“Tháng 4 và tháng 5 năm 1967, Trung đoàn 923 liên tục xuất kích chiến đấu, phối hợp với Trung đoàn 921 và lực lượng phòng không trong các chiến dịch bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng và các trục giao thông quan trọng (…) Cường độ xuất kích (…) trung bình từ 30 đến 40 lần/chiếc một ngày (...) Địch đang liên tục bị thua đau. Có ngày máy bay Mỹ bị Míc bắn rơi 7 chiếc, trong khi Míc hoàn toàn vô sự!”.

“Ngày 12 tháng 5, không quân Mỹ cử tên đại tá Noóc-man Ca-đi-xơ dẫn đầu một đội hình gồm 6 chiếc F-105 và 12 chiếc F-4D bay đi tìm Míc không chiến nhằm rút ra kinh nghiệm giúp quét sạch bầu trời (…) Chiếc F-4D bùng cháy. Tên đại tá kịp nhảy dù, tiếp đất ngay đầu sân bay Hòa Lạc (…) Kẻ đi tìm Míc để trị giơ hai tay đầu hàng”.

Thắng đẹp hơn mơ! Chắc chắn ta đã chiến đấu xuất sắc lạ thường. Không quân Mỹ bị bất ngờ, nhưng rồi sẽ chứng tỏ là một lực lượng đáng sợ, với rất nhiều máy bay hiện đại, phi công được huấn luyện thật kỹ, dày dạn kinh nghiệm bay cũng như kinh nghiệm chiến đấu.

Cái trận ngày 14-5-1967, chỉ hai hôm sau thất bại nhục nhã vừa kể trên, đánh dấu một biến chuyển trong không chiến Việt - Mỹ. Hai mươi mấy chiếc F-4 cùng đánh bốn chiếc Míc-17!
“Tên lửa địch nhằng nhịt khắp vùng trời (…) Tôi nhìn khắp vùng, đâu cũng thấy F-4”. “Tôi” đã thoát chết như một phép lạ.

Một giai đoạn cực kỳ khó khăn vừa bắt đầu. Nhưng ta sẽ vượt qua được.
(TT)



Lê Hải, Phi công tiêm kích (03)




Tháng 4 và tháng 5 năm 1967, Trung đoàn 923 liên tục xuất kích chiến đấu, phối hợp với Trung đoàn 921 và lực lượng phòng không trong các chiến dịch bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng và các trục giao thông quan trọng. Nhiều trận, Míc-21 phối hợp chiến đấu với Míc-17. Míc-21 chủ yếu trị bọn bay cao, còn Míc-17 hoạt động ở tầng thấp.

Sáng sớm ngày 24-4-1967, biên đội Toại - Hải - Chao - Kỷ trực cấp 1 ở sân bay Gia Lâm. Đến 8 giờ mà trời còn mù rất nặng (...) Chín giờ 15 phút, có lệnh (...) cất cánh gấp (...) Gió nhẹ, biên đội vòng về hướng Xuân Mai - Hòa Bình theo dẫn đường của sở chỉ huy, bay đội hình bàn tay xòe, vừa lấy độ cao, chưa ra khỏi lớp mù 2.000m, tốc độ 700km/giờ. Trong biên đội xuất kích, thường chỉ bố trí một lái mới đi ở vị trí số 2. Tôi bám sát số 1 ở cự ly 200m, góc nhìn 45 độ như quy định. Biên đội tiếp tục lấy độ cao. Chỉ huy sở chủ định cho đánh vào tốp 3.500m, đang vào phía Hòa Bình.

Bất ngờ, số 4, anh Kỷ báo cáo gấp với biên đội trưởng: “Địch bên trái, phía dưới, rất đông”. Theo quy định, trong tình huống khẩn cấp, biên đội trưởng là người chỉ huy trên không, có thể thay đổi ý định chiến đấu khi thấy cần. Anh Toại ra lệnh: “Vứt thùng dầu phụ, tôi và số 2 đánh tốp đầu, số 3, số 4 đánh tốp sau. Chú ý khéo va núi”. Chúng tôi vòng gấp xuống, lao thẳng vào tốp đi trước. Bọn địch phát hiện Míc-17 ở cự ly rất gần vì trời mù. Chúng gồm hơn 20 chiếc F-105, bay rất thấp, độ cao khoảng 200-500m, dọc sông Đáy một bên là vách núi đá vôi cao sừng sững. Lợi dụng địa hình che khuất, chúng định tấn công vào Hà Nội. Bất ngờ gặp biên đội chúng tôi, bọn cường kích này liền vứt bom, tháo lui. Đội hình chúng ùn lại. Tôi bám theo số 1 đang bám mấy chiếc F-105 xuống độ cao khoảng 100m. Có những chiếc F-105 to như cái thuyền, bay chéo qua buồng lái của máy bay tôi. Tôi còn nhìn được một thằng lái đội mũ bay trắng, chui dưới bụng máy bay. Tôi báo với số 1: Có hai thằng đang bám sau, chú ý cơ động.

