“Lê Vĩnh Hòa - Thơ và tùy bút”




Lê Vĩnh Hòa để lại vỏn vẹn mười mấy bài thơ. Tuy ít, thơ ông nội dung phong phú. Ngoài lòng yêu nước, nhớ quê, tình cảm hướng về “anh bộ đội”, “em giao liên”, ấn tượng kháng chiến, hoài niệm kháng chiến, ta còn thấy tình người, tình mẹ con, tình yêu nam nữ... Về thể loại, có bài là lục bát, có khi lục bát cổ vần gieo ở chữ thứ tư trong câu tám, chắc do còn phổ thông nơi ông lớn lên, có bài là thơ Mới, chủ yếu lối thơ tám chữ. Ngẫu nhiên, hay tự nhiên, trong sáu bài chọn sau đây thể loại có liên hệ rõ ràng với nội dung: tình cảm “truyền thống” được thể hiện thành lục bát, trong khi nội dung thời sự thì hóa thành thơ Mới.

Lê Vĩnh Hòa viết hình như chỉ có đúng một bài tùy bút. Sở dĩ ít vậy, chắc một phần do thể loại này rất khó vận dụng vào mục đích động viên tinh thần đông đảo quân dân.

Tuy số tác phẩm tiêu biểu không bao nhiêu, thơ và tùy bút có giá trị chứng tỏ khả năng thể hiện cảm nghĩ thành văn chương đa dạng của Lê Vĩnh Hòa. Nhà văn đã sống và chết chủ yếu trong quê hương khói lửa, có lẽ nếu ông được ở đời lâu hơn để trải nghiệm quê hương thanh bình, ta sẽ thấy một văn nghiệp bốn phần (ký, truyện, tùy bút, thơ) cân đối hơn.

“Anh về”

“Anh về có nhớ gì không?
Tôi đi tôi nhớ con sông xóm nghèo
Nhớ cây cầu khỉ cheo leo
Nhớ khói lam chiều nhẹ tỏa đầu thôn
Nhớ nắng vàng nhuộm cuối cồn
Nhớ tối trăng tròn, tiếng hát hò vang
(…)
Ta mong non nước an hòa
Ta mong đất nước một nhà anh em
Trời cao dang rộng cánh chim
Ta bay ngang dọc trên miền Tự do
Hò khoan cất tiếng ta hò
Ngợi câu: Thống nhất cơ đồ Việt Nam”.


Xóm nghèo sông có nhớ không?
Nơi đây từng một tấm lòng bao la
Nước non nay đã an hòa
Hồn ơi, đã một, cơ đồ Việt Nam!

“Anh bộ đội”

“Anh bộ đội dừng chân bờ sông nhỏ
Bé đưa tay mếu miệng đòi bồng
Tóc như tơ, mắt rực sáng, má hây hồng
Ôi thương quá mấy cái răng mới nhú
Thương bàn chân như bột nặn trắng ngần
Khi bé cười là có cả mùa xuân.

Sao bé biết đòi “Anh bộ đội”?
Đơn vị hành quân chiều nay quá vội
Bé đưa tay tiễn các chú đi
- Cháu bé ơi, mai lớn thích súng gì?
Theo đánh giặc cùng các anh, các chú.

Anh bộ đội qua bờ sông cũ
Bé đâu? Tro xám phủ nền xưa
Cỏ non mềm như mái tóc tuổi thơ
Đã xanh mướt trên nấm mồ nho nhỏ
Ôi em bé môi cười như hoa nở
Sương đêm nay thấm đất lạnh thân em
Đường hành quân sao nhấp nháy thâu đêm
Như đôi mắt bé còn đang ứa lệ.

Nếu mai đây anh về không gặp mẹ
Mái nhà xưa không còn giữa vườn cau
Anh đâu khóc, bởi vì những giọt lệ
Đâu thể làm vơi được nỗi thương đau!”
(7-1966)

“Sao bé biết đòi”? Các bé Việt Nam đã quen lắm với “các anh, các chú” mà. Khoảng 20 năm trước ngày “anh bộ đội” đánh Mỹ này “dừng chân bờ sông nhỏ” nào đó trong Nam, được một “bé đưa tay mếu miệng đòi bồng”, một anh “lính râu ria” đánh Pháp đã vào một quán bờ sông ngoài Bắc hỏi bà chủ: “Chị ơi! Cháu ngủ đâu / Rồi anh bế con chị / (…) / Cô bé cười chúm chím / Mắt non nhìn như sao / (…) / Má hồng như trái mận” (thơ Quang Dũng).

