chao ngoặt gấp, từ trên cao bổ xuống, bắn một loạt đối đầu, tên F-8 ấy mới chịu buông tôi ra. Trong khi đó, Lưu và Phúc kịch liệt đánh quần với 3 chiếc F-8 khác. Phúc tạo được thế có lợi, nổ súng hai loạt dài, bắn rơi được một chiếc. Sau 7 phút cơ động mặt bằng phẳng, mặt bằng nghiêng, vòng chiến đấu, chúng tôi mới dứt được bọn F-8 cứ lẵng nhẵng bám theo. Anh Chao dẫn đội về, bay dọc theo sông Hồng. Chúng tôi bay thấp và liên tục cơ động. Trên đường về, biên đội gọi mãi vẫn không thấy Phúc trả lời. Khi thoát ly, riêng Phúc bay về theo đường số 5. Anh bay rất thấp, độ cao khoảng 20m. Đến vùng Hưng Yên, máy bay Phúc vướng vào một rặng tre, lật nhào ngay xuống ruộng. Khi ba chúng tôi hạ cánh, mặt trời gần lặn. Chỉ huy sở vẫn tiếp tục gọi số 4, nhưng mãi vẫn không thấy Phúc trả lời. Cảnh trời chiều, sương đã xuống, đất trời mờ mờ, tiếng chỉ huy gọi nghe như cuốc kêu, sao mà buồn.

Trong các loại máy bay của giặc Mỹ, F-8 là loại khó đánh nhất. F-8 cơ động tốt hơn Míc-21 nhiều. Khi chiến đấu, ở thế vòng bằng, Míc-21 lấy độ cao, thì nó thua, nhưng cứ vòng bằng, cơ động, thường bị nó bắn trúng. Còn so với Míc-17, tính năng cơ động của hai loại tương đương. F-8 bay nhanh hơn, nhưng lợi hại nhất là có tên lửa. F-8 thường bay thành từng tốp nhỏ ba chiếc, với chênh lệch độ cao giữa các tốp từ một đến hai nghìn mét. Ta khó phát hiện được toàn đội hình địch. Khi ta tập trung đánh vòng trong, bọn chúng có những đứa bay lảng vảng bên ngoài, lừa cơ ta sơ hở, từ xa phóng tên lửa vào. Hầu như trận nào đánh với F-8 cũng rất quyết liệt. Điển hình bắn được nó, thì ta cũng có tổn thất.

Lúc hy sinh Nguyễn Đình Phúc đã hạ được hai máy bay Mỹ. Anh từ bay trực thăng chuyển qua bay Míc-17. Phúc vừa bước vào tuổi 25 tràn đầy sức sống (...)

Đã vào mùa đông. Giữa hai đợt gió mùa, thời tiết thường tốt, địch tranh thủ mở những trận đánh phá lớn vào Hà Nội trong những ngày này.

Ngày 17 tháng 12, biên đội Lưu Huy Chao số 1, Nguyễn Hồng Thái số 2, Bùi Văn Sửu số 3, Lê Hải số 4, cất cánh từ sân bay Gia Lâm, hiệp đồng với một biên đội Míc-21, đánh chặn đội hình 36 chiếc F-4D vừa tiêm kích vừa cường kích trên vùng trời Việt Trì (Phú Thọ). Địch vừa bị Míc-21 dùng chiến thuật thọc sâu, xuyên suốt, đánh từ phía sau, bắn rơi một chiếc. Chúng vứt bom để không chiến. Míc-17 chặn ngang, bắn rơi ngay hai chiếc. Nhân lúc địch tán loạn, biên đội Míc-17 bay xuống thấp, cơ động rút khỏi chiến đấu. Hai chiếc Míc-21 vẫn tiếp tục đánh địch ở tầng cao để yểm hộ cho Míc-17 lui quân, sau đó kéo lên cao hơn, bay nhanh, về Nội Bài hạ cánh.

Ngày 19 tháng 12, biên đội gồm anh Vũ Thế Xuân số 1, Nguyễn Xuân Sinh số 2, Lê Hồng Điệp số 3, Nguyễn Hưng số 4, bay lên vùng trời Phú Thọ, gặp một đội hình hơn 20 chiếc F-4 và F-105. Anh em xông vào, bọn địch ùn lại. Lũ F-105 hốt hoảng vứt bom, giảm độ cao, luồn núi thoát thân. Lũ F-4 tăng lực, vọt lên cao, liên tiếp phóng tên lửa vào máy bay ta. Anh em giữ tốt đội, hô nhau cơ động, tránh được tên lửa, và trong vòng chưa đầy 4 phút bắn rơi hai chiếc F-105 và một chiếc F-4. Trận đánh thắng lợi này kết thúc một năm không chiến ác liệt.

