“- Tổng tư lệnh ra mặt trận (…) Trao cho chú toàn quyền (…) Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng, không đánh”. Vốn ngay từ đầu kháng chiến “Võ Tổng” đã tỏ ra hoàn toàn không phải là mẫu tướng quân quá hăng máu, “đánh một trận anh hùng rồi ra sao thì ra”. Nhưng lời dặn của Hồ Chủ tịch nâng cao hơn nữa ý thức trách nhiệm.

“Mùa đông kháng chiến đầu tiên, nhân dân ta vác cuốc phá đường. Bây giờ những con đường được hàn gắn lại, như vết thương bắt đầu lành lên da non (...) Người đi (...) như nước (...) Đuốc dân công, đèn xe thồ như sao sa (...) Chỉ nhìn con đường nằm chênh vênh bên bờ vực thẳm (…) đã thấy quyết tâm và sức mạnh của nhân dân ta (...) Dọc đường, lúc nào cũng nghe tiếng máy bay (...) Tới ngã ba Cò Nòi, có cảm giác như đã ở mặt trận (...) Các con đường (...) biến đi dưới những hố bom (...) Dân công liên tục san đất sửa đường (...) chốc chốc lại vang lên (...) tiếng hát, câu hò như trả lời, như vượt lên những thách thức của bom đạn (...) Tôi đã đi chiến dịch nhiều, nhưng chưa bao giờ chứng kiến một không khí phấn khởi, hào hùng như lần này”...

Tinh thần quân dân cao chưa từng thấy có lý do cụ thể: “Ngày 4 tháng 12 năm 1953 (...) Luật Ruộng đất (được ban hành) đã thổi một luồng sinh khí mới vào hàng ngũ những người kháng chiến (...) vốn phần lớn xuất thân từ nông dân, tạo thành khung cảnh hùng tráng người người ra trận hôm nay”. Nếu kháng chiến thắng lợi, ruộng đất trong vùng bị tạm chiếm sẽ thuộc về ta, cố gắng lên, anh chị em ơi!

(Thu Tứ)



Võ Nguyên Giáp, “Đường ra mặt trận”



Tôi lên Khuổi Tát chào Bác trước khi lên đường đi chiến dịch.

Bác hỏi:

- Chú đi xa như vậy, chỉ đạo các chiến trường có gì trở ngại không?

- Các đồng chí Tổng tham mưu phó, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị đều đã có mặt trên đó. Sẽ tổ chức cơ quan tiền phương của Bộ Tổng tư lệnh để chỉ đạo chiến trường toàn quốc, kể cả bộ đội tình nguyện ở Lào và Cam-pu-chia. Anh Nguyễn Chí Thanh và anh Văn Tiến Dũng ở lại khu căn cứ, phụ trách mặt trận đồng bằng Bắc bộ. Chỉ trở ngại là ở xa, khi có vấn đề quan trọng và cấp thiết, khó xin ý kiến của Bác và Bộ Chính trị.

- Tổng tư lệnh ra mặt trận, “Tướng quân tại ngoại”! Trao cho chú toàn quyền. Có vấn đề gì khó khăn, bàn thống nhất trong Đảng ủy, thống nhất với cố vấn thì cứ quyết định, rồi báo cáo sau.

Khi chia tay, Bác nhắc:

- Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng, không đánh.

Tôi cảm thấy trách nhiệm lần này rất nặng.

Ngày 5 tháng 1 năm 1954, tôi và một bộ phận cơ quan chỉ huy nhẹ lên đường đi Tây Bắc. Cùng đi, có đồng chí Vi Quốc Thanh, Trưởng đoàn Cố vấn quân sự Trung Quốc.

*

Tôi cùng đi với những đơn vị cuối cùng lên Điện Biên Phủ. Một tháng qua, khu căn cứ cũng như vùng tự do nói chung khá yên tĩnh. Phần lớn bom đạn đang trút xuống hai con đường 13 và 41 phía gần mặt trận (...)

Chiếc xe jeep, chiến lợi phẩm từ chiến dịch Biên Giới, ọc ạch đưa chúng tôi qua Đèo Khế đi về phía Tuyên Quang.

Mùa đông kháng chiến đầu tiên, nhân dân ta vác cuốc phá đường. Bây giờ những con đường được hàn gắn lại, như vết thương bắt đầu lành lên da non. Chợt nghĩ mình đã qua những thời kỳ ra mặt trận bằng những phương tiện khác nhau: đi bộ, đi ngựa, và bây giờ đã đi xe jeep.

Xe chạy giữa những đoàn người đi cùng chiều, tuôn chảy như nước. Đồng bào vui vẻ hoan hô cán bộ đi xe ô-tô ra mặt trận, nhìn thấy qua đây dấu hiệu trưởng thành của quân đội, của kháng chiến. Đuốc dân công, đèn xe thồ như sao sa trên suốt dọc đường.