Tôi ngoặt gấp, tránh được bọn đang đuổi theo mình. Phía trước bên trái, có hai chiếc F-105 đang lách núi. Máy bay tôi lúc này đang ở độ cao 200m, tốc độ khoảng 800km/giờ. Tôi đã nhìn rõ được màu xám của chiếc F-105 bay sau. Cự ly còn hơi xa, nhưng tôi quyết định nổ súng. Tôi bắn một loạt dài, hết 5 giây. Toàn bộ số đạn đã tuôn hết vào chiếc máy bay địch. Nó bốc khói, lảo đảo. Tôi vội kéo máy bay vượt qua đỉnh núi. Tí nữa thì va vào núi (...) Sau hai phút hỗn chiến, địch tháo chạy khỏi khu vực chiến đấu (...) La bàn trên máy bay chỉ không chuẩn vì máy bay đã cơ động quá mạnh. Tôi đánh vòng thật thấp, ở độ cao 50m, quanh một hòn núi nhỏ, để định hướng về. Biên đội kiểm tra thấy thiếu số 2. Anh Chao đang bay phía sau, dầu lại còn khá, nên được số 1 cử quay lại tìm tôi. Tôi vô cùng mừng rỡ khi thấy số 3 quay lại đón. Hai anh em bay về Gia Lâm hạ cánh sau đôi trước độ 5 đến 7 phút. Trong biên đội, lần này chỉ mình tôi nổ súng được.

Vừa tắt máy, bước xuống máy bay, tôi đã thấy câu khẩu hiệu trên bảng chào mừng chiến thắng của biên đội. Đồng chí chính trị viên ôm tôi. Anh em thợ máy bắt tay chúc mừng. Biên đội Toại - Hải - Chao - Kỷ đã cản phá được một đợt máy bay Mỹ định vào ném bom Hà Nội. Ý nghĩa chính của trận đánh là ở đó. Biên đội trưởng đã có quyết định đúng khi hạ lệnh đánh cái đám F-105 bay thấp mà ra-đa không bắt được này. Đối với tôi, lần đầu nổ súng đã vô cùng quan trọng, bởi có giá trị tạo niềm tự tin. Tôi đã trực tiếp trải nghiệm một điều căn bản trong không chiến, là điều kiện xạ kích lý tưởng rất khó có, vì vậy không nên quá cầu toàn.

Anh Toại sau này được bổ nhiệm làm Phó tư lệnh Quân chủng Không quân. Anh đã bắn rơi được 3 máy bay Mỹ. Là chiến sĩ trong thời đánh Pháp 9 năm, anh thuộc lớp phi công đầu tiên trong phi đội 2 - phi đội hai lần được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân.

Anh Hoàng Văn Kỷ, người Thanh Hóa, là lớp phi công Míc-17 đầu tiên được đào tạo ở Liên Xô. Về nước năm 1967, anh đã bắn rơi 2 chiếc F-4 và 2 chiếc F-105 trong 4 lần nổ súng. Có lần anh diệt máy bay địch bằng một loạt ngắn, chỉ có 11 viên đạn. Hoàng Văn Kỷ đã nổ súng là bắn rơi máy bay địch. Tôi đã cùng anh chiến đấu nhiều trận. Trận ngày 12 tháng 5 năm 1967, biên đội Tịnh - Hải - Mai - Kỷ đã bắn rơi 2 chiếc F-4 và 1 chiếc F-105. Anh Mai đã bắn rơi máy bay của đại tá Noóc-man Ca-đi-xơ. Kẻ dẫn đầu đội hình địch, lái F-4 hiện đại, chủ động không chiến để trị Míc, thì lại bị chính Míc-17 nhỏ bé, cổ lỗ sĩ - như lời giặc lái Mỹ hay nói - bắn rơi tại chỗ. Ngày 5-6-1967, anh Hoàng Văn Kỷ đã anh dũng hy sinh khi chiến đấu với địch trên vùng trời Vĩnh Phú (...)

