“Từ cuối tháng 11 năm 1953, cùng với cuộc tiến quân lên Tây Bắc, một cánh quân khác của ta cũng lên đường tiến xuống Trung, Hạ Lào (…) Một sự việc bất ngờ đã xảy ra (…) tiểu đoàn Âu Phi ở cứ điểm Khăm He (…) bị tiêu diệt. Ta thu nhiều vũ khí, quân trang quân dụng, trong đó có 4 khẩu 105 nguyên vẹn cùng với một ngàn viên đạn pháo. Số đạn pháo chiến lợi phẩm này sẽ xuất hiện ở Điện Biên Phủ trong những ngày pháo ta đói đạn trầm trọng”. Cộng vào với 10.000 viên đã tịch thu ở Lạng Sơn trong chiến dịch Biên Giới! Đạn nó súng nó bắn nó, sướng ơi là sướng!

“Toàn tỉnh Khăm Muộn với 40.000 ki-lô-mét vuông và hàng chục vạn dân được giải phóng (...) Phòng tuyến Trung Lào tan vỡ (…) Na-va vội điều thêm (quân cơ động) từ đồng bằng Bắc bộ vào (…) Cuối tháng 12 năm 1953 (…) Trung Lào (…) trở thành nơi tập trung quân lớn thứ ba trên chiến trường Đông Dương (...) Na-va đã buộc phải phân tán khối cơ động ra ba nơi: đồng bằng Bắc bộ, Tây Bắc, và Trung Lào (…) Chiến dịch Đông Xuân 1953-1954 đã có bước khởi đầu thuận lợi (…) Rồi đây khi mặt trận Tây Nguyên mở ra, địch sẽ phải tiếp tục phân tán”. Nó tập trung ở ba nơi, nhưng chỉ có một nơi là ta có hy vọng tiêu diệt được. Bởi chỉ nơi đó có cả địa hình thuận lợi lẫn nằm trong tầm vận chuyển tiếp tế của ta.

“Đã có những dấu hiệu địch đang xây dựng ở Điện Biên Phủ một tập đoàn cứ điểm với qui mô lớn hơn nhiều so với Nà Sản. Hạ tuần tháng 12 năm 1953, Bộ Chính trị quyết định chọn Điện Biên Phủ làm điểm quyết chiến chiến lược trong Đông Xuân 1953-1954”. Ta chọn rồi, giờ chỉ mong nó đừng xây rồi bỏ như ở Nà Sản.

(Thu Tứ)



Võ Nguyên Giáp, “Tiếp tục thuận lợi”



Từ cuối tháng 11 năm 1953, cùng với cuộc tiến quân lên Tây Bắc, một cánh quân khác của ta cũng lên đường tiến xuống Trung, Hạ Lào.

Tham gia tiến công địch ở hướng này có trung đoàn 66 của 304, các trung đoàn 101 và 18 của 325, cùng các đơn vị tình nguyện của Liên khu IV, Liên khu V đã sang phối hợp với bạn hoạt động từ những năm trước, và một số đơn vị Pa-thét Lào. Bộ chỉ huy chiến dịch Trung Lào, lấy mật danh là “Mặt trận D” được thành lập. Các đồng chí Hoàng Sâm, Tư lệnh Đại đoàn 304, Trần Quý Hai, Tư lệnh kiêm Chính ủy Đại đoàn 325 được cử tham gia Bộ chỉ huy liên quân. Lực lượng ta tiến vào Trung, Hạ Lào theo ba đường. Các trung đoàn 66, 101, tiểu đoàn 274 (thuộc trung đoàn 18), và Đại đoàn bộ 325 hành quân theo tỉnh lộ Nghệ An vào Chu Lễ, Hương Khê rồi vượt đèo Quắc và dốc Trìm - Trẹo sang bắc Trung Lào. Tiểu đoàn 436 của 101 theo đường xuyên Trường Sơn tiến thẳng xuống Hạ Lào. Trung đoàn 18 (thiếu 274) theo quốc lộ 1 tới Kỳ Anh, vượt đèo Móng Gà sang Cổ Áng theo đường Ba Rền, U Bò tiến vào phía bắc đường số 9 (...)