“Cỏ non mềm (…) trên nấm mồ nho nhỏ / (...) / Nếu mai đây anh về không gặp mẹ”, tâm tình ấy cũng từng đã hóa thơ: “Mẹ tôi, em có gặp đâu không / Bao xác già nua ngập cánh đồng / Tôi nhớ một thằng con bé nhỏ / Bao nhiêu rồi xác trẻ trôi sông” (Q.D.).

Chúng nó đứa trước thì chiếm nước, đứa sau thì chia hai nước, ta đánh đuổi thì chúng giở đủ thứ trò vô nhân đạo với nhân dân ta. “Anh đâu khóc, bởi vì…”. Phải. Chỉ có “hành quân” mới “làm vơi được nỗi thương đau” này.

“Bài ca giao liên”

“Đêm phập phồng tôi qua lộ Đông Dương
Thấy bóng em in trên nền trời sáng
Súng trên tay, em cao lớn lạ thường
Miệng khẽ hát bài “Mùa xuân có Đảng”…
Bé em ơi, những tháng ngày gian khổ
Em hiên ngang, trăng nhấp nhánh quanh xuồng
Mang lựu đạn hai bên hông, bò qua lộ
Em đã đưa đón khách bao lần
Em đã vượt vòng vây pháo nổ
Quần bó chân, áo cột cổ, lưng trần
Đất nước đêm nay mở những con đường
Mái chèo em vượt nhiều sông, rạch
Cánh đồng năn, con lung dài mút mắt
Nơi bao nhiêu đoàn khách sang ngang
Súng trên tay, bao nặng tải hàng
Những thư nhà và công văn hỏa tốc
Xuồng giấu rồi, em lội đường trơn trợt
Tiếng ễnh ương trổi nhạc huềnh hoang
Rồi gió rồi mưa, khách lạ quanh đồn
Trăm thứ bận, trăm lần nguy hiểm
Em thức trắng đêm, bật “xi-nhanh” tìm kiếm
Hỏi đồng bào có gặp các anh không?
Ôi những đêm qua lộ, qua sông
Nhà ai đó tiếng ru con buồn rượi
Ôi những đêm qua lung qua đồng
Đồn giặc quét đại liên, trái sáng treo đọt chuối
Kẻ thù đâu ngăn nổi bước chân em!

Từ đó mỗi lần lật tờ báo, anh xem
Hoặc đọc lá thư từ miền đông gởi tới
Bỗng nhớ em giao liên trong đêm tối
Súng trên tay, cao lớn lạ thường
Không biết giờ đây em còn mạnh giỏi
Hay đã hy sinh sau những trận càn”
(7-1965)

Giao liên… Giao thông và liên lạc. Dẫn đường và đưa thư. Công tác tuy khiêm tốn nhưng rất cần thiết cho hoạt động của quân kháng chiến, và cũng “trăm lần nguy hiểm” bởi địch thừa biết như thế. “Em đã đưa (…) bao nhiêu đoàn khách sang ngang”, nhưng thường đa số “khách” không thấy “em”, có thấy cũng không rõ mặt. “Em” điển hình là một cái bóng chợt xuất hiện trong “đêm phập phồng” để không lâu sau lại biến mất vào đêm. “Em” điển hình là một “bé em”, nhưng lại “cao lớn lạ thường” trong mắt những người anh hay để ý…

“Đội quân xung kích”

“Trưa nay tôi qua hàng dừa
Không còn bóng ai xe trân dệt chiếu
Vắng những mái tóc buông dài lỏng lẻo
Thiếu tiếng cười đùa, không tiếng hát ru em
Trên sông trưa, không có mái chèo êm

Đã đi cả rồi đội quân xung kích”
.