Bến Bình Ca đầy ứ xe vận tải, hừng hực không khí chiến dịch. Tôi nhớ tới bản mệnh lệnh viết tay cho tiểu đoàn 42 ngày đầu chiến dịch Việt Bắc, Thu Đông 1947: “Tiểu đoàn 42 sống chết với con đường Bình Ca - Thái Nguyên”, con đường dẫn tới nơi Bác ở, tại Tân Trào. Sau chiến dịch, tiểu đoàn 42 đã được tặng danh hiệu “Tiểu đoàn Bình Ca”.

Qua Phú Thọ, tôi ghé thăm 304. Mùa khô này, đa số các đại đoàn đánh tập trung, riêng 304 sẽ phải chia ra hoạt động ở ba nơi rất xa nhau. Nhiệm vụ của bộ phận ở lại hậu phương cũng rất nặng. Tôi báo cho đơn vị biết Bộ đã quyết định điều trung đoàn 57 hành quân gấp bằng cơ giới lên Tây Bắc, và hỏi có thắc mắc gì không. Tham mưu trưởng Nam Long vui vẻ: “Báo cáo, không thắc mắc gì, mà còn rất phấn khởi. Đông Xuân này chỉ có 304 được làm cùng lúc cả ba nhiệm vụ: nhiệm vụ quốc tế ở Trung Lào, đánh địch trên chiến trường Tây Bắc, bảo vệ Trung ương ở khu căn cứ!”.

Đêm hôm sau, qua Tạ Khoa, dừng lại bên bờ sông Đà. Chiếc xe thỉnh thoảng không chịu nổ máy, phải nhờ người đẩy. Con đường đi Tây Bắc lần này mặt đường đã được mở rộng, màu đất mới đỏ tươi dưới ánh đèn pha. Sau Hội nghị Trung ương hồi đầu năm trước, để tạo điều kiện vận động bộ đội, nhân dân ta đã khôi phục và mở rộng trên bốn ngàn ki-lô-mét đường, trong đó có hai ngàn ki-lô-mét dành cho xe cơ giới. Chỉ nhìn con đường nằm chênh vênh bên bờ vực thẳm, thành vại (?) cao ngất, đã thấy quyết tâm và sức mạnh của nhân dân ta đi vào trận đánh sắp tới.

Các suối phần lớn chưa có cầu. Những người làm đường đã xếp đá thành những “cầu ngầm” cho xe qua. Loại cầu này có ưu điểm đặc biệt là không bị máy bay đánh phá. Khi qua suối, nghe đá lục cục và nước réo bên dưới, có người nói: “Cầu Trần Đăng Ninh đây!”. Chính anh Trần Đăng Ninh đã chỉ đạo làm loại “cầu gấp” này. Đáng buồn là anh Ninh không thể có mặt trong chiến dịch.

Dọc đường, lúc nào cũng nghe tiếng máy bay. Các đỉnh đèo đầy sương mù. Những ngọn đèn dù từ máy bay thả xuống tỏa một thứ ánh sáng xanh ma quái trên các bến phà. Tiếng bom nổ rền từ phía đường 41 vọng về.

Chúng tôi nghỉ lại một ngày ở Bản Chẹn. Ngày hôm đó máy bay ném bom khá gần nơi trú quân.

Đường ra mặt trận đèo tiếp đèo, suối tiếp suối. Qua những khu rừng âm u rậm rạp, lại đến những đồi tranh trơ trụi.

Tới ngã ba Cò Nòi, có cảm giác như đã ở mặt trận. Đây là nơi gặp nhau của các trục đường 13 và đường 41 nối liền với đường 6 từ Hà Nội lên Suối Rút. Các con đường tới đây đã biến đi dưới những hố bom. Kể cả những đồi núi chung quanh cũng chỉ còn là một màu đất đỏ. Dân công liên tục san đất sửa đường cho xe qua. Công việc luôn luôn bị đứt quãng vì máy bay tới thả pháo sáng, ném bom. Ngã ba Cò Nòi là một cửa ải tất cả những người ra trận đều phải vượt qua. Theo tài liệu của Pháp, từ tháng 1 năm 1954, việc oanh tạc các đường giao thông dẫn đến Điện Biên Phủ đã ngày càng ác liệt. Có trận dùng tới 39 máy bay ném bom B-26 (...) Lần đầu tiên, Mỹ đã cho Pháp sử dụng máy bay vận tải C-119 để thả bom na-pan (...)

