Những ngày thật bi đát: “Ta chưa có cách đối phó có hiệu quả với chiến thuật mới của địch (...) Trung đoàn lâm vào tình thế hễ đánh nhau là tổn thất (...) Một số anh em có biểu hiện ngại tiêm kích địch (...) Địch liên tục đánh phá (...) Có ngày vào cấp một 11 lần, xuất kích 5 lần, sáng đánh một trận, chiều lại đánh một trận nữa. Mọi người đều sút từ 3-4 ký. Cơm nước loáng thoáng qua bữa, uống nước sâm, ăn viên tăng lực mà vào trận (...) Cái gay go nhất là tư tưởng. Đêm khuya, trong lán tạm, hàng dãy giường trống của các bạn đã ra đi hay đang nằm viện (bị thương khi nhảy dù), quần áo còn treo… Từ ngoài bãi sông Hồng đưa vào tiếng ếch, nhái kêu oạc oạc, đêm càng thêm vắng”.

Tình hình được chú ý ở cấp cao nhất:
“Đồng chí Văn Tiến Dũng xuống kiểm tra (…) Đại tướng Võ Nguyên Giáp xuống sở chỉ huy Quân chủng ở núi Trầm (...) trực tiếp nghe (...) trình bày diễn tiến một số trận đánh”.

Điều chỉnh được thực hiện ngay:
“Trung đoàn tạm dừng xuất kích (…) tổ chức huấn luyện giữa hai đợt hoạt động của địch (...) Cấp trên cho chúng tôi lần lượt thay nhau đi nghỉ mát mấy ngày (...) Các đoàn đại biểu nhân dân đến thăm đơn vị, động viên tinh thần”.

Kết quả rực rỡ sẽ đến.
(TT)



Lê Hải, Phi công tiêm kích (04)




Sau trận ngày 14 tháng 5 năm 1967, địch thay đổi chiến thuật: giảm hẳn số máy bay cường kích F-105 mà tăng số máy bay mới F-4D có thể vừa ném bom vừa không chiến. Mỗi chiếc F-4D chỉ mang một nửa cơ số bom và mang 4 tên lửa để sẵn sàng đối phó với Míc. Bọn F-4 thường bay đội hình chữ T với cự ly rút ngắn, tăng tốc khi còn cách mục tiêu hàng trăm ki-lô-mét hay khi qua khu vực ngờ có Míc, và trong đụng độ thì chia nhiều tầng cao để yểm hộ nhau.

Ta chưa có cách đối phó có hiệu quả với chiến thuật mới của địch. Anh em bắn rơi được vài chiếc, nhưng Trung đoàn cũng tổn thất, nặng nhất là 10 phi công hy sinh trong một thời gian ngắn (...) Địch liên tục đánh phá Hà Nội và các vùng xung quanh (...) Có ngày vào cấp một 11 lần, xuất kích 5 lần, sáng đánh một trận, chiều lại đánh một trận nữa. Mọi người đều sút từ 3-4 ký. Cơm nước loáng thoáng qua bữa, uống nước sâm, ăn viên tăng lực mà vào trận. Sức người có hạn. Cứ đà này, có lúc chúng tôi nghĩ, chắc cũng chẳng cầm cự được bao lâu (…) Cái gay go nhất là tư tưởng. Đêm khuya, trong lán tạm, hàng dãy giường trống của các bạn đã ra đi hay đang nằm viện, quần áo còn treo… Từ ngoài bãi sông Hồng đưa vào tiếng ếch, nhái kêu oạc oạc, đêm càng thêm vắng (…) Trung đoàn lâm vào tình thế hễ đánh nhau là tổn thất (…) Một số anh em có biểu hiện ngại tiêm kích địch (…)

Các sân bay bị đánh phá ác liệt. Nhiều lần sở chỉ huy không bắt được địch vì chúng bay rất thấp, thấp đến nỗi có khi bọn A-7 thả bom xuống, bom chỉ bay lia thia, không nổ. Có trận địch đánh vào khu trực chiến, các đồng chí thợ máy, như đồng chí On, đã lấy thân mình che buồng lái để chắn bom bi cho phi công đang ngồi trực bên trong (…)