Ngày 25-4-1967, biên đội Trung, Điệt, Tài, Thọ xuất kích lúc 11 giở 30 phút, bắn rơi một chiếc F-105 trên vùng trời tỉnh Hòa Bình. Đây là chiếc máy bay Mỹ thứ năm bị người phi đội trưởng anh hùng Lê Quang Trung bắn hạ.

Đồng chí Điệt, quê ở Nghệ An (...) đã bắn rơi một chiếc F-4. Trong một lần không chiến ở phía tây Hà Nội, máy bay của anh bị trúng tên lửa của một chiếc F-8. Anh nhảy dù ở độ cao thấp, dù mở chưa hết đã tiếp đất. Cột sống bị chấn thương nặng, anh bị liệt hai chân. Hiện nay anh sống cùng vợ con ở thành phố Vinh.

Thầy Tài quê ở Quảng Nam, về nước chiến đấu vào đầu năm 1966. Thầy đã bắn rơi hai chiếc F-4 và hy sinh trong một trận không chiến trên bầu trời Hà Bắc. Là một chiến sĩ tham gia đánh thực dân Pháp, trình độ văn hóa lúc đầu hạn chế, nhưng thầy đã miệt mài học tập, rèn luyện, trở thành phi công, thành giáo viên. Thầy hy sinh khi chưa lập gia đình. Năm ấy, thầy đã hơn 30 tuổi (...)

Tháng 5 năm 1967, địch mở nhiều chiến dịch đánh vào Hà Nội và các vùng lân cận. Cường độ xuất kích của không quân ngày một tăng, trung bình từ 30 đến 40 lần/chiếc một ngày (...)

Địch đang liên tục bị thua đau. Có ngày máy bay Mỹ bị Míc bắn rơi 7 chiếc, trong khi Míc hoàn toàn vô sự!

Ngày 12 tháng 5, không quân Mỹ cử tên đại tá Noóc-man Ca-đi-xơ dẫn đầu một đội hình gồm 6 chiếc F-105 và 12 chiếc F-4D bay đi tìm Míc không chiến nhằm rút ra kinh nghiệm giúp quét sạch bầu trời.

Biên đội Tịnh - Hải - Mai - Kỷ từ Gia Lâm cất cánh lên phía tây, ở độ cao khoảng 3.500 mét, gặp đội hình tề chỉnh của Ca-đi-xơ trên đỉnh sân bay Hòa Lạc. Mây Cu-công, khoảng 5 đến 7 phần bầu trời. Biên đội phát hiện địch và địch cũng phát hiện được ta. Địch lập tức tổ chức không chiến. Sáu chiếc F-105 này không mang bom, chỉ mang tên lửa. Mười hai chiếc F-4D mỗi chiếc mang 12 tên lửa, cả hai loại tầm nhiệt và điều khiển vô tuyến điện từ xa. Gần 30 máy bay của ta và địch quần đảo, bám nhau, lúc vào mây, lúc ra mây. Mỗi lần công kích, chúng phóng liền hai quả tên lửa. Bầu trời rạch ngang dọc vạch khói tên lửa của gần 20 máy bay Mỹ. Bọn F-105 cũng bắn nhiều loạt đạn ca-nông vào biên đội. Anh Tịnh bắn rơi chiếc F-105 đầu tiên. Liền đó, anh Kỷ cũng nổ súng, bắn rơi chiếc F-105 thứ hai. Máy bay địch bốc cháy, lao xuống vùng núi xanh thẳm. Anh Mai và tôi quần nhau với bọn F-4D ở tầng cao hơn. Ta và địch bay vòng, chủ yếu là cơ động nghiêng, lượn. Địch liên tiếp phóng tên lửa. Tôi phải tránh liền mấy quả tên lửa, chưa có cơ hội nổ súng. Trong khi đó, anh Mai thấy một chiếc F-4D từ dưới đám mây vừa chui lên, lập tức bám riết phía trên nó, rồi nổ một loạt đạn trúng ngay lưng. Chiếc F-4D bùng cháy. Tên đại tá kịp nhảy dù, tiếp đất ngay đầu sân bay Hòa Lạc. Các dân quân trai gái làng gần đó vác súng trường xông tới. Kẻ đi tìm Míc để trị giơ hai tay đầu hàng (...) Biên đội chúng tôi an toàn, về hạ cánh ở Gia Lâm (...)