Từ Cò Nòi tới Điện Biên Phủ là đường độc đạo (...) Người đi như trảy hội. Những đoàn dân công Việt Bắc, Tây Bắc, Khu Ba, Khu Bốn đều gặp nhau ở đây. Bộ binh, pháo binh, công binh, vận tải, văn công..., đơn vị này tiếp nối đơn vị khác. Bộ đội mặc áo bông mới dài tay, súng đạn, ba-lô, bao gạo đầy ắp trên người, đi hàng một nối nhau bước gấp. Bác đã nhắc Cục Quân nhu phải may đủ áo bông phát kịp tới các chiến sĩ sắp lên đường đi chiến dịch. Nhìn dáng đi mạnh mẽ của anh em, có thể thấy công tác tổ chức hành quân làm khá tốt. Ở Đại đoàn 308, đã xuất hiện phong trào “Ba Tốt”: ăn tốt, ngủ tốt, đi tốt. Anh nuôi bảo đảm những bữa cơm nóng. Bộ đội mang theo đỗ xanh làm giá thay rau tươi ngay trên đường. Mọi người chuẩn bị từ chiếc cọc màn, chiếc dây phơi quần áo để tới nơi là có ngay một chỗ ngủ tươm tất. Trước khi đi ngủ, từng tổ ba người khoét một hố nhỏ, lót ni-lông bên dưới rồi đổ nước ấm pha muối để cùng ngâm chân. Phong trào đang được nhân rộng ra các đơn vị (...)

Từng đoàn xe ô-tô vận tải, xe kéo pháo chậm chạp qua suối, máy rú từng hồi khi lên dốc.

Những chị dân công đòn gánh cong vút vì gạo, đạn, cười nói vui vẻ, bước qua những chiếc cầu tre mảnh khảnh hoặc những cầu gỗ ghép bằng thân cây do công binh mới bắc. Những anh dân công xe thồ lầm lũi điều khiển những chú “voi con” đi nhanh nhẹn trên đường. Những đoàn ngựa thồ của đồng bào Mèo từ rẻo cao xuống, những chị dân công người Tày, người Nùng gánh, người Thái, người Dao gùi, chấm phá thêm màu sắc cho bức tranh liên hoàn dài vô tận. Lại có cả những đàn bò nghênh ngang, những chú lợn chạy lon ton, dưới sự dẫn dắt kiên nhẫn của những anh em cung cấp, cũng đi ra mặt trận.

Từ hàng ngũ các đoàn dân công, chốc chốc lại vang lên một giọng hò, khi thì trong vắt của một cô gái đồng bằng Bắc bộ, khi thì trầm ấm của một chàng trai Khu Tư. Tiếng hát, câu hò như trả lời, như vượt lên những thách thức của bom đạn mỗi lúc càng nhiều ở phía trước.

Tôi đã đi chiến dịch nhiều, nhưng chưa bao giờ chứng kiến một không khí phấn khởi, hào hùng như lần này. Nhưng đây là điều có thể hiểu được,

Tôi sinh ra và lớn lên ở một làng nghèo tỉnh Quảng Bình, thuộc dải đất thiên nhiên ít ưu đãi ở miền Trung. Gia đình không đến nỗi đói ăn, nhưng những ngày giáp hạt thường thiếu. Từ khi còn là một chú bé, những lần theo mẹ đi vay và trả thóc trước và sau vụ gặt, tôi đã được thấy những hạt thóc lép, thóc mục khi đi vay, những hạt thóc mẩy phơi khô, quạt sạch khi phải trả, và cách đong vơi, đong đầy của chủ nợ. Tôi sớm hiểu nỗi khổ cực của những người nông dân không có ruộng đất hoặc ít ruộng đất nó như thế nào. Năm 1937, khi còn hoạt động trong Mặt trận Dân chủ, tôi đã cùng anh Trường Chinh viết cuốn Vấn đề dân cày. Thời gian trước cách mạng hoạt động ở chiến khu, tôi càng hiểu biết về cuộc sống cơ cực của những người nông dân nghèo khổ luôn luôn sẵn sàng đi theo cách mạng. Nông dân là đội quân chủ lực của cách mạng. Suốt những năm kháng chiến, hy sinh lớn nhất, đóng góp lớn nhất, chính là nông dân. Đảng ta đã sớm nghĩ tới vấn đề bồi dưỡng sức dân, mang lại những lợi ích thiết thực cho nông dân nghèo, nhưng chiến tranh gay gắt, hình thái cài răng lược giữa ta và địch, chưa cho phép làm được gì nhiều. Ta chưa đủ mạnh để thực hiện một mục tiêu quan trọng của cách mạng là đem lại ruộng đất cho dân cày. Ngày 4 tháng 12 năm 1953, theo đề nghị của Đảng ta, Quốc hội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ban hành Luật Ruộng đất. Sự kiện trọng đại này đã thổi một luồng sinh khí mới vào hàng ngũ những người kháng chiến, đặc biệt là cán bộ, chiến sĩ vốn phần lớn xuất thân từ nông dân, tạo thành khung cảnh hùng tráng người người ra trận hôm nay.

Đây sẽ là bất ngờ lớn nhất đối với quân địch trong mùa khô này, một sức mạnh tinh thần ghê gớm mà chắc chắn Na-va chưa đặt lên bàn cân so sánh lực lượng.


(Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hồi ký
Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử in lại trong Tổng tập hồi ký, nxb. Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2006, tr. 900, 909-912)