Tính sổ năm 1967, Trung đoàn 923 đánh 46 trận, 42 trận có nổ súng. Trung đoàn bắn rơi 50 máy bay Mỹ, trong đó có 29 chiếc F-4, 14 chiếc F-105, 2 chiếc F-8, 3 chiếc A-4 và 2 chiếc AD-6.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến thăm chúc Tết đơn vị (...) biểu dương (...) có nhiều cố gắng, vược qua gian khổ, lập nhiều chiến công xuất sắc (...)

Chúng tôi sinh hoạt Đảng ngay ngoài khu trực chiến. Đồng chí chính ủy Trung đoàn, các chính trị viên phi đội (...) động viên anh em xây dựng quyết tâm chiến đấu (...)

Đầu năm 1968, theo nhận định của Bộ Tổng tham mưu, địch có thể tổ chức đánh lớn vào Hà Nội kể cả khi thời tiết xấu. Các trung đoàn không quân tích cực chuẩn bị tác chiến bảo vệ Hà Nội.

Ngày 3 tháng 1 năm 1968, từ sáng sớm địch đã cho EB-66 vào gây nhiễu ở hướng tây bắc. Biên đội Nguyễn Đăng Kính số 1, Bùi Đức Nhu số 2, cất cánh bay về hướng đó, gặp một đội hình lớn F-4 và F-105. Biên đội lướt qua, mỗi phi công bắn rơi một chiếc F-105, xong lập tức thoát ly khu vực, về Nội Bài hạ cánh an toàn. Cùng lúc, Trung đoàn giao cho biên đội Lưu Huy Chao số 1, Lê Hồng Điệp số 2, Bùi Văn Sưu số 3, Lê Hải số 4, nhiệm vụ chặn một tốp lớn máy bay địch khác đang vào theo hướng Thái Nguyên - Hà Nội ở độ cao 3.500 mét. Trời rất mù, biên đội bay không tìm thấy địch, chỉ huy sở cũng chịu vì nhiễu nặng quá. Biên đội được gọi về. Đúng lúc ấy, anh em phát hiện một đội hình F-4 cách ta khoảng 8km. Số 1 hạ lệnh vứt thùng dầu phụ, tăng lực, đuổi theo tốp gần nhất. Số 2 bám theo yểm hộ, nhưng vừa mới cải bớt độ nghiêng đã bị tên lửa của tốp F-4 phía sau bắn trúng. Lê Hồng Điệp nhảy dù an toàn. Số 3 và tôi vào công kích một tốp F-4 bên phải. Địch bay theo đội hình chữ T, nhiều chiếc đi ngang với Míc. Sưu bám được chiếc F-4 bay sau, đến cự ly 500m, tuy trời mù, nhìn địch chưa thật rõ, anh vẫn bắn. Trúng rồi! Tên địch rơi tại chỗ. “Phía sau có địch”, tôi báo số 3, “số 4 phản kích”, rồi vòng lại. Bọn địch thấy tôi đối đầu, bèn kéo vọt lên cao. Chỉ huy sở lệnh cho biên đội thoát ly chiến đấu. Tôi xuống thấp, cơ động, bay nhanh, nhưng bị lạc đội do trời mù. Đề phòng địch đuổi theo bắn, tôi giữ độ cao khoảng 30 đến 50 mét. Đồng hồ chỉ hướng bay làm việc không ổn định, phải bay theo mắt quan sát. Tôi nghe đội trưởng báo 3 bạn đã về tới Gia Lâm. Còn tôi, bảy phút sau khi rời khu vực chiến đấu, chưa xác định được mình đang ở vùng nào. Dầu còn 600 lít. Tôi giảm ga, bay chế độ tiết kiệm, lên độ cao khoảng 300 mét. Kia rồi, dòng sông Hồng. Bám theo sông, thấy ngã ba sông lớn, có núi chập chùng. Bình tĩnh quan sát, tôi nhận ra mình đang ở ngã ba Việt Trì. Bây giờ thì bay ngược lại, theo sông Hồng về Gia Lâm. Tôi lên độ cao 400 mét, bay tốc độ 600-650 km/giờ. Đây là tốc độ tiết kiệm nhiên liệu nhất và cũng tối ưu để xử trí nếu gặp địch. Tôi liên lạc được với sở chỉ huy và báo cáo đã thấy Hồ Tây. Cùng lúc đó, nhiều điểm đạn cao xạ nổ quanh máy bay tôi. Tôi hiểu ngay, bộ đội phòng không tưởng tôi là địch, bởi sau mỗi đợt đánh phá lớn địch thường cho máy bay trinh sát bay vào. Tôi vội cơ động tránh, nhưng cánh chiếc Míc đã bị thủng một lỗ to. May máy bay vẫn còn điều khiển được, tôi hạ cánh vòng kín bé. Chỉ bay vài phút nữa, dầu sẽ cạn, hú hồn!


(Lê Hải,
Phi công tiêm kích, nxb. Quân Đội Nhân Dân, 2004)