Trước tình hình đó, Đảng ủy Bộ Tư lệnh Không quân (…) phân tích tình hình (…) phát động toàn Quân chủng tìm cách đánh địch tốt nhất (…) Đồng chí Văn Tiến Dũng xuống kiểm tra (…) chỉ thị (…) phải đặc biệt coi trọng giữ gìn lực lượng để chiến đấu lâu dài (…)

Đại tướng Võ Nguyên Giáp xuống Sở chỉ huy Quân chủng ở núi Trầm (Chương Mỹ, Hà Đông), trực tiếp nghe phi công trình bày diễn tiến một số trận đánh gần đây. Đồng chí nghe cả các sĩ quan dẫn đường trình bày cách dẫn máy bay ta (…) Trong hội nghị đó, đồng chí Tư lệnh (Không quân) đề nghị tôi phát biểu (…) Đại tướng ôn tồn bảo tôi: “Đồng chí cứ nói thẳng. Cái gì còn lúng túng, chưa ổn trong cách đánh, cách dẫn máy bay ta tiếp địch?”. Tôi rất cảm động, thật thà thưa là: Tôi thấy chưa ổn nhất là cái thế không chủ động. Có trận (…) ta hy sinh mà chưa thấy địch đâu. Hoặc nó phóng tên lửa vào máy bay ta ở tầng thấp, rồi kéo lên cao, ta bay chậm, không theo kịp. Nó thì đông, chiến thuật ta hiện nay như vãi thóc cho gà!” Được Đại tướng chăm chú nghe, các anh em phi công, các cán bộ dẫn đường tham mưu cũng phát biểu. Tôi nhớ đồng chí kết luận đại ý như sau:

(…) Phải giành thế chủ động, cả chủ động đánh và chủ động không đánh (…) Không được lập khu chờ, mất hết chủ động. Đã quyết đánh tuyến nào, đợt nào, là tạo thế có lợi cho biên đội, để kiên quyết tiến công (…) Tăng cường huấn luyện để nâng cao trình độ phi công (…) Bám thắt lưng địch mà đánh, như các đồng chí ở Miền Nam. Chú trọng công tác chính trị (…)

Anh em chúng tôi như tỉnh người ra. Trung đoàn tạm dừng xuất kích (…) tổ chức huấn luyện giữa hai đợt hoạt động của địch. Tôi đã hạ máy bay địch, nhưng chưa được huấn luyện các bài bay khu vực động tác cao cấp, phức tạp. Chưa tập không chiến động tác thẳng đứng. Những phi công mới chủ yếu vòng bằng động tác cơ động khá đơn giản. Có anh em điều khiển máy bay chưa nhuần nhuyễn, bị thất tốc mà hy sinh. Chúng tôi tranh thủ tập những bài không chiến cá nhân, rồi hiệp đồng (…) Và cấp trên đã cho chúng tôi lần lượt thay nhau đi nghỉ mát mấy ngày trên Tam Đảo hoặc ở Ân Thi (Hưng Yên). Sức khỏe chúng tôi khá hơn. Trình độ bay chiến đấu tiến bộ rõ rệt.

Trong lúc chúng tôi nghỉ xuất kích, bộ đội cao xạ, tên lửa nện cho bọn giặc trời Mỹ nhiều đòn đau. Anh em thợ máy phát động phong trào thi đua làm việc suốt đêm ngày, sửa chữa các máy bay bị hư hỏng qua chiến đấu (...) Anh nuôi cải tiến bữa ăn. Các đồng chí sĩ quan dẫn đường luôn theo sát dẫn dắt chúng tôi trong huấn luyện, tập luyện (...) Các đoàn đại biểu nhân dân đến thăm đơn vị, động viên tinh thần (...)


(Lê Hải,
Phi công tiêm kích, nxb. Quân Đội Nhân Dân, 2004)