Địch phát hiện ngay một lực lượng lớn bộ đội ta đang tiến về hướng Trung Lào. Ngày 1 tháng 12, Na-va vội vã rút binh đoàn cơ động số 2 từ đồng bằng Bắc bộ vào bịt các cửa ngõ hai tỉnh Khăm Muộn và Xa-van-na-khét, chủ yếu là ba con đường số 8, số 9, và số 12 nối liền Việt Nam với Trung Lào. Địch phân tán binh lực là điều đáng mừng đối với ta. Tuy nhiên, địch sớm đề phòng sẽ gây khó khăn cho ta khi khởi đầu chiến dịch ở hướng này (...)

Trinh sát của ta ở Điện Biên Phủ hàng ngày báo cáo về: địch tiếp tục thả dù xuống thêm binh lính, vũ khí, và rất nhiều dây thép gai. Chúng ráo riết sửa chữa sân bay (...) Đã có những dấu hiệu địch đang xây dựng ở Điện Biên Phủ một tập đoàn cứ điểm với qui mô lớn hơn nhiều so với Nà Sản.

Hạ tuần tháng 12 năm 1953, Bộ Chính trị quyết định chọn Điện Biên Phủ làm điểm quyết chiến chiến lược trong Đông Xuân 1953-1954. Đảng ủy chiến dịch được chỉ định gồm các anh: Hoàng Văn Thái, Tham mưu trưởng; Lê Liêm, Chủ nhiệm Chính trị; Đặng Kim Giang, Chủ nhiệm Cung cấp; tôi là Bí thư Đảng ủy kiêm Chỉ huy trưởng chiến dịch.

Đại đoàn 312 đang giấu mình trong một khu rừng già ở Yên Bái, được lệnh tiến gấp lên Tây Bắc.

Ngày 20 tháng 12 năm 1953, ban chỉ huy Đại đoàn 351 và các trung đoàn trưởng lựu pháo 105 và cao xạ pháo được triệu tập lên Bộ để nhận lệnh. Tôi trực tiếp trao nhiệm vụ cho Đại đoàn: “Trọng pháo ra trận lần đầu sẽ gặp nhiều khó khăn lớn. Trước mắt, phải bảo đảm an toàn và tuyệt đối bí mật trong hành quân. Đưa được người và pháo tới đích an toàn, coi như đạt 60% thắng lợi”. Chỉ một ngày sau khi nhận lệnh, cả hai đơn vị lựu pháo và cao pháo đã lên đường.

Ngày 21 tháng 12 năm 1953, trung đoàn 36 của 308 đã có mặt ở Pom Lót, gấp rút tổ chức một cái chốt chặn trên con đường từ Mường Thanh đi Tây Trang, không cho quân địch di chuyển từ Điện Biên Phủ qua Thượng Lào.

Tại Trung Lào (...) Bộ chỉ huy liên quân Lào - Việt đề ra trong kế hoạch đợt 1, tiến công cụm cứ điểm phòng ngự then chốt trên đường số 12. Lực lượng sử dụng là hai trung đoàn 66 và 101. Ta sẽ dùng chiến thuật đánh điểm diệt viện (...) Theo kế hoạch, ngày 23 tháng 12, trung đoàn 66 nổ súng tiến công cứ điểm Mụ Giạ, Ba-na-phào mở màn chiến dịch. Nhưng một sự việc bất ngờ đã xảy ra.

Sáng ngày 20, đoàn cán bộ của trung đoàn 101 do trung đoàn trưởng Trần Văn Bành và chính ủy Hoàng Văn Thái dẫn đầu, đi trinh sát thực địa trên đường 12 tìm nơi bố trí trận địa phục kích đánh viện. Tới suối Nậm On, đoàn cán bộ chạm trán với một toán địch đang lùng sục trong vùng. Cuộc tao ngộ chiến kết thúc chóng vánh. Ta bắt sống một viên đại úy cùng với bốn lính Âu Phi. Bọn này khai (...) cách đây bốn hôm, tiểu đoàn An-giê-ri số 27 và một đại đội pháo 105 (...) đã lên xây dựng thêm một cứ điểm ở khu vực cầu Khăm He, binh đoàn cơ động số 2 cũng mới thiết lập một sở chỉ huy ở gần cầu Khả Ma (...)