Ở những đất nước khác, điển hình giặc đến thì phụ nữ chạy cho xa giặc. Nhưng ở ta, rất nhiều phụ nữ lại xông về phía giặc. Có nữ du kích, nữ chiến sĩ pháo binh, nữ bác sĩ nữ y tá tiền tuyến, nữ lái xe hỏa tuyến, nữ thanh niên xung phong, nữ dân công... Gái Việt oai không gái nào bì gần kịp đâu.

“Nhớ ngoại ô”

“Mưa đêm chợt thức giấc
Nghe gió mưa sấm sét
Nằm trăn trở trên nền xi-măng lạnh ngắt
Đêm mùa mưa ôi thương nhớ mênh mông
Mưa đêm nay, có mưa về ngoại ô không?
Năm tháng cũ xa rồi… sao vẫn nhớ
Nhớ làm sao! đường gập ghềnh đá lở
Tiếng xe khuya lọc cọc chở ai về
Nhớ đêm đêm đâu đó giọng ủ ê
Ru con nhỏ trong giọt mưa rả rích
Ôi ngoại ô, xóm nghèo trong xiềng xích
Có bóng ai đi diệt địch, phá tề”
(6-1965)

Năm 1965 Lê Vĩnh Hòa đang ở vùng giải phóng. Chắc ông làm bài thơ này khi hồi tưởng một “đêm mùa mưa” “nằm trăn trở trên nền xi-măng lạnh ngắt” trong nhà tù Mỹ - Diệm “thương nhớ mênh mông” về tận thời trước 1954. “Có bóng ai đi…”. Chính là ông đó. Ông đã tham gia đánh Pháp, và sau khi ra khỏi chốn giam cầm hiện tại, ông sẽ lại “đi”, tham gia kháng chiến chống giặc mới, đóng góp với tất cả khả năng mình.

“Màu áo quê hương”

“Nhớ sao chiếc áo bạc màu
Tháng năm vất vả dãi dầu nắng mưa
Thuở nào trăng đẹp như thơ
Anh sang bên ấy đắp bờ ruộng em
Đôi tay em cấy dịu mềm
Môi em duyên dáng cất lên giọng hò
Hò rằng: - Tháng bảy mưa thưa
Thương kẻ đắp bờ, không áo lạnh thay
Ví dầu chỉ đó, kim đây
Vải kia đã sẵn, ai may cho chàng?
Hò rằng (...) em may áo giùm (…)
Cho duyên thêm thắm, cho lòng anh vui
Mai dù mưa gió đầy trời
Áo kia anh mặc, ấm hơi tay nàng...”
.

Hò qua hò lại xong, anh đi chợ mua vải, chỉ, “sang sông ghé nhà” nhờ em may, rồi “... mặc đi cày / đi bừa, đi trục, ngày ngày, đêm đêm”. Nhưng vì “Đời nghèo ăn một trả hai / Hẩm hiu rau cháo chẳng đầy sớm hôm / Đêm đêm trông ánh sao buồn / Nợ nần chưa dứt...”, nên mặc dù “mâm trầu với mấy buồng cau” đã đặt, “tình nghèo đã đượm, ngọt ngào nhớ mong”, anh chưa thể làm nốt thủ tục rước em về được. “Ngày qua chiếc áo bạc màu / Hai nhà vẫn cách chiếc cầu sang sông...”.

Còn đang chưa biết tính sao, thì “... bỗng rực lửa hồng / Quê hương tang tóc, non sông tơi bời / Ra đi vì nước em ơi! / Anh thân chiến sĩ, em nơi quê nhà”...

Lúc nào đó trên đường chinh chiến, “Áo xưa, nay đã không còn / Em xưa còn có chờ trông quê nhà?”.

Kỷ vật mất, nhưng “bao niềm nhớ thương” cứ ngày thêm tha thiết, hóa thành quyết tâm: “Anh về, em hãy chờ anh!” (12-1956)

Tình nghèo biết tỏ sao đây
Đường kim mũi chỉ khâu may cho người
Áo xưa mất đã lâu rồi
Hơi tay em vẫn ấm hoài lòng anh...