Anh Ngô Đức Mai sinh ngày 6-11-1938, quê ở Nghệ An. Anh đi bộ đội năm 1955, học lái máy bay chiến đấu ở Trường Không quân Việt Nam bên Trung Quốc. Anh về nước đầu năm 1966. Ngày 4-3-1966, anh bắn rơi chiếc F-4 đầu tiên. Anh đã bắn rơi 3 máy bay Mỹ, kể cả chiếc của đại tá Ca-đi-xơ. Anh Mai anh dũng hy sinh ngày 3 tháng 6 năm 1967 trên vùng trời Hà Bắc, nơi biên đội của anh đã đánh nhau với một đoàn hơn 20 máy bay địch (...)

Trong ngày 12 tháng 5, Trung đoàn 923 xuất kích ba biên đội, bắn rơi 5 máy bay Mỹ. Riêng biên đội Tịnh - Hải - Mai - Kỷ đã bắn rơi 3 chiếc như vừa kể trên.

Ngày 14-5-1967, Trung đoàn tổ chức trực ban chiến đấu 3 biên đội, 1 biên đội ở Hòa Lạc, 2 biên đội ở Gia Lâm, mỗi biên đội 4 chiếc Míc-17. Khoảng 10 giờ, ra-đa phát hiện một đoàn máy bay địch ở độ cao 3.500m, đội hình lớn, ổn định, hướng về Hà Nội. Đường đi của chúng giống các lần trước, vẫn từ phía Hòa Bình bay vào. Biên đội Mẫn - Hải - Hôn - Bôn được lệnh cất cánh ngay.

Biên đội bay về phía Hòa Bình, càng vào vùng núi, mây càng nhiều, đến 8-9 phần bầu trời. Ra-đa nhanh chóng phát hiện địch. Địch cũng phát hiện được ta ngay, lập tức tăng lực, triển khai đội hình chiến đấu. Theo lệnh của biên đội trưởng, chúng tôi thả thùng dầu phụ, tăng lực, lấy độ cao bằng địch, bên trên lớp mây gần 10 phần độ 2.000m. Biên đội trưởng và tôi - số 2 - lao vào tốp đầu tiên. Số 3, số 4 đánh tốp sau. Bọn địch lập tức chia làm 2 tầng, 12 chiếc F-4 lấy độ cao trên mây, số còn lại gồm hơn 10 chiếc F-4 bay gần đỉnh mây, chực đánh ở tầm gần. Lúc đầu chúng tôi còn giữ được đội. Tôi cố gắng bám theo, yểm hộ cho số 1 ở cự ly 400 đến 600m. Sau khi bị hai chiếc F-4 bám theo, phóng liền mỗi chiếc 2 quả tên lửa, tôi cố tránh được nhưng sau đó mất đội. Tình trạng hai anh Hôn - Bôn cũng vậy. Tên lửa địch nhằng nhịt khắp vùng trời. Chúng tôi quần nhau với địch trên tầng mây mà bên dưới là núi cao. Vừa đánh vừa ghìm địch xuống thấp là chiến thuật hay dùng của Míc-17, để vừa phát huy được tính năng cao thấp của máy bay ta, vừa hạn chế việc ta ít mà phải đối phó với địch ở nhiều tầng độ cao. Anh Mẫn đã bắn rơi được chiếc F-4 vừa phóng tên lửa vào một đồng đội. Nhờ anh hô mà bạn kịp thời tránh được quả tên lửa bay sát qua đuôi. Anh Hôn cũng bắn rơi được 1 chiếc. Nhưng chỉ mấy phút sau, hai anh lần lượt hy sinh. Tôi bị 6 máy bay địch đua nhau từng đôi luân phiên vào phóng tên lửa, phải thực hiện những động tác cơ động thật kịch liệt mới tránh được. Tự nhiên, tai tôi không còn nghe tiếng rào rào của vô tuyến điện. Khi hạ cánh xong, tôi mới biết đầu cắm lúc ấy đã bị tụt ra.

