Cái hình ảnh “như chợt thấy” ấy thật là cảm động. Ước muốn “rưng rưng” của “mỗi chúng ta” rồi nhanh chóng được nhạc sĩ Phạm Tuyên thể hiện thành một bản nhạc rất ngắn mà lôi cuốn lạ lùng. “Cả đất nước (…) nửa khóc” còn vì nghĩ đến “vết thương ta” , đến không biết bao nhiêu người đã ngã cho dân tộc rút cuộc có được cái đêm đầy “sao trên trời và sao dưới đất” này. Làm “người cuối cùng phải ngã” là một định mệnh quá xót xa. (Thu Tứ)



Chế Lan Viên, “Ngày vĩ đại”




(...)
Sài Gòn! Cuộc chiến đấu 30 năm, 116 năm giờ kết thúc
(...)
Cả đất nước ùa reo nửa mừng nửa khóc
Mỗi chúng ta rưng rưng như chợt thấy Bác Hồ
Kìa tiếng chuông reo trên nhà sàn của Bác
(...)
Kìa Bác đang xuống nhà sàn từng bước gấp
(...)
Bác đi giữa cháu con, sông núi đang chờ.
(...)

*

Đêm nay sao sáng khắp các tầng trời cao thấp
Sao trên trời và sao dưới đất
(...)
Tôi muốn bay lên cao nhìn xuống non sông cho thỏa mắt
Từ Mục Nam Quan đến Cà Mau tít tắp
(...)
Tiếng đại bác cuối cùng. Và thời đại sang xuân.
(...)
Ôi hôm nay thắng giặc rồi, vết thương ta, ta chả giấu
Máu đã thấm lên trang sách, bao lần
Đánh giặc mà, đâu có phải du xuân!
(...)
Từ ca-lô sao vàng những Nam tiến đầu tiên
Ngỡ mình ngã xuống, sau mình không còn ai ngã nữa
Nào hay đâu dân tộc tiếp sau ba mươi năm vẫn Nam tiến
hành quân qua lửa
Cho đến hôm qua khi vinh quang kéo ngọn cờ hồng
Ở ngày cuối cùng, giây phút cuối cùng, tích tắc cuối cùng
Vẫn có người cuối cùng phải ngã
(...)
Phải có người chấm dứt trang thơ bằng giọt máu anh hùng
(...)


Ngày 3-5-1975