Thời cơ đã xuất hiện. Quân địch mới tới còn đứng chân chưa vững. Trung đoàn trưởng 101 đánh điện báo cáo bộ chỉ huy liên quân, và đề nghị cho chuyển từ nhiệm vụ phục kích sang khẩn trương tập kích tiêu diệt tiểu đoàn Âu Phi ở cứ điểm Khăm He. Đề nghị của trung đoàn được bộ chỉ huy chấp nhận (...)

Không để cho quân địch có thời gian chuẩn bị đối phó, đêm ngày 21 tháng 12, trung đoàn 101 bí mật tiếp cận mục tiêu và nổ súng tiến công (...) Các phân đội hiệp đồng đúng theo kế hoạch, thọc sâu vào giữa đồn địch rồi tỏa rộng chia cắt địch, phối hợp trong đánh ra, ngoài đánh vào. Gần sáng, trận đánh kết thúc. Hầu hết quân địch bị tiêu diệt. Ta thu nhiều vũ khí, quân trang quân dụng, trong đó có 4 khẩu 105 nguyên vẹn cùng với một ngàn viên đạn pháo. Số đạn pháo chiến lợi phẩm này sẽ xuất hiện ở Điện Biên Phủ trong những ngày pháo ta đói đạn trầm trọng.

Hai giờ sau, một đại đội lính Ma-rốc từ Ba-na-phào xuống cứu viện, lọt vào trận địa trung đoàn, bị tiêu diệt gọn. Thừa thắng, trung đoàn tiến công tiếp vị trí Kha Ma, tiêu diệt luôn tiểu đoàn Ma-rốc vừa tới chiếm đóng.

Đêm ngày 23 tháng 12, theo kế hoạch, trung đoàn 66 mở cuộc tiến công vào khu vực then chốt ở Trung Lào: cụm cứ điểm Mụ Giạ, Ba-na-phào. Nhưng chiến thắng của ta ở Khăm He, Kha Ma đã làm cho quân địch ở cả hai nơi này rút chạy. Cuộc công đồn biến thành truy kích. Trung đoàn cắt đường rừng, vượt sông, bắt kịp quân địch ở ngã ba Na-ca-cham, tiêu diệt một số. (Một bộ phận địch) chạy vào đồn Pa Cuội (...) Ta tiến công đồn Pa Cuội, đánh gây thiệt nặng nặng (...)

Cũng trong hai ngày 23 và 24 (...) toàn tỉnh Khăm Muộn với 40.000 ki-lô-mét vuông và hàng chục vạn dân được giải phóng (...)

Phòng tuyến Trung Lào tan vỡ. Trước tình thế “Đông Dương bị cắt làm đôi”, Na-va vội điều thêm một binh đoàn cơ động và một binh đoàn không vận từ đồng bằng Bắc bộ vào, tổ chức Xê-nô nằm trên đường số 9 gần Xa-van-na-khét thành một tập đoàn cứ điểm với 10 tiểu đoàn.

Cuối tháng 12 năm 1953, quân địch ở Trung Lào đã lên tới 26 tiểu đoàn, trở thành nơi tập trung quân lớn thứ ba trên chiến trường Đông Dương (...)

Na-va đã buộc phải phân tán khối cơ động ra ba nơi: đồng bằng Bắc bộ, Tây Bắc, và Trung Lào (...)

Chiến dịch Đông Xuân 1953-1954 đã có bước khởi đầu thuận lợi. Một phần ba lực lượng cơ động của địch ở đồng bằng đã phân tán. Rồi đây khi mặt trận Tây Nguyên mở ra, địch sẽ còn phải tiếp tục phân tán. Không còn phải băn khoăn nhiều về một cuộc tiến công lớn nhằm vào căn cứ địa kháng chiến của ta.


(Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hồi ký
Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử in lại trong Tổng tập hồi ký, nxb. Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2006, tr. 895-899)