Bôn đã rời được khu vực chiến đấu. Tôi nhìn khắp vùng, đâu cũng thấy F-4, cứ từng đôi, tầng trên có, tầng giữa có, tầng thấp hơn cũng có. Mây che khắp, lao ẩu xuống là va núi như chơi. Tôi bình tĩnh cố tránh hết đợt tên lửa này tới đợt tên lửa khác. Kiểm tra đồng hồ dầu, thấy cứ đà tăng lực này thì chỉ 7 đến 10 phút nữa là hết dầu. Tôi chợt thấy xa xa, độ 5km, có một lỗ trống trong tầng mây. Theo kinh nghiệm, tôi đoán bên dưới có thể là một thung lũng. Tôi vừa vòng vừa tạo thế, lúc nào máy bay tôi cũng cơ động khá mạnh, để lại gần cái lỗ của hy vọng ấy. Khi đến nơi, sau khi tránh một đợt tên lửa nữa, tôi ấn cần lái, người tôi bốc lên khỏi ghế ngồi (có dây an toàn giữ lại), máy bay lao vút xuống lỗ. Thật may mắn, vách núi cao sừng sững cách cánh phải máy bay tôi không xa. Không một thằng F-4 nào dám lao xuống theo. Tôi bay dọc sông Đà ở độ cao cực thấp, chỉ khoảng 20m, tốc độ 90km/giờ, thẳng về sân bay Gia Lâm hạ cánh. Phải đáp ngay, vì không còn đủ dầu để lập vòng lượn hạ cánh bình thường. Máy bay tiếp đất, cũng là lúc dầu trên máy bay cạn giọt cuối cùng. Động cơ tự động tắt. Các đồng chí thợ máy đỡ tôi ra khỏi buồng lái. Biên đội lúc ra đi 4 chiếc, bây giờ về chỉ còn Bôn xuống Hòa Lạc, tôi ở Gia Lâm.

Anh Võ Văn Mẫn sinh năm 1939, quê ở Mỹ Thạnh, Ba Tri, Bến Tre. Thời đánh Pháp, bố anh, ông Võ Ngươn Hanh, làm Bí thư huyện Ba Tri. Ông và người con cả là Võ Văn Ngôn đã hy sinh thời chống Mỹ năm 1969 trong một trận giặc càn ác liệt. Anh Mẫn ra Bắc học ở Trường học sinh miền Nam, năm 1959 nhập ngũ, rồi qua Trung Quốc học lái máy bay chiến đấu. Anh thuộc lớp phi công đầu tiên của Trung đoàn 923. Trong trận đánh ngày 14-5-1967 vừa kể, sau khi bắn rơi 1 chiếc F-4, anh còn bắn bị thương được 1 chiếc nữa thì máy bay anh mới bị trúng tên lửa của địch. Tổng cộng, anh Mẫn đã trực tiếp bắn rơi 4 máy bay Mỹ (...) Mẹ anh - bà Huỳnh Thị Nghinh -, một Bà mẹ Việt Nam anh hùng, năm nay ngoài 80 tuổi, đang sống với bà con ở tại quê nhà (...)

Anh Nguyễn Thế Hôn tuổi trạc anh Mẫn, quê ở Hà Đông, vào bộ đội, và cũng thuộc lớp phi công đầu tiên của Trung đoàn được đào tạo tại Trung Quốc (...) Anh tận tình giúp đỡ anh em mới về từ những sinh hoạt bình thường đến chuẩn bị cho chiến đấu (...) Khi xuất kích, anh thường là người đầu tiên phát hiện địch. Anh Hôn tham gia chiến đấu từ đầu năm 1966. Trong trận phục kích ở Kiến An cuối tháng 4-1967, anh bắn rơi 1 chiếc F-4. Trước đó, anh đã bắn rơi được 1 chiếc F-105D. Khi hy sinh, anh đã hạ được 3 máy bay Mỹ (...)

Thời ấy, Bác Hồ qui định, phi công mỗi lần bắn rơi một máy bay Mỹ, được Bác thưởng cho một huy hiệu của Người. Anh em rất sung sướng và tự hào khi nhận được phần thưởng của Bác (...) Số phi công bắn rơi được từ 5 chiếc trở lên có thể đếm trên đầu ngón tay, trong số đó có những người đã hy sinh trước khi chiến tranh kết thúc. Từ ngày 19-4-1967 đến ngày 19-5-1967, Trung đoàn 923 đánh 15 trận, bắn rơi 27 máy bay Mỹ, được Bác Hồ tặng cờ “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”.


(Lê Hải,
Phi công tiêm kích, nxb. Quân Đội Nhân Dân, 2004)