“Vắng bóng”

“Qua kẽ hở của hàng xương rồng cao quá đầu, chỉ thấy bên trong loáng thoáng bóng người qua lại, tôi nghe nhiều hơn: tiếng chân vừa nhanh vừa nhẹ, đúng là bước chân con gái, những giọng thanh thanh, tiếng cười khúc khích (...) tiếng lóc cóc của thoi đưa, tiếng sè sè của xa quay chỉ (...) Thỉnh thoảng, tôi dám liếc nhanh vào (...) một mảnh sân con với hai cây vú sữa (...) căn nhà ngói cũ kỹ (...) ngoài hàng ba có đôi cô con gái ngồi quay tơ, bên trong thiếu ánh sáng chỉ thấy lờ mờ những làn chỉ trắng của vài ba cái khung cửi. Và bóng những người con gái tóc xõa ngang vai, vừa đi vừa chạy, ra vào nhộn nhịp (...) một nhà nuôi tằm dệt lụa (...) quang cảnh lao động rộn rịp không hiểu sao cứ khiến lòng tôi trở nên ấm áp và tin yêu (...)

(“Tôi” không phải là dân làng ấy. Một hôm đang đi ngoài đường thì gặp lại một người bạn, được mời về nhà chơi. Hóa ra ngôi nhà có “nhiều con gái” đó là nhà bạn.) Chúng tôi vào cổng (...) Tiếng thoi đưa, tiếng quay chỉ và tiếng chân vừa đi vừa chạy ngừng hẳn lại. Lộc giới thiệu (...) Các cô gái bẽn lẽn một chút, rồi tiếng thoi lại bắt đầu lọc cọc, quay chỉ kêu sè sè và tiếng chân ra vô lại nện nhè nhẹ trên nền đất ẩm. Bốn cái khung cửi quay mặt vào nhau, giăng giăng những hàng tơ vàng óng ánh, những bàn tay giựt thoi và đập vỗ nhanh nhẹn nhịp nhàng. Ba cái xa quay vấn tơ vào suốt. Ở phía sau nhà trên mấy cái gác là những nong tằm ăm ắp lá dâu xanh. Hai cô con gái cắm cổ xắt lá. Bà cụ thân mật: “Cây nhà lá vườn đó con à. Mà mấy cậu bây giờ không mấy ai thích thứ đồ mộc mạc này nữa” (...)

Bẵng đi hai năm, tôi lại có dịp về ngang xóm cũ. Một buổi chiều nắng dìu dịu. Bóng tre rợp mát đường làng. Tôi đi qua hàng xương rồng xanh (...) Không có bóng người và cũng vắng hẳn những âm thanh quen thuộc trước kia (...) Vẫn sân vẫn nhà, nhưng cảnh đìu hiu như đã chết tự bao giờ. Chỉ có một mình bà cụ đang chậm chạp quét lá khô ở mé vườn (...) “Nghỉ hè năm nay anh Lộc không về đây chơi sao bà?”. “Ờ thằng Lộc năm nay không về con à”. Tôi đưa mắt nhìn những khung cửi đã được tháo ra nằm xếp đống ở hè nhà và mấy cái xa quay bám đầy mạng nhện, lòng bùi ngùi như tiếc thương một cái gì thân yêu đã mất. “Lóng này ở nhà không dệt lụa nữa hay sao bà?”. “Dẹp lâu rồi con”(chắc vì “khó sống lắm”) (...) “Vắng tiếng thoi, tiếng quay chỉ, tiếng mấy đứa con gái buồn quá! Mà biết làm sao bây giờ hả con?”. Tôi lặng thinh, buồn rầu đưa mắt nhìn ra sau nhà. Những hàng dâu xanh mướt ngơ ngác đợi chờ (...) Tôi từ giã bà cụ ra về (...) Ðường chiều lung linh ánh nắng. Lá tre thưa thớt rơi buồn”.


Tùy bút là văn xuôi không cốt kể một câu chuyện hay tả một cái gì, mà nhằm thể hiện cảm nghĩ của tác giả. Bài văn này là tùy bút, vì nó chủ yếu thể hiện cái cảm xúc “bùi ngùi như tiếc thương một cái gì thân yêu đã mất” của “tôi”. Dâu “ngơ ngác đợi chờ” tằm, còn người “đưa mắt nhìn” thì buồn rầu trước cuộc bể dâu đã xảy đến cho nghiệp dâu tằm.



Thu Tứ
Tháng 4-2017