Tính toán chiến lược của Na-va dựa trên một định kiến sai lầm, là ta có ý định tổng tiến công đồng bằng Bắc bộ trong mùa khô 1953-1954. Ta không hề có ý ấy, bởi tự thấy mình chưa có đủ điều kiện để khắc phục địa hình bất lợi.

Chắc vì cả hai lý do là giữ Thượng Lào và phân tán chủ lực ta, Na-va cho xây con nhím Điện Biên Phủ. Xây mà không mong ta đánh, chỉ mong ta đưa một phần chủ lực lên vây, rồi thấy khó đánh thắng, cứ lưỡng lự mãi, cho đến khi mùa khô đã qua!

Nhưng diễn biến không hề như y tưởng. Kế hoạch Đông Xuân của ta đang chờ một trọng tâm, thì đây rồi! Rất nhanh chóng, Na-va thấy rõ ràng ta nhất định đánh Điện Biên Phủ bằng lực lượng lớn nhất, và nhất định không cho quân Pháp rút lui như ở Nà Sản. Chỉ còn cách hỏa tốc tăng quân và kỳ công kiến trúc cho Điện Biên Phủ trở thành một siêu nhím, và chuẩn bị không yểm tối đa, để vượt qua trận bão lửa sắp tới.

(Thu Tứ)



Võ Nguyên Giáp, “Tại sao có Điện Biên Phủ”



Sau khi chiến tranh Đông Dương kết thúc, một câu hỏi được đặt ra: “Tại sao lại có Điện Biên Phủ?” (…)

Có thể nói người khai sinh ra “chiến lược con nhím” là Xa-lăng (…) Xa-lăng không có sáng kiến gì lớn nhằm giành thắng lợi cuối cùng, nhưng lại biết trì hoãn sự thua trận bằng những giải pháp kịp thời. Xa-lăng am tường (…) đối thủ hơn tất cả những tổng chỉ huy khác (…) Chính sự xuất hiện của tập đoàn cứ điểm Nà Sản trong chiến dịch Tây Bắc 1952 đã khiến cuộc tiến công của ta không giành được thắng lợi trọn vẹn. Xa-lăng đã làm đúng việc cần làm vào thời điểm để cứu (…) quân Pháp ở Tây Bắc đang đứng trước nguy cơ bị tiêu diệt (...)

Rõ ràng không phải Xa-lăng ra đi không để lại gì cho người kế nhiệm (…) Nếu cả miền cực bắc Đông Dương được giải phóng, đó sẽ là một nguy cơ lớn (…) Nó sẽ gây tác động chính trị tai hại, vì nước Pháp bất lực trong việc bảo vệ một “quốc gia liên kết” (…) Xa-lăng đã nghĩ tới điều này và tìm ra một giải pháp: di chuyển tập đoàn cứ điểm từ Nà Sản lên Điện Biên Phủ (…) Xa-lăng đã nói suy nghĩ của mình với Na-va (…) Điện Biên Phủ là “chiếc chìa khóa” của Thượng Lào (…) Na-va đã lắng nghe (…)

Ngày 7 tháng 12 năm 1953, Đờ Cátx-tơ-ri được (…) chỉ định chỉ huy tập đoàn cứ điểm, chuẩn bị đương đầu với một cuộc tiến công (...)

Ngày 24 tháng 12, Na-va lên Điện Biên Phủ dự lễ Giáng sinh với quân đồn trú (…) lặp lại với các sĩ quan những lời ông ta vừa cho đăng trên báo Caravelle: “… địa hình (…) khí hậu của khu lòng chảo Điện Biên Phủ làm cho nó (…) dễ phòng ngự (…) (nó có) một trong những sân bay tốt nhất Đông Nam Á (…) Trận đánh (…) được chúng ta chấp nhận (…) trong những điều kiện hết sức thuận lợi”. Sau khi vạch ra những khó khăn của đối phương về di chuyển lực lượng, tiếp tế (…) trên những khoảng cách quá dài (…) Na-va khẳng định: “Một chiến dịch khởi đầu trong những điều kiện như vậy chỉ có thể chuyển sang hướng có lợi cho chúng ta (…) khả năng tập trung nhanh chóng trên những điểm bị uy hiếp, ưu thế về hỏa lực so với kẻ thù (…) chắc chắn mang lại cho chúng ta thắng lợi (…)”.

Vì sao Na-va đã quyết định chấp nhận trận đánh ở Tây Bắc, (trong khi vốn đã có chủ định) duy trì thế phòng ngự chiến lược trên miền Bắc trong mùa khô 1953-1954?

Câu trả lời có thể như sau:

(...) Na-va chỉ mong (...) làm phân tán khối chủ lực Việt Minh, trì hoãn một cuộc tổng giao chiến (ở đồng bằng Bắc bộ) trong mùa khô 1953-1954 (...)

Na-va vẫn đặt trọng tâm vào hiệp đấu đầu tiên ở miền Trung (...) Vùng ba tỉnh tự do Liên khu V, dải đồng bằng ven biển (...) đã tồn tại cho đến tận bây giờ (...) Chiếm được vùng này, nước Việt Nam từ vĩ tuyến 18 trở vào chỉ còn là đối tượng của những cuộc bình định, về lâu dài sẽ do quân ngụy đảm trách (...)

(...) Na-va không mong một cuộc đụng đầu ở Điện Biên Phủ. Trận đánh quyết định sẽ nổ ra trên miền Bắc vào mùa khô năm tới, khi từ Liên khu V vào Nam đã bình định xong, và những binh đoàn cơ động đã tập trung đủ số lượng cần thiết (...)

Na-va tỏ ra dè dặt. Ngày 31 tháng 12 (...) bí mật chỉ thị cho Cô-nhi và Cre-vơ-cơ (chỉ huy bên Lào) phải nghiên cứu một kế hoạch rút lui khỏi Điện Biên Phủ trong trường hợp cần thiết, được mệnh danh là cuộc hành binh Xê-nô-phôn (Xénophon). Nhưng vào những ngày cuối cùng ở Điện Biên Phủ, quân Pháp đã không còn đủ điều kiện để thực hiện thành công.

Ta thấy rõ sự lo ngại của Na-va qua báo cáo gửi về Pa-ri ngày 1 tháng 1 năm 1954: “Tất cả đều cho cảm giác kẻ thù đang quyết tâm tiến công Điện Biên Phủ (...) Cơ may chiến thắng của chúng ta ra sao? Mới hai tuần lễ trước, tôi đánh giá nó là 100%... Nhưng (nay) tôi không thể bảo đảm chắc chắn thắng lợi... Dù sao đi nữa, Điện Biên Phủ sẽ đóng vai trò chiếc nhọt tụ độc và sẽ cho phép tránh cuộc tổng giao chiến ở đồng bằng (Bắc bộ)” (...)

Cuối tháng 12 năm 1953, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đã hoàn thành theo kiểu mẫu mà Xa-lăng sáng kiến ra ở Nà Sản, nhưng với qui mô rộng lớn hơn nhiều. Người đặt nền móng vẫn là Gin. Trung tâm đề kháng cuối cùng ở phía nam Mường Thanh đã xây dựng xong. Những đơn vị ưu tú nhất của quân viễn chinh Pháp đã có mặt. Để tránh một cuộc giao chiến lớn như Na-va mong muốn, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ phải đủ mạnh.


(Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hồi ký
Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử in lại trong Tổng tập hồi ký, nxb. Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2006, tr. 901-908)